Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Phương Nam lần thứ 3
TCCS - Ngày 17-8-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự trực tuyến Phiên khai mạc cấp cao của Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Phương Nam lần thứ 3 do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì. Phiên khai mạc có sự tham dự của gần 20 Tổng thống, Thủ tướng và lãnh đạo cấp cao các nước đang phát triển trao đổi về chủ đề “Trao quyền cho các nước phương Nam vì một tương lai bền vững”.
Phát biểu tại phiên khai mạc cấp cao, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái khẳng định tầm quan trọng và đóng góp của Hội nghị Tiếng nói phương Nam trong nghị sự của G20, trong đó minh chứng cụ thể là việc Liên minh châu Phi đã trở thành thành viên thường trực của G20. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục xu hướng bất định, phức tạp, đối mặt nhiều thách thức, như an ninh lương thực, năng lượng, phân tách công nghệ cao… Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh việc tăng cường đoàn kết giữa các nền kinh tế phương Nam có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Các nước cần xác định hướng đi chung, chia sẻ nguồn lực để biến các mục tiêu thành hiện thực.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá thế giới đang trải qua các biến động phức tạp và chuyển đổi sâu sắc chưa từng có cả về thiên nhiên và con người. Sự phát triển bùng nổ của khoa học - công nghệ và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, cách thức thế giới vận hành, phát triển cũng như các hành vi của con người trên phạm vi toàn cầu. Các thách thức an ninh, đặc biệt là an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, an ninh mạng… ngày càng phức tạp, tác động thường xuyên, trực tiếp đến an ninh, phát triển của mọi quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các nước phương Nam cần có một tầm nhìn chung và tư duy, hành động, cách tiếp cận có tính toàn cầu, toàn diện và toàn dân. Hơn bao giờ hết, các nước phương Nam cần tăng cường hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng để cùng nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, hóa giải khó khăn và hướng đến một tương lai thịnh vượng bền vững cho mọi quốc gia. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nước phương Nam tập trung vào 3 “thúc đẩy”:
Thứ nhất, thúc đẩy hiệu quả và thực chất hơn nữa tiến trình cải cách các thể chế quản trị khu vực và toàn cầu, trọng tâm là cải tổ Liên hợp quốc dân chủ và hiệu quả hơn, củng cố hệ thống thương mại đa phương với WTO ở vị trí trung tâm, hạn chế tối đa các rào cản thương mại và cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ hai, thúc đẩy huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các nước cần phát huy vai trò tiên phong trong bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tiếp cận bình đẳng, công bằng, tự chủ và tự cường. Thủ tướng kêu gọi sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển về tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực và quản trị dành cho các nước đang phát triển.
Thứ ba, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng nhất là về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, coi đây là trọng tâm trong mọi cơ chế, sáng kiến hợp tác. Cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư Nam - Nam; thúc đẩy xây dựng các thị trường khoa học - công nghệ Nam - Nam; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo kết nối nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp và kết nối khu vực hoạt động hiệu quả và thực chất.
Thảo luận tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đánh giá cao sáng kiến của Ấn Độ duy trì tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói phương Nam lần thứ 3, tạo khuôn khổ để các nước đang phát triển chia sẻ tiếng nói, quan điểm và các giải pháp vượt qua các thách thức toàn cầu. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết đối với hệ thống đa phương toàn cầu và luật pháp quốc tế, nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế, thúc đẩy cải tổ các cơ chế đa phương theo hướng tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển và bảo đảm nguyên tắc lấy con người làm trung tâm. Các nước nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thông qua tăng cường nguồn lực tài chính, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy hợp tác công nghệ.
Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Phương Nam là sáng kiến của Ấn Độ trên cương vị Chủ tịch Nhóm G20 năm 2023. Hội nghị là diễn đàn quan trọng của các nước đang phát triển nhằm tập hợp tiếng nói, chia sẻ quan điểm và thúc đẩy các nội dung hợp tác. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Ấn Độ mời Việt Nam tham dự hội nghị, cho thấy vai trò, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng tăng lên của Việt Nam trong tham gia và đóng góp có trách nhiệm tại các cơ chế đa phương toàn cầu./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội  (15/08/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác tu bổ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2024  (13/08/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay