Không ngừng đổi mới chính trị, vì sự phát triển toàn diện, đồng bộ và tiếp tục thành công của sự nghiệp đổi mới
Nhìn lại 30 năm đất nước đổi mới trên con đường xã hội chủ nghĩa, từ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Đại hội XII của Đảng thẳng thắn thừa nhận: “...Đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện... nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục ...”(1); và, “...đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta”(2). Trong các mối quan hệ lớn hiện nay, Đại hội XII chỉ rõ: Đó là “quan hệ... giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”(3).
Rõ ràng, thời kỳ mới cấp bách đòi hỏi chúng ta ngẫm thời cuộc lớn, soát xét lại mình, mở rộng tầm nhìn, chuẩn bị hành trang, tiếp tục chủ động và kiên định đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ, không thể rụt rè, do dự hay chờ đợi, cầu toàn. Trong toàn bộ công việc hệ trọng đó, việc đổi mới chính trị càng đòi hỏi chúng ta về tầm nhìn mới, trước sứ mệnh mới, với mục tiêu mới, bằng sự chuẩn bị toàn vẹn thực lực mới và hành động với phương lược hành động mới. Vì, thời cơ, lúc này, chính là lực lượng; vì sự phát triển của quốc gia - dân tộc là yêu cầu tối cao; và vì, thời đại không chờ đợi chúng ta.
Vấn đề chính trị và đổi mới chính trị là cả một đại sự. Nó bao hàm không chỉ đổi mới tư duy chính trị, xây dựng tầm nhìn chính trị, bản lĩnh chính trị... mà còn là sự hành xử chính trị thực tiễn: bao quát thời cuộc, chiêm nghiệm sự vận động toàn cầu của các quốc gia, kiến tạo thể chế chính trị, xây dựng thực lực chính trị, chế định những quyết sách chính trị của đất nước, xác định và phát huy hệ động lực đổi mới chính trị,...
Nhưng nhìn khái lược, ở đây, có bốn loại vấn đề rường cột mà chúng ta nhất định phải nắm lấy:
Loại vấn đề rường cột thứ nhất: Từ tầm nhìn và định vị chiến lược đất nước tới xác lập nguyên tắc đổi mới chính trị
Kinh nghiệm lịch sử và thực tiễn công cuộc đổi mới 30 năm qua càng chứng tỏ, công việc đổi mới chính trị không thể không bắt đầu từ việc đổi mới tư duy chính trị và thấu triệt những vấn đề chung có tính nguyên tắc.
1- Mục tiêu đổi mới chính trị: Lấy cái không thay đổi để hành xử với mọi sự thay đổi, lấy sự phát triển làm mục tiêu và bảo đảm của sự ổn định đất nước, dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa
Một cách tự nhiên, nếu xem cốt lõi của chính trị là lợi ích và quan hệ chính trị dù vi mô (cá nhân với cá nhân; cá nhân với tổ chức, đảng phái,...) hay vĩ mô (giai cấp, tầng lớp với nhau; các tổ chức chính trị với nhau; quốc gia, dân tộc với nhau; quốc gia với quốc tế,...) là xoay chung quanh vấn đề lợi ích, thì đâu là cái bất biến, cái khả biến của công việc đổi mới chính trị cần phải làm?
Do vậy, một cách tất yếu, dù muốn hay không, đổi mới chính trị thực chất là trở lại nhận thức và hành động đúng quy luật vận động của chính trị một cách tổng thể, trước hết và trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề trung tâm là lợi ích và chung quanh lợi ích một cách tổng hòa, cụ thể từ cá nhân, giai cấp, tầng lớp... tới quốc gia, dân tộc và với các nước trên tầm quốc tế mang tính thống nhất chỉnh thể và đa dạng.
Vì vậy, một cách tất yếu, đổi mới chính trị không thể không bắt đầu từ đổi mới tư duy chính trị.
Trải mấy ngàn năm, ông cha ta luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu tối thượng trong mọi hành xử của mình, trước bất cứ ai, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Lịch sử từng cho thấy, ai coi nhẹ, vương triều nào làm trái đi là tự rước lấy họa sát thân, rơi vào vòng tôi tớ, thậm chí rơi vào vòng nô lệ và tất bị diệt vong.
Trong thời đại ngày nay, giữa không gian toàn cầu hóa, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi đồng bào, tự nhiên như trời đất, như máu thịt. Giang sơn, xã tắc mà ông cha ta truyền lại, quyết không để mất một tấc núi sông. Vị thế dân tộc Việt Nam ta nối đời gây dựng, quyết không để mất tự do độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc quyết không thể để bị chà đạp. Không còn độc lập tự do, thì quốc gia - dân tộc Việt Nam ta sẽ không còn gì cả, và mỗi người Việt Nam ta sẽ không có gì cả, trở nên vô nghĩa, ngay cả tên gọi của chính mình! Mất đất, dù chỉ một hòn đảo, một tấc núi sông... là hàm chứa nguy cơ có ngày mất nước, không thể coi thường. Một dân tộc đã đi qua hàng trăm cuộc chiến tranh chống xâm lăng, ở mọi quy mô, đến từ các châu lục..., thì điều tối thiểu đó đã đủ nói lên cái giá máu xương của nền độc lập tự do Tổ quốc mà dân tộc ta giành giữ và bảo vệ! Quốc gia độc lập tự do, dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, đó là điều linh thiêng bất biến, là linh hồn và danh dự Việt Nam trong định vị chính trị chiến lược đất nước hiện nay.
Đổi mới chính trị hiện nay, vì thế, rõ ràng tuyệt đối “không phải là thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta...”(4), như sự khẳng định của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng. Điều đó xua tan những ý kiến còn bối rối hay ngại ngần khi nói đến đổi mới chính trị, càng xa lạ, đối lập như nước với lửa với những ai đó đang cổ xúy quá khích cho cái gọi là “đổi mới chính trị là thay đổi chế độ chính trị”(!). Nói cách khác, đổi mới chính trị là đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn quy luật về các mối quan hệ chính trị, như đã nói, tất cả nhằm mục tiêu cao cả: bảo vệ và phát triển lợi ích của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, làm nền tảng lợi ích tối thượng của quốc gia dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại. Nói cụ thể, lợi ích chính trị của đất nước Việt Nam phải là hạt nhân mà mọi sự đổi mới chính trị dù ở góc độ nào, mức độ tới đâu... đều xoay chung quanh nó, dưới ngọn cờ của Đảng, chứ tuyệt đối không phải ngược lại, càng không phải là một thứ gì khác.
Vì nền độc lập tự do và lợi ích vô giá của dân tộc, trong cuộc hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, thời cơ phát triển rất nhiều nhưng nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cũng càng không ít, chúng ta càng quyết không ảo tưởng trước những sự hứa hẹn ngọt ngào đầu lưỡi của bất cứ ai; không thể lóa mắt trước những lợi ích nhất thời, nhỏ hẹp vô hình xâm hại quốc gia mà bất cứ ai hứa hẹn; càng không thể cả tin vào những mỹ từ trừu tượng, chung chung “đại cục” hay “tiểu sự” nào đó mà coi nhẹ bổn phận của mình! Bởi, chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc vô giá! Làm trái đi, là vong thân, là hại quốc. Chúng ta quyết bảo vệ đất nước độc lập tự do, nền hòa bình của Tổ quốc trước hết bằng phương pháp hòa bình, với phương châm “không gây thù oán với một ai”, vì một khu vực thống nhất, một thế giới hòa bình, văn minh và thịnh vượng. Nhưng, khi cần, chúng ta sẽ hành động với tất cả những gì có thể làm của cả dân tộc đại đoàn kết và sự ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế, trên nền tảng pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế. Không có độc lập tự do, chúng ta không thể giữ vững nền chính trị, càng không thể nói về đổi mới hay cải cách chính trị.
Đó là cái bất biến chúng ta cần nắm chắc, để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình đổi mới chính trị.
Theo đó, một cách tự nhiên, tiến hành đổi mới chính trị trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, không gì khác ngoài mục tiêu vì sự phát triển của đất nước. Đó là mục tiêu, là thước đo hiệu quả của đổi mới chính trị. Nếu trong các mối quan hệ lớn đặt ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), vấn đề “đổi mới, ổn định và phát triển” lúc này hơn lúc nào hết, cần được hành động dứt khoát: Đổi mới để phát triển và phát triển là thước đo của đổi mới và ổn định. Nói cách khác, không thể có bất cứ ổn định chắc chắn nào, nếu không vì sự phát triển. Bởi lúc này, giẫm chân tại chỗ là sự thụt lùi, có nguy cơ rơi vào sự trì trệ. Vì vậy, hiện nay, phải lấy sự phát triển đất nước làm mục tiêu và động lực của sự ổn định cao hơn và bền vững, và đến lượt nó, sự ổn định làm nền móng và động lực của sự phát triển không ngừng. Đó là đẳng cấp mới về mối quan hệ “đổi mới, ổn định và phát triển”.
2- Đổi mới tầm nhìn chính trị: Tự do - Dân chủ - Pháp quyền - Đạo đức - Phát triển - hội tụ, kết tinh sự mẫn cảm chính trị, bản lĩnh và sức mạnh quốc gia dân tộc trong thời đại ngày nay
Hiện nay, đề cập một cách trực diện và hệ thống tới đổi mới chính trị, tất có người hỏi: Vậy thì, trong 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam chưa hay không đổi mới chính trị? Như thế có khiếm khuyết, có khập khiễng không? Và, bây giờ, liệu có chậm chạp không?
Không.
Vì, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta thừa hiểu rằng: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến; cũng phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa”. Hơn 30 năm qua, chúng ta càng hết sức coi trọng việc xử lý công việc đó. Nhưng, trước thềm công cuộc đổi mới (năm 1986), đất nước ta lâm vào khủng hoảng, kinh tế đình đốn, lạm phát phi mã tới 3 con số % rất cao, bị bao vây cấm vận... Sự khủng hoảng kinh tế đe dọa sự sinh tử thường trực chế độ, thậm chí mong manh dễ vỡ bất cứ lúc nào. Đổi mới kinh tế hay chính trị, xã hội hay văn hóa... trong “sợi dây xích” chỉnh thể đất nước? Sự lựa chọn khởi đầu công cuộc đổi mới không thể không đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng. Trong việc giải quyết tổng thể tình trạng đất nước lúc ấy, không thể không bắt đầu từ giải quyết tình trạng kinh tế khủng hoảng đe dọa số phận đất nước. Và, sự thật, hơn lúc nào hết, lúc ấy, chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, phải giải quyết vấn đề chính trị từ nền tảng của nó, chính là kinh tế; và đó chính là xử lý những vấn đề về chính trị một cách chính trị nhất và khôn ngoan nhất: về đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về đổi mới xây dựng đường lối chính trị, đường lối kinh tế... Không thể giữ vững chế độ nếu không bắt đầu từ giải quyết trực tiếp sự khủng hoảng kinh tế một cách chính trị. Chúng ta đã nắm lấy và xử lý “mắt xích” cơ bản nhất, quan trọng nhất, để đồng thời xử lý các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa... trên tầm tổng thể, bằng sự tập trung cao độ. Và, chúng ta thành công!
Nhìn lại tình hình và công việc như thế, để khắc sâu một vấn đề mang ý nghĩa phương pháp luận cơ bản trong việc tiếp tục đổi mới chính trị hiện nay, rằng không thể nôn nóng, vội vàng, càng không thể chờ đợi, cầu toàn và càng không thể trông đợi vào sự may mắn dịch chuyển từ một mô hình tiên nghiệm hay sẵn có nào. Cả ba thái cực đều đem lại hậu quả tệ hại, thậm chí khôn lường như nhau. Chúng ta phải tự tìm lấy lối đi, với những điều kiện cụ thể, theo lộ trình phù hợp, trong phạm vi cho phép và khả năng có thể hiện hữu, ngõ hầu chúng ta tiếp tục đổi mới chính trị thành công. Đó là kinh nghiệm lịch sử quý báu và cũng là yêu cầu thách thức hiện nay.
Nhưng kinh nghiệm sẽ chỉ là kinh nghiệm, nếu thiếu tầm nhìn chiến lược. Nói cách khác, ở góc độ nào đó, có thể nói, nếu kinh nghiệm là lịch sử thì tầm nhìn chính là triết học. Và, lịch sử phát triển của thế giới càng cho thấy, nếu lịch sử thiếu triết học thì chỉ là lịch sử mù quáng, đến lượt nó, triết học thiếu lịch sử thì nguyên vẹn chỉ là thứ triết học trống rỗng. Vì vậy, tầm nhìn chính trị không thể không đặt trên kinh nghiệm lịch sử; và nếu muốn tiếp tục làm nên lịch sử nhịp bước cùng thời đại thì nhất định phải được dẫn dắt bởi tầm nhìn chính trị chiến lược. Nếu lịch sử định vị chúng ta là ai? Ở đâu?... thì tầm nhìn chiến lược chính trị cho chúng ta lời đáp: chúng ta đi tới đâu? Và đi như thế nào? Tầm nhìn chính trị lúc này là lực lượng chính trị, cũng chính là sức mạnh quốc gia dân tộc Việt Nam, chứ không đơn thuần là kinh nghiệm.
Hơn 70 năm thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa, khởi đầu và đi từ thể chế dân chủ cộng hòa, trong mấy nghìn năm đất nước, nhất là trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang tiến những bước dài trong lịch sử của mình và hội nhập quốc tế, nhưng nhìn tổng thể, 5 mệnh đề lớn nhất trong đổi mới chính trị hiện nay, không thể không tiếp tục trả lời:
Một là Tự do. Đất nước độc lập, nhưng nhân dân phải được hưởng hạnh phúc tự do, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn, thì phát triển tự do luôn đang là một chân trời lớn nhưng tất yếu, đang đầy khó khăn và cả chông gai gấp bội, song chúng ta đang quyết đi tới, vì sự bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Không có tự do không có sáng tạo, càng không có phát triển. Đó chính là tiền đề của nền dân chủ chân chính!
Hai là Dân chủ. Hơn 70 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là mục tiêu của thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng dân chủ từ nghĩa nguyên khai “Đê-mốt Kra-tốt” (chính quyền của nhân dân) tới thực tiễn vẫn đang là một trong những mệnh đề lớn nhất cần nỗ lực tiến tới trong mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dưới chế độ chính trị của chúng ta.
Ba là Pháp quyền. Dân chủ không thể không được bảo đảm bằng pháp quyền. Đó là bản chất của Nhà nước dân chủ của ta, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Không có pháp quyền càng không thể nói tới dân chủ hay tự do chân chính nào.
Bốn là Đạo đức. “Quốc pháp vô thân”, “quốc pháp thượng tôn”... Nhưng kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy, không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên một nền tảng đạo đức xã hội không tương dung. Chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, dù dưới sự dẫn dắt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề đạo đức vẫn đang trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay cả ở tầm vĩ mô tới mức độ vi mô, cả xã hội tới mỗi cá nhân, không kém sự khắc nghiệt, thăng trầm của chính sự phát triển kinh tế... cần phải xây dựng và thực thi.
Năm là Phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Tăng trưởng kinh tế, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là phương tiện. Một đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục... là những phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới và xây dựng. Tự do và phát triển! Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới.
Thiếu những vấn đề cốt tử đó, chúng ta khó có thể có tầm nhìn chính trị xa rộng và đúng đắn.
3- Định vị chiến lược quốc gia trong “thế giới phẳng” và... không phẳng
Chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức hoặc là tụt hậu tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt phá đi lên ngang tầm thời cuộc, làm chủ vận mệnh của chính mình, mà một khi dừng lại hoặc đứng im cũng chính là tụt hậu. Một sự rung chuyển của thế giới lập tức gây chấn động tới mọi quốc gia, dân tộc hoàn cầu. Tất cả phải được chủ động tiên liệu để tìm đối sách phù hợp. Nếu không định vị được mình trong thế giới, trước hết trong khu vực, nhất định sẽ bị động và cầm chắc đứng ngoài hoặc lạc lõng cuộc hội nhập toàn cầu.
Hơn nữa, ở khía cạnh khác, tưởng sống như trong một “thế giới phẳng”, nhưng chúng ta không ít lúc lại rơi vào vùng không phẳng. Sự không phẳng được hiện diện bằng sự phân biệt đối xử của các cường quốc, các khu vực phát triển tự cho mình cái quyền chi phối các nước khác, bắt họ phải “quỳ gối” hoặc lâm vào vòng lệ thuộc; là khi các thế lực bành trướng lăm le xâm lấn các quốc gia, dân tộc khác, để thỏa tham vọng bá quyền. Nên đối với chúng ta, nguy cơ tụt hậu lại càng đe dọa khủng khiếp. Và, chính vì thế, hơn 20 năm trước, tháng 1-1994, Đảng ta tiên lượng và cả dân tộc đang nỗ lực không ngừng vượt lên vùng không phẳng ấy. Tự mình phải vượt ra khủng hoảng (dù toàn cục hay cục bộ), quyết tâm trở nên phú cường và mạnh mẽ; đồng thời, không thể không vượt lên mình, thậm chí đoạn tuyệt với cả “những ưu điểm nhưng kéo quá dài” một cách dũng cảm, để định vị chỗ đứng mới của đất nước. Nhưng, đi theo cách cũ, kinh nghiệm cũ dù rất quý báu nhưng chỉ là hữu hạn, và rốt cuộc cùng lắm chỉ lẽo đẽo đi sau các quốc gia dân tộc khác mà thôi. Đó cũng đang là một thách thức. Hơn nữa, thách thức mới lại đang đến từ tương lai, và cơ hội cũng song hành với thách thức. Chỉ có nhìn như vậy mới đủ thực lực để phát triển độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Do đó, một cách tự nhiên, sự lựa chọn tất yếu đổi mới chính trị trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ chính là sự ưu tiên đổi mới trước hết hiện nay. Có thể nói, đây là làn sóng phát triển thứ tư trong lịch sử phát triển của đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng. Nói cách khác là, nhịp đổi mới thứ hai kế tiếp sự ưu tiên đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế là nhịp đổi mới thứ nhất, trong 30 năm qua, khi đã đúng về tầm nhìn chính trị chiến lược và sự định vị đất nước ở tầm chiến lược. Nhìn lại lịch sử đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, nhịp độ xây dựng và phát triển đất nước là những bước sóng chu kỳ với biên độ dao động khoảng 30 năm, kể từ khi Đảng ra đời (tháng 2-1930) tới nay. Nếu nhịp sóng thứ nhất với 30 năm đầu (1930 - 1960), qua hai kỳ Đại hội của Đảng: Đại hội I (tháng 3-1935), Đại hội II (tháng 2-1951), chúng ta giành chính quyền, lập quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, từng bước tiến hành cuộc cách mạng dân chủ, tới nhịp sóng thứ hai, với 4 kỳ Đại hội của Đảng, khoảng gần 30 năm (1960 - 1986), bắt đầu từ Đại Đại hội III (tháng 9-1960), Đại hội IV (tháng 12-1976), Đại hội V (tháng 3-1982), và nhịp sóng thứ ba tròn 30 năm (1986 - 2016)... Dự báo nhịp sóng thứ tư sẽ tròn 30 năm (2016 - 2045), khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn một trăm năm.
Hiện nay hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng là, chỉ phát triển toàn diện, bền vững, chúng ta mới có tiếng nói thực sự, khi bước chân nhân loại không chờ đợi sự do dự hay chập chờn của bất cứ ai, khi cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn tiềm ẩn sự “mất còn” tức khắc, sự “chìm nổi” khó đoán trước về vị trí của bất cứ nước nào trong cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu và không chấp nhận bất cứ quốc gia, dân tộc nào là ngoại lệ. Chúng ta chỉ có một lợi thế cạnh tranh duy nhất là, đi sau. Liệu có thể bứt phá lên hay bị tụt hậu? Khi tụt hậu là đứng ngoài “sân chơi” toàn cầu hóa, nếu không nói là vô hình trung rơi vào vòng lệ thuộc mới, là tự biến mình thành “sân sau” của người khác! Do đó, nếu chúng ta không định vị chiến lược dân tộc mình, đất nước mình, nhất định sẽ càng khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, và càng khó có cơ hội góp phần mình cùng nhân loại xây dựng thế giới. Đó là vận mệnh quốc gia, là danh dự của dân tộc ta! Đứng trong thế giới, chúng ta phải vì thế giới và cho thế giới, đó là cách tốt nhất để định vị đất nước mình!
Vì thế, trong những thập niên tới, vị thế của quốc gia - dân tộc Việt Nam ở đâu? Phải chăng nhìn tổng thể, với công cuộc không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh Việt Nam; nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng rất mực thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế; thành viên có trách nhiệm của thế giới nhân văn, hòa bình và tiến bộ trong chỉnh thể toàn vẹn hoàn cầu. Nếu không như thế, chúng ta sẽ rất khó vượt lên trên con đường dân tộc đã chọn trong một thế giới không phẳng đương đại. Định vị chính trị đất nước hiện nay, hơn lúc nào hết, là xử lý hài hòa, mềm dẻo, quyền biến nhưng kiên quyết, rõ ràng và dứt khoát điều tối giản đó!
Nói khái quát, đó là danh hiệu Việt Nam, bắt đầu từ chỗ đứng Việt Nam trong thế giới. Đó là sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa mang tầm chiến lược hiện nay. Đó là sự định vị, là lòng tin chính trị mang tầm chiến lược của đất nước trong thế giới.
Đó cũng chính là sự đòi hỏi và hiện thân về tầm nhìn chính trị chiến lược Việt Nam, trong toàn bộ công việc đổi mới chính trị hiện nay!
Loại vấn đề rường cột thứ hai: Về phương pháp và nhận diện phương lược phát triển mang tính tổng thể bảo đảm đổi mới chính trị hài hòa
Công cuộc đổi mới chính trị sẽ là ảo tưởng khi thiếu các nhân tố cần và đủ mang ý nghĩa phương lược, xét trong chỉnh thể sự phát triển đất nước, để bảo đảm thành công một cách tất yếu. Nhưng ở đây, những vấn đề mang ý nghĩa phương pháp lại giữ vai trò hết sức quan trong trong việc kiến tạo và xử lý các nhân tố cần và đủ mang tính phương lược. Trong rất nhiều vấn đề, nổi bật tối thiểu ba loại vấn đề mang ý nghĩa phương pháp luận sau:
1- Lựa chọn đột phá chiến lược xây dựng các nhân tố quốc gia bảo đảm đổi mới chính trị
Chung quanh việc lựa chọn đột phá chiến lược, nổi bật bốn khâu đột phá hay bốn “mắt xích” của sợi dây chuyền tổng thể, cần phải nắm lấy:
1.1. Đột phá về thể chế
Trong công cuộc đổi mới chính trị, trước hết và trung tâm là vấn đề thể chế. Không nhận diện đúng và đổi mới thể chế chính trị và những vấn đề chung quanh nó, không thể nói tới vấn đề đổi mới chính trị đất nước. Liên quan tới công cuộc này, có thể nói, bao hàm bốn nhân tố rường cột cấu thành thể chế đất nước và chi phối việc đổi mới thể chế chính trị: Thể chế kinh tế giữ vai trò nền tảng, đến lượt nó, thể chế chính trị giữ vị thế trung tâm, thể chế xã hội giữ vai trò động lực chủ yếu và thể chế chính trị quốc tế giữ vai trò động lực quan trọng.
Do đó, một cách tự nhiên, không kiến tạo và đổi mới các thể chế liên quan tới thể chế chính trị, chúng ta không thể đổi mới thể chế chính trị như mong muốn, càng không thể đổi mới thể chế trên tầm quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất và tương xứng. Đó là lẽ tự nhiên. Vì, các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 60 năm trước, trong cuộc kiến thiết nước nhà, “phải được chú ý đến” và cần “coi trọng ngang nhau” một cách tổng thể và hài hòa.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, xử lý mối quan hệ tổng thể đó như thế nào? Điều đó lại hoàn toàn tùy thuộc vào việc lựa chọn thứ tự ưu tiên các vấn đề phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Kinh nghiệm lựa chọn đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, giải quyết sự khủng hoảng kinh tế đất nước nổi lên cấp bách, là ưu tiên số 1; đồng thời, chủ động giải quyết đồng bộ các vấn đề khác, ở vào thời khắc chúng ta khởi động công cuộc đổi mới tháng 12-1986 đã để lại một bài học lớn về phương pháp luận và tổ chức thực tiễn, trên phương diện này.
Vì vậy, hiện nay, khi công cuộc đổi mới trải qua 30 năm, vấn đề tiếp tục đổi mới chính trị trở nên quan thiết trong tổng hòa sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặt chúng ta đứng trước sự ưu tiên hàng đầu. Đó là biện chứng của sự phát triển của công cuộc đổi mới. Nói cách khác, đó là “cái mắt xích” quan trọng nhất trong toàn bộ sợi dây chuyền sự nghiệp đổi mới sau 30 năm mà chúng ta phải đột phá, nếu muốn tạo nên “cú huých” đối với sự phát triển một cách chủ động, toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới.
1.2. Đột phá đổi mới và kiến tạo nền tảng kinh tế quốc gia bảo đảm đổi mới chính trị
Kinh tế là “giá đỡ” của chính trị. Ấy là thiên chức của kinh tế tất yếu. Đến lượt nó, chính trị là “bà đỡ” dẫn dắt kinh tế theo mục tiêu và con đường mà nó lựa chọn, trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối và dành thực lực trong phạm vi cho phép và khả năng có thể của quốc gia trong việc định hướng và hành động tuân theo những quy luật phát triển tất yếu của kinh tế. Ấy chính là thiên chức của chính trị tất yếu. Như thế, cả hai phương diện đều đạt tới tự do của sự phát triển tất yếu theo quy luật. Nhận thức và hành động trái điều đó nhất định thất bại.
Theo đó, trong việc đổi mới chính trị hiện nay, để xây dựng thực lực nền kinh tế quốc gia vững mạnh làm nền tảng chiến lược cho đổi mới chính trị, với phương thức phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách hoàn bị, hiện đại, kiên quyết chuyển mạnh mẽ và triệt để từ một nền kinh tế tồn tại sang một nền kinh tế cơ cấu, với phương thức chuyển từ lợi thế tiềm năng sang lợi thế cạnh tranh độc đáo. Chúng ta từng bước hướng tới xây dựng tư tưởng kinh tế Việt Nam của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, để dân tộc trở nên tự cường mạnh mẽ và bền vững. Theo ý tưởng đó, ở đây, trước mắt, tập trung làm tốt mấy phương diện tối thiểu sau, trong tầm nhìn dài hạn 2045, trước mắt tới năm 2030:
Một là, nhận diện đôi “cánh” để nền kinh tế “cất cánh”.
Kinh nghiệm từ các quốc gia, dân tộc, từ vị thế và tiềm năng đất nước, muốn phát triển nhanh, bền vững, chúng ta không thể không chuẩn bị toàn diện: từ tâm lý tới thực lực, tính toán sở trường, khắc chế sở đoản, tận dụng mọi cơ hội... để làm một cuộc “cất cánh” của nền kinh tế, vừa đủ sức đẩy lùi “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế” so với các nước trong khu vực và thế giới, vừa thực sự làm “giá đỡ” vững chãi cho cuộc đổi mới chính trị.
Nhưng bằng đôi “cánh” nào?
Từ sự chuẩn bị của chúng ta những năm qua (ba đột phá chiến lược) và vận hội phát triển kinh tế tri thức của thời đại mang lại, nhất là từ địa - kinh tế, có hai phương diện chúng ta cần nắm lấy, với phương châm phát triển “rút ngắn”, khả dĩ làm đôi “cánh” để xây dựng một nền “kinh tế cất cánh”:
- Chiếc “cánh” thứ nhất: Lựa chọn phát triển công nghệ cao trước hết và trực tiếp làm động lực cho công nghiệp phụ trợ, công nghiệp dịch vụ. Chúng ta không thể không đột phá, mở lối đi thẳng vào phát triển khoa học công nghệ, trước hết là công nghệ cao. Đây là cái then mở cửa gia nhập nhanh và sâu vào nền kinh tế thế giới hiện đại, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất thể hóa các khu vực trên thế giới; là con đường ngắn nhất để định vị mới nền kinh tế quốc gia trên toàn cầu, động lực quan trọng tiếp tục phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời cơ và thực lực cho phép chúng ta không cần đi tuần tự trên địa hạt này. Nhưng, công nghệ cao, theo thời gian, sẽ lạc hậu, nên phải lấy giá trị phát triển làm đầu tiên và cốt lõi. Tức là vấn đề đẳng cấp.
- Chiếc “cánh” thứ hai: Phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ, công nghiệp dịch vụ và du lịch. Đây là sự lựa chọn với lợi thế của nước đi sau và thực sự phù hợp với chúng ta, xét về địa - kinh tế, địa - xã hội. Phát triển công nghiệp dịch vụ và du lịch là một trong những sự lựa chọn mang tính đột phá trong tổng thể phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại của mục tiêu phát triển chiến lược đất nước. Dự báo cho thấy, công nghiệp dịch vụ là phương tiện để chúng ta có thể đi khắp thế giới, là hướng đi phù hợp với đất nước chúng ta.
Hai là, đôi “chân” của nền kinh tế trên mảnh đất Việt Nam.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Là một quốc gia biển, Việt Nam không thể không đứng vững trên lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh này. Đó phải là chiến lược phát triển mang tầm nhìn thế kỷ của chúng ta. Thử hình dung, nếu muốn biết nền kinh tế đất nước đi tới đâu, đi như thế nào thì trước hết không thể không nhận diện đâu là đôi “chân” của nền kinh tế. Phải chăng nên lựa chọn là:
Thứ nhất, hướng ra biển, phát triển biển và dựa vào biển để phát triển. Đó là một tất yếu mang tầm chiến lược nghìn năm. Nhưng tiếc rằng, chỉ mới hơn hai thập niên gần đây chúng ta mới dành sự chú ý và đầu tư một cách tương đối hệ thống, mạch lạc, dù còn rất xa mới tương xứng, cho vấn đề này về mặt thực tiễn, trong khi các nước có biển và thậm chí không có biển ở khu vực và trên thế giới đã đi trước nhiều bước mạnh mẽ. Không hướng ra biển, phát triển bền vững biển và dựa vào biển, không chỉ là vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bị buông lơi mà nền kinh tế đất nước sẽ chỉ có những bước đi lệch lạc, khập khiễng. Rốt cuộc, tới lượt nó, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo máu thịt của Tổ quốc, vô hình trung, bị xâm phạm, thậm chí tự mình xâm hại. Những vấn đề nóng bỏng trên Biển Đông và chủ quyền bất khả xâm phạm của chúng ta ở trong đó hơn 40 năm qua và mấy năm gần đây đã cho thấy sự bức thiết mang tầm chiến lược phát triển biển của đất nước. Coi nhẹ biển và kinh tế biển là đi vào ngõ cụt hay tự chặt cụt chân mình. Đó là một “chân” của nền kinh tế quốc gia, để bước ra thế giới. Kinh tế ở đó nhưng chính trị cũng là ở đó.
Thứ hai, xây dựng nền nông nghiệp xanh và an toàn theo hướng công nghiệp hóa phù hợp với biển, với biến đổi khí hậu. Đây là một hướng suy nghĩ và hành động tất yếu. Vì, không như thế không thể nói tới một nền nông nghiệp cạnh tranh, mang tính bền vững, khi sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng mặn hóa, sa mạc hóa ven biển... đang đe dọa nền nông nghiệp đất nước; càng không thể nói nói tới vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp một cách khả thi và hiệu quả. Gắn với biển là ngành “công nghiệp xanh”, “công nghiệp không có khói” chính là công nghiệp du lịch. Nói xác đáng, xa rời biển, xét trên mọi chiều cạnh ở đây, là một sai lầm chết người, vì cái “chân” thứ hai của nền kinh tế, vô hình trung đã bị chặt cụt! Chẳng hạn, chưa bao giờ như bây giờ, mới đây, tới nước ngọt cũng trở thành con bài, “mặc cả chính trị”, khi tình trạng mặn hóa đe dọa Đông Nam Á, trong đó có nước ta. Đất nước không thể, không được trở thành “đống rác môi trường”, “bãi rác công nghệ” khổng lồ dù ngoài ý muốn. Do đó, phát triển một nền nông nghiệp xanh và an toàn lúc này và trong cả thế kỷ XXI không thể không là một nền nông nghiệp công nghiệp hóa, phát triển tương dung và hài hòa với tình trạng biến đổi khí hậu, nước lũ dâng, với nước biển dâng, với mặn xâm nhập và sa mạc hóa duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. An ninh môi trường sinh thái trong phát triển nông nghiệp nói riêng, rộng ra là một nền kinh tế phù hợp với biển, với sự biến đổi khí hậu và môi trường sống đặt ra cấp bách. Chỉ có như vậy mới nói tới đổi mới quan niệm về an ninh lương thực bảo đảm an ninh kinh tế, nền móng của an ninh chính trị, an ninh quốc phòng; mới nói tới sự phát triển bền vững; mới xác lập được lợi thế cạnh tranh, mà rất lâu nay chúng ta chưa làm được như mong muốn và ngang tầm lợi thế. Dù để đổi thay một nền nông nghiệp hiện tồn theo hướng đó có thể là một cuộc “vượt cạn” về hành động, nhưng quyết định ở chỗ bắt đầu cần “thoát thai” về tư duy... nhưng tất yếu phải thực thi, nếu muốn phát triển bền vững trong điều kiện mới, khi có nhiều mặt về thời cơ và thực tiễn khách quan đã hoàn toàn thay đổi ngoài mong muốn. Đó cũng là chính trị trong sự phát triển kinh tế đất nước hiện nay.
Chúng ta không ảo tưởng, viển vông về sự “cất cánh” trên đôi “chân” của nền kinh tế như vậy. Đó là sự lựa chọn không bất chấp quy luật và không phi thực tế. Nhưng, chúng ta càng phải đề phòng sự rụt rè, co thủ, có thể sẽ bỏ tuột thời cơ, đánh mất vận hội phát triển lần này. Vật chất là lực lượng, nhưng lúc này, thời cơ cũng chính là lực lượng. Ở đây, cả hai thái cực: khiếm khuyết về nhận thức và chậm trễ về hành động đều tệ hại và nguy hiểm như nhau.
Những tiền đề và yêu cầu về địa - chính trị, địa - kinh tế... mang tầm chiến lược của đất nước, những điều kiện thời đại mang lại, hoàn toàn cho phép chúng ta thực thi những trọng sự đó nhằm đổi mới tầm nhìn, quyết sách trong việc kiến tạo nền tảng kinh tế tương dung làm “giá đỡ” vững chãi và phù hợp cho công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ nói chung, việc đổi mới chính trị nói riêng thành công. Nó không chấp nhận tình trạng “khoanh vùng cục bộ”, biến 63 tỉnh, thành phố thành 63 “tiểu vương quốc” kinh tế khép kín, rời rạc hay “kinh tế ngành cát cứ” theo kiểu thiển cận, bản vị, phường hội “đèn ai nấy rạng”, có nguy cơ thành “lợi ích nhóm” và các nhóm lợi ích, vô hình trung “xẻ thịt” và “băm nát” nền kinh tế thị trường thống nhất, dưới sự điều hành của một “nhạc trưởng” - Nhà nước. Không tiên lượng và giải quyết những vấn đề kinh tế đó là phi chính trị. Vấn đề còn lại là, hoạch định lộ trình, lựa chọn phương thức thực thi và xác định nhịp độ phù hợp, không thể nôn nóng, càng không thể chậm chạp, đến lượt nó giữ vai trò quan trọng quyết định thành công.
Trên địa hạt này, xin nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế rất quan trọng, nhưng đẳng cấp của nền kinh tế mới là cái cần phải hướng tới xây dựng, mà tiêu chí hàng đầu là chất lượng và giá trị của sự phát triển. Đó là cái gốc của đẳng cấp nền kinh tế. Cuộc cạnh tranh hoặc thắng hoặc thua trên thế giới trong tương lai, sự thành hay bại của chúng ta chính là ở chỗ này. Nói gọn lại, đó chính là đẳng cấp, là thương hiệu Việt, mà đội ngũ tiên phong, chính là các doanh nghiệp - rường cột là đội ngũ doanh nhân nước nhà trên tất cả các khu vực kinh tế và các thành phần kinh tế giữ vai trò quyết định. Mấu chốt ở đây là, chuyển mạnh từ nền kinh tế tồn tại sang nền kinh tế cơ cấu, chuyển mạnh từ lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định vị trên thế giới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nói khái quát, phát triển kinh tế thị trường hiện đại hoàn bị, với xung lực là kinh tế tri thức, với những đột phá chủ lực, cơ cấu lại nền kinh tế đất nước, dưới sự dẫn dắt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm nền tảng căn bản đổi mới chính trị.
1.3. Đột phá về kiến thiết và phát triển môi trường xã hội - chính trị - văn hóa Việt Nam
Không một cuộc vận động chính trị nào có thể thành công, nếu không xây dựng thành công môi trường xã hội chính trị tương dung và lôi cuốn toàn xã hội tham gia. Công cuộc đổi mới chính trị của chúng ta càng đòi hỏi như vậy. Toàn bộ cuộc đổi mới chính trị, dù được hoạch định và tổ chức thực thi hoàn bị bao nhiêu mà không có sự tham gia và giám sát của nhân dân đông đảo, chắc chắn rất khó thành công, nếu không nói cầm chắc thất bại. Nghĩa là không để ai có thể “đứng ngoài chính trị”, dưới bất cứ hình thức nào.
Hơn bao giờ hết, kinh nghiệm của thế giới hai thế kỷ qua cho thấy, thế giới càng toàn cầu hóa thì vấn đề dân tộc đối với mỗi quốc gia càng nổi lên như một mệnh đề quan thiết. Do đó, xử lý vấn đề dân tộc vì sự phát triển toàn cầu và chủ động tiên lượng nắm lấy tổng thể sự vận động toàn cầu để giải quyết cụ thể, thiết thực những công việc của dân tộc phải và đang trở thành mệnh lệnh hành động song trùng một cách tự nhiên hiện nay.
Định vị chiến lược đất nước, tới lượt nó, không có con đường nào khác tốt hơn là, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, phải trở thành động lực căn bản và to lớn đối với tiến trình phát triển của đất nước, trong tương lai. Đó cũng là cách nhìn tới tận chân trời nhưng hành động... dưới chân mình. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta một bài học lớn, khi Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”(5); và rằng: “Trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi đảng cộng sản và mỗi đảng công nhân... Dân tộc Việt Nam chẳng hạn phải vạch rõ những phương pháp và những biện pháp riêng của mình”(6). Buông lơi điều đó là cầm chắc sự thất bại.
Giữa thế giới toàn cầu hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam phải trở thành tấm căn cước dân tộc trong cuộc chủ động hội nhập toàn cầu. Không có căn cước thì rất dễ bị hòa tan, thậm chí vô hình biến thành “sân sau”, trở thành nô lệ cho người khác, dù ngoài ý muốn. Linh hồn của tấm căn cước ấy không gì khác là văn hóa Việt Nam. Đó là viên linh đơn văn hóa dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta. Vì, để trở thành một cường quốc kinh tế, có thể chỉ cần từ 30 đến 50 năm, nhưng để có một nền văn hóa phải là của sự trầm tích tới cả ngàn năm. Lịch sử thế giới đã cho thấy, không ít trường hợp, văn hóa của dân tộc bị chinh phục đã đồng hóa cả những dân tộc đi chinh phục. Sự kỳ diệu của văn hóa, sức mạnh trầm tích của văn hóa không chỉ không có giới hạn, mà còn hàm chứa khả năng chinh phục cả sức mạnh vật chất dù cho to lớn, hùng mạnh bao nhiêu. Lịch sử đất nước mấy ngàn năm của ta cũng hơn mười lần chứng minh điều đó: bằng linh đơn văn hóa, dân tộc Việt Nam đã giữ được mình và lớn lên sau cả ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm nô lệ thực dân... Dân tộc không thể bị đồng hóa bởi văn hóa Việt Nam làm nền móng cho sự tồn tại tinh thần độc lập dân tộc. Chung quanh vấn đề này, có hai phương diện cần nhận diện và xác quyết:
Một là, vị thế địa - chiến lược của đất nước đã ban tạo cho dân tộc ta cơ hội và thực lực kiến tạo và phát triển một nền văn hóa giàu bản sắc và hiện đại Việt Nam, nhưng xử lý ra sao trước vấn đề giao thoa văn hóa và tiếp biến văn hóa thế giới nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc và hiện đại - nền tảng tinh thần xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế trong một “thế giới phẳng” và không phẳng.
Hai là, ở vị thế địa - văn hóa, một nền văn hóa Việt Nam không rập khuôn, không dịch chuyển, khác với tất cả các nền văn hóa khác - đó là nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập cần hướng tới và kiên quyết xây dựng. Chỉ có như thế, dân tộc mới đứng vững, cho dù sóng gió của cuộc hội nhập thế giới có thách thức “mất, còn” dân tộc thế nào, cho dù những đợt sóng kinh tế toàn cầu có dập vùi đe dọa “sinh, tử” đất nước tới đâu. Hai thập niên qua, đất nước đứng vững và phát triển cũng một phần vì đó và nhờ đó. Không có văn hóa Việt Nam dân tộc và hiện đại chúng ta sẽ không có gì riêng của mình cả, càng không thể nói tới công việc đổi mới chính trị nói riêng, hội nhập toàn cầu nói chung.
Đó là thách thức chủ yếu trong cuộc kiến tạo văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao Việt Nam... góp phần làm nên bản lĩnh chính trị Việt Nam, thực lực văn hóa Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, trực tiếp phát triển nền tảng tinh thần xã hội, tạo nên xung lực mới của công cuộc đổi mới chính trị. Mặt khác, đó cũng chính là khâu đột phá ngõ hầu góp phần gìn giữ và phát triển môi trường chính trị - xã hội - kinh tế quốc tế hiện đại, ở khu vực hay trên tầm vóc toàn cầu, mà chúng ta phải tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất.
2- Vấn đề xây dựng và phát triển đối tác chính trị chiến lược quốc tế.
Đổi mới chính trị quốc gia không thể không giải quyết vấn đề đổi mới, xây dựng và phát triển đối tác chính trị chiến lược quốc tế. Đó là góp phần xây dựng môi trường chính trị quốc tế và từ đó phát huy động lực mạnh mẽ quốc tế đối với công cuộc đổi mới chính trị của chúng ta. Vì, hơn lúc nào hết, đối với chúng ta hiện nay, quan hệ chính trị chính là lực lượng chính trị, là sức mạnh chính trị. Trong một thế giới dù phát triển đa dạng các nền chính trị, các thể chế chính trị dù phong phú bao nhiêu, nhưng vẫn là một thế giới thống nhất giải quyết những vấn đề chung mang tính chất toàn cầu.
Trên phương diện này, lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thời sự: “Không thể nào hạn chế những hoạt động hiện nay và tương lai... trong khuôn khổ dân tộc thuần túy, rằng những hoạt động đó có muôn ngàn sợi dây liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ”, với tinh thần: “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”, “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(7).
Hơn 70 năm qua, nhất là qua 30 năm đổi mới, theo phương châm đó, từ tư tưởng sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới tới quyết sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Nhà nước ta thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, đặt mối giao thương với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với 15 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với 10 quốc gia... trên nền tảng quan hệ bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau... từng bước vững chắc đi vào khuôn khổ ngày càng ổn định, ngày càng mang lại nhiều lợi ích về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa... Việc nâng cao vị thế của đất nước thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần của “một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Đó là một trong những biểu hiện quan trọng và sinh động của tầm nhìn chính trị quốc tế mang tầm chiến lược trong việc thực thi nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm các mối quan hệ đi vào thực chất, chiều sâu, ổn định và phát triển.
Đó không chỉ là môi trường chính trị quốc tế rộng, sâu mà thực sự là một trong những động lực chính trị quốc tế quan trọng để chúng ta chủ động đổi mới chính trị một cách tin tưởng và vững chắc. Đến lượt nó, đó là một trong những điều kiện chính yếu từ khách quan có tính chất đủ, để chúng ta vững tâm thực thi lộ trình đổi mới chính trị theo chủ kiến chiến lược.
Nhưng, trong một thế giới đầy biến động đặt ra không ít thách thức đối với chúng ta như hiện nay, toàn bộ hành động mang tính chiến lược về đối ngoại đó cấp bách phải tiếp tục hướng mạnh vào trọng tâm bảo đảm sự cân bằng giữa thực lực đất nước với ngoại giao quốc tế, theo phương châm: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đến lượt mình, nền ngoại giao phải thực sự là “tiếng chuông” cất lên đúng lúc, đúng chỗ từ vị trí, tỏa rộng ảnh hưởng của thực lực và uy tín đất nước, nhằm nâng tầm quốc tế của quốc gia, như lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực lực như cái chuông, ngoại giao như tiếng chuông”, phải lấy đại cục phát triển đất nước làm căn bản, vượt qua những lực cản từ bên trong, bất đồng lân bang, sự khác nhau trong khu vực và thế giới, bảo vệ và khẳng định địa vị và uy tín chính trị của đất nước trên trường quốc tế.
Nếu thiếu nhân tố này, chắc chắn công việc đổi mới chính trị nói riêng, công cuộc phát triển toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới hiện nay, rất khó thành công.
3- Nhìn tận chân trời để hành động... dưới chân mình
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, sự phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phải là một cuộc duyệt binh, mà trái lại, là một cuộc cạnh tranh, bứt phá khốc liệt, thậm chí càng gần đây, dù dưới hình thức này hay kia, là sự áp đặt và nô lệ trong thế “quần ngư tranh thực”, là “mạnh được yếu thua”, thậm chí “cá lớn nuốt cá bé”... Qua 30 năm đổi mới, chúng ta càng thấm thía, không có mô hình tiên nghiệm nào cho tất cả các quốc gia, dân tộc trong cuộc cạnh tranh đó, càng khó có sự “tất cả đều thắng” một cách xa vời, nếu nhìn từ tầm chỉnh thể có tính hệ thống.
Vì vậy, chưa khi nào như hiện nay, kinh nghiệm lịch sử có vai trò to lớn. Nhưng nó chỉ trở nên hết sức quý giá, nếu được dẫn dắt bởi tầm nhìn viễn kiến mang tầm chính trị chiến lược, để đi tới tương lai. Sự thành công của tầm nhìn chính trị chiến lược của chúng ta qua 30 năm đổi mới (và các quốc gia phát triển hùng cường trong thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI) cho thấy, suy cho cùng là kết quả tự nhiên của sự thắng lợi bởi bài học giải quyết những công việc quốc gia - dân tộc được định hướng bởi tầm nhìn chính trị thực tiễn mang tính thời đại.
Nói cụ thể, phương châm phải nhìn tận chân trời để hành động... dưới chân mình, chưa khi nào như hiện nay, lại đòi hỏi cần kíp đối với chúng ta đến như vậy. Đó chính là quá trình xử lý sự liên hệ, ràng buộc, phụ thuộc toàn cầu tổng thể với giải quyết một cách thật chủ động, năng động, thiết thực vấn đề địa vị, sức mạnh của đất nước cụ thể một cách chủ động, độc lập và tự chủ. Vấn đề thời và thế là vấn đề chung nhưng sự thành hay bại lại tùy thuộc vào phương lược xử lý riêng của chúng ta. Đặc biệt, như đã trình bày, trong một “thế giới phẳng” và không phẳng, khi thời cơ và thời gian trở thành lực lượng, thì vấn đề xác lập tầm nhìn toàn cục, bao quát tổng thể để chủ động hành động cho mình một cách kiên quyết và kịp thời, với phương lược riêng, lại càng trở nên có ý nghĩa thành bại. Nghĩa là, hoặc là bây giờ hoặc là không bao giờ. Lời nhắc nhủ dù của người xưa về phương diện này vẫn đang có ý nghĩa rất thời sự: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu dĩ bách niên thân” (tạm dịch: Một bước sai đường ngàn thu ôm hận. Ngoảnh đầu nhìn lại thân đã trăm năm). Thời cơ đối với một đời người đã thế, huống chi vận hội đối với cả một dân tộc! Ở đây, như trên đã nói, không thể vì thứ “đại cục” chung chung mà coi nhẹ việc bảo vệ chủ quyền từng tấc đất, hòn đảo, mét biển cụ thể, khi chỉ được coi là “tiểu cục” nào đó. Muốn nên sự nghiệp lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ thật “cẩn tắc vô ưu”. Trong đổi mới chính trị hiện nay, càng không thể là việc “lớn trọng bé khinh”, “bên chắc bên lép”... mà số phận quốc gia dân tộc nằm trong và phụ thuộc vào số phận mỗi con người phải trở thành mệnh đề bất biến, mang tính nguyên tắc.
Do đó, ở đây, vấn đề bản lĩnh chính trị dân tộc, trước hết định vị ở bản lĩnh chính trị, văn hóa chính trị của đội ngũ lãnh đạo quốc gia, giữ vai trò tiên phong và cực kỳ quan trọng. Nó là sự kết tinh và hội tụ ở đó không chỉ trí tuệ, sự tinh tế, tinh thần dân tộc mà thấm đẫm cả lương tri, sự kinh lịch và sự khoan dung nhân văn, mang hồn cốt, tinh hoa và khí phách của cả nền văn hóa Việt Nam, trong tầm nhìn toàn cầu, mà hạt nhân trung tâm là lợi ích quốc gia - dân tộc tối thượng.
(Còn nữa)
------------------------------------------
(1), (2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 15 - 16, 17
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2015, tr. 338
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 1, tr. 466
(6) Hồ Chí Minh: Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 126 - 127
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 220
Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới  (16/06/2016)
Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia  (16/06/2016)
Nhà báo Hồng Chương với báo chí cách mạng Việt Nam  (16/06/2016)
Chủ tịch nước gửi điện chia buồn vụ xả súng đẫm máu tại Orlando  (16/06/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay