Vị thế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh mới

PGS, TSKH TRẦN KHÁNH - TS TRẦN LÊ MINH TRANG
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
16:45, ngày 15-06-2024

TCCS - Với nỗ lực gắn kết cộng đồng và giữ vững vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, vị thế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng được củng cố. ASEAN đang là “điểm sáng” về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và là nơi giữ được thế cân bằng trước sức ép cạnh tranh và có xu hướng đối đầu giữa các nước lớn. Trong sự thành công đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng, nhất là góp phần duy trì sự thống nhất, giữ vững các nguyên tắc và định hình “luật chơi” của ASEAN.

Lễ Thượng cờ ASEAN 2023 tại Hà Nội_Ảnh: TTXVN

Vị thế, tầm ảnh hưởng của ASEAN trong bối cảnh mới

Thế mạnh và cơ hội mới của ASEAN

Có thể thấy, vị thế của ASEAN được định vị hay xác định không chỉ bởi khả năng, nội lực vốn có, mà còn bởi tác động từ xu hướng biến đổi trong quan hệ quốc tế thông qua tương tác với thế giới bên ngoài, nhất là các đối tác của ASEAN. Trên thực tế, trải qua gần 60 năm tồn tại và phát triển (1967 - 2024), từ bước khởi đầu khiêm tốn, ASEAN đã thành công trong việc đưa khu vực Đông Nam Á từ chia rẽ, đối đầu, nghi kỵ lẫn nhau trở thành một cộng đồng khu vực của 10 quốc gia Đông Nam Á sống trong hòa bình, hội nhập và phát triển, ngày càng có vị thế, tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Hiện nay, ASEAN là một trong những khu vực được đánh giá là hấp dẫn nhất đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2022, ASEAN thu hút tới 17% nguồn vốn FDI của thế giới. Nếu năm 2010, dòng vốn FDI vào ASEAN chỉ đạt gần 76 tỷ USD, thì con số này đã tăng gấp ba lần, lên 224 tỷ USD vào năm 2022(1). Thị phần của ASEAN trong thương mại thế giới tăng từ khoảng 6,5% năm 2010 lên 7,5% vào năm 2021, nhanh hơn các khu vực khác(2). Năm 2022, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của ASEAN đạt trên 3.300 tỷ USD và bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD. Dự báo đến năm 2027, GDP của ASEAN có thể đạt mức trên 4.000 tỷ USD và đến năm 2030, khoảng 60% dân số ASEAN có tiềm năng gia nhập tầng lớp trung lưu(3). ASEAN đang được đánh giá là một thị trường tiêu thụ rộng lớn, là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.

Sự hiện diện và tầm quan trọng của ASEAN ngày càng mở rộng không chỉ đối với khu vực Đông Nam Á, mà còn vươn ra phạm vi toàn thế giới, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. ASEAN đang thể hiện vai trò trung tâm thông qua các thể chế hợp tác đa phương do ASEAN dẫn dắt, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Cùng với các cơ chế hợp tác trong ASEAN, điển hình là Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các cơ chế hợp tác đa phương trên đã và đang giúp ASEAN xử lý khá tốt mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích khu vực, lợi ích của khu vực với các đối tác bên ngoài, nhất là dung hòa lợi ích với các nước lớn, từ đó tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài cho duy trì an ninh và phát triển của ASEAN và các quốc gia thành viên, cũng như đóng góp quan trọng hơn cho hòa bình và phồn vinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, ASEAN và các quốc gia thành viên luôn nhận thức sâu sắc rằng Đông Nam Á và các quốc gia trong khu vực khó có thể tránh khỏi sự can dự và cạnh tranh ảnh hưởng từ các cường quốc bên ngoài. Do đó, ngay từ khi mới được thành lập, ASEAN đã chủ động thiết lập, mở rộng quan hệ với các nước lớn, theo đuổi chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời linh hoạt áp dụng các sách lược cân bằng. Trong những năm gần đây, ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết cường quốc hàng đầu thế giới, như Trung Quốc (năm 2021), Mỹ (năm 2022), Nhật Bản (năm 2023), Ấn Độ (năm 2023). Việc nâng cấp quan hệ đã giúp ASEAN bước đầu vượt qua thế “kẹt” từ sự gia tăng cạnh tranh, có xu hướng đối đầu giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc, góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Điều này được thể hiện một phần trong “Tài liệu về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (AOIP) của ASEAN đưa ra từ năm 2019, trong đó hoan nghênh Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” (FOIP) của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh, ASEAN mong muốn duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu. ASEAN hy vọng tất cả đối tác và bạn bè, nhất là các nước lớn cùng tham gia hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và “vai trò trung tâm” của ASEAN là nguyên tắc nền tảng để thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời ASEAN tập trung củng cố và tối ưu hóa các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong đó có EAS, ASEAN+1, ARF, ADMM+ cùng nhiều cơ chế khác(4). Cách tiếp cận này giúp ASEAN giữ được sự cân bằng trong cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn để thu hút nguồn lực bên ngoài, duy trì an ninh, hợp tác và phát triển.

Bên cạnh đó, ASEAN từng bước củng cố sự đoàn kết trong nội bộ, nhất là trong ứng phó với các vấn đề nhạy cảm của khu vực. Năm 2020, dưới sự chủ trì của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc soạn thảo và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trong Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN những năm tiếp theo, nội dung này tiếp tục được đề cập, góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh của ASEAN trong hóa giải mâu thuẫn, xung đột đang nổi lên ở khu vực. Tháng 9-2023, ASEAN lần đầu tiên tiến hành tập trận chung ở khu vực Nam Biển Đông dưới sự chủ trì của In-đô-nê-xi-a, mà không có sự tham gia của các quốc gia phương Tây. Trong tình hình địa - chính trị phức tạp và bất ổn hiện nay, bằng động thái này, ASEAN đã thể hiện tính độc lập, tự chủ, trung lập cùng mong muốn duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, ASEAN đang là “điểm sáng” của tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong năm 2023 đạt 4,4%(5) và dự báo đạt khoảng 5% trong năm 2024 - vẫn giữ là một trong những khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới (GDP của nền kinh tế thế giới chỉ đạt khoảng 3%)(6). Hơn nữa, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực tiếp tục được duy trì và củng cố. ASEAN không ngừng mở rộng và nâng cấp, làm sâu sắc hơn quan hệ với tất cả đối tác, kiên trì theo đuổi chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, cân bằng chiến lược với các nước lớn. Cùng với đó, sự gia tăng can dự, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua các dự án địa - chiến lược, như Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc và FOIP của Mỹ cũng góp phần làm gia tăng vị thế địa - chiến lược, tài nguyên địa - chính trị của ASEAN/Đông Nam Á nếu ASEAN và các nước thành viên ngày càng đoàn kết, tự chủ chiến lược và gia tăng khả năng thích ứng, cạnh tranh.

Khó khăn và thách thức của ASEAN

Do tác động của đại dịch COVID-19 và sự suy giảm của tiến trình toàn cầu hóa cũng như tình hình thương mại, đầu tư nội khối ít được cải thiện, việc thúc đẩy một “ASEAN hợp nhất” về kinh tế chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi. Thực tế cho thấy, dòng vốn FDI nội khối năm 2022 đạt khoảng 21 tỷ USD, chiếm 1/7 tổng số vốn FDI vào khu vực. Trong đó, sự phân bổ vốn FDI trong ASEAN không đồng đều, khi Xin-ga-po chiếm gần 60%. Trong khi đó, thương mại nội khối có xu hướng sụt giảm, chỉ chiếm khoảng 21% thương mại của ASEAN(7)...

Tiếp đến là thách thức từ môi trường địa - chính trị, địa - kinh tế đang biến đổi phức tạp, khó lường. Các cơ chế do Mỹ thiết lập và đang theo đuổi, như Thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Ô-xtrây-li-a (AUKUS), Nhóm “Bộ Tứ” (QUAD), Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) hay việc Trung Quốc mở rộng hợp tác trên tất cả các mặt trong các cơ chế mà Trung Quốc đóng vai trò chính, như BRI, Hợp tác Mê Công - Lan Thương,... có thể làm suy yếu các thể chế hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt. Cùng với đó, cuộc xung đột Nga - U-crai-na và các lệnh trừng phạt lẫn nhau cũng như xu hướng tập hợp lực lượng theo “phe”, “trục” giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga đang gia tăng, có khả năng tiếp tục tác động tiêu cực đến sự đoàn kết của ASEAN, nhất là áp lực “chọn bên”, trong một số vấn đề quốc tế.

Phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN thời gian tới

Vai trò, vị thế của Việt Nam hiện nay

Trong gần 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Hiệp hội. Trước hết, sự tham gia của Việt Nam vào ASEAN không chỉ giúp chấm dứt sự đối đầu ở khu vực Đông Nam Á từng tồn tại dưới thời kỳ Chiến tranh lạnh, mà còn là “hạt nhân” thúc đẩy sự thống nhất và đoàn kết khu vực bằng nỗ lực kết nạp các nước còn lại ở Đông Nam Á, bao gồm Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma, vào “ngôi nhà chung” ASEAN. Tiếp đến, Việt Nam không chỉ tích cực tham gia, phối hợp cùng các quốc gia thành viên ASEAN thúc đẩy sự hợp tác, liên kết nội khối, hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), mà còn chủ động đưa ra sáng kiến hình thành Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), đưa tiến trình hội nhập ASEAN trở nên đa diện và bao trùm. Không chỉ vậy, Việt Nam còn tích cực, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến mới góp phần củng cố các nguyên tắc, định hình “luật chơi” của ASEAN. Đơn cử như, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộ#ng EAS để Nga và Mỹ tham gia, thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Tiếp đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã có những hành động kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, như thành lập Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED); thông qua Quỹ ASEAN ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Khung chiến lược ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Cùng với đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN-37), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết; đặc biệt, lãnh đạo các nước đều quyết tâm và khẳng định cùng nhau xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982. Những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng vào duy trì, củng cố sự đoàn kết, thống nhất, thúc đẩy liên kết nội khối và mở rộng hợp tác quốc tế của ASEAN, giúp vị thế của ASEAN ngày càng trở nên quan trọng không chỉ đối với các quốc gia thành viên và khu vực, mà còn có tầm ảnh hưởng lớn trong các vấn đề quốc tế, nhất là vấn đề cân bằng chiến lược, thúc đẩy an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những thành tựu đạt được sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cùng tinh thần tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN đã và đang góp phần nâng cao thế và lực của Việt Nam trong ASEAN và trên thế giới. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Lowy (Ô-xtrây-li-a) năm 2023, Việt Nam xếp ở thứ 12/26 quốc gia và vùng lãnh thổ về sức mạnh tổng hợp quốc gia(8). Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ mười ở khu vực châu Á(9) và lớn thứ tư trong ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD(10); đồng thời, được xếp vào danh sách một trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu(11). Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có thể được xếp trong danh sách 29 nền kinh tế lớn nhất thế giới(12). Đặc biệt, Việt Nam luôn chủ động và tích cực tham gia mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), RCEP..., qua đó góp phần nâng cao uy tín, tầm ảnh hưởng của đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực và thế giới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 26 tại Thủ đô Jakarta, Indonesia_Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, năng lực quân sự của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Lowy (Ô-xtrây-li-a) năm 2023, Việt Nam xếp thứ 12/26 quốc gia và vùng lãnh thổ về năng lực quân sự ở châu Á(13). Cùng với việc kiên trì theo đuổi nền quốc phòng hòa bình, tự vệ, Việt Nam đang nỗ lực “đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(14). Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh trong ASEAN.

Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có năng lực ngoại giao xếp thứ chín tại khu vực châu Á và xếp thứ hai trong ASEAN(15). Đáng chú ý, ngoại giao Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng trong đấu tranh chính trị, pháp lý về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, từng bước phát huy vai trò hòa giải các vấn đề quốc tế, trong đó có ASEAN. Việc Việt Nam tổ chức thành công Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vào tháng 2-2019, đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc (năm 2022) và với Mỹ (năm 2023) lên đối tác chiến lược toàn diện,... đã và đang mở rộng thêm không gian chiến lược, cũng như vị thế và vai trò của Việt Nam nói chung, nền ngoại giao Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế, trong đó có ASEAN.

Việc Việt Nam tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng biển và đất liền(16), mở rộng không gian đối ngoại(17) cùng với sự gia tăng can dự của các nước lớn vào khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây cũng làm tăng tính chiến lược của địa lý Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam có nguồn lực con người lớn với dân số khá đông (gần 100 triệu người trong nước và khoảng 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài), nguồn nhân lực trẻ cũng là một lợi thế cho phát triển đất nước. Đặc biệt, sự ổn định về chính trị của Việt Nam chính là cơ sở nền tảng quan trọng nhất, bảo đảm cho an ninh, hội nhập và phát triển của đất nước, bao gồm việc nâng cao vị thế trong ASEAN.  

Tuy nhiên, vai trò và vị thế của Việt Nam cũng đứng trước không ít thách thức. Đối với Trung Quốc, Nga và Mỹ - những đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đều có mối quan hệ tốt, tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, để có thể tự chủ chiến lược, cân bằng, hài hòa lợi ích với các nước lớn là thách thức lớn đối với đối ngoại Việt Nam hiện nay cũng như trong thập niên tới. Cùng với đó, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, thảm họa thiên tai, an ninh mạng,... đang và sẽ tiếp tục tạo ra thách thức không nhỏ. Việt Nam là nước đang phát triển, còn hạn chế về nguồn lực, nhất là về công nghệ mới sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong ứng phó với các thách thức trên. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa tạo dựng được một hệ thống đồng bộ và hiện đại về kết cấu hạ tầng. Các hạn chế này đang cản trở sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh tổng hợp quốc gia nói chung, vị thế, sự đóng góp và tầm hưởng của Việt Nam trong ASEAN nói riêng.

Thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong ASEAN trong bối cảnh mới

Lịch sử đã minh chứng, Việt Nam tham gia và ngày càng tích cực xây dựng, hoàn thiện Cộng đồng ASEAN không chỉ góp phần củng cố môi trường hòa bình, sự đoàn kết, thúc đẩy hợp tác, liên kết nội khối, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế và đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) đã chỉ rõ: “ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn”, vì vậy Việt Nam cần “chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông”, “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực”(18). Do đó, với trách nhiệm quan trọng, trong thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, tiếp tục kiên trì, kiên định theo đuổi và bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi của ASEAN, nhất là nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong bối cảnh sức ép “chọn bên” ngày càng gia tăng, việc kiên trì theo đuổi các nguyên tắc trên không chỉ giúp ASEAN duy trì đoàn kết nội khối, bảo đảm sự bình đẳng cả về quyền lợi và trách nhiệm cho tất cả các nước thành viên, mà còn góp phần giảm thiểu tối đa xung đột địa - chính trị tại khu vực do cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn.

Thứ hai, bên cạnh việc tiếp tục coi ASEAN là một trong những trụ cột của chính sách đối ngoại đa phương, Việt Nam cần sử dụng nhiều phương thức, kết hợp với các cơ chế khác nhau mà Việt Nam tham gia, như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), RCEP, CPTPP, Hợp tác Mê Công - Lan Thương,... để thúc đẩy kết nối kinh tế nội khối, duy trì sự đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN trong các cấu trúc hợp tác đa phương mà ASEAN đã tạo dựng.

Thứ ba, cùng với ASEAN thực hiện phương châm “trung lập tích cực” trong quan hệ với các nước lớn; đồng thời, linh hoạt trong áp dụng “phương cách ASEAN”, nhất là nguyên tắc đồng thuận, trên một số vấn đề cụ thể.

Thứ tư, chủ động thực hiện các cam kết hoàn thiện Cộng đồng ASEAN, nhất là việc hướng đến xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, trong đó chú trọng phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kết nối kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, công nghệ thông tin, tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh quá trình hài hòa hóa hệ thống pháp luật của Việt Nam với các nước ASEAN.

Thứ năm, bên cạnh thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối chính phủ, kết cấu hạ tầng và ngoại giao nhân dân, Việt Nam cần nỗ lực đưa ra các sáng kiến mới thúc đẩy hợp tác an ninh ở khu vực, cả trên lĩnh vực an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. 

Thứ sáu, tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo về xu hướng biến động trong chính sách đối nội, đối ngoại của từng quốc gia thành viên ASEAN, từ đó cung cấp cứ liệu khoa học cho thích ứng chính sách của Việt Nam.

Tựu trung, vị thế và tầm ảnh hưởng của ASEAN ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong đó ASEAN đang là “điểm sáng” về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và là khu vực thích ứng khá tốt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn diễn biến hết sức phức tạp để tiếp tục giữ vững “vai trò trung tâm” cũng như duy trì môi trường hòa bình, sự đoàn kết trong ASEAN. Tuy nhiên, ASEAN cũng đứng trước những thách thức không nhỏ khi sự chia rẽ, phân mảng của hệ thống chính trị và kinh tế thế giới đang tiếp diễn, đồng thời tính đoàn kết trong nội bộ ASEAN chưa thực sự cao.

Từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995) đến nay, Việt Nam là một phần không thể tách rời của “ngôi nhà chung” ASEAN và khu vực Đông Nam Á. Việt Nam và ASEAN đã, đang và sẽ luôn gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Thực hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ về công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam sẽ góp phần không nhỏ vào tiến trình hợp tác, liên kết ASEAN và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

--------------------

(1) Xem: “ASEAN - Khu vực hấp dẫn nhất với đầu tư nước ngoài”, Trang thông tin điện tử Đài Truyền hình Việt Nam, ngày 5-9-2023, https://vtv.vn/kinh-te/asean-khu-vuc-hap-dan-nhat-voi-dau-tu-nuoc-ngoai-20230905104214944.htm
(2) Xem: “Trao đổi thương mại nội khối ASEAN”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 10-11-2022, https://baotintuc.vn/infographics/trao-doi-thuong-mai-noi-khoi-asean-20221110061805130.htm
(3) “ASEAN - Khu vực hấp dẫn nhất với đầu tư nước ngoài”, Tlđd
(4) Xem: Trần Khánh: Địa chiến lược Việt Nam tầm nhìn 2030 - Những vấn đề lý luận, thực tiễn và thích ứng chính sách, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 344 - 345
(5) Xem: Anh Quang: “AMRO hạ dự báo tăng trưởng khu vực ASEAN”, VTV Online, ngày 12-10-2023, https://vtv.vn/kinh-te/amro-ha-du-bao-tang-truong-khu-vuc-asean-20231012154710005.htm
(6) Xem: Kiều Chinh: “Kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng thế nào năm 2023?”, Tạp chí điện tử Mekong ASEAN, ngày 9-6-2023, https://mekongasean.vn/kinh-te-asean-se-tang-truong-the-nao-nam-2023-post22707.html
(7) Xem: “ASEAN - Khu vực hấp dẫn nhất với đầu tư nước ngoài”, Tlđd
(8) Xem: “Lowy Institute Asia Power Index 2023” (Tạm dịch: Chỉ số quyền lực châu Á của Viện Lowy năm 2023), Tlđd
(9) Xem: “Lowy Institute Asia Power Index 2023” (Tạm dịch: Chỉ số quyền lực châu Á của Viện Lowy năm 2023), Tlđd
(10) Xem: Hoàng Thu Trang: “Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp FDI toàn cầu”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 17-10-2023, https://media.chinhphu.vn/viet-nam-la-diem-den-hap-dan-doi-voi-doanh-nghiep-fdi-toan-cau-102231017153429361.htm
(11) Hoàng Thùy: “Việt Nam luôn gắn với giá trị, nguyên tắc của LHQ”, Trang thông tin điện tử Vnexpress, https://vnexpress.net/viet-nam-luon-gan-voi-gia-tri-nguyen-tac-cua-lhq-4656466.html
(12) Lê Đình Tĩnh: “Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau năm 2030”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 2(113), tr. 39
(13) Xem: “Lowy Institute Asia Power Index 2023, (Tạm dịch: Chỉ số quyền lực châu Á của Viện Lowy năm 2023), Tlđd
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 158
(15) Xem: “Lowy Institute Asia Power Index 2023” (Tạm dịch: Chỉ số quyền lực châu Á của Viện Lowy năm 2023), Tlđd
(16) Xem: Trần Khánh: “Vietnam’s Geographical Power in History and Geographic Strategic Considerations of Vietnam Today and in Coming Time” (Tạm dịch: Sức mạnh địa lý của Việt Nam trong lịch sử và những cân nhắc chiến lược về địa lý của Việt Nam hôm nay và mai sau), Journal of Public Policy and Administration, 2022, No.  6(2), tr. 85 - 93
(17) Xem: Trần Khánh: “On Vietnam’s Foreign Strategic Space During Renewal (Doi Moi)” (Tạm dịch: Về không gian chiến lược đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới), Journal Global Policy and Governance, Vol 9, No. 2, tháng 8-2020
(18) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 107, 162 - 163