Lực bất tòng tâm
TCCSĐT - Trong chuyến thăm gần đây tới hai quốc gia được coi là “đối tác chiến lược” của Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đưa ra lời cam kết mạnh mẽ với cư dân hai nước sở tại này rằng, “Hoa Kỳ không công nhận bất kỳ một khu vực ảnh hưởng nào”. Ông cũng dõng dạc tuyên bố rằng, “các quốc gia có quyền tự mình lựa chọn đối tác và đồng minh mà không ai ép buộc cả”. Nói tóm lại một câu là, các cánh cửa vào NATO vẫn mở.
Trong tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn người ta thấy phảng phất chút khảng khái và hào hiệp, nhưng nó lại chẳng phù hợp với tình hình thực tế của nước Mỹ chút nào, bởi ít nhất là hai lẽ:
Một là, trên thế giới xưa nay đều tồn tại các vùng hoặc các khu vực ảnh hưởng, dù cho ai đó không muốn công nhận thực tế này. Sức mạnh của một quốc gia có sức hút rất kỳ lạ, nó có tác động và ảnh hưởng mạnh nhất tới những nước có vị trí địa lý gần kề hơn cả so với các nước khác. Điều này gần giống với ý nghĩa trong câu phương ngôn thịnh hành ở Tây bán cầu: “Điều bất hạnh đối với nước Mê-hi-cô là ở chỗ: Chúa trời thì ở xa, mà Mỹ lại ở gần kề”. Còn ở Phương Đông có câu: “Nước xa không cứu được lửa gần”. Vậy nên, ở thời đại nào, ở khu vực nào trên Trái Đất này, đều luôn luôn có các vùng hoặc các khu vực ảnh hưởng. Nếu nói như ông Giô Bai-đơn thì Mỹ không công nhận “khu vực ảnh hưởng” mà chỉ là gián tiếp công nhận ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới hiện nay đã suy giảm đáng kể. Lẽ đời là thế. Một khi người ta đánh mất cái mình vốn có thì chẳng muốn công nhận ai có được cái lẽ ra đã thuộc về mình. Thêm nữa, khi nói thế, ông Giô Bai-đơn cũng muốn tự an ủi mình, chứ thực ra chẳng ai có thể bắt ép nước chảy ngược dòng được.
Nhân đây, thử nhớ lại thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất thời “chiến tranh lạnh”, khi Liên Xô bố trí tên lửa ở Cu-ba, sát nách nước Mỹ, đã được tháo ngòi bằng một cuộc dàn xếp êm thấm: Mỹ và Liên Xô đều công nhận khu vực ảnh hưởng của nhau. Theo đó, Mát-xcơ-va đồng ý dỡ bỏ tên lửa khỏi lãnh thổ Cu-ba, còn Oa-sinh-tơn dỡ bỏ các tên lửa tương tự khỏi Thỗ Nhĩ Kỳ. Mặc dù khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên của NATO rồi nhưng quốc gia này vẫn nằm trong khu vực ảnh hưởng của Liên Xô. Bởi Liên Xô thì ở gần kề, còn nước Mỹ ở mãi bên kia Đại Tây Dương.
Hai là, nước Mỹ lúc này đang ở vào tình trạng “lực bất tòng tâm”. Ngày nay, nếu U-crai-na hoặc Gru-di-a xung khắc với Nga, nước Mỹ cũng chẳng thể làm gì được. Năm 2007, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã từng tuyên bố, nếu U-crai-na gia nhập NATO, Nga sẽ chĩa các tên lửa tiến công bay với tộc độ cực nhanh nhằm vào các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ U-crai-na. Chỉ xét từ yếu tố địa lý không thôi, các phương tiện quân sự của Mỹ đã rơi vào thế yếu hơn hẳn. U-crai-na và Gru-di-a nằm sát nách nước Nga, còn Mỹ thì ở mãi bên kia Đại Tây Dương, xa lắm lắm.
Nhân cam kết và tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đưa ra đối với U-crai-na và Gru-di-a, người ta bèn nhớ lại cam kết của nước Pháp đối với Ba Lan trước chiến tranh thế giới thứ hai. Hồi đó, nước Pháp tuyên bố rất hăng hái rằng nếu Đức tiến công Ba Lan thì trong vòng 15 ngày Pháp sẽ giáng trả Béc-lin (!). Thế rồi, đến khi Đức tiến công Ba Lan, nước Pháp cũng chỉ dám đưa ra lời tuyên chiến bằng mồm, còn trên thực tế chẳng dám động tay động chân gì! Hiện nay, nếu tình hình tương tự xảy ra, Mỹ cũng sẽ hành động y như Pháp, bởi họ cũng chẳng thể làm được gì vì sức mạnh của họ đã không còn có thể “làm mưa làm gió” như trong thời điểm ngay sau khi kết thúc “chiến tranh lạnh”.
Cuộc chiến tranh năm ngày giữa Gru-di-a và Nga cách đây vừa đúng một năm (8-8-2008) đã chứng tỏ điều đó. Được Mỹ cam kết ủng hộ, Gru-di-a chủ động gây chiến tranh, nhưng khi bị Mát-xcơ-va phản ứng mau lẹ và đáp trả đích đáng, Oa-sinh-tơn cũng chỉ đứng khoanh tay ngồi nhìn. Ức quá, Tổng thống Gru-di-a, ông Sa-a-ca-xvi-li, đã phải thốt lên cay đắng: “Chúng ta đã bị phản bội. Họ (tức Mỹ) là kẻ mang con bỏ chợ!”. Cũng phải thôi! Nước Mỹ đang ở vào tình thế lực bất tòng tâm: Gru-di-a ở quá xa, quân Mỹ lại đang sa lầy ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Để tăng viện cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan, Mỹ buộc phải rút quân chiến đấu ra khỏi I-rắc chứ tình hình ở đó đâu đã ổn định gì cho cam. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, hiện nay Mỹ chỉ có thể đồng thời triển khai 200.000 lính trên các chiến trường bên ngoài nước Mỹ. Thấm tháp gì. Chỉ là muối bỏ biển. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ còn triển khai tới hơn 500.000 quân mà chẳng thể làm gì, đành ôm hận thất bại cho đến tận bây giờ và vẫn còn mang nặng “hội chứng Việt Nam”.
Tệ hơn nữa là khi đã bị sa lầy ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, Tổng thống G.Bu-sơ chẳng có cách nào bảo đảm ngân sách cho hai cuộc chiến cực kỳ tốn kém này khi không thể tăng thuế, cũng không thể bớt xén ngân sách từ các lĩnh vực khác. Nếu ông G.Bu-sơ làm ngược lại, ngay tức khắc ông sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh khác ngay trong lòng nước Mỹ: cuộc chiến đối phó với dư luận xã hội phản đối chiến tranh. Nước Mỹ đã có bài học không bao giờ quên này trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Thế là, Mỹ đành ồ ạt phát hành trái phiếu chính phủ để rồi trở thành con nợ lớn nhất thế giới! Hiện Trung Quốc đã sở hữu tới gần 800 tỉ USD trái phiếu chính phủ của Mỹ. Cỗ máy in tiền của Mỹ đang hoạt động hết công suất. Đây là một trong những nguyên nhân cốt tử dẫn tới thảm hoạ khủng hoảng tài chính, đẩy nước Mỹ vào cảnh tượng chứng kiến hàng loạt ngân hàng và công ty phá sản.
Nước Mỹ dấn thân vào cuộc phiêu lưu chiến tranh mà không biết hậu quả sẽ ra sao. Không những thế, họ còn kéo các đồng minh cùng sa lầy. Sau vụ khủng bố 11-9-2001, các nước NATO căn cứ vào Điều 5 Hiệp ước của tổ chức này, đã động binh cùng với Mỹ tham gia cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan. Nhưng khi tổn thất về người ngày một tăng, tiền của đồ vào đó để mua chuộc các phần tử Ta-li-ban theo chiến lược “lấy đô-la đổi lấy hoà bình” ngày một nhiều, thì dư luận xã hội ở Mỹ và các nước NATO bắt đầu lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh mà họ cho là “vô nghĩa” này. Đến lúc đó, không ai bảo ai, nhưng các nước NATO đều đang nghĩ tới chiến lược rút khỏi “chiếc cối xay thịt” ở Áp-ga-ni-xtan.
Nhớ lại, khi “chiến tranh lạnh” vừa kết thúc, người Mỹ quá tin vào chuyện cổ tích, rằng sức mạnh quân sự của Mỹ là vô địch. Thắng lợi quá dễ dàng trong hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991) và Cô-xô-vô (1999) càng củng cố niềm tin đó của người Mỹ. Hoá ra, thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh đó chỉ là trường hợp may mắn và chỉ là ngoại lệ, chứ không hẳn là chuyện có tính quy luật. Mỹ quá tin tưởng rằng trong tương lai, họ có thể chiến thắng bất kỳ đối thủ nào. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Rô-nan Răm-xphen đã nghĩ ra công thức chiến tranh nổi tiếng mang tên "Công thức 10-30-30", theo đó, sau khi Oa-sinh-tơn đưa ra quyết định chính trị sử dụng sức mạnh quân sự, các lực lượng vũ trang Mỹ trong vòng 10 ngày có thể chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và được điều động tới bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Trong vòng 30 ngày sau đó, các lực lượng vũ trang Mỹ cần phải đánh bại đối phương, phá huỷ tiềm lực của họ sao cho họ không thể phục hồi khả năng chống trả lại Mỹ. Trong vòng 30 ngày tiếp theo, quân đội Mỹ được tổ chức lại, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến lược mới và triển khai tới một khu vực khác trên hành tinh.
Theo "Công thức10-30-30", với khả năng chỉ cần 2 tháng và 10 ngày để tiến hành một cuộc chiến tranh, thì Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ có khả năng tiến hành ít nhất 5 cuộc chiến tranh trong 1 năm! Trên thực tế, nước Mỹ đang phải đối mặt với các cuộc chiến tranh hoàn toàn khác với các kịch bản chiến tranh đã được mô hình hoá trên các siêu máy tính ở Lầu Năm Góc.
Nay thì "Công thức 10-30-30" đã tiêu vong cùng với “sự ra đi bất đắc dĩ” của Bộ trưởng Quốc phòng Rô-nan Răm-xphen khỏi chính trường ở Oa-sinh-tơn. Nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục hứa hẹn, và trớ trêu là vẫn có người tin vào lời hứa hẹn đó. Chỉ khi nào bị thất bại như Gru-di-a trong cuộc chiến 5 ngày năm 2008, họ mới ngạc nhiên tự hỏi, vì sao nước Mỹ không tới giúp họ. Còn Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đang rơi vào một tình thế vô cùng khó xử. Sau ông, nước Mỹ sẽ thế nào, còn là một câu hỏi lớn và ông sẽ phải hành động như phương châm của nguyên Tổng thống Mỹ Tru-man: “Những người khác có thể đổ trách nhiệm lên ta, còn ta thì không còn biết đổ trách nhiệm cho ai nữa?”./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh phát sóng biển Đông  (29/08/2009)
Phát động Tháng chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  (28/08/2009)
Tăng cường năng lực thu thập, chia sẻ thông tin tội phạm ma túy giữa các cơ quan hành pháp  (28/08/2009)
Chinh phục thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội  (28/08/2009)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên