Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam là một đoàn thể chính trị - xã hội có nhiệm vụ quan trọng là tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ và khối đại đoàn kết dân tộc do Đảng lãnh đạo. Điều đó được ghi nhận trong Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 8-1-2002, của Bộ Chính trị khóa IX. Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", với những thành tích đạt được, Hội CCB Việt Nam được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 13 hội viên CCB được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; hàng ngàn cán bộ, hội viên được tặng danh hiệu"Chiến sĩ thi đua" từ cấp tỉnh trở lên; nhiều tập thể và hội viên được Chính phủ và chính quyền các cấp khen thưởng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự giúp đỡ của chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể và nhân dân, chặng đường xây dựng và trưởng thành của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong những năm qua là một quá trình phát triển liên tục, nhanh chóng.

1- Phát triển về tổ chức

Tháng 10-2005, Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Cựu chiến binh, tạo cơ sở pháp lý cho Hội CCB hoạt động và xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Theo Nghị định số 487 của Chính phủ, các chi hội, phân hội CCB đã được thành lập tới tận thôn, ấp, bản, làng trên cả nước, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa; trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, trường học.

Trên cơ sở đó, Hội đã xây dựng 3 nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết về "Phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ xây dựng Hội CCB Việt Nam trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở", Nghị quyết về "Chăm lo đời sống hội viên và tổ chức, động viên CCB tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương" và Nghị quyết về "Nhiệm vụ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ". Việc thực hiện các nghị quyết trên đã đưa hoạt động của Hội ngày càng đi vào nền nếp.

Để xây dựng tổ chức vững mạnh toàn diện, Hội đã triển khai 5 nghị quyết chuyên đề, trong đó đáng chú ý có Nghị quyết về công tác cán bộ và Nghị quyết về tăng cường đoàn kết phát huy tiềm năng của các thế hệ CCB trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là tổng kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 15 năm xây dựng và phát triển, xác định những nội dung cơ bản về xây dựng tổ chức và hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn cách mạng mới.

Sau ba kỳ Đại hội, đến nay, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có trên 2,2 triệu hội viên; sinh hoạt trong 10.953 tổ chức cơ sở ở xã, phường, thị trấn, và 4.965 tổ chức cơ sở ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp...

Năm 2002, Đại hội lần thứ III của Hội đã bổ sung Điều lệ, kết nạp vào Hội thêm 4 đối tượng mới là: những quân nhân được Bộ Quốc phòng đào tạo thành sĩ quan dự bị; những quân nhân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở tuyến đầu biên giới, hải đảo; những hạ sĩ quan, chiến sĩ người dân tộc thiểu số đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự về cư trú tại các xã vùng sâu, vùng xa; những quân nhân trong quá trình tại ngũ có thành tích xuất sắc được quân đội và Nhà nước khen thưởng. Đồng thời, Điều lệ khẳng định chức năng của Hội vừa là đại diện ý chí, nguyện vọng của CCB, vừa làm tham mưu cho cấp ủy về công tác vận động CCB đồng thời là nòng cốt tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, Hội CCB chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên và cơ quan quân sự các cấp, tập hợp, vận động trên 82 vạn hạ sĩ quan, chiến sĩ hết hạn nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, sinh hoạt trong các câu lạc bộ, tổ hợp ngành nghề để giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở.

Nâng cao ý thức chính trị của hội viên

Cùng với sự phát triển số lượng, Hội không ngừng nâng cao chất lượng của tổ chức hội và hội viên. Công tác tư tưởng được tiến hành thường xuyên, tích cực, bám sát những định hướng cơ bản về tư tưởng của Đảng, động viên CCB giữ gìn, phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ". Công tác bồi dưỡng cán bộ được tăng cường theo kế hoạch và chương trình học tập dần đi vào hệ thống. Hằng năm, hàng vạn lượt cán bộ hội các cấp được học tập lý luận chính trị, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Những năm qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, đại bộ phận cán bộ, hội viên luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng.

Trong cuộc sống, đại bộ phận cán bộ, hội viên vẫn giữ được phẩm chất đạo đức trong sáng, gắn bó với dân, với đồng chí, đồng đội, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực. Vì vậy, nhiều hội viên được các cấp ủy và nhân dân tín nhiệm, được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Hiện tại, có hơn 5 vạn hội viên được bầu vào cấp ủy, chủ yếu ở cơ sở và hàng chục vạn hội viên tham gia Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Đại bộ phận anh chị em giữ các chức vụ trên đều tích cực sinh hoạt hội, tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân yêu mến, Đảng tin cậy.

2 - Tích cực nâng cao mọi mặt đời sống hội viên

Sau những năm phục vụ trong quân đội, khi trở về địa phương số đông CCB gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vật chất. Đảng và Nhà nước tuy đã có nhiều cố gắng để từng bước giải quyết những khó khăn đó, nhưng hoàn cảnh của đất nước chưa thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu của CCB. Trước tình hình đó, ngay từ khi mới thành lập, Hội tìm mọi cách để nâng cao đời sống cho anh chị em CCB, coi đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Hội.

Về chế độ, Hội tích cực tham gia đề xuất, bổ sung các chính sách, chế độ đối với người có công, phù hợp nguyện vọng CCB. Hội đã góp phần xây dựng Pháp lệnh người có công, hoàn chỉnh một bước quan trọng các chính sách của Đảng và Nhà nước về đãi ngộ với những người có nhiều đóng góp cho Tổ quốc qua các thời kỳ.

Triển khai chủ trương chăm lo đời sống hội viên, Trung ương Hội đã phát động phong trào "CCB giúp nhau nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi". Phong trào đã phát huy tác dụng, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trong các loại hình kinh tế đã xuất hiện và mang lại hiệu quả.

Cuộc vận động "CCB đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo" được phát động trong toàn Hội, đã nhanh chóng trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, đã khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái, sáng tạo, vượt khó của CCB để thoát đói nghèo.

Cuộc vận động "xóa đói, giảm nghèo" trong CCB hòa nhập với phong trào "xóa đói, giảm nghèo" chung của cả nước, có sự tác động tích cực của các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Mức sống của hộ gia đình CCB đã được nâng lên rõ rệt, hàng chục vạn hộ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo triền miên. Nếu năm 1992 có trên 55% số hộ CCB đời sống rất khó khăn, 32% hộ đói nghèo thì đến nay cơ bản không còn hộ CCB đói, số hộ CCB nghèo theo tiêu chí mới còn hơn 9% (vùng núi, vùng khó khăn còn 14% - 15%). Gần 50% gia đình CCB có mức sống khá trở lên; tính chung trong cả nước đã có 33% số xã, phường, 14,5% số quận, huyện cơ bản không còn hội viên CCB nghèo.

Phát triển kinh tế gia đình "tìm con mà nuôi", "tìm cây mà trồng" đến nay toàn Hội đã có hàng chục vạn hộ CCB mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm ngành nghề. Hiện có gần 3 vạn CCB là chủ trang trại, trên 2.400 doanh nghiệp và 3.567 tổ hợp tác sản xuất đủ các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ do hội viên lập ra và trực tiếp làm chủ, đã giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động.

Những năm gần đây, phong trào xóa đói, giảm nghèo của Hội đã có bước phát triển mới, từ chỗ lấy xóa đói, giảm nghèo cho CCB là trọng tâm đã chuyển sang lấy giảm nghèo nhanh và vươn lên làm giàu là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều tỉnh hội, thành hội đã đạt được tốc độ giảm nghèo nhanh, từ 4% đến 5% một năm. Có những tỉnh miền núi rất khó khăn như Yên Bái đã có cách làm hay để giúp nhau giảm nghèo như phong trào "ngày vì đồng đội", phong trào phát triển các mô hình chăn nuôi đại gia súc theo phương pháp bán công nghiệp, phong trào vận động hội viên chuyển từ làm lúa nương một vụ sang trồng lúa nước hai vụ, hướng dẫn hội viên trồng cây ăn quả, cây dược liệu, măng Bát độ v.v. Chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa nên đã giảm nghèo nhanh, từ 24,7% năm 2003, đến nay chỉ còn dưới 1,5% hộ CCB nghèo.

Hoạt động tình nghĩa trong Hội ngày càng mở rộng với nhiều hình thức phong phú: giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, chăm sóc thăm hỏi khi ốm đau, phúng viếng, tang lễ chu đáo khi hội viên qua đời. Nhiều cuộc vận động nghĩa tình sâu đậm như phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức ngày giỗ cho liệt sĩ không còn thân nhân; vận động hội viên góp công góp của để "xóa nhà tạm, nhà dột nát" cho CCB nghèo khó; giúp đỡ CCB và con em bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh; tự nguyện đi tìm và tham gia quy tập hàng vạn hài cốt đồng đội hy sinh trên các chiến trường về các nghĩa trang liệt sĩ...

Hội cũng rất quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CCB, tích cực tham gia đóng góp với Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng các chế độ, chính sách có liên quan đến CCB, tổ chức tư vấn pháp lý cho CCB đối với những vụ việc liên quan đến pháp luật.

Các hoạt động trên đây đã gắn bó CCB với Hội, khơi dậy truyền thống đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, sống thủy chung, không những trong chiến tranh, khi còn tại ngũ mà cả khi về địa phương, trong cuộc sống đời thường và trên các lĩnh vực công tác mới.

3 - Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước

Tham gia tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Ý thức rõ việc tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị ở cơ sở là khâu quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Hội CCB đã ký văn bản liên tịch với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm phối hợp hoạt động, tăng cường giáo dục quốc phòng trong nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều hội viên hăng hái đảm nhận các chức danh xã đội trưởng, xã đội phó; trưởng, phó công an xã, phường; tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội.

Hội tích cực triển khai các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương khóa IX ở 4 vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ đạt kết quả cao, góp phần thực hiện công tác dân tộc và tôn giáo trên những địa bàn chiến lược, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng.

Các tổ chức hội ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể nhân dân, vận động quần chúng đấu tranh làm thất bại âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần tích cực giải quyết những vụ việc phức tạp xảy ra ở một số nơi, theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.

Cùng với việc chăm lo đời sống cho hội viên, Hội đã động viên anh chị em CCB tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương. Nhiều hội viên đã có những đóng góp thiết thực cho phong trào sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhiều tổ chức hội tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tham gia công tác khuyến nông, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở cơ sở, được các cấp chính quyền đánh giá cao. Hội viên CCB gương mẫu thực hiện và hăng hái góp phần tuyên truyền vận động nhân dân, hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", ngăn chặn các hiện tượng truyền bá, sử dụng các loại văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, các hủ tục lạc hậu, mê tín.

Tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh thiếu niên là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng giao cho Hội. Nhận thức đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của CCB đối với thế hệ trẻ, từ nhiều năm nay, Hội CCB Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ trung ương đến cơ sở, thông qua nhiều hình thức, bằng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để truyền thụ cho hàng chục triệu thanh, thiếu niên về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng, truyền thống của từng địa phương, của thanh, thiếu niên Việt Nam qua các thời kỳ; giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức quốc phòng cho thanh niên.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, những năm qua, Hội CCB Việt Nam phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở xây dựng, củng cố tổ chức đoàn, bồi dưỡng, kết nạp thanh niên ưu tú vào Đoàn, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú giới thiệu với Đảng xem xét, kết nạp vào Đảng; tích cực tham gia xây dựng phát triển các chi đoàn mới, củng cố các chi đoàn yếu.

Về công tác đối ngoại nhân dân, Hội CCB Việt Nam có quan hệ với nhiều tổ chức CCB trong khu vực và trên thế giới ở những mức độ khác nhau. Hội thăm và làm việc, thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Lào, Căm-pu-chia, Cu Ba, Nga, Trung Quốc, Mông Cổ, An-giê-ri... Hội cũng mở rộng thêm quan hệ với tổ chức CCB các nước khác như: Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, nhằm tăng cường hữu nghị, hợp tác, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần hạn chế các mặt tiêu cực trong quan hệ đối ngoại.

Hội CCB Việt Nam còn hợp tác với một số tổ chức CCB tiến bộ "vì hòa bình" của 5 nước: Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, Anh, vận động tài trợ xây dựng "Làng Hữu Nghị", nuôi dưỡng, chữa trị cho hàng ngàn CCB và con em CCB bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Hội đã gia nhập Hiệp hội CCB ASEAN (VECONAC), Liên đoàn CCB thế giới (WVF), Hiệp Hội CCB châu á - Thái Bình Dương (SCAP).

Hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội đã góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước và Hội CCB Việt Nam trên trường quốc tế.

4 - Định hướng hoạt động của Hội thời gian tới

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khóa IX, Hội CCB Việt Nam xác định phương hướng nhiệm vụ sắp tới là:

- Tăng cường đoàn kết, vận động các thế hệ CCB giữ vững và phát huy bản chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", khai thác mọi tiềm năng sẵn có đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Động viên CCB tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chống âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm tư tưởng thù địch, sai trái.

- Vận động CCB nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục đẩy mạnh phong trào CCB đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, mở rộng các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp, để giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững, hạn chế tái nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vươn lên làm giàu hợp pháp; tích cực tham gia thực hiện các chương trình kinh tế ở địa phương.

- Động viên CCB phát huy vai trò gương mẫu của mình, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia có hiệu quả các phong trào văn hóa, xã hội ở địa phương, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; tích cực phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần xây dựng môi trường, lối sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể chính trị - xã hội làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu niên, tích cực tham gia góp phần xây dựng và củng cố tổ chức đoàn ở cơ sở.

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Hội góp phần thực hiện chủ trương mở rộng công tác đối ngoại nhân dân với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, bảo vệ đường lối của Đảng và lợi ích quốc gia theo phương châm: chủ động, linh hoạt sáng tạo và hiệu quả, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập.

- Tiếp tục phối hợp với các tổ chức, các ngành liên quan, bằng các hình thức thích hợp, tập hợp, động viên cựu quân nhân phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở.

- Nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng tổ chức hội; đẩy mạnh phong trào thi đua "CCB gương mẫu", xây dựng Hội trong sạch vững mạnh ở tầm cao mới; động viên CCB tiếp tục rèn luyện phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao trình độ hiểu biết và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao kiến thức về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật..., ngăn ngừa và khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, công thần nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.