Cải cách hành chính ở thành phố Hồ Chí Minh
Cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng, rộng lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, phải được tiến hành đồng bộ trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, gắn với cải cách bộ máy nhà nước nói chung. Vấn đề này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội VII, VIII, IX của Đảng. Công cuộc cải cách hành chính trong 10 năm qua (1991 - 2000) đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) đã ra Nghị quyết :"Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nhà nước". Nghị quyết 38/CP của Chính phủ ban hành ngày 4-5-1994 về "Cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức". Gần đây, ngày 17 tháng 9 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt "Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010". Những chủ trương chính sách trên của Đảng và Nhà nước chứng tỏ cải cách hành chính nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều điều kiện thuận lợi về chủ quan, khách quan đã và đang có những lợi thế phát triển so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Thành phố là một trung tâm lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa... là đầu mối giao thông cả về đường thủy, đường bộ, đường hàng không, có vị trí thuận lợi về giao lưu quốc tế. Thành tựu về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng 26 năm qua là minh chứng về những điều đó. So với cả nước, thành phố chỉ chiếm khoảng 0,6% diện tích, khoảng 6,6% dân số, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm tỷ trọng 29,3% ; đóng góp 18,9% GDP và 34,9% nguồn thu ngân sách nhà nước. Tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố giai đoạn 1991 - 1995 là 12,62%, gấp 1,53 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước (8,24%). Giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, chỉ đạt 10,20% nhưng vẫn gấp 1,47 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước. Trong quá trình phát triển, thành phố Hồ Chí Minh luôn được sự quan tâm của các cơ quan trung ương và các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ năm 1982, Nghị quyết 01 NQ/TƯ của Bộ Chính trị xác định thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng sau thủ đô Hà Nội. Mặc dù có sự quan tâm như vậy nhưng hình như tiềm năng, thế mạnh, tinh thần năng động, sáng tạo của thành phố vẫn chưa được khai thác tốt nhất ? Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ điều trực tiếp gây cản trở sức bứt phá của thành phố là do chậm cải cách nền hành chính nhà nước, nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa theo kịp với đòi hỏi của cuộc sống.
Nhận ra điều đó, để đưa chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm từ năm 1996 ở quận 1, quận 5 và huyện Củ Chi cải cách hành chính theo mô hình "một cửa, một dấu". Kết quả sau 5 năm thực hiện cho thấy, mô hình thí điểm này bước đầu có kết quả, việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân và các tổ chức đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, công khai, dân chủ hơn nhiều. Từ tháng 6 năm 1997 đến nay, mô hình cải cách này không chỉ dừng lại ở 3 quận, huyện trên mà đã triển khai tại 22 quận, huyện của thành phố và tiến hành thí điểm cơ chế một cửa tại 6 đơn vị cấp sở, ngành thuộc Uủy ban nhân dân thành phố.
Là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cải cách hành chính theo mô hình "một cửa, một dấu", thành phố Hồ Chí Minh nhận thức trách nhiệm quan trọng của mình trong cải cách kinh tế và cải cách nền hành chính quốc gia. Thành phố cho rằng cải cách hành chính là công việc nhạy cảm, khó khăn, phức tạp ; liên quan đến nhiều vấn đề trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ; đòi hỏi phải có thời gian, có sự nghiên cứu vừa công phu, vừa phải sát hợp với thực tiễn ; kiên quyết, thận trọng, đồng bộ từ trên xuống, dưới lên ; coi trọng, khuyến khích những sáng kiến, thử nghiệm của địa phương, cơ sở ; xác định khâu đột phá trong từng giai đoạn, tìm ra động lực để thúc đẩy các hoạt động cải cách tiếp theo...
Cơ chế "một cửa" được hình thành trong quá trình thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, nhằm thay thế cho cơ chế "nhiều cửa" trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan công quyền với người dân và các tổ chức chính trị - xã hội ; giữa các cơ quan công quyền với nhau. Mục tiêu của cơ chế "một cửa" là đơn giản hóa các thủ tục hành chính ; giảm bớt phiền hà, sách nhiễu của các cơ quan công quyền cũng như các cán bộ, công chức được ủy quyền ; bảo đảm công khai, rõ ràng, thông suốt quy trình giải quyết các thủ tục hành chính ; tiết kiệm công sức và chi phí, tăng cường sự giám sát của người dân đối với các cơ quan công quyền, công chức.
Quy chế "một dấu" của UBND quận, huyện có nghĩa là khẳng định ở một cấp chính quyền chỉ có một pháp nhân công quyền duy nhất, các phòng ban chuyên môn chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND chứ không phải là pháp nhân riêng. Tổ chức khu hành chính tập trung tại trụ sở UBND quận, huyện ; tiến hành thu hồi dấu của các phòng, ban chuyên môn, chỉ sử dụng dấu quốc huy duy nhất của UBND trong mọi hoạt động điều hành ; ủy quyền hay không ủy quyền cho một số trưởng phòng ký một số loại văn bản thuộc lĩnh vực chuyên môn ; công việc thuộc thẩm quyền của UBND do chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên UBND ký, giải quyết theo sự phân công của chủ tịch, đóng dấu UBND quận, huyện.
TP. Hồ Chí Minh đã lựa chọn mô hình cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa, một dấu" cấp quận, huyện làm khởi đầu cho tiến trình CCHC của thành phố vì những lý do sau :
Thứ nhất, thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố có nhiều đặc thù về kinh tế - xã hội ; quận, huyện là cấp chính quyền trung gian giữa thành phố với cấp cơ sở phường, xã ; cải cách hành chính cấp quận, huyện sẽ là khâu quan trọng trong chuỗi các mắt xích của tiến trình cải cách hành chính của thành phố, thông qua việc sắp xếp lại các hoạt động quản lý nhà nước giữa các cấp từ phường, xã đến quận, huyện và thành phố ; xác định và điều chỉnh lại chức năng, mối quan hệ và tổ chức hoạt động giữa các cấp chính quyền với các cơ quan sở, ngành của thành phố.
Thứ hai, cải cách theo cơ chế "một cửa, một dấu" chính là tạo tiền đề cho mục tiêu phân cấp quản lý qua việc điều chỉnh "chức năng và cơ cấu" bộ máy hành chính của thành phố hợp lý và khoa học. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và giám sát của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới. Phân định rõ chức năng quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ nhằm tăng cường chức năng của từng cơ quan, sắp xếp và chuyển giao chức năng theo đúng qui định của pháp luật, xác định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan.
Cơ chế "một cửa, một dấu" là bước khởi đầu nhằm chấn chỉnh lại hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn quận, huyện lâu nay đã trở nên cồng kềnh, nặng nề, kém hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực thủ tục hành chính. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền cấp quận, huyện sẽ thay đổi trên cơ sở phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp, tiến tới cơ cấu lại tổ chức bộ máy của UBND cấp quận, huyện phù hợp với phương thức hoạt động mới, làm điểm tựa cho những bước cải cách tiếp theo.
Thứ ba, kết quả cải cách hành chính cấp quận, huyện sẽ có tác dụng tích cực đối với cả ba cấp chính quyền địa phương (thành phố, quận, huyện và phường, xã, thị trấn) ; đòi hỏi sự chuyển đổi ở ba cấp về các lĩnh vực : thể chế, bộ máy và công chức ; tạo sự thông suốt giữa các cấp. Đồng thời việc cải cách có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân vì một khối lượng lớn công việc (trên 80%) do cấp quận, huyện thực hiện có liên quan đến người dân thông qua thủ tục hành chính. Xác định biên chế và tinh giản biên chế đến mức cần thiết ở tất cả các cơ quan hành chính tại thành phố trên cơ sở điều chỉnh hợp lý tổ chức bộ máy theo chức năng, nhiệm vụ.
Thứ tư, là khâu đột phá của tiến trình cải cách hành chính, cơ chế "một cửa, một dấu" cấp quận, huyện vừa có ý nghĩa lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Cơ sở lý luận xuất phát từ nguyên tắc phân định rành mạch và phối hợp giữa quản lý nhà nước theo vùng lãnh thổ với quản lý theo ngành tại địa phương. Tính thực tiễn nổi bật của cơ chế phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, thích ứng với sự phát triển kinh tế, đời sống và xã hội của thành phố.
Sau 5 năm thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa, một dấu" bước đầu có thể khẳng định những kết quả đạt được như sau :
Một là, rà soát và điều chỉnh lại các quy định về thủ tục hành chính theo hướng bỏ bớt những thủ tục không cần thiết, không phù hợp, không đúng thẩm quyền, không đúng chức năng, giảm phiền hà cho dân. Thành phố đã rà soát 7 300 văn bản ; kiến nghị cấp trên bổ sung, sửa đổi 103 văn bản ; bãi bỏ 365 văn bản cấp sở, ngành. Xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của các phòng, xác định mối quan hệ giữa phòng với lãnh đạo UBND và các đơn vị khác trong UBND. Lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ cho phù hợp giữa yêu cầu, vị trí, chức danh của công tác với năng lực, chuyên môn và phẩm chất. Tổ chức đào tạo lại đội ngũ công chức nhằm đáp ứng yêu cầu công việc theo mô hình mới. Trong 5 năm qua có 1 409 công chức được bồi dưỡng về quản lý nhà nước, 66 công chức học trung cấp hành chính, 14 076 lượt người được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, 392 công chức được bồi dưỡng về công tác tổ chức. Thực hiện thí điểm khoán quỹ lương và chi phí hành chính ở 10 đơn vị đạt kết quả tốt. Tăng cường điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước tại UBND quận, huyện. Tổ chức lưu trữ tập trung, đưa công nghệ thông tin vào các quy trình hoạt động của UBND quận, huyện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động.
Hai là, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của UBND quận, huyện theo hướng tinh gọn, hiệu quả, trên cơ sở phân định rõ chức năng của các phòng, từng bước thu gọn tổ chức phòng tiến tới chuyển cơ cấu từ phòng chuyên môn thành cơ cấu tổ chuyên viên (hoặc phòng quản lý đa ngành) theo 4 nhóm ngành : nội chính, kinh tế, văn xã và đô thị. Việc làm này nhằm vừa tăng cường chức năng tham mưu giúp việc cho UBND về quản lý nhà nước theo ngành, tách chức năng sự nghiệp ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của UBND, chuyển giao các hoạt động về sự nghiệp cho các đơn vị chuyên trách. Cấp sở, ngành thành phố giảm từ 58 đầu mối xuống còn 31 đầu mối ; đã sáp nhập một số cơ sở, ngành ; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp và sản xuất kinh doanh. Thành lập 7 tổng công ty do hợp nhất từ 106 doanh nghiệp, 52 doanh nghiệp công ích, cổ phần hóa 42 công ty... Cấp phường, xã từ 12 ban giảm xuống còn 3 ban, giảm biên chế được 2 108 người. Cấp quận, huyện giảm từ 21 phòng, ban chuyên môn xuống còn 11 phòng, ban đối với cấp quận và 13 phòng, ban đối với cấp huyện, giảm được 447 biên chế...
Đối với nhân dân, việc tách riêng khâu nhận hồ sơ và khâu thụ lý hồ sơ làm cho quan hệ giữa người nộp và người thụ lý hồ sơ độc lập với nhau, giảm bớt hiện tượng nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức đối với người dân. Giảm bớt một số thủ tục không cần thiết, công khai hóa các quy trình thủ tục rõ ràng, thời hạn giải quyết và lệ phí giúp cho người dân tránh được sự tốn kém về thời gian và vật chất trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo cho họ một tâm trạng thoải mái, giải tỏa những thắc mắc do sự thiếu minh bạch, rõ ràng trước đây.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế "một cửa, một dấu" đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần phải có biện pháp tháo gỡ phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
- Việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa, một dấu" đã làm cho hoạt động của tổ chức bộ máy UBND cấp quận, huyện của thành phố được cải tiến một bước theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả, song đây mới chỉ là cải cách ở cấp trung gian chưa mang tính triệt để bởi thành phố chưa giải quyết được quy trình "một cửa" trong quan hệ hành chính giữa các cơ quan với nhau. Cụ thể là giữa các cơ quan thuộc các cấp : phường, xã, huyện, sở, ban ngành với UBND thành phố. Nghĩa là vẫn còn bị "đứt khúc" từ khâu quận, huyện, sở, ngành hoặc giữa các sở, ngành với nhau hoặc giữa các quận, huyện, sở ngành với UBND thành phố. Người dân hoặc các tổ chức có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính vẫn phải qua "nhiều cửa" do phải tự chuyển hồ sơ sau khi đã được giải quyết ở cấp quận, huyện lên sở, ngành hoặc từ sở, ngành này đến sở, ngành khác.
- UBND thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc phân cấp cho cấp quận, huyện. Song, trong thực tế, quyền hạn của cán bộ quản lý trong việc điều hành, giải quyết công việc cấp quận, huyện vẫn còn chưa tương xứng với trách nhiệm của họ trước nhân dân. Nhiều lãnh đạo cấp quận, huyện phải chịu trách nhiệm cao đối với giải quyết công việc theo thẩm quyền, thông qua bộ máy giúp việc, nhưng quyền hạn của họ còn bị hạn chế, không được chủ động trong công tác cán bộ và sắp xếp bộ máy giúp việc để đáp ứng đúng nhiệm vụ được giao.
- Đội ngũ cán bộ, công chức của UBND quận, huyện những năm gần đây tuy đã có nhiều chuyển biến về chất, song theo số liệu điều tra cho thấy vẫn có gần 1/3 cán bộ, công chức còn ít thay đổi phong cách, lề lối làm việc, trong khi mô hình hoạt động mới của UBND quận, huyện đòi hỏi người công chức phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy với công việc, ý thức trách nhiệm cao... mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động phục vụ của công chức chưa cao, trong đó có nguyên nhân bản thân họ là chủ thể đồng thời cũng lại là khách thể của cải cách nền hành chính nhà nước. Tâm lý chung là họ không muốn mất đặc quyền, đặc lợi vốn có do cơ chế cũ đem lại, mặt khác chế độ chính sách của Nhà nước hiện nay đối với đội ngũ cán bộ công chức làm việc ở phòng tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ hành chính của các quận huyện thực hiện cải cách theo cơ chế "một cửa, một dấu" chưa được thỏa đáng với trách nhiệm và những đóng góp của họ. Chính vì thế mà mô hình mới chỉ đạt được ở mức "được lòng dân" mà chưa được đông đảo đội ngũ cán bộ công chức nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn làm cho việc thực hiện cải cách hành chính mô hình này bị cản trở.
Để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ chế "một cửa, một dấu" cấp quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh cần chú ý một số giải pháp sau.
Thứ nhất, bảo đảm tăng cường tính hệ thống, thống nhất của mô hình "một cửa, một dấu" là điều kiện quan trọng hàng đầu.
Mô hình "một cửa, một dấu" đụng chạm đến ba bộ phận cấu thành của một nền hành chính. Tính chất này đòi hỏi các bộ phận cấu thành hệ thống phải bảo đảm được thứ bậc, tính quyền lực - trực thuộc trong quản lý hành chính và phải có sự liên kết, phối hợp với nhau một cách chặt chẽ dưới sự điều khiển tập trung, thống nhất từ một trung tâm để tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Tính hệ thống là tính tất yếu của tổ chức hành chính và cũng chính là một yêu cầu có tính điều kiện đối với sự tồn tại và phát triển mô hình "một cửa, một dấu".
Quy trình hoạt động quản lý nhà nước giữa các cấp thuộc bộ máy hành chính của địa phương từ cấp quận, huyện đến cấp thành phố là quan hệ ba chiều, trong đó hai chiều theo mặt phẳng (quan hệ ngang) là những phần công việc được tổ chức thực hiện tại cơ quan UBND cấp quận, huyện hoặc tại sở, ngành, còn chiều thứ ba là mối quan hệ "dọc" giữa cấp quận, huyện với cấp sở ngành hoặc với UBND thành phố thì cơ chế "một cửa, một dấu" cấp quận, huyện và tại sở, ngành như hiện nay mới chỉ giải quyết theo mặt phẳng, chưa kể mối quan hệ giữa UBND thành phố và các sơ,ấ ngành với Chính phủ và các bộ. Nghĩa là tính hệ thống vẫn còn bị "cắt khúc" những vướng mắc trong cơ chế "một cửa, một dấu" cũng phát sinh từ đó.
Để đảm bảo tính hệ thống cần phải tiến hành cuộc thử nghiệm một cách đồng bộ. Nghĩa là các bộ phận, đơn vị có liên quan đến mô hình, dù liên hệ dọc hay ngang cũng đều có sự chuẩn bị tham gia vào mô hình theo một thiết kế tổng thể thống nhất.
Thứ hai, tăng cường tính pháp chế.
Tính pháp chế là một trong những yêu cầu có tính nguyên tắc trong tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nói riêng. Tính chất này đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật đầy đủ và hữu hiệu ; các cơ quan hành chính và các công chức trong tổ chức, hoạt động của mình phải lấy pháp luật làm căn cứ cho mọi hoạt động và hành vi hành chính của mình ; chịu sự giám sát từ các cơ quan đại diện, từ nhân dân. Yêu cầu này được biểu hiện một cách cụ thể như tuân thủ quy chế công chức, công vụ ; chấp hành nghiêm túc chế độ thứ bậc, quyền lực trực thuộc : cấp dưới phục tùng cấp trên, nhân viên phục tùng thủ trưởng, cả nước phục tùng trung ương ; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật...
Việc thực hiện thí điểm tổ chức hoạt động theo mô hình "một cửa, một dấu" tuy được phép của Thủ tướng Chính phủ vẫn là một việc làm chưa có tiền lệ và nền tảng pháp lý. Trong một nền hành chính còn có phần lạc hậu và quan liêu, mô hình "một cửa, một dấu" không có thiết kế chi tiết, đồng bộ từ Trung ương mà như một "sáng tạo" từ cấp chính quyền trung gian ở địa phương, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Nếu không có sự "đặc cách" cho phép mạnh dạn thoát khỏi những thủ tục hiện hành thì mô hình thử nghiệm này cũng khó vận hành chứ chưa nói đến sự hoạt động mạnh hơn để thành phổ biến.
Tuy vậy, trong trường hợp này vấn đề cần lưu ý là mức độ, quy mô cách thức tìm tòi, sáng tạo sao cho thích hợp, không để lại khó khăn cho người dân và tổ chức khi họ chuyển đi, tiếp xúc với cơ quan quản lý hành chính khác hoặc vấn đề giá trị pháp lý của các hồ sơ, giấy tờ.
Sự phân tích trên cho thấy muốn thu dấu phòng ban thì phải xóa sự tồn tại của chế độ phòng ban, thay vào đó bằng chế độ chuyên viên (tất nhiên với chế độ chuyên viên thì lại càng không cho phép sự ủy quyền và đóng dấu như thế). Nếu không giải quyết một cách triệt để, hợp lý và hợp pháp, vấn đề "một dấu" rất dễ trở lại tình trạng thay hình thức dấu này bằng hình thức dấu khác mà không làm thay đổi bản chất vấn đề.
Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, công chức.
Để thực hiện mô hình "một cửa, một dấu", có một loạt vấn đề cụ thể nảy sinh, liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố, đòi hỏi phải giải quyết. Trước tiên là trụ sở làm việc chung của UBND quận, huyện và các phòng ban trực thuộc UBND. Việc "gom" chung các cơ quan chuyên môn của UBND về một trụ sở, ngoài tạo thuận lợi cho người dân liên hệ giải quyết công việc còn đem lại một số lợi ích khác cho cơ quan quản lý hành chính như thu hồi được một số trụ sở để sử dụng vào mục đích có hiệu quả cao hơn ; giảm bớt biên chế (về văn thư, bảo vệ, đánh máy...) ; giảm bớt chi phí xăng dầu, giao thông liên lạc, công văn giấy tờ cách bức, tăng mối quan hệ trực tiếp phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, đầu mối có liên quan. Lợi ích của việc hình thành khu hành chính tập trung là rõ ràng. Nhưng vấn đề là tìm nguồn kinh phí, địa điểm và trang thiết bị cho một trụ sở cũng là một điều có nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc khẳng định vị trí, chức năng, mô hình tổ chức... của bộ máy quản lý hành chính quận, huyện đang còn nhiều ý kiến khác. Điều này làm ảnh hưởng nhất định đến quyết định của những người có thẩm quyền về việc xây dựng khu hành chính tập trung có quy mô tương xứng với vị trí pháp lý của nó hiện nay. Tính thích nghi của mô hình thí điểm còn đòi hỏi phải chú ý đến vấn đề chất lượng đội ngũ công chức.
Để thực hiện thành công mô hình "một cửa, một dấu" phải giải quyết vấn đề chất lượng đội ngũ công chức. Điều này liên quan đến chế độ tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đề bạt, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, công chức v.v...
Thứ tư, tăng cường và bảo đảm dân chủ.
Mô hình "một cửa, một dấu" mang tính dân chủ rõ ràng, bởi vì khi đưa ra mô hình này là nhằm vào việc thực hiện một "đầu mối" trách nhiệm trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, tránh sự đùn đẩy cũng như sự chồng chéo lẫn nhau trong quan hệ giữa các bộ phận, cơ quan có liên quan, từ đó dẫn đến sự phiền hà, khó khăn cho người dân. Tuy vậy, khi khẳng định tính tích cực của cơ chế "một cửa", cũng cần xem xét mặt tiêu cực có thể xảy ra của nó là gì về tính chất dân chủ.
Chẳng hạn, chỉ có "một cửa" duy nhất để giải quyết yêu cầu của người dân, vậy khi người dân có vướng mắc gì đó với người tiếp nhận và cảm thấy không yên tâm khi đến liên hệ để giải quyết công việc của mình liệu người dân còn có "cửa" nào khác để đến không ? Đó là điều mà "một cửa, một dấu" cần giải quyết, nếu không tính chất dân chủ của mô hình sẽ chưa thể toàn vẹn.
Thứ năm, cải cách hành chính phải xuất phát từ đặc điểm của địa phương đồng thời có tranh thủ tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới.
Yêu cầu tiếp tục hoàn chỉnh, cải tiến và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế "một cửa, một dấu" theo hướng nhanh, gọn, đúng pháp luật đòi hỏi các cấp quận, huyện phải xây dựng được quy trình hành chính cụ thể hơn nữa. Phải có sự kiểm tra chặt chẽ từng công đoạn gắn liền với trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cán bộ, công chức. Đồng thời phải nêu rõ được cách khắc phục khi có vi phạm trong thực hiện quy trình. Hiện nay, quận 1 của thành phố đã thực hiện ứng dụng tiêu chuẩn ISO 9002 vào quản lý hành chính thí điểm trên 4 lĩnh vực : cấp phép xây dựng và sửa chữa nhà ở riêng lẻ; đăng ký kinh doanh hộ cá thể ; xác nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa, hoạt động văn hóa ; chứng nhận bản sao và hợp đồng ủy quyền. Quá trình thực hiện cho thấy có nhiều kết quả khả quan. Chương trình xử lý hồ sơ được niêm yết công khai với quy định cụ thể trách nhiệm của từng chức danh ở mỗi công đoạn. Đây cũng là một hướng cải cách mới của mô hình "một cửa, một dấu" đề cao trách nhiệm phục vụ công dân của cán bộ công chức và các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Vì thế, UBND thành phố Hồ Chí Minh cần xúc tiến phân tích, đánh giá để có thể rút kinh nghiệm, triển khai trên diện rộng toàn thành phố. Chương trình này theo mẫu cải cách hành chính ở một số nước ASEAN tiến hành từ nhiều năm nay.
Cơ chế quản lý hành chính theo kiểu "một cửa, một dấu" là một mô hình mang tính khả thi đã được kiểm nghiệm qua hai đợt thí điểm. Tuy nhiên, nó vẫn còn bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục xử lý, hoàn chỉnh. Để thực hiện được mục đích đó, vấn đề cốt lõi là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức tinh thông nghiệp vụ, tận tụy với dân, gắn liền với cuộc vận động chống quan liêu, tham nhũng... Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng quyết định sự phát triển của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là Việt Nam, đang trên con đường phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010  (22/01/2007)
Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng đối với nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  (19/01/2007)
Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân  (19/01/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển