Âm vang Trường Sơn

16:43, ngày 18-05-2009

TCCSĐT - Sáng nay 18-5-2009, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội , tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2009), 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 -19-5-2009).

Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia; các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động; đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An; đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan đơn vị quân đội, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Trường Sơn; đại biểu cựu thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Các đoàn đại biểu quốc tế của nước bạn Lào, Cam-pu-chia, Liên bang Nga, Trung Quốc, Cu-ba đã đến dự lễ kỷ niệm trọng thể này.
 
Trong diễn văn đọc tại Lễ Kỷ niệm, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói: “Trong buổi lễ trang trọng này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta... Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn là dịp để chúng ta ôn lại sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự thể hiện quyết tâm thực hiện Di chúc của Người, đoàn kết đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng”. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Người.

Cách đây 50 năm, để thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức tuyến giao liên, vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. Thực hiện quyết định lịch sử đó, đúng ngày sinh của Bác, ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 được giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Kể từ ngày đầu thành lập, tuy lực lượng còn nhỏ bé, phải bí mật soi lối, mở đường, đặt trạm, lấy sức người gùi hàng trên những đường mòn nhỏ hẹp, nhưng Bộ đội trường Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam, tuyến đường Trường Sơn không ngừng được mở rộng, vươn xa, tạo thành mạng lưới vận tải cơ giới đường bộ, đường sông hoàn chỉnh. Bộ đội Trường Sơn đã không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành một lực lượng binh chủng hợp thành với quy mô lớn, một hướng chiến trường tổng hợp.

Đường Trường Sơn - mặt trận Trường Sơn thật sự trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em với chiến trường miền Nam; là minh chứng hùng hồn về tình đoàn kết chiến đấu của 3 nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; về sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Cu-ba và bạn bè quốc tế.
 
Cả tuyến đường Trường Sơn rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bừng bừng khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, lực lượng nào, đơn vị nào cũng có sự tích anh hùng; con đường nào, địa danh nào cũng là mảnh đất rực rỡ chiến công, làm nên huyền thoại Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc Việt Nam, nỗi ám ảnh và khiếp sợ của kẻ thù.

Bộ đội Trường Sơn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; 86 đơn vị, 48 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân…

Nhân dịp Kỷ niệm này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Quân công hạng Nhì cho Binh đoàn 12 – Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn.
 
Phát biểu chúc mừng những thành tích Bộ đội Trường Sơn đạt được trong kháng chiến chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: “Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, nhiều đơn vị bộ đội Trường Sơn đã chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Binh đoàn 12 được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là đơn vị kinh tế kết hợp với quốc phòng. Từ truyền thống vẻ vang của bộ đội Trường Sơn trên mặt trận mới, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức của binh đoàn đã quán triệt nhiệm vụ được giao, luôn có mặt ở những nơi gian khổ, các địa bàn chiến lược, miền núi xa xôi… để xây dựng hàng trăm công trình quan trọng có ý nghĩa to lớn về kinh tế, quốc phòng, chính trị, xã hội. Đồng thời, tập trung xây dựng Binh đoàn ngày càng trưởng thành, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những dấu tích về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, dấu ấn của một thời chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam càng được ghi nhớ, trân trọng và là niềm tự hào của dân tộc ta. Đường Trường Sơn không chỉ có giá trị sâu sắc với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây mà còn có giá trị thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với truyền thống anh hùng của mình, Bộ đội Trường Sơn hôm nay sẽ góp phần to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại buổi lễ, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã phát biểu, ôn lại quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Bộ đội Trường Sơn, của đường Trường Sơn. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên bày tỏ lòng biết ơn, lòng kính trọng và tri ân sâu sắc các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối, những chiến sỹ cộng sản kiên trung, những anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, các nhà khoa học, thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân giao thông vận tải, dân công hỏa tuyến và đồng bào các dân tộc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, cống hiến trọn đời cho đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.../.