TCCSĐT - Theo thống kê trong báo cáo thường niên ngành lúa gạo Việt Nam năm 2008 và triển vọng năm 2009 của Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO), năm 2008, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam được mở rộng sang 128 quốc gia, tăng 63 quốc gia so với năm 2007. Ngoài các thị trường truyền thống như châu Á, châu Âu và châu Mỹ (chủ yếu là Cu Ba), năm 2008, gạo của Việt Nam được xuất khẩu mạnh và rộng rãi sang các nước châu Phi (hiện đã có mặt ở gần 30 nước ở châu lục này).

Các định hướng của Đảng về xuất khẩu và những thành tựu trong hoạt động xuất khẩu gạo

Thấy rõ được tầm quan trọng của xuất khẩu gạo đối với việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế nước nhà, nhất là tìm kiếm và mở rộng thị trường để cho gạo của Việt Nam vươn xa, thu về ngoại tệ cho đất nước, liên tiếp trong các kỳ đại hội, bắt đầu từ Đại hội VI năm (1986), Đảng ta đã có những định hướng đúng đắn cho vấn đề xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu gạo nói riêng: “... xác định các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, vừa có kim ngạch cao, vừa có điều kiện ổn định và phát triển cả về sản xuất và thị trường tiêu thụ”. Nghị quyết Đại hội VII nêu rõ: “đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế với các quốc gia... Củng cố và tăng cường vị trí ở các thị trường quen thuộc và với các bạn hàng truyền thống, tích cực thâm nhập, tạo chỗ đứng ở các thị trường mới, phát triển các quan hệ mới”. Trong văn kiện Đại hội VIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng khả năng xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến sâu; tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ... Củng cố vị trí ở các thị trường quen thuộc, khôi phục quan hệ với thị trường truyền thống, tìm thị trường và bạn hàng mới, giảm sự tập trung quá mức vào một vài thị trường”.

Tiếp đó, văn kiện Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Chủ động và tích cực thâm nhập thị trường quốc tế, chú trọng thị trường các trung tâm kinh tế thế giới, duy trì và mở rộng thị phần trên các thị trường quen thuộc, tranh thủ mọi cơ hội mở thị trường mới”; “... Nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, tăng thêm thị phần ở các thị trường truyền thống, tiếp cận và mở mạnh các thị trường mới”. Và tại Đại hội X, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thị trường ổn định cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, tăng thêm thị phần ở các thị trường lớn và khai mở các thị trường có nhiều tiềm năng”…

Từ chỗ thiếu đói, phải nhập khẩu mỗi năm trung bình trên nửa triệu tấn lương thực, bằng đường lối đổi mới và các quyết sách quan trọng mang tính bước ngoặt trong nông nghiệp (đặc biệt là từ Khoán 10, năm 1989 trở đi), Việt Nam chẳng những sản xuất đủ lúa gạo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn có dư để xuất khẩu, với khối lượng và kim ngạch tăng liên tục qua các năm (xem bảng 1).

Bảng 1: Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo
 của Việt Nam (từ năm 2000 đến năm 2008)
 

Năm

Khối lượng xuất khẩu

(1.000 tấn)

Kim ngạch xuất khẩu

(triệu USD)

2000

3.477

667

2001

3.729

625

2002

3.241

726

2003

3.813

720

2004

4.060

950

2005

5.250

1.407

2006

4.500

1.238

2007

4.558

1.490

2008

4.830

2.910

                                             (Nguồn: AGROINFO)

Dự kiến năm 2009, lượng gạo xuất khẩu của nước ta sẽ đạt mức kỷ lục từ trước tới nay: khoảng 6 triệu tấn, với kim ngạch đạt mức trên 3 tỉ USD.

Đã nhiều năm nay, nước ta đã trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo (sau Thái Lan) và luôn đứng vững ở vị trí này. Như trên đã nêu, năm 2008 thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam được mở rộng sang 128 quốc gia, tăng mạnh so với 63 quốc gia năm 2007. Như vậy, chỉ trong một năm, chúng ta đã mở rộng gấp đôi thị trường xuất khẩu gạo, kèm theo đó là số lượng và kim ngạch xuất khẩu cũng tăng mạnh. Nếu năm 2007, lượng gạo xuất khẩu của ta là 4.558.000 tấn với kim ngạch là 1.490 triệu USD, thì năm 2008, các con số tương ứng là 4.830.000 tấn và 2.910 triệu USD (xem bảng 2).

Bảng 2: Kim ngạch và thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam

sang các thị trường năm 2008

Thị trường (quốc gia)

Kim ngạch (USD)

Thị phần (%)

Phi-líp-pin

1.174.122.720

40

Cu ba

422.812.728

15

Ma-lai-xi-a

266.221.900

9

Xê-nê-gan

93.565.934

3

I-rắc

89.336.070

3

Bờ biển Ngà

76.027.201

3

Đông Ti-mo

58.961.634

2

Xin-ga-po

41.961.841

1

Ga-na

41.167.186

1

In-đô-nê-xi-a

35.008.448

1

Các nước khác

610.814.338

21

                                           (Nguồn: AGROINFO)

Từ những số liệu trên, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, sản xuất lúa ở nước ta đã đi vào thế phát triển ổn định theo hướng thâm canh, tăng vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, từ đó đã không ngừng tăng năng suất, sản lượng và chất lượng. Nếu năm 2000, lượng gạo xuất khẩu đạt 3,5 triệu tấn, với kim ngạch là 667 triệu USD, thì sang năm 2008, con số tương ứng là 4,8 triệu tấn và 2,9 tỉ USD. Đây là cơ sở vững chắc cho sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Cụ thể, năm 2007, chúng ta chỉ xuất khẩu sang 63 nước, và các năm trước đó cũng chỉ xoay quanh con số này, thì năm 2008 tăng vọt lên 128 nước. Hơn nữa, gạo xuất khẩu của chúng ta giá luôn thấp hơn gạo của Thái Lan (nước cạnh tranh trực tiếp của chúng ta) và phù hợp với nhu cầu thị trường của những nước đang phát triển. Năm 2008, gạo Việt Nam đã chiếm 40% thị phần ở Phi-líp-pin và cũng đang dần chiếm tỷ trọng cao ở thị trường châu Phi.

Việc hạt gạo Việt Nam có mặt ở gần 130 quốc gia và trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, đang trở thành đối thủ đáng gờm của nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Pa-ki-xtan..., đặc biệt là Thái Lan - nước xuất khẩu gạo số một hiện nay. Công lao to lớn này trước hết phải kể đến sự nỗ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu gạo. Nhưng bao trùm hơn hết là xuất phát từ những định hướng và quyết sách đúng đắn, sáng suốt và linh hoạt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của mình để làm nên “một điều kỳ diệu Việt Nam”.

Để giữ vững vị trí này và phấn đấu vượt qua Thái Lan, trở thành nước số một về xuất khẩu gạo trong tương lai, chúng ta cần tiếp tục có những chính sách đầy đủ, hoàn thiện và mang tầm chiến lược hơn cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp nói chung, ngành xuất khẩu gạo nói riêng.

Phương hướng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới

Để thúc đẩy và phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới, theo chúng tôi, ngoài việc tạo lập một khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động thương mại về xuất khẩu gạo, phấn đấu tăng diện tích, quy mô và doanh số gạo xuất khẩu, chúng ta cần có phương hướng tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, cải tiến chất lượng và phẩm cấp gạo, tổ chức tốt và khép kín các khâu thu mua, chế biến, tiếp thị bán hàng…, đảm bảo nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh, không ngừng ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Đi vào cụ thể, có thể vận dụng những nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Một là, hoàn thiện việc tổ chức khâu trồng lúa cung cấp cho xuất khẩu. Trước hết, cần thực hiện tốt việc quy hoạch, phân vùng thâm canh trồng lúa phục vụ cho công tác xuất khẩu. Trọng điểm là các vùng đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long (nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước). Đây vốn là những vùng được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, có hệ thống thủy lợi phát triển khá đồng bộ và toàn diện, người nông dân có những tập quán và kinh nghiệm lâu đời về thâm canh lúa nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đầu tư thâm canh cho các vùng quy hoạch trồng lúa xuất khẩu, đặc biệt khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao các giống lúa cao sản cho năng suất và chất lượng tốt, các giống lúa có khả năng kháng bệnh và chịu được điều kiện thiên tai khắc nghiệt như OM4900, OM5199, OM3536... Từ đó, từng bước có sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và tập quán canh tác nhằm nâng cao số lượng cũng như chất lượng gạo xuất khẩu.

Mặt khác, cần khắc phục tình trạng manh mún và chia nhỏ ruộng đất như hiện nay. Có chính sách khuyến khích người nông dân “dồn điền đổi thửa”, tích tụ và tập trung ruộng đất theo quy hoạch để hình thành những đơn vị trồng lúa hàng hóa cũng như vùng trồng lúa hàng hóa xuất khẩu với quy mô lớn.

Chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ một cách đại trà nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giảm giá thành của lúa xuất khẩu, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với lúa gạo của các nước khác.

Cuối cùng là hạn chế việc lấy đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp - chế xuất. Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2020, nước ta chỉ sản xuất đủ gạo ăn. Tất nhiên, việc lấy đất làm các khu công nghiệp không hẳn là nguyên nhân chính mà còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu gạo xuất khẩu. Chẳng hạn, các nước đầu nguồn sông Mê Công xây dựng các đập thủy điện dẫn đến tình trạng thiếu nước, thiếu đất phù sa bồi đắp… Nhưng chúng ta cũng cần xác định nước ta là một nước nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm gốc, từ nông nghiệp mới đảm bảo được “an ninh lương thực”, “có thực mới vực được đạo”. Vừa qua, ngành nông nghiệp đã có những “bước đi” để “giữ đất” cho việc trồng lúa (khi lấy đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp phải bồi thường gấp nhiều lần giá trị hiện tại). Tuy nhiên, động thái này mới chỉ là bước đầu, chưa được sự đồng thuận và nhất trí cao trong xã hội, nhưng cũng là một tín hiệu tốt cho ngành sản xuất nông nghiệp.

Hai là, hoàn thiện khâu tổ chức nguồn hàng phục vụ cho xuất khẩu. Do tổn thất sau thu hoạch ở nước ta hiện nay khá cao (từ 15% đến 20%), mà chủ yếu là trong các khâu như thu hoạch, phơi sấy, vận chuyển, xay xát... Điều này cũng góp phần đẩy giá thành lúa gạo tăng lên (do để bù đắp lại những hao hụt). Nếu chúng ta hạn chế được tỷ lệ hao hụt này xuống còn từ 5% đến 7%, thì việc nâng cao số lượng, hạ giá thành xuất khẩu gạo sẽ rất lớn, và do vậy sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

Trong công nghệ chế biến xay xát, đánh bóng gạo hiện nay, chúng ta đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường cấp cao (nhờ trang thiết bị hiện đại, công suất máy xay xát cao…). Như vậy, chất lượng gạo chế biến của chúng ta chỉ còn phụ thuộc ở nguyên liệu đầu vào và thời gian cần thiết (để hạt lúa có thể chuyển hóa hoàn toàn trước khi chế biến) là 1,5 - 2 tháng lưu kho. Khâu này chúng ta còn yếu, vì hầu hết các nhà máy mua lúa tới đâu chế biến tới đó, không có điều kiện kho bãi và khả năng dự trữ. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng hệ thống dự trữ quốc gia, gồm hệ thống các kho chứa lớn, trung bình từ 50.000 tấn trở lên, hoặc hệ thống xi-lô chứa lúa tại các khu vực trọng điểm (đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng) với các thiết bị và công nghệ hiện đại.

Trong việc tổ chức thu mua lúa gạo cho xuất khẩu, chúng ta đã bãi bỏ quy định hạn chế đầu mối xuất khẩu lúa gạo. Điều này tạo nên sự cạnh tranh tích cực trong việc thu mua. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện 80% lượng lúa hàng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long được mua chủ yếu qua các kênh tư nhân để từ đó bán lại cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Vì vậy, lúa hàng hóa từ sau khi thu hoạch và xay xát đã liên tục chuyển quyền sở hữu, đảo kho, vận chuyển và sơ chế. Điều này khác với Thái Lan, lúa hàng hóa sau khi thu hoạch được người dân đem bán “tươi” cho các công ty chế biến, rồi thông qua các công ty xuất khẩu để bán ra nước ngoài. Trong khi người nông dân nước ta luôn bị động trước giá cả thị trường, thì người mua lại không phải là người có hàng, nên đã xảy ra tình trạng tranh bán khi thị trường khó khăn và tranh mua khi việc tiêu thụ thuận lợi. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ép giá và làm giảm đáng kể hiệu quả của việc xuất khẩu lúa gạo ở nước ta.

Ba là, hoàn thiện công tác tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Công tác này cần được tiến hành một cách bài bản và chuyên nghiệp, từ khâu điều tra nghiên cứu, tổ chức thông tin đầy đủ và kịp thời về các thị trường; xúc tiến thương mại và tiếp thị, xây dựng thương hiệu và quảng bá sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế.

Bốn là, chấn chỉnh công tác quản lý xuất khẩu gạo. Cần nhanh chóng vươn lên nắm quyền xuất khẩu trực tiếp. Hiện nay, tại một số thị trường ở châu Phi, gạo của Việt Nam xuất khẩu sang hầu hết phải qua trung gian, tức là qua một đối tác khác (một công ty, một tổ chức quốc tế, thường là các công ty, các tổ chức ở châu Âu và Liên hiệp quốc). Điều này vừa thiệt cho cả Nhà nước và người nông dân chúng ta (do xuất gạo với giá thấp), vừa thiệt cho người dân ở châu lục này phải mua gạo của Việt Nam với giá cao. Cần chấn chỉnh công tác quản lý xuất khẩu gạo theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường và nâng cao vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc điều hành xuất khẩu gạo. Quan tâm đẩy mạnh việc “xuất khẩu tại chỗ”. Chương trình này đang được GS, TS Võ Tòng Xuân thực hiện ở Xê-nê-gan (châu Phi), bằng cách đưa chuyên gia (thực ra là những lão nông tri điền dày dặn kinh nghiệm trong việc trồng lúa của nước ta), mang theo giống, kỹ thuật sang canh tác lúa trực tiếp tại đây, sau khi thu hoạch thì bán sản phẩm ngay tại thị trường này.

Cuối cùng, cần có chiến lược quốc gia xây dựng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo theo đúng tinh thần nghị quyết các kỳ đại hội Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội X của Đảng, đã coi đây là “kim chỉ nam” cho hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu gạo nói riêng: “Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thị trường ổn định cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, tăng thêm thị phần ở các thị trường lớn và khai mở các thị trường còn nhiều tiềm năng”. Trong giai đoạn hiện nay, cần đặc biệt chú trọng phát triển mạnh thị trường châu Phi, đồng thời không bỏ qua các thị trường có tiềm năng rất lớn khác, nhất là thị trường châu Mỹ La-tinh./.