Hà Nội triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân
TCCS - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Dịch vụ y tế bao gồm tất cả các dịch vụ về chẩn đoán, điều trị bệnh tật và các hoạt động chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Chúng bao gồm các dịch vụ y tế cá nhân và các dịch vụ y tế công cộng. Những năm qua, Hà Nội luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chăm sóc và điều trị cho người dân, hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô trong tình hình mới.
Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 có diện tích khoảng 3.348,5 km2 gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện ngoại thành, đứng đầu cả nước về diện tích và đứng thứ 2 về dân số, đồng thời nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg năm 2009), trong giai đoạn 2009-2015, các vùng đô thị lớn sẽ được ưu tiên phát triển. Vùng Thủ đô Hà Nội là 1 trong 2 vùng đô thị lớn nhất trên toàn quốc đang đóng vai trò quan trọng về cả kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Lĩnh vực y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống cư dân. Chính vì thế, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đặc biệt đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, ngày 3-8-2016, của Hội đồng nhân dân thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, ngành y tế được giao các nhiệm vụ đến năm 2020 đạt tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân là 26,5%; số bác sỹ/vạn dân là 13,5%; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới) đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Về chỉ tiêu quản lý chất thải y tế, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 46 bệnh viện thuộc Trung ương và các bộ, ngành. Hằng năm, Sở Y tế Hà Nội đều phối hợp với các sở, ngành thành phố và Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) thực hiện thanh tra, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị này thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đúng quy định.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, những năm gần đây, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô đã có đổi mới, tiến bộ rõ nét. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên ở tất cả các tuyến y tế. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương. Trong đó, một số lĩnh vực là thế mạnh của y tế Hà Nội, như sản phụ khoa (điển hình như sàng lọc không xâm lấn NIPS, sàng lọc thính lực, sàng lọc tim bẩm sinh…); tim mạch (phẫu thuật APSO typs 3,4, phẫu thuật tim mở ít xâm lấn có hỗ trợ của nội soi, phẫu thuật tim mở cho tim bẩm sinh phức tạp, nhẹ cân cho trẻ sơ sinh, phẫu thuật thay quai động mạch chủ cho bệnh lý phồng tách động mạch chủ…); ung bướu (chụp PET/CT, chụp mạch số hóa xóa nền, nút mạch hóa dầu điều trị ung thư gan và một số bệnh lý ung bướu khác...); phẫu thuật tạo hình (cắt và tạo hình thực quản qua nội soi, thay đoạn động mạch nhân tạo, nội soi khớp háng điều trị hội chứng va đập chỏm ổ cối FAI, phẫu thuật điều trị trật khớp bánh chè bẩm sinh…).
Song song với việc ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho người bệnh, nhiều cơ sở y tế cũng đã quan tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại đơn vị. Điển hình, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sau hơn 1 năm triển khai bệnh án điện tử bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực. Từ khi áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh; việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế minh bạch, không còn tình trạng trục lợi thẻ bảo hiểm y tế; khi ứng dụng thẻ từ thông minh để tiếp đón bệnh nhân rút ngắn thời gian tiếp đón từ khoảng 3 phút/1 bệnh nhân xuống còn từ 5-10 giây/1 bệnh nhân… Cùng với sự gia tăng về số lượng và chất lượng khám, chữa bệnh, công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân cũng được thực hiện hiệu quả, bình quân đạt 82%, một số trạm y tế đạt 95%.
Cùng với sự nỗ lực của các bệnh viện tuyến thành phố, các bệnh viện tuyến huyện cũng đã và đang nỗ lực đổi mới, học tập và làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại. 100% các bệnh viện tuyến huyện đã làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nội soi, nhiều bệnh viện đã áp dụng thành công các kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện tuyến thành phố và bệnh viện Trung ương, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tếvà được nhân dân tin tưởng lựa chọn khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhìn chung chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện hiện vẫn ở mức thấp, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao nên vẫn còn nhiều khó khăn. Việc xã hội hóa y tế vẫn còn nhiều hạn chế do chính sách chưa rõ ràng, sự bất bình đẳng giữa y tế công và y tế tư, chính sách bảo hiểm xã hội…, nhất là thiếu cơ chế chính sách bảo đảm cho nhà đầu tư khiến cho nguồn vốn đầu tư vào y tế vẫn chưa tương xứng, thủ tục đầu tư còn rườm rà.
Y tế tuyến cơ sở là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận nhưng lâu nay chưa được người dân hòan toàn tin tưởng do chất lượng kỹ thuật chưa cao, đội ngũ cán bộ y tế mỏng, năng lực còn hạn chế.
Triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, thời gian tới, ngành y tế Hà Nội cần:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng từ thành phố đến cơ sở, tập trung phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, ngành y tế Hà Nội đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến y tế cơ sở để người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất... Ngoài ra, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian tới, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách hành chính trong khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội để tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn; kịp thời đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách bảo hiểm y tế và chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế.
Hai là, hiện nay, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân càng ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Do đó, ngành y tế cần đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Cùng với đó, hội nhập quốc tế cũng ảnh hưởng đến việc các cơ sở y tế tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, kỹ thuật y học mới, tiên tiến mà trước đó không có. Chất lượng các dịch vụ y tế tăng lên và loại hình dịch vụ cũng đa dạng hơn nhờ tiếp cận tốt hơn với khoa học - công nghệ thế giới và dược phẩm nhập khẩu. Do đó, các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội và bệnh viện thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội cần thấy được sự quan trọng trong việc nâng cao vị thế của mình trong hội nhập qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng tiến tới tiêu chuẩn của thế giới.
Ba là, chính sách xã hội hóa y tế đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho các bệnh viện mạnh dạn tham gia đầu tư góp vốn, thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, góp cổ phần mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Có thể nói, chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính trong lĩnh vực y tế sẽ bảo đảm cho sự phát triển bền vững về tài chính của các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, các chính sách này cũng đang dẫn đến thực trạng là phá vỡ mô hình định hướng cơ bản của hệ thống y tế theo hướng công bằng, ổn định và phát triển. Các bệnh viện Trung ương tại Hà Nội đang phải gánh một lượng bệnh nhân khổng lồ không chỉ đến từ Hà Nội mà còn từ các tỉnh, thành khác. Do vậy, các bệnh viện cần phải tăng hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng được lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Hiệu quả hoạt động của bệnh viện công lập tăng lên, hiệu suất xử lý khám, chữa bệnh sẽ nhanh hơn, tránh được tình trạng quá tải cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc này đòi hỏi các bệnh viện phải có một nền tảng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế tốt và cập nhập trình độ tiên tiến, hiện đại; hệ thống thông tin y tế và cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh năng động, tài chính vững mạnh và đặc biệt là tài chính y tế phải được sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, trình độ nhân lực y tế cũng cần được nâng cao. Ngoài việc thực hiện nghiêm các chuẩn mực về y đức, lấy người bệnh làm trung tâm, nguồn nhân lực y tế cần được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực để có thể sử dụng các loại máy móc hiện đại, tiến gần tới các phương phápkhám, chữa bệnh mới trên thế giới.
Bốn là, xây dựng một thị trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh cho cả bệnh viện công và bệnh viện tư nhân. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hoàn thiện hệ thống chính sách về khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các tuyến; tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh viện tư nhân, không chỉ nội địa mà còn cả các bệnh viện có vốn nước ngoài hoạt động và phát triển; cần “buông” dần việc trợ cấp, hỗ trợ, ưu ái cho khu vực bệnh viện công, đồng thời xiết chặt việc quản lý chất lượng dịch vụ y tế.Việc tạo điều kiện cho một thị trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh về dịch vụ khám, chữa bệnh ở Hà Nội sẽ có vai trò tích cực thúc đẩy các bệnh viện Trung ương tại Hà Nội cũng như các bệnh viện thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội nâng cao chất lượng dịch vụkhám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần có thông tin về tiếp cận các dịch vụ y tế được chia theo các nhóm thu nhập khác nhau, vùng thành thị và nông thôn để có thể tập trung đến các nhóm yếu thế, giúp bảo đảm cho người nghèo ít nhất đạt được mức ngang bằng với các nhóm khá giả hơn.
Với sự đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất và chuyên môn, nghiệp vụ, ngành y tế Hà Nội đã và đang ngày càng làm tốt hơn vai trò chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô./.- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay