Để đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở ở Đăk Lắk
17:06, ngày 29-11-2012
TCCSĐT - Đắk Lắk là một tỉnh thuộc Tây Nguyên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh, trật tự xã hội có thời kỳ bất ổn kéo dài… Sau hơn 10 năm thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở (QCDCCS), Đắk Lắk đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong triển khai QCDCCS thời gian qua cũng nảy sinh một số vấn đề cần quan tâm. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDCCS hiện nay, Đắk Lắk cần tập trung thực hiện một số giải pháp trước mắt.
Sau hơn 10 năm thực hiện QCDCCS (xã, phường, thị trấn; cơ quan nhà nước; doanh nghiệp) tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở Đắk Lắk có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Nhìn nhận một cách tổng quát, sau hơn 10 năm thực hiện QCDCCS ở Đắk Lắk, có thể rút ra một số nét khái quát:
Về một số thành tựu bước đầu
- Thực hiện QCDCCS ở Đắk Lắk đã từng bước làm thay đổi nhận thức chung của xã hội, của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội về dân chủ, về quyền làm chủ của nhân dân, về sự công khai, minh bạch, về kỷ cương và thực thi pháp luật... Qua đó, bước đầu làm thay đổi lề lối làm việc của các cơ quan công quyền, hạn chế bệnh quan liêu, mệnh lệnh, bước đầu ngăn chặn tệ tham nhũng, sách nhiễu nhân dân; đồng thời, người dân cũng từng bước chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tuân thủ kỷ cương.
- Triển khai QCDCCS đã làm cho người dân dần dần hiểu rõ những việc cần được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát, họ sẽ chủ động, tích cực tham gia thực hiện những công việc chung ở cơ sở, tự giác thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
- Thực hiện QCDCCS từng bước tạo ra cơ chế phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Khẳng định vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị cơ sở của các cấp ủy Đảng. Đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các quyền dân chủ, chủ động, tích cực tham gia thực thi dân chủ, từ đó hăng hái tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
- Thực hiện QCDCCS thực tế đã tạo ra không khí phấn khởi trong đời sống nhân dân, tạo ra động lực mới cho sự phát triển toàn diện ở cơ sở; qua đó, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, với chính quyền. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy đã từng bước thúc đẩy sức sáng tạo to lớn của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, giám sát, kiểm tra… hoạt động của các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, thiết thực góp phần xây dựng và phát triển hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Cùng với việc thực hiện QCDCCS, nhiều nội quy, quy chế, hương ước, quy định… được cùng bàn bạc, xây dựng và triển khai, được “quy trình hóa”, “công khai hóa”, qua đó xây dựng tác phong, nền nếp làm việc mới phù hợp với đời sống mới. Thủ tục hành chính được cải cách, phong cách làm việc vì dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân nghe, dân chủ, công khai, minh bạch được đề cao. Chính vì thế, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài đã được giải quyết thỏa đáng, dứt điểm, góp phần tích cực ngăn chăn, giải tỏa các điểm nóng, nhất là các vụ việc liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Đối với các doanh nghiệp, thực hiện QCDCCS đã thực sự làm thay đổi các mối quan hệ giữa người lãnh đạo và người lao động, giữa quần chúng và tổ chức đảng cơ sở, giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cấp ủy… trong doanh nghiệp theo hướng tích cực. Vì thế, bước đầu phát huy được quyền làm chủ của người lao động, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, thực hiện tốt chức trách của các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp, từng bước tạo ra không khí phấn khởi, hăng say lao động, sáng tạo góp phần không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thiết thực bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Về một số hạn chế, yếu kém
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về QCDCCS cũng như về việc triển khai thực hiện QCDCCS chưa được sâu rộng, thường xuyên, đồng bộ đến cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân, vì vậy ở nhiều nơi chưa thực sự tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về việc triển khai thực hiện QCDCCS.
- Ban chỉ đạo thực hiện QCDCCS ở không ít nơi hoạt động không đều, hình thức, kém hiệu quả. Những người đứng đầu các ban chỉ đạo còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ, bận mải, ít có điều kiện đầu tư thời gian và công sức thỏa đáng để chỉ đạo việc triển khai thực hiện QCDCCS, việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện ở các đơn vị cơ sở. Do đó đã ảnh hưởng đến vai trò và uy tín của Ban chỉ đạo.
- Việc thực hiện QCDCCS ở nhiều địa phương còn hình thức, không liên tục, không được kiểm tra, giám sát, còn mang tính phong trào, không thực chất, mang nặng bệnh thành tích… Do đó, sau một thời gian triển khai, chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân quyết định bị buông lỏng, nhiều nơi không được thực hiện. Nhiều quy định về niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các thu chi ngân sách, tài chính, các khoản quỹ, đóng góp của dân… không được thực hiện thường xuyên.
- Quy định phải công khai và lấy ý kiến người dân trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của một số địa phương không được thực hiện thường xuyên. Nhiều người dân không được hỏi ý kiến, trao đổi trước khi các dự án có liên quan đến bản thân và gia đình họ được triển khai, do đó vẫn còn diễn ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp về đất đai, đền bù, giải tỏa.
- Nhiều địa phương không thực hiện công khai các quy định của QCDCCS, việc triển khai xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản chậm, nhiều lúng túng, còn hình thức, nhiều nội dung không gắn bó thiết thực với địa phương vì thế không thu hút được sự quan tâm của người dân. Mặc dù QCDCCS đã được triển khai nhưng thủ tục hành chính ở nhiều nơi vẫn theo nếp cũ, chưa thực sự cải cách. Do đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân vẫn còn. Thực tế này không những không góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn gây mất lòng tin của nhân dân.
- Không ít địa phương, cơ quan, doanh nghiệp những người lãnh đạo chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu, người lãnh đạo trong việc triển khai thực hiện QCDCCS. Vì thế, việc thực hiện QCDCCS ở nhiều đơn vị mang tính phong trào, hình thức, không được đầu tư và quan tâm đúng mức, không tác động đến hoạt động của đơn vị, không gắn với công tác cán bộ, cải cách hành chính… Vì thế nó không có nhiều ý nghĩa đối với cơ quan, đơn vị, đối với đội ngũ cán bộ, công chức và người dân.
Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém
Thứ nhất, công tác triển khai QCDCCS ở nhiều địa phương thực hiện không đúng quy trình, không đầy đủ nội dung và toàn diện. Không ít nội dung của Quy chế bị cắt xén, thậm chí bị hiểu sai hoặc làm sai lệch. Việc triển khai Quy chế có nơi thực hiện thiếu nghiêm túc, mang tính hình thức, qua loa...
Thứ hai, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện QCDCCS từ trên xuống chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, sâu sát, buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát; sự quan tâm không thường xuyên mà mang tính vụ việc, phong trào, chiến dịch.
Thứ ba, trong quá trình triển khai không thường xuyên tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời nhân rộng những thành tựu, khắc phục, hạn chế yếu kém và có giải pháp triển khai phù hợp.
Thứ tư, hoạt động của các thành viên ban chỉ đạo không đồng đều, nhất là người đứng đầu thường là người kiêm nhiệm nhiều chức vụ nên không ít người đã buông lỏng giao hẳn cho thường trực ban chỉ đạo thực hiện và tự quyết định
Thứ năm, chưa có cơ chế gắn trách nhiệm của người lãnh đạo đơn vị, địa phương trong việc thực hiện QCDCCS với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Vì lẽ đó, sự tương tác, đồng bộ, đồng thuận trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung ở cơ sở không mang tính bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ sáu, kinh phí dành cho quá trình triển khai, thực hiện QCDCCS còn eo hẹp, hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc cũng như yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Thù lao, thu nhập của những cán bộ chuyên trách công tác triển khai QCDCCS thấp, không kích thích được tính tích cực, lòng nhiệt tình, sự tận tâm tận lực của cán bộ, nhân viên.
Thứ bảy, công tác tuyên truyền, phổ biến về thực hiện QCDCCS không thường xuyên, quyết liệt, những bài kinh nghiệm trong quá trình thực hiện QCDCCS của các địa phương không được trao đổi, phổ biến.
Thứ tám, công tác phối kết hợp giữa các tổ chức, đơn vị của hệ thống chính trị ở cơ sở trong triển khai thực hiện QCDCCS chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chủ động và đạt được hiệu qua cao.
Thứ chín, QCDCCS được thực hiện tốt ở cơ sở nhưng không ít chương trình, kế hoạch, dự án từ trên đưa xuống mang tính chất áp đặt, không tham khảo ý kiến của cán bộ cơ sở, của nhân dân đã ảnh hưởng trực tiếp đến những thành tựu thực hiện QCDCCS, dẫn đến những hậu quả xã hội đáng tiếc.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở hiện nay
Sau hơn 10 năm thực hiện QCDCCS, Đắk Lắk đã có những tiến bộ vượt bậc và tương đối toàn diện. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, bầu không khí dân chủ, phấn khởi đã tạo ra những động lực mới thúc đẩy toàn tỉnh bước vào giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới một cách mạnh mẽ và toàn diện hơn. Bên cạnh, những thành tựu đạt được, trong quá trình thực hiện QCDCCS thời gian qua cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Để khắc phục những vấn đề này, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDCS giai đoạn hiện nay cần triển khai một số giải pháp trước mắt sau:
- Có chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai tổng kết, đánh giá một cách toàn diện những thành công, hạn chế, yếu kém, cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội sau hơn 10 năm thực hiện QCDCCS ở tỉnh. Nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm. Có giải pháp phát huy thành tựu và kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém.
- Nghiêm túc kiểm điểm các ban chỉ đạo thực hiện QCDCCS các cấp. Đánh giá hoạt động của ban và xem xét trách nhiệm cá nhân. Có hình thức kỷ luật đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ và kiên quyết đưa họ ra khỏi ban chỉ đạo. Kịp thời chấn chỉnh, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp phù hợp với tình hình mới.
- Gắn việc thực hiện QCDCCS với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết trung ương (khóa XI), đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4. Gắn việc thực hiện QCDCCS với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng… ở cơ sở.
- Lồng ghép việc thực hiện QCDCCS với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở địa phương. Đặc biệt là công tác an ninh, trật tự, ổn định xã hội, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng kết cấu hạ tầng ở cơ sở.
- Là một địa bàn vốn có nhiều bất ổn về mặt trật tự xã hội, hơn nữa lại có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (32%), đồng bào theo tôn giáo (26%) sinh sống, do đó, cần có giải pháp phối kết hợp việc thực hiện QCDCCS và chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách an sinh xã hội và chính sách phát triển cộng đồng...
- Có cơ chế tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức; triển khai thực hiện công tác bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do dân bầu. Đẩy mạnh công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện kéo dài.
- Có cơ chế đầu tư tài chính thích hợp khi tiếp tục đẩy mạnh triển khai QCDCCS giai đoạn hiện nay. Đó là kinh phí cho công tác truyên truyền, phổ biến; cho sự hoạt động của ban chỉ đạo các cấp; cho những cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm, các cán bộ được huy động; và, cho các hoạt động phối kết hợp, công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến thực hiện QCDCCS trong tình hình mới, không ngừng nâng cao nhận thức của nhân dân về dân chủ và kỷ cương, về những thành quả xã hội tốt đẹp sau 10 năm thực hiện QCDCCS; đồng thời, phát động phong trào thi đua sâu rộng về thực hiện QCDCCS, trên cơ sở đó triển khai công tác thi đua khen thưởng đối với những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt QCDCCS thời gian qua./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu thanh niên Quân đội  (29/11/2012)
Tổng Bí thư Đảng Lao động Mê-hi-cô thăm và làm việc tại Việt Nam  (29/11/2012)
Việt Nam tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Brunei Darussalam  (29/11/2012)
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Brunei Darussalam  (29/11/2012)
Mỹ sẽ lên tiếng với Bắc Kinh về hộ chiếu "đường lưỡi bò"  (29/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay