Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng, kinh tế tuần hoàn
TCCS - Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đây chính là nội dung cốt lõi của phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng trong nền nông nghiệp tuần hoàn.
Về chuyển đổi số trong nông nghiệp
Thuật ngữ “chuyển đổi số” (digital transfomation) được đề cập đến khá nhiều trong nghiên cứu và thực tiễn hiện nay. Các nghiên cứu ở nước ta nhìn chung đều cho rằng, chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ mới, mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Đây là quá trình thay đổi căn bản và toàn diện của cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa vào công nghệ số.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng các chương trình chuyển đổi số quốc gia như là một chính sách ưu tiên phát triển hàng đầu. Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần chuyển đổi hệ thống nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giúp giải quyết bài toán về năng suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, qua đó giúp cho ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Do đó, chuyển đổi số là giải pháp cho những khó khăn mà nông nghiệp và nông thôn phải đối mặt.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thể hiện qua các ứng dụng ở 4 nhóm hoạt động chính, bao gồm: (1) giám sát; (2) điều khiển; (3) dự báo; (4) hậu cần.
Ở Việt Nam, so với với các ngành công nghiệp, dịch vụ, thì tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm, nhưng nông nghiệp lại có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là giải pháp then chốt cho phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp việc phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây, từ đó, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch,…), nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, nhờ đó, tăng thu nhập cho nông dân(1). Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản và yên tâm sử dụng.
Dưới góc độ quản lý, chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp cho việc quản lý, điều hành ngành nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào trong điều hành, quản lý sẽ giúp cho việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời, làm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả điều hành, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, từ đó, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và có tính bền vững hơn. Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp thông minh nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đa chức năng trong kinh tế tuần hoàn và yêu cầu chuyển đổi số
Kinh tế tuần hoàn (circular economy - KTTH) là cách gọi tắt của mô hình kinh tế sản xuất khép kín, dựa trên nguyên lý “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, khác hoàn toàn về mặt bản chất so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống. Kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững đang ngày càng được sự quan tâm của các quốc gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Từ khi khởi xướng đến nay, mô hình KTTH đã được thừa nhận rộng rãi và dần trở thành phương thức hiệu quả nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế tốc độ cao và suy thoái môi trường sinh thái nghiêm trọng. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cho rằng, KTTH là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Có thể hiểu, KTTH là một mô hình kinh tế (gần như) khép kín dựa trên cơ sở của việc tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng, chia sẻ, cho thuê hay sửa chữa nhằm kéo dài tuổi thọ của hàng hóa, tận dụng tối đa giá trị của các nguồn nguyên, nhiên vật liệu được khai thác, thu thập, từ đó loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng hệ sinh thái, kinh tế và xã hội về lâu dài.
Như vậy, KTTH là mô hình kinh tế mà trong đó toàn bộ quá trình từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tới xử lý chất thải đều dựa vào nguyên tắc giảm thiểu khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và tăng cường việc tái chế, tái sử dụng, qua đó giúp thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và duy trì hệ sinh thái, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một hình thái kinh tế thỏa mãn đồng thời lợi ích kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, trực tiếp mang lại nguồn lợi cho người thực hiện và cho cả cộng đồng. Dựa vào nguyên tắc giảm thiểu tối đa sự tổn hại tới tự nhiên thông qua các giải pháp tái chế, KTTH không chỉ giúp bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất, tạo động lực cho việc đầu tư trang thiết bị, tăng cường đổi mới khoa học - công nghệ, tăng chuỗi cung ứng..., từ đó góp phần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có bản chất là tính khôi phục và tái tạo, hoạt động dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản, gồm: 1- bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc sử dụng hợp lý và tái tạo tài nguyên; 2- tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình; 3- nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực thông qua tối thiểu hóa chất thải.
Trong KTTH, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cần phải ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp. Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các tính năng ưu việt của công nghệ, như công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến..., từ đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, đồng thời giúp giảm bớt sự phụ thuộc của quá trình sản xuất vào các yếu tố tự nhiên, như thời tiết, khí hậu. Vì vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển và cũng là xu hướng tất yếu cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Ở Việt Nam hiện nay, các thuật ngữ nông nghiệp thông minh (smart agriculture/farming), nông nghiệp chính xác (precision agriculture/farming), nông nghiệp tuần hoàn có thể được sử dụng tương đồng với nghĩa nông nghiệp công nghệ cao (high-tech agriculture), để chỉ nền nông nghiệp ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Theo sự phát triển của công nghệ và tư liệu lao động, nền nông nghiệp được phát triển từ nền “nông nghiệp nguyên thủy” sang nền “nông nghiệp thủ công” (cày, cuốc, cắt, xén…), “nền nông nghiệp cơ khí hóa và điện khí hóa”, “nông nghiệp tự động hóa” và “nông nghiệp thông minh”. Do đó, nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp ứng dụng thế hệ công nghệ thứ tư để số hóa và hiện thực hóa các nông trại, các phân xưởng, các chuỗi giá trị đã được kết nối, tập trung và thông minh trong môi trường tương tác thực và ảo, bảo đảm cho quá trình sản xuất, kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững. Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp thông minh, nền nông nghiệp mà hầu hết các nước phát triển đã hoàn thành nền nông nghiệp cơ khí hóa, điện khí hóa và đang phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp tự động hóa(2).
Bảng 1: Nông nghiệp với sự tiến hóa của công nghệ
Nguồn: Đỗ Kim Chung (2021)
Khái niệm nông nghiệp đa chức năng (multifunctional agriculture) được đề cập chính thức tại Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) của Hội nghị thượng đỉnh Trái đất (Earth Summit) tại Rio năm 1992 (UNCED, 1992). Từ đó, khái niệm này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc tranh luận khoa học và chính sách về tương lai của phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nông nghiệp đa chức năng được hiểu là nông nghiệp ngoài vai trò sản xuất lương thực, thực phẩm còn có một số chức năng khác, như quản lý tái tạo tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học và đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn. Như vậy, nông nghiệp đơn chức năng chỉ tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm an ninh lương thực, còn nông nghiệp đa chức năng ngoài sản xuất lương thực, thực phẩm còn có các chức năng, như bảo vệ môi trường, giáo dục, bảo tồn văn hóa địa phương, chăm sóc sức khỏe, giải trí và du lịch...
Ở nước ta, phát triển bền vững theo các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc nói chung và phát triển KTTH nói riêng đã và đang được quan tâm. Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng gắn với phát triển KTTH là xu thế tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, hiệu quả.
Hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào tất cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế, phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên mô hình KTTH và sự phát triển bền vững trong tương lai. Muốn có nền KTTH thì phải đạt được sản xuất tuần hoàn, mà muốn có sản xuất tuần hoàn thì phải chuyển đổi số. Do đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra nông nghiệp công nghệ cao và chính nông nghiệp công nghệ cao phải trở thành mô hình nông nghiệp đa chức năng để có nông nghiệp tuần hoàn. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một dạng thức của sản xuất nông nghiệp bền vững, nên việc gắn kết với KTTH có thể mang đến những triển vọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nguyên vật liệu đầu vào; bảo tồn, tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao hiệu quả cạnh tranh; tạo các thị trường mới; tạo việc làm; và gia tăng giá trị xã hội.
Một số vấn đề đặt ra
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tạo cảnh quan môi trường sống cho người dân; các giá trị nông nghiệp tạo ra có thể góp phần phục vụ du lịch, giải trí, chăm sóc sức khoẻ,... tất yếu mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội. Quá trình này đặt ra một số vấn đề cần quan tâm:
Một là, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng, cần có những nghiên cứu, luận giải để định vị “nông nghiệp đa chức năng”, “nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng” trong các chính sách phát triển nông nghiệp quốc gia, đặc biệt gắn với phát triển KTTH trong nông nghiệp.
Hai là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng phải dựa trên cơ sở thế mạnh nông nghiệp địa phương kết hợp với ứng dụng khoa học - công nghệ, do đó, cần quan tâm vấn đề quy hoạch, xây dựng chuỗi liên kết. Đặc biệt, cần làm rõ “tính đa chức năng” của nông nghiệp công nghệ cao gắn với thế mạnh từng vùng, khu vực.
Ba là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng phải gắn với đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Khoa học - công nghệ là động lực cho phát triển nông nghiệp cao, tuy nhiên trong nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ cao, cần phải có những đánh giá phù hợp của công nghệ so với điều kiện cụ thể của các địa phương; với trình độ tiếp thu, vận hành của người sử dụng ở từng địa phương, tránh tình trạng công nghệ quá hiện đại nhưng không phù hợp với điều kiện, trình độ của người sử dụng, gây lãng phí, không hiệu quả.
Bốn là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước thông qua việc hoàn thiện các chính sách quy hoạch, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm... Bởi lẽ, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, đồng bộ sẽ tạo lập môi trường phát triển thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, người dân, nhất là khu vực tư nhân đầu tư, thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới KTTH.
Một số khuyến nghị
Thứ nhất, cần bổ sung các quy định liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược đã xác định sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sử dụng vật liệu hữu cơ vi sinh, áp dụng kỹ thuật thông minh, KTTH để tiết kiệm đầu vào. Mặc dù không đề cập chính thức đến “nông nghiệp đa chức năng”, “nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng”, nhưng quá trình triển khai cần quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, hướng đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng theo hướng tuần hoàn để phát huy tối đa lợi ích.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch có liên quan để thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng theo hướng tuần hoàn. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách để nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương để phát huy lợi thế địa phương và bảo đảm nông dân được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch mà Quyết định số 575/QĐ-TTg, ngày 4-5-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã xác định. Các địa phương cần huy động nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; nghiên cứu phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp đa chức năng, tổ hợp tác nông nghiệp đa chức năng; thành lập và phát triển các câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng... có sự kết nối khu vực và cả nước để tạo động lực mới, mở ra cơ hội và kỳ vọng mới cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, nâng tầm giá trị nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép các nhiệm vụ của chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả trong nước và quốc tế, tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản chất lượng cao, qua đó thúc đẩy tính đa chức năng của nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin thường xuyên về cung - cầu, giá cả thị trường trong nước và thế giới; hỗ trợ tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá để tạo thương hiệu quốc gia, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của các vùng, địa phương. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng, phát triển và mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản; xây dựng và duy trì hàng rào kỹ thuật đúng quy định với các cam kết hội nhập để bảo vệ nông nghiệp trong nước. Có chính sách hỗ trợ tích cực cho nông dân chủ động xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản trong nước, cũng như tích cực tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Thứ tư, ban hành các chính sách đột phá về cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản cho các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao. Cần có những ưu đãi cho các tổ chức tín dụng được hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất; chính sách thuế, cơ chế xử lý rủi ro tài chính,... Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích thành lập một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện các ưu đãi thuế, tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao để phát huy tính đa chức năng của ngành nông nghiệp./.
--------------------------------
(1) Xem: Nguyễn Thị Miền: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 28-4-2022, https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-nham-phat-trien-ben-vung-nganh-nong-nghiep-viet-nam-p25931.html
(2) Xem: Đỗ Kim Chung: “Nông nghiệp công nghệ cao: Góc nhìn từ sự tiến hóa của nông nghiệp và phát triển của công nghệ”, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2021, số 19(2): 288-300, http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2021/03/tap-chi-so-2.15.2021.pdf
Chiến lược chuyển đổi số các dịch vụ công của Pháp trong bối cảnh phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn sau đại dịch COVID-19 và một số gợi mở đối với Việt Nam  (15/06/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 5 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số  (25/02/2023)
Nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số  (09/12/2022)
- Chính sách ngoại giao của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
- Dấu ấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn
- Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam