TCCSĐT - Bác Hồ kính yêu từng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Sáu mươi tư năm qua, công tác thủy lợi ở nước ta thực sự là những cuộc chinh phục thiên nhiên, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật rất cơ bản và có tầm quan trọng đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Tuyên cáo ngày 28-8-1945 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước giao cho Bộ Giao thông Công chính nhiệm vụ chăm lo việc đắp đê phòng lụt, khai thác thủy nông. Nhìn lại 64 năm, từ những ngày Cách mạng Tháng Tám ấy đến nay, ngành Thủy lợi Việt Nam (nay trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dù trải qua chặng đường khó khăn nhưng đã giành được nhiều thành tựu lớn lao, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thay đổi bộ mặt nông thôn, đóng góp vào sự phát triển bền vững trong tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Tính đến năm 2008, trên phạm vi cả nước, các hệ thống thủy lợi đã bảo đảm tưới trực tiếp cho hơn 3,45 triệu héc-ta đất nông nghiệp, tiêu cho khoảng 1,4 triệu héc-ta, ngăn mặn cho gần 1 triệu héc-ta...

Ngành cũng đã xây dựng nhiều công trình lớn mà hiệu quả đã gắn liền với những thành tựu trong phát triển nông nghiệp đất nước như: hệ thống thủy nông sông Chu, Bắc Hưng Hải, Bắc Nghệ An, Đồng Cam... Đến năm 2008, cả nước cũng đã có 10.000 km đê sông, đê biển, hơn 23.000 km bờ bao, hàng trăm km kè được xây dựng. Nhờ vậy, hệ thống đê biển ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có thể ngăn mặn và triều, ở đồng bằng sông Cửu Long đã chống được lũ sớm, lũ tiểu mãn, bảo vệ mùa màng và an toàn cho dân cư trong vùng kiểm soát lũ.

Báo cáo tại Lễ kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam được tổ chức ngày 28-8-2009 tại Hà Nội, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam GS,TS Đào Xuân Học đã nhấn mạnh: Nhiều năm qua, ngành thủy lợi cũng đã góp phần không nhỏ vào việc cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đối với khu vực nông thôn, hiện đã bảo đảm 75% số hộ được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, cải thiện đời sống cho nông dân, nhất là các khu vực vùng lũ sông Cửu Long, vùng khô hạn miền Trung, vùng núi phía Bắc. Nhờ các công trình thủy lợi nên nhiều nơi như: Bắc Nam Hà, Nam Yên Dũng, Bắc Hưng Hải, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên... trước đây “chiêm khê mùa thối” nay đã một năm hai vụ.

Hay nhiều vùng vốn khô hạn như: Ninh Thuận, Bình Thuận... nay đã đủ nước tưới. Đối với khu vực đô thị, khu công nghiệp, ngành đã tham gia tạo nguồn cấp nước và tiêu thoát vòng ngoài. Chính hệ thống thủy lợi và đê điều đã góp phần hình thành mạng lưới giao thông quan trọng ở nhiều vùng nông thôn, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Việt Nam là đất nước nằm ở vùng có nhiều thiên tai thì quy hoạch thủy lợi cần được xem như là một quy hoạch nền cho các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội khác” (Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng).

Đặc biệt, ngành đã có đóng góp lớn trong nuôi trồng thủy sản nội địa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản vùng nước ngọt, nước lợ lên hơn 650.000 héc-ta. Trong những năm gần đây, ngành cũng đã áp dụng khoa học, kỹ thuật mới trong xây dựng nhiều công trình như: đập bê tông đầm lăn Định Bình, đập bê tông đá đổ bản mặt Cửa Đạt... bảo đảm cả về chất lượng và tính hiện đại.

Trải qua 64 năm xây dựng và phát triển, ngành đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý:

Thứ nhất, phải tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý, khai thác công trình, đặc biệt là trong tình hình mới. Bảo đảm mỗi công trình hoàn thành đều phải phát huy hiệu quả tích cực trong phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Thứ hai, tăng cường quản lý đê điều - phòng chống lụt bão, giữ vững an toàn hồ, đập trong mọi tình huống. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Đê điều, đồng thời xây dựng và sử dụng hiệu quả Quỹ Phòng chống lụt bão.

Thứ ba, xác định rõ các công trình trọng tâm, trọng điểm, tăng cường quản lý chất lượng, quản lý vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí. Bảo đảm tiến độ để các công trình phát huy hiệu quả trong thực tế.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Đây được xem là một động lực quan trọng, là nền tảng tạo ra sự phát triển. Với đặc thù riêng, các công trình thủy lợi chủ yếu được đầu tư, xây dựng ở các khu vực nông thôn, đời sống nhân dân cong nhiều khó khăn nên càng cần các cán bộ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải tâm huyết, có lòng yêu nghề.

Phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành đã xây dựng Chiến lược Phát triển Thủy lợi đến năm 2020, xây dựng quy chuẩn và chỉnh sửa Tiêu chuẩn thiết kế ngành, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam thực hiện Nghị quyết Tam nông của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đề án Xây dựng nông thôn mới và Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đó là những công việc lớn mà ngành thủy lợi đã và sẽ tiếp tục triển khai để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao./.