Tỉnh Quảng Ninh đổi mới tư duy phát triển và phương thức lãnh đạo
TCCS - Tư duy đúng quyết định phương pháp và hành động đúng. Vì vậy, trong lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng việc thống nhất về tư duy phát triển của địa phương, từ đó có cơ sở để xây dựng các quyết sách phù hợp và quyết tâm thực hiện nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Bài học thứ hai được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) rút ra chính là, để đạt được nhiều thành công hơn nữa, cần phải “đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn Quảng Ninh; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện; nắm chắc đường lối chung, xuất phát từ bối cảnh và thực tế để đánh giá, nhận diện đúng tình hình; chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng, có những quyết sách và hành động phù hợp theo quy luật khách quan; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả”. Thực tế trong lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã minh chứng cho bài học nói trên.
Thống nhất tư duy hành động, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Việc sắp xếp tinh gọn mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới; theo đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Tư duy và phương thức lãnh đạo thể hiện ở việc: Trong lãnh đạo, điều hành, đã nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn hơn; lựa chọn được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả những chủ trương mới, khó. Dân chủ trong Đảng bộ tỉnh, trong đời sống xã hội của tỉnh được mở rộng, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong tham gia những công việc của địa phương; trong góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, xây dựng Đảng, chính quyền; trong tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên.
Về thực tiễn phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cụ thể hóa quan điểm, định hướng về chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhanh chóng khôi phục đúng thời điểm, phục hồi hiệu quả ngành du lịch, dịch vụ trên cơ sở thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ở mức hai con số trong nhiều năm qua.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh tập trung triển khai cụ thể hóa 4 quan điểm định hướng lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp lớn đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, khoa học, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện, rõ thời gian hoàn thành, vừa tập trung giải quyết có hiệu quả, dứt điểm những vấn đề cấp bách đặt ra, vừa chú trọng các chủ trương lớn mang tính chiến lược, lâu dài nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, trong tầm nhìn, định hướng đến năm 2045.
Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 09-4-2021, gắn với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 05-02-2022, về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; bên cạnh đó, phấn đấu đạt mục tiêu giữ vững vị trí trong nhóm đầu toàn quốc về các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính (PAR Index), Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Theo đó, Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) theo phương châm Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ. Chỉ số PCI của tỉnh Quảng Ninh đứng đầu toàn quốc 5 năm liên tiếp (2016 - 2021); chỉ số SIPAS đứng đầu toàn quốc 3 năm liên tiếp (2019 - 2021); chỉ số PAR Index năm 2021 đứng thứ 2 cả nước. Hiệu quả hoạt động của trung tâm hành chính công các cấp tiếp tục được chú trọng, nâng cao. Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 59.864 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 58.582 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,9%). Các trung tâm hành chính công cấp huyện tiếp nhận 510.156 hồ sơ TTHC, trong đó có 487.563 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,4%). Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã tiếp nhận 242.575 hồ sơ TTHC, trong đó có 235.502 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,5%). Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp 1.712/1.832 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 1.387 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 75%, tương ứng với 100% TTHC đủ điều kiện; tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt tỷ lệ 70%; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 1.222 thủ tục, đạt tỷ lệ 75%.
Việc tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo có trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, của Tỉnh ủy Quảng Ninh, về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mạnh dạn thí điểm thành công nhiều mô hình mới, như: 100% số thôn, bản, khu phố thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) theo quy trình “Dân tin - Đảng cử”; thành lập Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trên cơ sở sáp nhập các trường có cùng chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; là tỉnh đầu tiên thành lập Đảng bộ Cục Thuế trực thuộc Tỉnh ủy gắn với sắp xếp lại bộ máy; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện trực thuộc ủy ban nhân dân cùng cấp... Các mô hình này được thực tiễn chứng minh là phù hợp và hiệu quả.
Cùng với đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền tỉnh Quảng Ninh được thực hiện theo hướng gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ; nâng cao chất lượng thực thi, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và trách nhiệm giải trình gắn với người đứng đầu. Các chủ trương, chính sách pháp luật về cải cách tư pháp được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, phát huy dân chủ, đổi mới sáng tạo, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu. Nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, sai phạm được chỉ ra qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra; giữ vững sự ổn định, đoàn kết để phát triển; không chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được, luôn chủ động nhận ra và quyết tâm, quyết liệt giải quyết các mâu thuẫn, thách thức nảy sinh trong quá trình phát triển.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức, cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp giảm 229 đầu mối. Trong đó, cơ quan, tổ chức hành chính giảm 140 đầu mối, gồm: 32 phòng thuộc sở và tổ chức hành chính khác thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, 5 chi cục, 2 phòng thuộc tổ chức hành chính khác, 2 phòng thuộc tổ chức đặc thù, 55 phòng thuộc chi cục và tương đương, 44 phòng thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; đơn vị sự nghiệp giảm 89 đầu mối, gồm 44 đơn vị sự nghiệp thuộc khối sở, ngành và 45 đơn vị sự nghiệp thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tỉnh Quảng Ninh tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp; đổi mới cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; qua đó, phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống các cơ quan hành chính thống nhất, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, giải quyết các kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; khắc phục các hạn chế, khuyết điểm qua giám sát.
Bám sát thực tiễn, đề ra quyết sách phù hợp
Tỉnh Quảng Ninh đã luôn chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương bằng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình, hệ thống quy chế, quy định, quy trình để tổ chức thực hiện theo từng nội dung cụ thể; đề ra các chủ đề công tác năm; xây dựng và nhiều lần sửa đổi quy chế, quy định nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng ngắn gọn, cụ thể, rõ trách nhiệm; lựa chọn đúng trọng tâm, bảo đảm tính khả thi, có tính đột phá; coi trọng việc lấy ý kiến tham gia, phản biện, góp ý; chú trọng công tác triển khai, giám sát, sơ kết/tổng kết. Đội ngũ cán bộ của tỉnh tích cực đổi mới lề lối, phong cách làm việc, gương mẫu và sâu sát thực tế, sẵn sàng đối diện với những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, luôn trăn trở, quyết đoán, quyết liệt trong xử lý các vấn đề phức tạp cản trở bước tiến của tỉnh.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy ở Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh được thực hiện với phương châm hướng mạnh về cơ sở, tăng cường phân cấp, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng tổ chức cơ sở đảng; quá trình chỉ đạo bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Đồng thời, sự lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền được tăng cường, bảo đảm đúng thẩm quyền, không bao biện làm thay. Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai các chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai, ngân sách, tài sản công; cải cách hành chính... Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị toàn tỉnh, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có đủ phẩm chất và năng lực để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chú trọng kiểm tra, giám sát khâu tổ chức thực hiện; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cải cách hành chính của Đảng; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định; tăng cường nắm cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; sắp xếp lại các cơ quan tham mưu, giúp việc.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh bứt phá đi lên khá toàn diện, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện tốt “mục tiêu kép” với việc duy trì, giữ đà tăng trưởng GRDP hơn hai con số trong 7 năm liên tiếp; vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 3 năm (2020 - 2022) đạt 156.263 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 117.807 tỷ đồng, chiếm 75,4%, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2022 của tỉnh đạt hơn 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước và cao nhất ở khu vực phía Bắc. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 3 năm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV khẳng định: Luôn đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái hiệu quả và vẫn khuyến khích đổi mới sáng tạo. Công tác chỉ đạo phải bao quát, toàn diện, tổng thể, liên thông, song phải có trọng tâm, trọng điểm, rõ khâu đột phá, kịp thời phát hiện “điểm nghẽn” để tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả. Đó cũng chính là những căn cứ để Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của đại hội đảng bộ các cấp trong nhiệm kỳ đã đề ra./.
Những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ huyện Cô Tô qua nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025  (02/12/2023)
Thị xã Đông Triều xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị  (25/11/2023)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm