Cải cách hành chính Nhà nước là một trong những nội dung mang tầm chiến lược trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Mục tiêu cải cách hành chính là xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực và hiệu quả, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới. Cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ trên bốn mặt : cải cách thể chế hành chính, cải cách bộ máy, xây dựng đội ngũ công chức quản lý nhà nước và quản lý tài chính công.

Ở Việt Nam, cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý, cải cách hành chính được tiến hành đồng thời với cải cách kinh tế. Sự phù hợp về cơ chế trước hết là pháp luật và chính sách đã góp phần giải phóng sức sản xuất xã hội, nhiều tiềm năng mới được khơi dậy. Nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân mang tính đột phá từ cơ chế chính sách.

Trong 10 năm qua, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật quan trọng phù hợp với cơ chế mới, làm cơ sở pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Song song với việc ban hành hệ thống pháp luật, chính sách mới, đã rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy, hủy bỏ những văn bản lạc hậu, trùng lặp, bổ sung, sửa đổi thành các văn bản mới. Loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân trong hoạt động kinh doanh và quan hệ dân sự. Đơn giản thủ tục đăng ký kinh doanh, bãi bỏ giấy phép kinh doanh, đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đô thị, cải cách một cách cơ bản thủ tục hải quan, giảm thời gian thẩm định cấp giấy phép đầu tư nước ngoài, miễn trừ các loại phí và lệ phí không phù hợp.

Vừa qua, chúng ta đã tiến hành thí điểm cải cách hành chính theo hướng "một cửa, một dấu" ở một số quận ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội. Thủ tục đăng ký kinh doanh là vấn đề phức tạp, nhiều phiền hà nhất, sau khi ban hành Luật Doanh nghiệp đã có sự thay đổi căn bản. Nếu trước đây để có giấy phép thành lập doanh nghiệp phải qua 14 - 15 cửa cùng nhiều giấy tờ thủ tục, với thời gian chờ đợi từ 3 tháng đến 1 năm, nay chỉ cần qua 4 - 5 cửa với thủ tục gọn nhẹ và được giải quyết trong vòng 1 tháng. Thành công nổi bật của cải cách thể chế là, giảm dần thể chế hành chính đơn thuần sang thể chế kinh tế, phát huy tính chủ động sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các cấp, bảo đảm quyền tự chủ của doanh nghiệp và công dân, tách quản lý nhà nước và quản lý sản xuất - kinh doanh, bước đầu xóa bỏ quan niệm chủ quản trực thuộc. Các cơ quan quản lý nhà nước tập trung vào những vấn đề quan trọng ở tầm vĩ mô : pháp luật, chiến lược, chính sách, hướng dẫn tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giảm dần đầu tư nhà nước vào các cơ sở kinh tế, hướng trọng tâm vào những lĩnh vực công cộng.

Về bộ máy quản lý, đã xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức hành chính phù hợp với cơ chế thị trường. Bộ máy hành chính nhà nước chuyển dần từ quản lý hành chính đơn thuần sang chức năng quản lý nhà nước, xây dựng ban hành hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, làm đúng chức năng công quyền, không can thiệp vào sản xuất kinh doanh. Bộ máy quản lý được sắp xếp lại theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, hợp nhất các bộ liên quan đến nông nghiệp thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ; các bộ liên quan đến công nghiệp thành Bộ Công nghiệp, một số bộ liên quan đến thương mại thành Bộ Thương mại, chuyển một số cơ quan trực thuộc Chính phủ về các bộ... Do vậy, đã giảm đầu mối của Chính phủ, tạo thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp, bảo đảm sự tương đồng trong quan hệ hợp tác quốc tế, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, vừa nâng cao hiệu quả quản lý, vừa tạo điều kiện để giảm biên chế hành chính.

Về cán bộ công chức nhà nước, chúng ta đã ban hành Pháp lệnh cán bộ, công chức làm cơ sở pháp lý cho việc thực hành chế độ công vụ, hình thành hệ thống ngạch bậc công chức theo ngành nghề. Đổi mới một cách cơ bản việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đề bạt, thực hiện chế độ thi tuyển đối với công chức mới, đào tạo lại đội ngũ công chức cũ phù hợp với yêu cầu quản lý mới. Đổi mới hệ thống chính sách đãi ngộ đối với công chức như : tiền lương, thu nhập, động viên tinh thần, thực hiện thí điểm khoán chi hành chính ở một số đơn vị sự nghiệp.

Hơn 10 năm qua, việc cải cách hành chính tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, yếu kém. So với tiến trình cải cách kinh tế còn chậm, một số mục tiêu cải cách không đạt được; chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, vẫn còn là vật cản đối với cải cách kinh tế. Nền hành chính về cơ bản vẫn còn dấu ấn của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, vừa gò bó, vừa sơ hở. Hệ thống pháp luật còn thiếu, không đồng bộ, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, không phù hợp, gây cản trở cho việc phát triển kinh tế - xã hội, làm nản lòng các nhà đầu tư. Cơ chế "xin - cho" vẫn còn tồn tại, đặc biệt là đầu tư Nhà nước, quản lý tài chính công là nguyên nhân của lãng phí và thất thoát lớn tài sản nhà nước. Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, kém hiệu lực ; đội ngũ công chức tuy được đào tạo lại nhưng còn hạn chế, đông về số lượng, nhưng hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao nhất là kiến thức quản lý hiện đại ; việc áp dụng tin học trong quản lý còn đơn lẻ, chưa mang tính phổ cập.

Có nhiều nguyên nhân làm chậm quá trình cải cách hành chính. Về khách quan, đây là vấn đề lớn, phức tạp, đụng chạm đến quyền lợi của các tổ chức và nhân sự trong bộ máy hành chính. Tuy đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhưng về cơ bản vẫn là thị trường sơ khai, chưa có thị trường đồng bộ, một số chức năng của thị trường Nhà nước vẫn làm thay theo quán tính, hệ thống thể chế vẫn chịu tác động của thể chế hành chính tập trung phân bổ nguồn lực chủ yếu vẫn theo chiều dọc, Nhà nước vẫn là chủ đầu tư lớn, nhưng thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ, nền kinh tế vẫn còn độc quyền, đặc quyền. Cơ sở hạ tầng của nền hành chính còn thấp. Ngoài ra, do nhận thức chưa đúng về vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, trong mối quan hệ Nhà nước - thị trường - doanh nghiệp và dân cư đã có nhiều thay đổi, nhưng Nhà nước vẫn làm thay doanh nghiệp và công dân. Ngược lại, còn có xu hướng buông lỏng, xem nhẹ như chiến lược quy hoạch, kế hoạch. Do vậy, sự chồng chéo, trùng lặp, gây lãng phí lớn, hoặc tình trạng coi nhẹ kỷ cương trong quản lý, nhất là quản lý văn hóa - xã hội, quản lý đô thị, môi trường... còn trầm trọng

Cải cách hành chính là vấn đề liên quan đến hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, có tác động trực tiếp đến cải cách kinh tế, xã hội, được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Cải cách hành chính trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền, càng phải chú trọng đặt trong quan hệ Nhà nước - thị trường - công dân một cách khoa học, cụ thể. Nhà nước chỉ làm những việc thị trường và dân không làm được và làm không hiệu quả. Do đó, về nguyên tắc chuyển từ Chính phủ vô hạn sang Chính phủ hữu hạn là đúng và cần thiết. Nền hành chính văn minh là nền hành chính dân chủ. Chính phủ lo cho dân trước hết phải tạo điều kiện cho dân, làm theo triết lý : dân giàu, nước mạnh.

Để tiếp tục đổi mới cải cách hành chính, trong thời gian tới, cần tập trung giải quyết có hiệu quả một số nội dung chính sau :

1 - Về cải cách thể chế hành chính

Hệ thống thể chế phải vừa thực sự giải phóng sức sản xuất xã hội, vừa giữ được định hướng về chính trị. Quá trình cải cách hành chính, việc chuyển từ hành chính thuần túy công quyền sang hành chính nhà nước pháp quyền và dịch vụ công, tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phản ánh bản chất xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển, vì hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu để kiểm chứng hệ thống thể chế. Một yêu cầu quan trọng đặt ra là, cần rành mạch hóa các quan hệ cơ bản giữa hành chính nhà nước với doanh nghiệp và dân cư, giữa hành chính với dịch vụ công, giữa trung ương và địa phương. Mọi thủ tục liên quan đến quyền lợi của nhân dân phải thực hiện đơn giản, rõ ràng và công khai.

2 - Về cải cách bộ máy hành chính

Trên cơ sở chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường thiết kế bộ máy, đẩy nhanh việc xây dựng thị trường đồng bộ để di chuyển nguồn lực theo chiều ngang, dùng áp lực của thị trường để kiểm chứng các hoạt động kinh doanh theo định hướng của Nhà nước. Về nguyên tắc, Nhà nước không làm thay thị trường và dân cư. Do vậy, phải xây dựng chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền và trách nhiệm của hệ thống hành chính Nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước tập trung xây dựng, chỉ đạo thực hiện các chức năng quản lý vĩ mô. Xây dựng, ban hành luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch chính sách và kiểm tra việc thực hiện chúng. Bộ máy cần tổ chức theo hướng liên ngành, đa lĩnh vực. Thực hiện quản lý kinh tế theo ngành từ chiến lược, quy hoạch đến phân bổ nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Về nguyên tắc, việc quản lý cần kết hợp cả ngành và lãnh thổ, nhưng ngành là chính để tránh tình trạng cát cứ, chia cắt. Quản lý của chính quyền địa phương là quản lý toàn diện cả kinh tế và xã hội.

Tiếp tục giảm các cơ quan trực thuộc Chính phủ. Bên cạnh tổ chức Chính phủ, có các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, nhưng tránh xu hướng nhà nước hóa các tổ chức xã hội như hiện nay. Bên cạnh cơ cấu tĩnh, cần có cơ cấu động giúp Chính phủ nghiên cứu những vấn đề lớn, phức tạp liên ngành để giảm bộ máy nhà nước. Tách chức năng dịch vụ công ra khỏi chức năng bộ máy nhà nước để các tổ chức tự quản chịu trách nhiệm. Để nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ công chức, trước hết cần thực hiện chế độ công vụ theo chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm, quyền hạn ; có tiêu chí đánh giá kết quả công việc theo từng chức danh. Kết hợp quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, thực hiện chế độ thi tuyển đối với các trường hợp đề bạt ; đổi mới quan niệm công chức theo hướng nghề nghiệp, chức nghiệp làm việc ổn định. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để đội ngũ công chức yên tâm làm việc lâu dài và cống hiến với khả năng cao nhất năng lực, trình độ của mình cho cơ quan, đơn vị. Thực hiện thí điểm chọn cán bộ theo phương châm cạnh tranh nhân tài để có đội ngũ công chức có năng lực thực sự.

3 - Về quản lý tài chính công

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý ngân sách nhà nước, giảm thiểu ngân sách đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Ngân sách nhà nước chỉ dành cho những lĩnh vực trọng yếu liên quan đến quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, xã hội, hỗ trợ phát triển. Xóa bỏ tài trợ cho những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý phân cấp ngân sách, bảo đảm thống nhất nền tài chính quốc gia trên những lĩnh vực cơ bản, đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương theo cơ chế khoán chi ngân sách hành chính. Kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước chi cho đầu tư xây dựng, xóa bỏ tiêu cực trong lộ trình cấp phát vốn như hiện nay.