Quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao cho quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay
Ngày nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là từ khi có đường lối đổi mới đến nay, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - nguồn nhân lực trình độ cao, luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới, tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài”(1). Như vậy, tại Đại hội lần này, Đảng ta đã thể hiện tư duy mới về công tác cán bộ và khẳng định việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, trông rộng, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng còn khẳng định: “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”(2).
Thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ trong quân đội những năm qua cho thấy, nhiều nơi, nhiều lúc chưa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, chưa nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, cán bộ lãnh đạo và quản lý. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa coi trọng công tác quy hoạch cán bộ, hoặc có làm quy hoạch nhưng chất lượng đạt thấp, quy hoạch chưa gắn với đào tạo, sử dụng và luân chuyển cán bộ. Cán bộ kế cận trong quy hoạch chưa được tạo điều kiện học tập, phấn đấu, tự rèn luyện, thậm chí còn không ít trường hợp bị dèm pha, cô lập, vô hiệu hóa. Nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý còn thiếu và yếu, dẫn đến bị động, lúng túng về công tác cán bộ, nhất là về chuẩn bị nhân sự trong mỗi kỳ đại hội Đảng. Quan điểm, chủ trương, phương pháp, cách làm quy hoạch cán bộ từ trên xuống đến cơ sở còn hạn chế, lúng túng trong triển khai, tổ chức thực hiện. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng được quy hoạch cán bộ dài hạn, mà mới dừng lại ở việc sắp xếp, bố trí cán bộ đương chức trong thời gian ngắn; quy hoạch chưa trở thành căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ, chưa có tính khoa học và thực tiễn, nhiều khi mang tính hình thức, chủ quan, duy ý chí. Do chưa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nên đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là, đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị hiện nay tuổi cao nhiều, tuổi trẻ ít, vừa thiếu, vừa thừa - thiếu cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi, cán bộ chỉ huy, cán bộ nghiên cứu khoa học - kỹ thuật đầu ngành; thừa cán bộ yếu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và chưa được đào tạo cơ bản.
Nguyên nhân yếu kém trong công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay chủ yếu là do người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thiếu quyết tâm chỉ đạo, kiểm tra công tác này. Mặt khác, do các cơ quan tham mưu của cấp uỷ thiếu chủ động trong đề xuất xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Công tác quy hoạch chưa được coi là khâu trọng yếu và chưa có sự bàn bạc thống nhất, công khai, dân chủ trong các cấp ủy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trình độ cao chưa gắn với nhu cầu, kế hoạch sử dụng, chưa nhằm vào mục tiêu, đối tượng cụ thể, trong nhiều trường hợp, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là để đối phó với yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ. Nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học chậm đổi mới; quản lý đào tạo còn lỏng lẻo...
Nhìn chung, công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiệm vụ cách mạng mới đang đặt ra cho công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước nói chung, công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong quân đội nói riêng một trách nhiệm hết sức nặng nề. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định: “Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển”(3). Đây là vấn đề rất cấp bách, vì vậy, đối với quân đội, cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2020 có đội ngũ cán bộ với số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đổi mới công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp trong quân đội. Trong đổi mới công tác quy hoạch cán bộ, trước tiên cần đổi mới nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác này. Cần nhận thức sâu sắc rằng, quy hoạch cán bộ là quá trình thực hiện đồng bộ các chủ trương, biện pháp để tạo nguồn cán bộ; dự kiến bố trí, sắp xếp tổng thể đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn cách mạng nhất định. Mỗi giai đoạn cách mạng có yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau, bởi vậy phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất tương ứng.
Mục tiêu của quy hoạch cán bộ là lựa chọn người có đức, có tài để đưa vào nguồn kế cận, dự bị, từng bước thử thách, giao nhiệm vụ từ thấp đến cao cho họ và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện họ qua trường lớp cũng như thực tiễn công tác; qua đó, tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia các cấp, các ngành có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Vấn đề quan trọng nhất trong quy hoạch đội ngũ cán bộ hiện nay là bảo đảm tính chủ động, tính nguyên tắc, có tầm nhìn xa, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần xem xét, rà soát lại số cán bộ hiện có và số cán bộ mới đảm nhiệm vị trí mới. Về lâu dài, chuẩn bị xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cho 15 - 20 năm sau. Trên cơ sở đó, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi chức danh, tiến hành phân loại để đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện tinh giản biên chế đi đôi với bổ sung cán bộ dự bị, luân chuyển cán bộ qua thực tiễn công tác ở cơ sở.
Trong xây dựng quy hoạch cán bộ, khâu đánh giá cán bộ là rất quan trọng. Hiện nay, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ, vì vậy, cần nhanh chóng đổi mới khâu này. Trước hết, khi đánh giá phải căn cứ vào kết quả công việc của cán bộ; phải thật dân chủ, công tâm và khách quan khi đánh giá về năng lực, phẩm chất của họ. Xây dựng quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, phải căn cứ vào thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu của đội ngũ cán bộ sắp tới và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Từ đó, lập kế hoạch đào tạo và luân chuyển cán bộ cho phù hợp. Quan tâm tạo nguồn từ những cán bộ trẻ ở cơ sở, có triển vọng, có thành tích xuất sắc trong các hoạt động thực tiễn; cán bộ dân tộc thiểu số, nữ, con em các gia đình có công với cách mạng, có thành tích trong lao động và công tác; sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc, các cán bộ khoa học trẻ thuộc các lĩnh vực.
Trong tình hình hiện nay, công tác quy hoạch cán bộ phải làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và sử dụng cán bộ cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị. Đổi mới công tác quy hoạch cán bộ là nhằm nâng cao tính khoa học và tính khả thi của công tác này, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ như vừa thiếu, vừa thừa hoặc hẫng hụt và các nhược điểm khác trong xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho quân đội hiện nay.
Cùng với đổi mới công tác quy hoạch cán bộ, phải đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trình độ cao. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với chiến lược giáo dục, đào tạo nhân tài của đất nước và là biện pháp cơ bản, thường xuyên nhằm tiêu chuẩn hóa và nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải dựa trên chiến lược và quy hoạch tổng thể xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời, phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách thiết thực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa để hòa nhập với khu vực và thế giới.
Về hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần kết hợp các loại hình: chính quy, dài hạn, tại chức, đào tạo từ xa và tự đào tạo, đào tạo ở trong nước và ở nước ngoài. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, cần hướng vào một số trọng điểm như: đào tạo, đào tạo lại có mục tiêu, có chất lượng, khuyến khích các hình thức tự học, tự đào tạo để thường xuyên nâng cao trình độ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực; quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia từ những cán bộ trẻ. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội, cần tiếp tục đổi mới toàn diện công tác cán bộ trong quân đội và xây dựng nhà trường quân đội theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp trong quân đội. Tập trung đào tạo theo chức vụ có trình độ học vấn tương đương, trong đó, đào tạo cán bộ cấp phân đội có trình độ đại học làm cơ bản; đào tạo đội ngũ cán bộ theo các nhóm ngành của các quân chủng, binh chủng, ngành có mặt bằng kiến thức chung của Nhà nước, có trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội; nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ hiện đại. Hoàn thiện hệ thống nhà trường của quân đội, trong đó tập trung xây dựng một số cơ sở đào tạo (học viện, nhà trường) trọng điểm ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế; sắp xếp lại, phát huy hơn nữa vai trò của các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu khoa học của Bộ Quốc phòng và liên bộ để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý có trình độ cao; thực hiện kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thống nhất nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tiến tới xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo, đặc biệt chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên ngành. Tăng cường mở rộng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược ngang tầm khu vực và quốc tế. Sớm xây dựng chính sách sử dụng và tôn vinh cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy giỏi, có đóng góp lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để động viên, khuyến khích người có tài./.
-------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 261
(2) Văn kiện đã dẫn, tr. 261
(3) Văn kiện đã dẫn, tr. 262
Để đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở ở Đăk Lắk  (29/11/2012)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu thanh niên Quân đội  (29/11/2012)
Tổng Bí thư Đảng Lao động Mê-hi-cô thăm và làm việc tại Việt Nam  (29/11/2012)
Việt Nam tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Brunei Darussalam  (29/11/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên