Chiến lược chuyển đổi số các dịch vụ công của Pháp trong bối cảnh phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn sau đại dịch COVID-19 và một số gợi mở đối với Việt Nam
TCCS - Chính phủ điện tử hay chính phủ kỹ thuật số đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan hành chính để hướng đến một chính phủ vận hành tốt hơn thông qua các dịch vụ công dễ tiếp cận và các thủ tục đơn giản hơn đối với mọi người dân. Bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số các dịch vụ công của Pháp cho thấy rõ điều đó.
Chuyển đổi số các dịch vụ công ở Pháp
Thời đại toàn cầu hóa đang khiến các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau hơn, nhưng sự cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn. Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước nỗ lực hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế số, bởi nếu vẫn tồn tại dưới hình thức truyền thống, chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện vai trò của mình. Do vậy, việc chính phủ điện tử ra đời được xem là tất yếu, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là một bước đổi mới đưa các thủ tục hành chính và thông tin chính phủ tới người dân một cách dễ dàng, là mô hình hành chính được nhiều quốc gia đã và đang thực hiện.
Từ rất sớm, nhận thức rõ tầm quan trọng của chính phủ điện tử và những lợi ích mà mô hình chính phủ điện tử mang lại, Chính phủ Pháp đã có những kế hoạch hành động cụ thể để từng bước phát triển nền hành chính công hiện đại hơn, với mục tiêu là phục vụ người dân. Chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của Pháp được bắt đầu từ đầu những năm 2000. Một trong những dấu mốc đầu tiên đánh dấu hoạt động của Chính phủ Pháp trong lĩnh vực này là sự ra đời của trang mạng service-public.fr vào năm 2000, cho phép các cá nhân có thể truy cập trực tuyến để thực hiện một số thủ tục hành chính.
Dấu mốc thứ hai trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số các dịch vụ công thể hiện qua việc không dùng giấy tờ đối với các thủ tục hành chính thiết yếu, được thúc đẩy bởi ba kế hoạch hành động trong các năm 1998, 2004 và 2008. Năm 2013, Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp để đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tuy nhiên vào năm 2014, Báo cáo Năng lực Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy Pháp vẫn xếp hạng 121/144 quốc gia trên thế giới về gánh nặng hành chính(1).
Chính vì vậy, dấu mốc thứ ba, cũng là trọng tâm trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số các dịch vụ công của Pháp, là xoay quanh mục tiêu đơn giản hóa hành chính. Việc thiết lập nền hành chính số ở Pháp không chỉ giới hạn ở việc chuyển đổi đơn giản các thủ tục thông thường trong không gian trực tuyến mà còn dựa trên sự cải thiện trải nghiệm của người dân. Chính quyền thực sự tìm cách tự hiện đại hóa để đạt hiệu quả tốt hơn, với điểm mấu chốt là định hình lại mối quan hệ giữa công dân và dịch vụ công. Năm 2015, Pháp thông qua dự luật “vì một nước cộng hòa kỹ thuật số”. Dự luật kỹ thuật số này là một bước đột phá lớn trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các dịch vụ công, cho phép công dân dễ dàng truy cập các tài liệu hành chính, đồng thời khởi xướng việc chia sẻ dữ liệu công khai trên nền tảng www.data.gouv.fr.
Bước ngoặt cho việc hiện đại hóa các dịch vụ công là khi ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống vào năm 2017 với mục tiêu đưa “chính quyền Pháp phục vụ những người đổi mới”. Chính phủ Tổng thống Pháp E. Macron nhanh chóng bắt tay vào một cuộc cải cách lớn. Do đó, “Chương trình Hành động công 2022” được thành lập với mục đích phi vật chất hóa dịch vụ công (xây dựng nền hành chính không dùng giấy tờ) vào năm 2022, với 250 thủ tục hành chính được áp dụng nhiều nhất ở Pháp. Để bảo đảm việc thực thi chương trình, cơ quan giám sát liên bộ của Pháp về các vấn đề kỹ thuật số (DINUM) được thành lập, tập trung vào hệ thống thông tin của các cơ quan hành chính Pháp. DINUM hoạt động chung với Tổng cục Chuyển đổi công vụ liên bộ (DITP) đã tồn tại trước đó với các mục tiêu: nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người sử dụng, kiểm soát chi tiêu công cho đối tượng nộp thuế, hiện đại hóa điều kiện làm việc cho cán bộ công chức nhà nước.
Cuối năm 2019, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền hành chính công, Pháp triển khai chương trình TECH.GOUV(2), bao gồm các hoạt động khác nhau nhằm khuyến khích áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cung cấp các dịch vụ công, phát triển một khuôn khổ nhận dạng điện tử có thể tương tác, thực hiện nguyên tắc “chỉ một lần” (Implementation of the “only once” principle - OOP) có nghĩa là công dân và doanh nghiệp chỉ cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan hành chính nhà nước, cải thiện kết cấu hạ tầng dữ liệu và quản lý tốt hơn dữ liệu đã thu thập. Cụ thể, Quy định eIDAS22 thiết lập một khuôn khổ duy nhất cho các dịch vụ nhận dạng điện tử (eID) và ủy thác ở Liên minh châu Âu (EU), được triển khai tại Pháp thông qua dịch vụ FranceConnect. Vào năm 2020, FranceConnect có sự gia tăng đáng kể số lượng người sử dụng, đạt hơn 22 triệu người đăng ký. Trên cơ sở đó, Chính phủ Pháp ước tính có khoảng 30 triệu công dân Pháp sẽ được kết nối với hệ thống này, chiếm khoảng 60% dân số đủ điều kiện trong năm 2021. FranceConnect được triển khai trong hàng trăm dịch vụ kỹ thuật số, chủ yếu trong khu vực công và một số khu vực tư nhân (ngành y tế, ngân hàng và bảo hiểm), đóng vai trò quan trọng cho việc triển khai eIDAS vào năm 2021, cho phép nhận dạng điện tử xuyên biên giới trong các dịch vụ công kỹ thuật số đòi hỏi phải được nhận dạng của Pháp.
Ngoài ra, trong năm 2021, sau cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19, một khoản ngân sách chính phủ trị giá 1,7 tỷ euro được phân bổ nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đây là một phần của kế hoạch phục hồi kinh tế “France Relance”(3). Theo đó, việc số hóa các dịch vụ công phần nào giảm tải được những thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, quan trọng là giúp việc quản trị nền kinh tế số dễ dàng và thuận tiện hơn, giúp Pháp trở nên bền vững hơn, linh hoạt hơn và chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức và cơ hội trong tương lai.
Một số thành công và hạn chế trong chiến lược chuyển đổi số các dịch vụ công ở Pháp
Một số kết quả đạt được
Một là, nhờ có chiến lược bài bản và lộ trình phù hợp, đến nay, nền hành chính công của Pháp đã có những chuyển biến tích cực. Trong bảng đánh giá xếp hạng về chuyển đổi kỹ thuật số các dịch vụ công của Ủy ban châu Âu (EC) năm 2021, Pháp đứng thứ 13 trong EU về các dịch vụ công kỹ thuật số. Đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu mở, đạt 94% số điểm tối đa và trong các dịch vụ công kỹ thuật số dành cho doanh nghiệp với số điểm 91/100 điểm. Tuy một vài chỉ số khác vẫn còn ở mức trung bình so với EU, song có thể thấy một sự phát triển mạnh mẽ của Pháp trong việc số hóa các dịch vụ công, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp(4).
Hai là, sự thành công của FranceConnect giúp đơn giản hóa việc tiếp cận các thủ tục hành chính cho hơn 28 triệu người dân Pháp; việc triển khai các công cụ kỹ thuật số mới cho phép hàng trăm nghìn nhân viên nhà nước tiếp tục làm việc từ xa trong thời gian khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, sự ra mắt của các ứng dụng cải thiện trải nghiệm người dùng đặt công dân vào trung tâm của các dự án kỹ thuật số công cộng; ra mắt các công cụ để làm nền hành chính công minh bạch hơn và hiệu quả hơn, giúp Chính phủ Pháp quản lý tốt hơn các hoạt động hiện đại hóa của mình(5).
Tính đến nay, 212/250 thủ tục phổ biến nhất ở Pháp, như kê khai thu nhập, nộp thuế và tiền phạt, yêu cầu giấy tờ tùy thân, yêu cầu hỗ trợ nhà ở và tiếp cận chứng chỉ tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19… được cung cấp thông tin trực tuyến. Rõ ràng, Pháp đã trải qua một sự tăng tốc mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong những năm gần đây bất chấp đại dịch COVID-19. Những khó khăn, thách thức của dịch bệnh COVID-19 lại trở thành động lực để Chính phủ Pháp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số các dịch vụ công.
Ba là, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số, chuyển đổi số các dịch vụ công giúp Pháp nhanh chóng vượt qua đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh khi phải thực hiện chính sách đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, nhờ có sự chuyển đổi kỹ thuật số, các nhân viên nhà nước vẫn có thể làm việc tại nhà, doanh nghiệp và người dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến. Điều này không những giúp nền kinh tế Pháp phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, mà còn giúp chính phủ và người dân Pháp sẵn sàng ứng phó với những biến động có thể xảy ra trong tương lai.
Một số vấn đề tồn tại
Bên cạnh những thành công trong quá trình chuyển đổi số các dịch vụ công vẫn tồn tại một số hạn chế. Theo thống kê của Liên hợp quốc về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EDGI)(6), năm 2020, Pháp đứng thứ 19 với chỉ số là 0,87180 - mức cao trên thế giới. Ở cấp độ khu vực, Pháp đứng thứ 9 sau các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng cả châu Âu và quốc tế như Đan Mạch, Estonia, Phần Lan…(7). Qua chỉ số xếp hạng EDGI của Pháp cho thấy sự sự phát triển của chính phủ điện tử Pháp vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đặc biệt là liên quan đến kết nối và truy cập internet. Trên thực tế, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các dịch vụ công mặc dù mang lại những lợi ích rõ ràng nhưng có một giới hạn lớn, có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công, đặc biệt là với những đối tượng gặp khó khăn với công nghệ bởi: 1- Hiện nay hơn 7,5 triệu người dân Pháp không thể truy cập, kết nối internet chất lượng, nhất là ở vùng nông thôn và các vùng thưa dân cư; 2- Khả năng tiếp cận với thiết bị máy tính cũng là một yếu tố dẫn đến phân biệt đối xử trong việc thực hiện các thủ tục hành chính không dùng giấy tờ vì 19% người dân Pháp không có máy tính ở nhà; 3- Việc triển khai các thủ tục hành chính online không dùng giấy tờ cũng có thể là một nguyên nhân gây khó khăn cho những người không có khả năng sử dụng các công cụ kỹ thuật số (1/3 người dân Pháp coi mình là những đối tượng ít hoặc không có khả năng sử dụng máy tính).
Do đó, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số dẫn đến các vấn đề bất bình đẳng về lãnh thổ, kinh tế và văn hóa. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây xung đột xã hội. Việc thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng và sự hạn chế ở các vùng nông thôn khiến Pháp phải đối mặt với một nghịch lý, đó là trong khi quá trình quản trị kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích cho xã hội nhưng đồng thời cũng tạo ra nguy cơ những người yếu thế bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, để trở thành nước dẫn đầu về kỹ thuật số, Pháp phải hướng mạnh tới người dân trong việc thiết kế các dịch vụ công mới; vượt qua sự cứng nhắc của nền hành chính công đã có truyền thống của chính quyền Pháp, đồng thời xem xét tốt hơn các nhu cầu của công dân. Do đó, vấn đề trọng tâm là tránh sự chuyển đổi “cưỡng bức” của các dịch vụ công và cần có lộ trình hỗ trợ những người còn gặp hạn chế khi tiếp cận với công nghệ.
Một số gợi mở đối với Việt Nam
Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, tạo khả năng “đi tắt, đón đầu” để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 5-9-2014, “Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Ngày 15-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP, “Về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”, với mục tiêu tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả,… Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử. Hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin, như Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành. Các cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân, như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức. Chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng được quan tâm(8).
Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ quá trình chuyển đổi số các dịch vụ công của Nhà nước ta có thể thấy, việc triển khai chính phủ điện tử chưa đạt được như mong muốn. Vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc vẫn ở mức trung bình. Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2020, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 ở khu vực châu Á và 6/11 ở Đông Nam Á. Mặc dù vậy, về giá trị, đang có những chuyển biến tích cực khi chỉ số phát triển chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) của Việt Nam năm 2022 đạt 0,6787 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988), của khu vực châu Á (0,6373), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6321)(9).
Qua nghiên cứu chiến lược phát triển chính phủ điện tử của Pháp, có thể thấy, việc phối hợp quản lý giữa chính phủ và chính quyền địa phương trong phát triển ứng dụng công nghệ số là rất quan trọng để tạo nên sự thành công trong quá trình số hóa các dịch vụ công của nhà nước. Đồng thời, cần tính đến các thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghệ số ở địa phương, trong đó có vấn đề quy hoạch mạng lưới địa phương (xây dựng mạng lưới và kết cấu hạ tầng), bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số, phát triển nền hành chính công nghệ số. Để triển khai chính phủ điện tử có hiệu quả hơn trong thời gian tới, một số gợi mở đối với Việt Nam:
Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển chính phủ điện tử. Theo kinh nghiệm của Pháp, để phát triển chính phủ điện tử, nền tảng thể chế chính phủ điện tử phải đi trước, trong khi chúng ta còn thiếu nhiều quy định và chính sách. Do vậy, Nhà nước cần rà soát lại các văn bản pháp lý về chia sẻ dữ liệu; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về xác thực điện tử; bảo đảm quyền riêng tư cá nhân; về chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và kinh tế số, cần hoàn thiện xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hạ tầng số phục vụ cho phát triển của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hoàn thiện xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hoạt động giao dịch điện tử và bổ sung các nội dung mới của hoạt động kinh tế số, như kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, mô hình kinh tế số ngành, lĩnh vực. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử, tạo điều kiện pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn trong hoạt động và quy trình làm việc của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Đặc biệt cần sớm ban hành Luật Chính phủ số và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo được hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện để phát triển chính phủ số.
Thứ hai, song song với việc xây dựng các thể chế, cần tập trung hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai... Để bảo đảm hiệu quả sử dụng của các cơ sở dữ liệu quốc gia này cần tiến hành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; Cổng thanh toán quốc gia… để bảo đảm dữ liệu, thông tin được thông suốt giữa các cấp(10).
Hiện nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến trung bình của cả nước mới đạt 23,02%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trung bình của cả nước mới đạt 24,89%. Cần tích cực hơn nữa trong việc hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương, đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ. Kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia sẵn có, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trước hết, kết nối, khai thác và sử dụng ngay các dịch vụ dữ liệu đã sẵn sàng cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đồng thời, cần rà soát lại các thủ tục ưu tiên; cần xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại các thủ tục hành chính đã được số hóa…
Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số thông qua việc triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển chính phủ điện tử. Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tới từng bộ, tỉnh, hướng tới đạt được mục tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS, ngày 15-3-2022, “Về kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2022”), đó là: 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến.
Kết nối toàn diện, triệt để Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước; từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thứ tư, qua nghiên cứu chiến lược phát triển chính phủ điện tử của Pháp có thể thấy Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Pháp, chẳng hạn như tốc độ phát triển công nghệ thông tin ở các địa phương không giống nhau, nhiều địa phương phát triển công nghệ thông tin rất mạnh nhưng nhiều địa phương “tụt hậu” trong ứng dụng công nghệ thông tin, do đó chúng ta cần điều chỉnh bảo đảm phát triển đồng đều kết cấu hạ tầng để triển khai áp dụng mô hình chính phủ điện tử trên cả nước, tránh trường hợp chỉ phát triển ở những thành phố lớn, còn các địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vực thưa dân cư bị bỏ lại phía sau, đặc biệt cần chú ý đến những khó khăn, vướng mắc của một bộ phận người dân về kỹ năng, về cơ sở vật chất để có thể thực hiện được các thủ tục hành chính trực tuyến.
Bên cạnh đó, hiện nay, ở nước ta, việc điều phối, sự gắn kết đồng bộ giữa Trung ương và địa phương trong triển khai Chính phủ điện tử vẫn những hạn chế. Qua kinh nghiệm của Pháp cho thấy, cần rà soát những lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của Trung ương hay địa phương để xây dựng những nguyên tắc chung, tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin lẫn nhau, đặc biệt các thông tin về hộ tịch, hộ khẩu… thông qua công cụ số và lưu chuyển dữ liệu theo các bộ tiêu chuẩn chung, thực hiện tốt việc số hóa các thông tin cơ bản của công dân là nền tảng để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến khác.
Tóm lại, “Chương trình Hành động công 2022” cho thấy quyết tâm của Chính phủ Pháp trong việc đón nhận công nghệ kỹ thuật số và các phương pháp thực hiện như một đòn bẩy để hiện đại hóa nhà nước. Việc số hóa định hình lại luật pháp và nhà nước thể hiện sự chủ động trong việc tạo ra các khuôn khổ và công cụ mới cho nền hành chính công. Việc số hóa này không chỉ giới hạn ở việc đem lại tiện ích cho cuộc sống hằng ngày của người dân, mà còn tạo ra một sự thay đổi sâu sắc về mặt quản trị, bằng cách trở thành một công cụ của chính phủ mở. Sự ra đời của kỹ thuật số trong lĩnh vực công góp phần xác định lại học thuyết quản trị, hướng tới một mô hình tốt hơn dựa trên sự đòi hỏi cao về tính minh bạch và tính công khai của dữ liệu công cộng, cũng như thúc đẩy sự hợp tác với xã hội trong việc thiết kế các chính sách./.
---------------------------
(1), (3) Marine Dupuis: “Transforming Public Action - eGovernment in France: An overview of the digital transformation of French public services” (Tạm dịch: Các hành động chuyển đổi công - Chính phủ điện tử ở Pháp: Tổng quan về chuyển đổi kỹ thuật số của các dịch vụ công của Pháp), ngày 16-1-2022, https://www.internetjustsociety.org/cosmonaut/egovernment-in-france
(2), (5) TECH.GOUV : “Stratégie et feuille de route 2019 - 2022 - édition actualisée mi-2021” (Tạm dịch: Chiến lược và lộ trình 2019 - 2022 - cập nhật giữa năm 2021), ngày 19-9-2022, https://www.numerique.gouv.fr/publications/ tech-gouv-strategie-et-feuille-de-route-2019-2021/
(4) European Commission DESI: “The Digital Economy and Society Index (DESI)” (Tạm dịch: Chỉ số Kinh tế - xã hội kỹ thuật số (DESI)), ngày 15-1-2022, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi
(6) EGDI là một chỉ số tổng hợp được sử dụng để xác định hiệu quả hoạt động của các chính phủ điện tử. Chỉ số này được tính bằng giá trị trung bình của ba định lượng tương ứng: Việc sử dụng NTIC cho các dịch vụ công, mức độ kết nối viễn thông trong nước (truy cập internet) và năng lực của người dân (vốn nhân lực)
(7) United Nations, E-Government Survey 2020: “Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development” (Tạm dịch: Chính phủ số trong thập niên hành động vì sự phát triển bền vững), tháng 8-2020, https://digitallibrary.un.org/record/3884686
(8), (10) Mai Tiến Dũng: “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam”, Cổng thông tin chính phủ điện tử, ngày 23-2-2023, http://egov.chinhphu.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh -phu-so-va-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-a-newsdetails-37599-14-186.html
(9) Phạm Vinh: “Mục tiêu Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới”, Tạp chí điện tử VnEconomy, ngày 31-1-2023, https://vneconomy.vn/muc-tieu-chinh-phu-dien-tu-viet-nam-vao-top-50-the-gioi.htm#:~:text=Theo%20B% C3%A1o%20c%C3%A1o%20Ch%C3%ADnh%20ph%E1%BB%A7,tr%C3% AD%20so%20v%E1%BB%9Bi%20n%C4%83m%202020
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 5 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số  (25/02/2023)
Nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số  (09/12/2022)
Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng các làng du lịch nông nghiệp, nông thôn thông minh ở Hà Nội  (02/12/2022)
Huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo  (17/11/2022)
Quảng Ninh triển khai đồng bộ các giải pháp để chuyển đổi số toàn diện  (12/11/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên