TCCSĐT - Ngày 11-4-2-11, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khẳng định: Tổng thống mãn nhiệm Côt-đi-voa Lô-răng Gơ-ba-bô, đã tuyên bố đầu hàng sau hơn hai tháng chỉ huy lực lượng ủng hộ ông giao tranh với Tổng thống đắc cử A-la-xa Oa-ta-ra. Hiện ông Lô-răng Gơ-ba-bô đã bị bắt giữ cùng với gia đình và đang được bảo vệ cẩn mật để chờ ngày ra hầu toà.

Không chỉ xuất phát từ bất đồng về kết quả bầu cử

Trong hơn hai tháng qua, tình hình nội chiến ở Cốt Đi-voa thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế bởi sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2010 đã xảy ra nội chiến giữa những người ủng hộ hai ứng cử viên chủ chốt là Lô-răng Gơ-ba-bô và A-la-xa Oa-ta-ra.

Nhìn bề ngoài, tình hình diễn ra như sau: Tổng thống Cốt Đi-voa đương nhiệm, ông Lô-răng Gơ-ba-bô, sau khi thất bại trong vòng bầu cử lần 2 vào ngày 28-01-2010 vẫn tiếp tục nắm giữ quyền lực, còn ứng cử viên giành chiến thắng trong vòng bầu cử đó là ông A-la-xa Oa-ta-ra nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đã tiến hành đấu tranh vũ trang để giành lại vị thế đã được công nhận hợp pháp. Nhưng trên thực tế, tình hình phức tạp hơn thế rất nhiều, trong đó đan xen nhiều yếu tố, trước hết là yếu tố sắc tộc, tôn giáo và địa kinh tế.

Yếu tố sắc tộc

Nhìn chung, trong điều kiện ở châu Phi nói chung, các cuộc cạnh tranh giữa hai ứng cử viên tổng thống và hai đảng chính trị thường xuất phát trước hết từ yếu tố sắc tộc, trong đó Cốt Đi-voa là một trường hợp điển hình.

Lô-răng Gơ-ba-bô đại diện cho lợi ích của người theo đạo Thiên chúa sống ở phía nam đất nước, còn A-la-xa Oa-ta-ra đại diện cho các cư dân theo đạo Hồi định cư ở phía bắc đất nước. Từ trước đến nay, tất cả các tổng thống ở Cốt Đi-voa đều là người theo đạo Thiên chúa. Sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12-2010, ở Cốt Đi-voa lần đầu tiên có chuyện một người theo đạo Hồi được đắc cử tổng thống và sẽ nắm quyền cai quản đất nước.

Vướng mắc chủ yếu phát sinh trong giai đoạn lập danh sách cử tri cho cuộc bầu cử tổng thống Cốt Đi-voa vào cuối năm 2010. Trước đây, trong danh sách cử tri chiếm đa số là đại diện của cộng đồng cư dân theo đạo Thiên chúa. Còn hiện nay tình hình đã thay đổi bởi hai lý do. Một là, do tỷ lệ sinh đẻ cao của các cư dân theo đạo Hồi, nên số cử tri thuộc cộng đồng này ngày một nhiều lên. Hai là, từ trước tới nay chính quyền ở Cốt Đi-voa không trao quyền cử tri cho các công dân có nguồn gốc từ quốc gia láng giềng là Buốc-ki-na Pha-xô đến định cư lâu dài tại đây. Năm 2010, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, các cư dân ở miền nam Cốt Đi-voa đồng ý mở rộng danh sách các cử tri.

Trong khi đó, tổ tiên của tổng thống đắc cử A-la-xa Oa-ta-ra lại xuất thân từ Buốc-ki-na Pha-xô. A-la-xa Oa-ta-ra sinh ra vào năm 1942, khi biên giới quốc gia của các nước châu Phi vẫn chưa được định đoạt như hiện nay. Không những thế, các quốc gia độc lập ở châu Phi trước kia đều là thuộc địa của Pháp, do đó, những người chống đối A-la-xa Oa-ta-ra cáo buộc ông “không phải là người dân Cốt Đi-voa”. Thêm nữa, sau khi từ bỏ chủ nghĩa thực dân ở châu Phi, Pháp vẫn duy trì ảnh hưởng đáng kể ở Cốt Đi-voa, trong đó, có quan hệ cá nhân giữa các đời Tổng thống Pháp, kể từ thời Sác-lơ Đờ-gôn đến nay, với tổng thống đầu tiên của Cốt Đi-voa là ông Phê-lich U-phu Bu-an-nhi, một người đã từng cầm quyền trong suốt hơn 4 thập kỷ.

Dĩ nhiên, không thể tuyệt đối hóa yếu tố sắc tộc, bởi trong quan hệ giữa các nhà chính trị ở Cốt Đi-voa có rất nhiều vấn đề phức tạp. A-la-xa Oa-ta-ra đã từng là Thủ tướng Cốt Đi-voa trong những năm 1990-1993 dưới thời cầm quyền của Tổng thống Phê-lich U-phu Bu-an-nhi, mặc dù phần lớn cuộc đời của ông trải qua tại các tổ chức tài chính quốc tế. Đỉnh cao quyền lực của A-la-xa Oa-ta-ra là Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của một người Pháp, ông Mi-sen Cam-đê-xi-u, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ông Mi-sen Cam-đê-xi-u lại là một người quen thân với đương kim Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di. Thật khó có thể loại trừ ảnh hưởng của mối quan hệ phức tạp giữa Tổng thống đắc cử A-la-xa Oa-ta-ra, Mi-sen Cam-đê-xi-u và đương kim Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di tới các diễn biến hiện nay ở Cốt Đi-voa.

Còn Lô-răng Gơ-ba-bô, dưới thời cầm quyền của Tổng thống Phê-lich U-phu Bu-an-nhi là một phần tử chống đối và đã từng bị ngồi tù. Sau khi ra tù, ông chuyển sang hoạt động khoa học. Nếu A-la-xa Oa-ta-ra là tiến sĩ kinh tế, đã từng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Pen-xin-va-ni-a (Mỹ), thì Lô-răng Gơ-ba-bô lại được cấp bằng tiến sĩ về khoa học lịch sử ở Pa-ri (Pháp) năm 1979. Cũng trong thời kỳ đó, Lô-răng Gơ-ba-bô đã từng hợp tác với các lực lượng cánh tả và trung tả ở Pháp là những người trông cậy vào mối quan hệ lịch sử với Tổng thống Cốt Đi-voa, ông Phê-lich U-phu Bu-an-nhi.

Năm 2000, Lô-răng Gơ-ba-bô lần đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Lần đó, ông được Chính phủ Pháp đứng đầu là Thủ tướng Li-ông Giô-xpanh dưới thời cầm quyền của Tổng thống Pháp Giắc Si-rắc, ủng hộ. Năm 2002, ông Lô-răng Gơ-ba-bô cũng được Chính phủ thuộc đảng cánh hữu cử lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình trong chiến dịch mang tên “Edinopog” tới hỗ trợ để chống lại lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, sau đó 2 năm, các lực lượng quân sự trung thành với Lô-răng Gơ-ba-bô đã tiến công vào các vị trí của quân Pháp, làm chết một số người. Để đáp trả hành động này, Tổng thống Pháp hồi đó là Giắc Si-rắc đã ra lệnh tiêu diệt lực lượng không quân nhỏ nhoi của Cốt Đi-voa. Năm 2007, cuộc chiến tranh kết thúc bằng một hiệp ước nhân nhượng nhưng cũng chỉ có hiệu lực không lâu. Các cuộc bầu cử tổng thống trong những năm tiếp sau đó đã dẫn tới xung đột bạo lực đẫm máu không dứt đến tận ngày nay.

Trong sự chia rẽ ở Cốt Đi-voa không thể không tính đến yếu tố địa kinh tế: Cốt Đi-voa hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới trong sản xuất nguyên liệu ca cao, đồng thời là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về dầu cọ và cao su tự nhiên.

Bầu cử gây tranh cãi

Vào đầu tháng 12-2010, Ủy ban bầu cử trung ương Cốt Đi-voa công nhận A-la-xa Oa-ta-ra giành chiến thắng, trong khi đó, Hội đồng lập pháp Cốt Đi-voa lại công nhận Lô-răng Gơ-ba-bô trúng cử sau khi cáo buộc những người ủng hộ A-la-xa Oa-ta-ra gian lận trong bầu cử. Tổng thống mãn nhiệm Lô-răng Gơ-ba-bô giành được sự ủng hộ của quân đội mà đội ngũ chỉ huy lại bao gồm chủ yếu là những người theo đạo thiên chúa.

Trong khi đó, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (dĩ nhiên bao gồm cả Pháp), Liên minh châu Phi, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi và Mỹ công nhận A-la-xa Oa-ta-ra là người chiến thắng. Ngoài ra, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ban đầu giữ quan điểm thận trọng không coi A-la-xa Oa-ta-ra là tổng thống hợp pháp trong bản nghị quyết thông qua tháng 12-2010. Nội dung dự thảo lần đầu của nghị quyết này đã bị phía Nga phủ quyết với lý do “chỉ có nhân dân Cốt Đi-voa mới có quyền quyết định ai là tổng thống của họ”.

Tuy nhiên, Đại hội đồng Liên hợp quốc lại công nhận A-la-xa Oa-ta-ra là đại diện hợp pháp toàn quyền của Cốt Đi-voa ở Liên hợp quốc. Đối với Lô-răng Gơ-ba-bô, sự cô lập quốc tế đã làm giảm số lượng những người ủng hộ ông. Trong tình cảnh đó, Lô-răng Gơ-ba-bô ra lệnh ngừng hoạt động các kênh truyền hình của nước ngoài ở Cốt Đi-voa, đóng cửa biên giới trên biển, trên bộ và trên các nội thuỷ. Tuy nhiên, trong một thế giới hiện đại đang toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay thì các hành động tương tự không có đủ hiệu lực ngay cả ở châu Phi, nơi mà mạng Internet phát triển mạnh không kém gì ở các nước khác. Đây là một yếu tố cần tính đến trong bối cảnh các cuộc “cách mạng từ Internet” đang bùng nổ ở các nước châu Phi.

Ở Cốt Đi-voa, quân đội không được độc quyền đàn áp vũ trang. Trong khi đó, những người ủng hộ ông A-la-xa Oa-ta-ra trước đây đã từng có không ít kinh nghiệm trận mạc. Vì thế, giao tranh đã xảy ra dữ dội giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống mãn nhiệm Lô-răng Gơ-ba-bô và Tổng thống đắc cử A-la-xa Oa-ta-ra, làm chết ít nhất hàng trăm người và khiến cho khoảng một triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó trên 100.000 người phải vượt biên giới sang nước láng giềng là Li-bê-ri-a.

Cuối cùng, chiến thắng quân sự đã thuộc về lực lượng ủng hộ Tổng thống đắc cử A-la-xa Oa-ta-ra. Vào cuối tháng 3-2011, lực lượng ủng hộ Tổng thống đắc cử A-la-xa Oa-ta-ra đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ của Cốt Đi-voa, chiếm thủ đô I-a-mu-xu-rô và đột nhập vào A-bit-giăng thành phố lớn nhất của Cốt Đi-voa.

Sự can thiệp quốc tế

Ngày 30-03-2011, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi các bên ngừng bắn, trên thực tế là nhằm chống lại Lô-răng Gơ-ba-bô. Nghị quyết đưa ra biện pháp cấm ông Lô-răng Gơ-ba-bô và những người thân cận rời bỏ đất nước.

Sau khi nghị quyết này được thông qua, các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cùng với quân đội Pháp trước đó đã hiện diện ở Cốt Đi-voa trong khuôn khổ sứ mệnh chiến dịch gìn giữ hòa bình “Edinopog” công khai ủng hộ A-la-xa Oa-ta-ra và tổ chức các đợt tiến công các trận địa của những người ủng hộ ông Lô-răng Gơ-ba-bô. Các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã giành quyền kiểm soát sân bay A-bi-giăng.

Trong khi đó, những gì đang diễn ra ở Li-bi đã có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến các sự kiện ở Cốt Đi-voa. Trong tình hình này, Nga không muốn phong tỏa quyết định của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng như trong trường hợp đối với Li-bi, bởi lẽ Nga không muốn bị rơi vào tình trạng bị cô lập về chính trị, đặc biệt là trong tình hình khi ở một đất nước châu Phi đang xảy ra nội chiến. Liên hợp quốc đã từng bị cáo buộc không có khả năng hành động vào năm 1994 khi không thể đưa ra một quyết định nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng ở Ru-an-đa. Ngoài ra, Nga cũng không có ý định đóng vai trò là “người bảo vệ lợi ích của các nhà chuyên chế”.

Tuy nhiên, Nga cũng cảnh báo các bên không nên lạm dụng nghị quyết của Liên hợp quốc và yêu cầu hành động của các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng như của Pháp phải đóng vai trò trung lập và hành động trong khuôn khổ ủy nhiệm của Liên hợp quốc. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Mat-xcơ-va tuân thủ nguyên tắc người châu Phi phải tự giải quyết các vấn đề đối nội mà không có sự can thiệp của nước ngoài, còn cộng đồng quốc tế cần tích cực tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại.

Cân bằng lực lượng mới ở châu Phi

Do sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào cuộc nội chiến, các nước châu Phi ngày càng có thái độ dè chừng đối với quan điểm của phương Tây. Chủ tịch Liên minh châu Phi - người đã từng công nhận A-la-xa Oa-ta-ra là Tổng thống Cốt Đi-voa, và Tổng thống Gin-nê Xích-đạo, đã bày tỏ quan điểm chống lại sự can thiệp vũ trang vào Cốt Đi-voa. Ông phản đối việc Liên hợp quốc và Pháp sử dụng sức mạnh quân sự can thiệp vào các cuộc xung đột nội bộ. Đa số lãnh đạo các nước châu Phi không bày tỏ quan điểm phản đối A-la-xa Oa-ta-ra nhưng cũng không muốn tạo ra một tiền lệ cho sự can thiệp của nước ngoài, mà trong tương lai có thể bị lạm dụng để chống lại chính họ.

Ngoài ra, nhiều nước châu Phi cũng đang lâm vào tình trạng bất ổn nội bộ có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Vì thế, các nước châu Phi không muốn có thêm một tiền lệ nữa là đưa Lô-răng Gơ-ba-bô ra hầu toà. Họ chỉ muốn giải quyết vấn đề bằng cách tạo điều kiện cho ông Lô-răng Gơ-ba-bô được cư trú chính trị tại một trong những quốc gia ở Châu Phi như ở Ăng-gô-la hoặc Nam Phi. Tổng tham mưu trưởng Cốt Đi-voa, ông Phi-lip Man-bu và gia đình, đã tới cư trú trong Đại sứ quán Nam Phi ở Cốt Đi-voa.

Như vậy, theo các nước châu Phi, vấn đề quan trọng nhất của nền chính trị thế giới hiện tại là tạo ra sự cân bằng giữa nguyên tắc chủ quyền quốc gia và sự can thiệp của nước ngoài với lý do “bảo vệ nhân đạo”. Sự cân bằng này không chỉ được xác định trong văn phòng của các chính khách hoặc các viện nghiên cứu chiến lược mà cụ thể là ở Li-bi và Cốt Đi-voa (2)./.

--------------------------------------------------------------------

1. Liên hợp quốc xác nhận Tổng thống Cốt Đi-voa mãn nhiệm Lô-răng Gơ-ba-bô đã đầu hàng. http://rian.ru/world/20110411/363406160.html

2. Cốt Đi-voa: Cuộc chiến giữa hai tổng thống. http://rus.ruvr.ru/2011/04/08/48643550.html