Hà Nội hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tri thức
TCCS - Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội những năm qua đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công được cải thiện… Tuy nhiên, kinh tế Thủ đô nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tạo được các “đột phá lớn”, nhất là kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi Hà Nội cần tiếp tục khơi thông chính sách, tận dụng tốt nguồn lực kinh tế tri thức nhằm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.
Vai trò của kinh tế tri thức trong sự phát triển của Hà Nội
Theo Cục Thống kê Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 10 tháng năm 2020 ước đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1.910 triệu USD. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách 10 tháng trên địa bàn thành phố tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố thực hiện là 16,6 nghìn tỷ đồng, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81,1% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp quận, huyện thực hiện là 17,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6%, đạt 76,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã, phường thực hiện là 1.641 tỷ đồng, tăng 9,5% và đạt 79,8%. Về thu hút FDI, 10 tháng đầu năm 2020, có 450 dự án cấp phép mới với số vốn 660 triệu USD và 130 dự án bổ sung vốn đầu tư với số vốn 1.250 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 1.215 triệu USD. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, có đóng góp tích cực trong tăng trưởng cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 4 năm 2016-2019 tăng 7,36%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (6,93%) và cùng kỳ cả nước (6,72%); quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng; GRDP bình quân đầu người 119,65 triệu đồng, tương đương 5.160 USD.
Công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 5-5-2020 cho biết: Chỉ số PCI năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm 2018), xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Trong 7 năm liên tiếp kể từ năm 2012, chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm (trong đó 6 năm liên tiếp - từ 2012 đến 2018 - tăng hạng; năm 2019 tăng điểm và giữ nguyên mức xếp hạng). Năm 2019 là năm đầu tiên chỉ số PCI của Hà Nội có tới 9/10 chỉ số thành phần tăng hạng và giữ nguyên mức xếp hạng (trong đó có 8 chỉ số thành phần tăng hạng và 1 chỉ số thành phần giữ nguyên mức xếp hạng).
Có được những kết quả đáng khích lệ như trên do thời gian qua Hà Nội tập trung vào phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân quận, huyện,… quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực về hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hà Nội cũng tích cực rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập gây cản trở cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai... Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển nền kinh tế.
Hà Nội tiên phong trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tích cực đổi mới phương thức quản lý điều hành, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính làm điểm bứt phá. Trong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố phát triển hạ tầng cơ sở CNTT từ thành phố đến cấp huyện, xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho công dân, doanh nghiệp. Trong buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 5-6-2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý cho biết, tính đến đầu tháng 6-2020, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của Hà Nội đã triển khai DVCTT mức độ 3, 4 là 1.501/1659 thủ tục, đạt 91%. Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đi đầu triển khai tích hợp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thành phố hoàn thành tích hợp 88 DVCTT (dự kiến, đến hết năm 2020, sẽ hoàn thành tích hợp 261 DVCTT).
Theo Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28-6-2016 về đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020 của Thành ủy Hà Nội, Thành phố chú trọng khuyến khích ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đưa vào vận hành vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội; tiếp nhận 28 hồ sơ dự án/ý tưởng, trong đó 14 dự án được tiếp nhận vào giai đoạn ươm tạo chính thức. Khai trương cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội tại địa chỉ StartupCity.vn, tạo môi trường kết nối khởi nghiệp. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 9.700 doanh nghiệp CNTT, tăng trưởng bình quân 31,6%/năm. Doanh thu CNTT đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu; lao động trong lĩnh vực CNTT đạt hơn 160 nghìn người, tăng 12,8%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn và cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Hà Nội cần tạo bước đột phá trong phát triển với một chiến lược phát triển tốt, bài bản, có tầm nhìn dài hạn và quan trọng nhất là phải tận dụng được triệt để nguồn lực từ kinh tế tri thức để xây dựng, phát triển Hà Nội xứng đáng vai trò, vị thế Thủ đô, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ, rộng rãi đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong khi đó, quy mô kinh tế của thành phố đã lớn hơn; đời sống người dân được nâng lên; tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng;... kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát từ tác động của tình hình thế giới, từ những yếu kém cơ cấu kinh tế nội tại... Điều này đòi hỏi Hà Nội phải quan tâm phát triển hơn nữa nền kinh tế tri thức, chuyển dịch mạnh hơn nữa cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ, tri thức cao, đưa kinh tế Hà Nội phát triển bền vững và hiệu quả, xứng đáng là một đô thị sinh thái có kiến trúc đẹp, đồng bộ, mang dấu ấn của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trước hết, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tri thức nói riêng bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp. Những năm gần đây, thành phố tích cực trong đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới, phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Xác định doanh nhân có vai trò rất quan trọng trong quá trình đưa các ý tưởng, tri thức từ các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ra thị trường, phổ biến một cách rộng rãi trong toàn nền kinh tế. Bởi vậy, những biện pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” hay “nút thắt” trong thu hút, sử dụng, đãi ngộ nhân lực trình độ cao được triển khai một cách tích cực. Triển khai các biện pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách, hỗ trợ về thông tin, gắn trách nhiệm doanh nhân với các chương trình lớn của Hà Nội trên nguyên tắc cạnh tranh thị trường; hỗ trợ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mới, công nghệ mới. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ tập trung tạo môi trường thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Thứ hai, thường xuyên xem xét rà soát việc thực hiện cơ chế tuyển dụng và sử dụng đặc thù, cũng như các chính sách hiện hành về sử dụng công chức, viên chức để tạo ra môi trường làm việc mang tính khuyến khích phát huy tối đa năng lực, thu hút được tài năng và thực sự hiệu quả. Người giỏi, năng lực chuyên môn cao thường luôn cần môi trường làm việc có chất lượng cao tương ứng để phát huy tối đa năng lực. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tận dụng và phát huy chất xám, sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra được giá trị gia tăng và sức cạnh tranh mạnh mẽ cho nền kinh tế. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực trình độ cao với các nhóm đối tượng cụ thể để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo đúng, sát với nhu cầu thực tiễn, từng bước hình thành, phát triển tài nguyên trí lực, trong đó đề cao tầm quan trọng của tri thức, kỹ năng, coi đây là yếu tố then chốt để hình thành và phát triển tài nguyên trí lực.
Thứ ba, tiếp tục ưu tiên phát triển các khu công nghệ cao, xem xét thành lập các doanh nghiệp khoa học-công nghệ một cách phù hợp với nhu cầu phát triển mũi nhọn của thành phố. Sự phát triển của khoa học, công nghệ là điều kiện cần để hình thành và phát triển kinh tế tri thức, bởi vậy, Hà Nội đã nỗ lực giải quyết tốt mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ và tri thức. Cùng với việc đầu tư cho nghiên cứu, việc đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các khâu, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế tạo ra khả năng lan tỏa trong nền kinh tế theo hướng hiện đại cũng luôn được quan tâm. Các doanh nghiệp khoa học - công nghệ là cầu nối thúc đẩy hợp tác song phương giữa doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ hiện đại như các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; dịch vụ bưu chính - viễn thông và CNTT. Khuyến khích phát triển dịch vụ khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo. Về nông nghiệp, tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp đi đôi với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô. Có cơ chế, chính sách phát triển trục kinh tế phía Nam trở nên sôi động hơn, tương xứng với các trục phát triển khác của thành phố, bảo đảm sự phát triển đồng đều và không để địa phương nào của thành phố trở thành “vùng trũng” phát triển.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. CNTT là chìa khóa để đi vào kinh tế tri thức. Muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải khắc phục khoảng cách về CNTT. Do đó, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7-3-2019, của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, thành phố thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố, đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng Chương trình mục tiêu CNTT thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội theo khung kiến trúc Chính phủ Việt Nam phiên bản 2.0. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang nỗ lực đi đầu trong việc tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, khuyến khích các chủ thể kinh tế phát huy tối đa tiềm năng của mình, quan tâm đến vấn đề về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, bản quyền... Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Nâng cao giá trị sáng tạo và hàm lượng văn hóa trong hoạt động kinh tế; khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ. Đẩy mạnh thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường.
Cuối cùng, trong dòng chảy hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội cũng đã luôn tích cực và chủ động hợp tác quốc tế, tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương một cách có chọn lọc, nhằm trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm. Tranh thủ gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế không chỉ nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế Thủ đô mà còn đưa Hà Nội trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo, sánh ngang với các đô thị hàng đầu trên thế giới./.
Cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và nền kinh tế tri thức  (30/10/2020)
Hà Nội ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp  (27/10/2020)
Hà Nội: Để đạt lợi ích kép thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển bền vững  (16/09/2020)
Kinh tế thế giới và Việt Nam sáu tháng đầu năm 2020  (11/08/2020)
Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh - Từ góc độ quản lý nhà nước  (19/07/2020)
Rào cản phi thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam  (10/06/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên