Xuất khẩu dịch vụ có hiệu quả sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn cho đất nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam gặp nhiều thuận lợi và thách thức. Vì vậy, cần phải tính đến các giải pháp vừa cơ bản vừa trước mắt.

1. Nhận thức về vị trí, vai trò của xuất khẩu dịch vụ

Dịch vụ có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với sản xuất hàng hoá, thì xuất khẩu dịch vụ cũng có vị trí, vai trò đặc biệt như thế ấy đối với xuất khẩu hàng hoá. Xuất khẩu dịch vụ ngoài phương thức giao dịch qua biên giới như xuất khẩu hàng hoá (1), còn có các phương thức: (2) Tiêu thụ của khách nước ngoài từ lãnh thổ khác đến nước cung cấp dịch vụ, (3) Đại diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ của một nước tại một nước khác, (4) Sự có mặt của thể nhân ở lãnh thổ của bất kỳ nước nào khác. Đối với Việt Nam, trong các phương thức đó, phương thức (2) là chủ yếu, bởi các ngành dịch vụ của Việt Nam còn non trẻ, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng vươn ra thị trường quốc tế hạn chế nên xuất khẩu dịch vụ trước mắt và lâu dài chủ yếu nhằm vào các nhà đầu tư nước ngoài, các cơ quan đại diện của các tổ chức kinh tế quốc tế hay của các nền kinh tế tại Việt Nam và khách du lịch ngoại quốc.

Dịch vụ chỉ xuất hiện khi khách hàng đồng ý mua, và thường thì một phần hoặc tất cả chi phí dịch vụ được chi trả trước khi dịch vụ bắt đầu. Điều này có thể gây rủi ro khá lớn đối với người mua dịch vụ, bởi họ chỉ có thể kiểm soát và hạn chế rủi ro qua nhà cung cấp dịch vụ quen biết hoặc chí ít cũng bằng niềm tin đối với doanh nghiệp có tên tuổi. Vì vậy, “uy tín về thương hiệu” của nhà cung cấp dịch vụ được đặt lên hàng đầu. Sản phẩm của dịch vụ là vô hình, khi dịch vụ kết thúc, trị giá sản phẩm tuy không tồn tại, song nó có thể tăng hoặc giảm qua đánh giá của khách hàng. Vì sản phẩm của dịch vụ là vô hình nên hình thái vật chất để hoạt động dịch vụ không giống như lưu thông hàng hoá và thường thu “tiền tươi - thóc thật”, vốn gần như được ứng trước, vòng quay vốn nhanh, lời lãi liền tay. Thêm vào đó, hoạt động dịch vụ chủ yếu thực hiện bằng trí tuệ, kỹ thuật, trong giá thành sản phẩm gần như không có chi phí nguyên liệu đầu vào, nên dù kim ngạch xuất khẩu dịch vụ thấp hơn xuất khẩu hàng hoá, nhưng so sánh hiệu quả kinh tế - xã hội chưa hẳn thua kém xuất khẩu hàng hóa, thậm chí lại còn cao hơn.

2. Nhìn lại thực trạng phát triển xuất khẩu dịch vụ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, trong môi trường kinh tế đổi mới, chính trị và xã hội ổn định, dịch vụ và xuất khẩu dịch vụ cũng khởi sắc. Từ chỗ chỉ có số dịch vụ “đếm trên đầu ngón tay” và do doanh nghiệp nhà nước độc quyền kinh doanh, thậm chí có ngành được đặt trong sự giám sát đặc biệt, ngày nay đã có nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã tạo nên diện mạo mới cho dịch vụ và xuất khẩu dịch vụ. Danh mục sản phẩm dịch vụ kéo dài, trong đó có sự xuất hiện và bứt phá của những ngành có hàm lượng chất xám cao, được thừa hưởng từ thành quả của sự bùng nổ công nghệ thông tin. Hiện có tới khoảng 70 loại hình dịch vụ của Việt Nam đã được xuất khẩu, mỗi loại hình lại gồm nhiều hoạt động cụ thể. Ví dụ như: “dịch vụ tư vấn” gồm tư vấn về quản lý, tư vấn về xây dựng, tư vấn về thương mại quốc tế .... Các cơ sở dịch vụ được nâng cấp, xây mới khang trang, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hướng dần tới trình độ khu vực, quốc tế. Thị trường xuất khẩu dịch vụ ngày càng mở rộng. Sản phẩm đã có vị thế nhất định trên trường quốc tế như gia công phần mềm cho Nhật Bản - đứng thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ). Công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đã đầu tư vào Căm-pu-chia, trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tiên vươn ra nước ngoài. Du lịch Việt Nam cũng đang trên đường phát triển vì “Việt Nam là điểm đến của thiên niên kỷ mới”, đội ngũ quản lý điều hành, chuyên gia kỹ thuật, nhân viên tác nghiệp của ngành ngày càng đông đảo, bước đầu tiếp thu được khoa học và kỹ năng nghề nghiệp. Những thành phố lớn, các trung tâm kinh tế hàng đầu là những trọng điểm về phát triển dịch vụ nói chung và xuất khẩu dịch vụ nói riêng. Khách hàng của xuất khẩu dịch vụ nhiều, trong đó không ít là các khách hàng cao cấp đến từ các nền kinh tế phát triển.

Trong 5 năm (2001-2005), kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 21,824 tỉ USD, tăng trung bình15,7%/ năm, cao hơn chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược của giai đoạn này (15%), chiếm tỷ trọng 10,8% GDP của 5 năm đó(1). Tuy vậy, chất lượng của khá nhiều sản phẩm dịch vụ còn thấp so với mặt bằng quốc tế và còn thiếu tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp trong thực hiện các dịch vụ, giá dịch vụ chưa có khả năng cạnh tranh cao, chưa thỏa dụng được yêu cầu phục vụ của các đối tượng ngày càng đa dạng, hay cao cấp. Dịch vụ hậu cần (logistics)(2) được coi là tâm điểm của sự phát triển kinh tế, thương mại tại nhiều nước trên thế giới hiện đại, là lĩnh vực “hái ra tiền” mà nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhắm tới, song ở Việt Nam, hoạt động logistics mới có những bước chập chững ban đầu, chưa có cơ sở nào đủ tầm cỡ kinh doanh logistics theo đúng nghĩa, mà chỉ mới tham gia được một vài công đoạn của chuỗi dịch vụ này. Ví như trong vận tải ngoại thương, đội thương thuyền quốc tế của Việt Nam vừa thiếu lại vừa cũ, nên khi xuất hàng, đối tác nước ngoài phải mang tàu đến Việt Nam chở hàng (bán FOB); còn khi nhập hàng, đối tác cũng chở hàng giao tận cảng Việt Nam (mua CIF). Việt Nam có nhiều địa điểm du lịch sinh thái với cảnh trí thiên nhiên trời phú, mặt bằng vui chơi giải trí “đắc địa”, nhưng do không tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nên chưa thu hút được nhiều du khách...

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nước ta đang trong thời kỳ quá độ: cơ chế cũ bị xoá bỏ, song còn để lại di chứng, cơ chế mới được xác lập, nhưng chưa thật hoàn thiện. Chiến lược, cơ chế chính sách về dịch vụ còn chung chung, thiếu chiều sâu, định hướng chưa rõ ràng. Do không có quy hoạch tổng thể để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ nên có một số cơ sở dịch vụ chậm được đưa vào khai thác hoặc khai thác cầm chừng. Ngoài ra còn có lý do về nhận thức cho rằng lĩnh vực này không tạo ra của cải, chỉ để vui chơi giải trí, nên công tác điều hành lúng túng, khi thì quản quá chặt những nội dung cần thông thoáng, nhưng có lúc lại buông quá lỏng những yêu cầu cần quản lý và vẫn còn gây phiền hà trong việc cấp phép hoạt động, hành nghề cho các cơ sở, cấp thẻ nghiệp vụ cho cá nhân làm dịch vụ,...

Ngoài ra, có nhiều loại hình dịch vụ, song khi thống kê ít phân tổ từng loại hình mà chủ yếu gom vào nhóm “các dịch vụ khác”, nên gây ra những khó khăn khi phân tích, xây dựng quy hoạch, hoạch định chính sách, biện pháp điều hành.

Đa số các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ là vừa và nhỏ, chưa hình thành các tập đoàn xuyên quốc gia, có tầm với ra khu vực và quốc tế. Trong các doanh nghiệp đó, không ít nhân viên lớn tuổi, lạc hậu về nghiệp vụ vẫn tại vị, thế hệ mới tuyển dụng được đào tạo cơ bản, nhưng chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, nên chưa phát huy hết năng lực, trong khi đó dịch vụ nước ngoài mời chào. Trong lĩnh vực dịch vụ đang thiếu nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt, thiếu chuyên gia có trình độ nghiên cứu đề xuất chính sách, quy hoạch phát triển; năng lực của đội ngũ nhân viên thừa hành về cả nghiệp vụ và ngoại ngữ đều bất cập nên việc phải mời người nước ngoài làm giám đốc điều hành là điều không tránh khỏi.

Khó khăn bao trùm nhất của xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam là khi bước vào thị trường dịch vụ quốc tế thì thị trường này hầu như đã được phân chia địa bàn xong xuôi giữa những tập đoàn xuất khẩu dịch vụ có tên tuổi, với tiềm lực tài chính mạnh, “phủ sóng” khu vực hoặc toàn cầu. Do đó, có không ít trường hợp các tập đoàn dịch vụ nước ngoài đón trước các đơn hàng, “hớt” tay trên các hợp đồng gốc, các gói thầu chính, rồi thuê lại các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam hoặc cho làm nhà thầu phụ với giá rẻ mạt, mà chúng ta vẫn phải chấp nhận….

Tựu chung, xuất khẩu dịch vụ tuy tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu hàng hoá và đặc biệt là tỷ trọng của xuất khẩu dịch vụ trong GDP của Việt Nam còn nhỏ, trong khi tỷ trọng trung bình của các nước phát triển, thường là trên dưới 40%. Nếu so với xuất khẩu hàng hoá đã đạt tới sự bài bản về cơ chế chính sách, kinh nghiệm điều hành, thì xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành.

3. Giải pháp phát huy hơn nữa những tiềm năng hiện có

Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ: Bờ biển dài, nhiều vịnh kín, mức nước sâu rất thuận lợi để phát triển hoạt động giao nhận, vận tải ngoại thương, dịch vụ hậu cần cảng biển; nguồn lao động dồi dào; làn sóng đầu tư nước ngoài tăng mạnh từ khi Việt Nam gia nhập WTO; gia công phần mềm đang đứng trước cơ hội mở rộng quy mô, với vị thế “top” 20 trong số các nước hấp dẫn về dịch vụ này... Song, cũng theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO của Việt Nam, sẽ có nhiều tập đoàn dịch vụ “sừng sỏ” nước ngoài tràn vào, đặt ra những thách thức lớn trên 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và từng ngành. Nếu các ngành dịch vụ của Việt Nam không kịp hoàn chỉnh thế trận vững chãi trong phạm vi toàn quốc, từng địa phương, thì khả năng mất thị phần trên sân nhà sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong trận thế đan xen thuận lợi và khó khăn đó, không phải thời cơ nào cũng nâng bước ta đi và cũng không phải bất cứ thách thức nào cũng ngăn trở. Vì vậy, điều cần thiết hiện nay là phải tính đến các giải pháp vừa cơ bản vừa trước mắt. Cụ thể:

- Chiến lược xuất khẩu dịch vụ giai đoạn 2006 - 2010 phải được triển khai tới từng ngành, phân đoạn từng bước đi, có trọng tâm cho mỗi năm. Từ đó rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách thuế, đầu tư, thế chấp, tín dụng… theo hướng khuyến khích việc tích tụ và tập trung mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho dịch vụ, sao cho vừa phù hợp với các định chế quốc tế, vừa thích hợp với thực trạng của Việt Nam. Xúc tiến xây dựng thương hiệu dịch vụ quốc gia Việt Nam. Chấn chỉnh công tác hạch toán - thống kê dịch vụ theo chuẩn quốc tế. Tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý, làm thủ tục kiểm tra trên đường hành trình, quá cảnh tại cửa khẩu, nơi lưu trú.

- Khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho dịch vụ, trước hết là đường sá, điện lực, viễn thông. Cơ sở xây mới phải đạt trình độ khu vực, quốc tế từ quy mô, đến trang bị kỹ thuật, bộ máy vận hành, để các tổ chức và cá nhân nước ngoài đến Việt Nam dùng dịch vụ của Việt Nam và ngược lại người Việt Nam không cần sử dụng dịch vụ của nước ngoài.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của tiềm năng, lợi thế so sánh, cùng sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra chuyển biến của từng đơn vị. Tăng cường đầu tư chiều sâu, làm “đẹp” sản phẩm của mình bằng chất lượng tốt, phong cách điều hành chuyên nghiệp, tay nghề thành thạo, thái độ phục vụ văn minh. Khuyến khích sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam để hình thành các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, làm đầu tàu kéo con tàu dịch vụ Việt Nam vượt qua những thách thức mới.

- Kết hợp việc xúc tiến của các ngành dịch vụ với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, để nâng cao năng lực và hiệu quả tiếp thị những nhu cầu dịch vụ từ nước ngoài. Xây dựng mạng lưới thu thập nhu cầu dịch vụ của nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước, cùng kiều bào ta để nhận được những gói thầu chính, hợp đồng gốc.

- Đầu tư tốt vao công tác đào tạo và tuyển dụng nguồn lực cho xuất khẩu lao động, đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng cao của những nền kinh tế phát triển. Tổ chức và khai thác tốt thị trường khách du lịch quốc tế, chú trọng các nguồn khách du lịch có thu nhập cao đến từ các nền kinh tế phát triển và thu hút cả nguồn khách có thu nhập bình dân nhưng có số lượng đông. Bao sân các nhu cầu vận tải hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam và hàng Việt Nam nhập khẩu. Mở mang dịch vụ gia công phần mềm và cung ứng nhân lực lập trình cho các thị trường công nghệ thông tin để duy trì vị thế cao về lĩnh vực này trên thị trường quốc tế. Gia tăng dịch vụ phục vụ hoạt động các nhà đầu tư nước ngoài như dịch vụ tư vấn, phục vụ các khu công nghiệp, khu chế xuất.... Bên cạnh mỗi dịch vụ chính cần tổ chức nhiều dịch vụ “ăn theo”, để tận thu từ mọi nhu cầu tiêu dùng của khách.

- Thực hiện phương châm quốc tế hoá và xã hội hoá đào tạo nguồn lực để nhanh chóng có nhân lực có kỹ thuật tiên tiến. Muốn thế, cần tranh thủ hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học cơ bản cùng kinh nghiệm, đào tạo những chuyên gia đầu ngành soạn thảo chiến lược, hoạch định cơ chế chính sách, làm giám đốc điều hành đơn vị, thiết kế các “mẫu sản phẩm” dịch vụ cao cấp. Nhà nước phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề dịch vụ, huy động năng lực của cộng động doanh nghiệp, tổ chức huấn luyện đội ngũ quản đốc cấp cơ sở, nhân viên thao tác, kỹ năng “bán” các sản phẩm dịch vụ cao cấp đó.

Tất cả những việc làm nói trên nhằm hướng thực hiện mục tiêu xuất khẩu dịch vụ của nước ta giai đoạn 2006-2010 đạt tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm, hay 12 tỉ USD vào năm 2010(3), tạo động lực mạnh mẽ cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo ./.



(1) Số liệu trong Chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2006-2010 của Bộ Thương mại trình và đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 156 ngày 30-6-2006.

(2) Dịch vụ Logistics bao gồm các chuỗi dịch vụ chủ yếu như:

- Dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, kho bãi, đại lý vận tải.

- Dịch vụ vận tải và các dịch vụ bổ trợ liên quan đến vận tải bằng tất cả các loại phương tiện, trong nước và ngoài nước.

- Dịch vụ phục vụ cho các công đoạn của chu trình lưu thông phân phối hàng hóa, dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật, bưu chính....

- Các dịch vụ bổ trợ cho các loại dịch vụ chủ yếu nói trên.

(3) Nguồn đã dẫn