Quan hệ Nga - NATO: Những mâu thuẫn khó dung hòa
Nga và NATO hoàn toàn chấm dứt hợp tác
Ngày 15-4 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksander Grushko tuyên bố Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã hoàn toàn chấm dứt hợp tác ở cả các lĩnh vực dân sự và quân sự.
Ông Grushko cho biết NATO đã từ chối các nội dung nghị sự tích cực trong quan hệ với Nga, ông cho rằng hiện tại NATO chưa có nhận thức về việc thoát khỏi ngõ cụt này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga đánh giá việc NATO quyết định dừng các tiếp xúc làm việc trong lĩnh vực quân sự với Nga là không có lý do, vì nền an ninh tại châu Âu phụ thuộc phần nhiều chính vào quan hệ giữa Nga và NATO. Ông Grushko chỉ ra rằng hiện tại quan hệ giữa hai bên đang lặp lại tình trạng Chiến tranh Lạnh thuở ban đầu NATO được thành lập. Trong bối cảnh đó, cần phải quay trở lại học thuyết đối thoại và kiềm giữ, tuy nhiên hiện tại đang có nhiều "kiềm giữ" và rất ít "đối thoại". Ông Grushko cho biết chi phí quân sự của NATO (khoảng 1.000 tỷ USD) hiện đang cao hơn chi phí của Nga gấp 22 lần, song Moskva không có ý định tham gia chạy đua để gia tăng chi phí, mà hướng tới các biện pháp "tiết kiệm, trọng điểm và hiệu quả".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho rằng NATO có thể đổi mới thông qua con đường thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đích thực với Nga. Tuy nhiên, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Nga-NATO năm 2010 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) NATO đã không thể "hy sinh" tính chất "độc quyền" của mình, do đó không tìm ra được nghệ thuật nhượng bộ và làm việc vì những lợi ích chung, thay vì lợi ích nhóm.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga
Sergei Lavrov và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bên lề Hội nghị An
ninh Munich lần thứ 53 tại Đức.
Động thái này tiếp tục là một bước đi thụt lùi trong quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa hai bên mà gần đây nhất là việc NATO áp đặt trừng phạt Nga liên quan vụ hai cha con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Anh.
Những mâu thuẫn khó hóa giải
Mở rộng sang phía Đông của NATO sát sườn với Nga là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ Nga-NATO trở nên xấu đi. Việc mở rộng sang phía Đông của NATO trong thời gian gần đây kèm theo việc bố trí quân đồn trú, vũ khí, khí tài tới các nước giáp biên với Nga khiến Nga không thể khoanh tay đứng nhìn. Nếu từ khi thành lập đến năm 1982, NATO chỉ kết nạp thêm 4 thành viên, thì từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà “đối trọng” Liên Xô không còn, NATO bắt đầu chính sách mở rộng, sáp nhập ồ ạt các thành viên ở Đông Âu, bắt đầu từ Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc. Tổ chức này sau đó tăng lên 26 nước năm 2004, 28 vào năm 2009 và con số hiện nay đã là 29. Tất cả các đợt mở rộng đều tiến về sườn phía Đông của khối, kéo theo đó là việc tiếp tục thiết lập các căn cứ quân sự mới và bố trí quân đội tại các nước Đông Âu giáp biên giới Nga.
Hành động mở rộng của NATO sang sườn phía Đông đã làm nước Nga vô cùng bất bình, bởi Moskva coi đây là "sự bội ước và nuốt lời". Theo nhiều tài liệu, tháng 02-1990, Ngoại trưởng Mỹ khi đó James Baker dưới thời chính quyền Tổng thống George H.W. Bush đã cam kết với phía Liên Xô rằng NATO sẽ "không tiến về phía Đông dù chỉ một inch". Cũng theo một thỏa thuận được NATO và Nga ký năm 1997, trên lãnh thổ các thành viên mới của NATO không được phép bố trí lực lượng chiến đấu dài hạn.
Vấn đề Ukraina cũng là một điểm hóc búa trong quan hệ Nga - NATO. Mối quan hệ này rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau sự kiện Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. NATO đã ngừng tất cả các hoạt động hợp tác trên thực tế với Nga từ tháng 4-2014 liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Kể từ năm 2014, đại diện NATO đã không tham dự các hội nghị an ninh quốc tế do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức. Hoạt động của Hội đồng Nga - NATO, cơ chế tham vấn, hợp tác, cùng đưa ra các quyết sách và hành động chung giữa NATO và Nga thành lập từ năm 2002, cũng bị gián đoạn từ tháng 6-2014 trước khi được tái khởi động vào năm 2016. Cho dù vậy, cơ chế này đã không đạt hiệu quả khi hai bên tiếp tục bất đồng trong nhiều vấn đề. Các nhà phân tích nhận định, việc Nga và NATO tiếp tục tồn tại bất đồng sâu sắc không thể giải quyết tại cơ chế này là một điều không mấy bất ngờ, bởi trên thực tế quan hệ Nga-NATO đang rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng.
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga
Valery Gerasimov (phải) trong cuộc gặp Tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu,
Tướng Curtis Scaparrotti tại Baku, Azerbaijan tháng 12-2018.
NATO tăng cường hoạt động ở Biển Đen cũng là một nguyên nhân gia tăng căng thẳng trong quan hệ Nga - NATO. Ngày 03-4-2019, Đại sứ Mỹ tại NATO Bailey Hutchison cho biết Mỹ đang xúc tiến thực hiện một gói biện pháp, gồm triển khai thiết bị giám sát trên không và điều thêm nhiều tàu chiến của NATO tới Biển Đen. Theo đó, đề xuất cử tàu của NATO tới khu vực Biển Đen là để bảo vệ an toàn đi lại đối với các tàu của Ukraine sau sự cố trên biển giữa Moskva và Kiev năm 2018.
Tiếp đó, ngày 12-4, hãng tin Ria Novosti dẫn phát biểu của phó Tổng thư ký Tổ chức NATO bà Rose Gottemoeller tiết lộ văn kiện được thông qua tại hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên NATO ở thủ đô Washington, Mỹ, mới đây có đề cập đến việc liên minh quân sự này sẽ tăng cường hoạt động tại Biển Đen. Theo bà Gottemoeller, NATO sẽ triển khai nhiều biện pháp thực tế để hỗ trợ cho Ukraine và Gruzia, trong đó chú trọng huấn luyện và đào tạo lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển, trao đổi thông tin và tập trận.
Ngay lập tức, Nga đã chỉ trích kế hoạch gia tăng hoạt động của NATO ở Biển Đen gây nguy hại đến an ninh khu vực. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng cùng với việc tăng cường hiện diện tại khu vực Biển Đen, NATO đang xúi giục chính quyền Ukraine thực hiện những hành động khiêu khích mới.
Đỉnh điểm trong căng thẳng ở Biển Đen là khi Nga tập trận hải quân song song với NATO ở khu vực này. Ngày 17-4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Hạm đội Biển Đen của nước này đã tiến hành một loạt hoạt động diễn tập trong mấy ngày qua vào thời điểm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng tiến hành tập trận hải quân trong khu vực. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, các đơn vị pháo của Hạm đội Biển Đen đã tiến hành huấn luyện chiến đấu tại một địa điểm diễn tập trên bán đảo Crimea, trong đó sử dụng máy bay không người lái phát hiện mục tiêu và điều chỉnh hỏa lực. Đầu tuần này, một nhóm tấn công của Hải quân Nga, cùng các hệ thống tên lửa chống tàu duyên hải và một máy bay hải quân đã tiến hành diễn tập chống đối phương giả định gồm các nhóm chiến thuật và nhiều tàu.
Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ các hoạt động diễn tập trên được tiến hành tại căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Crime, nhằm đảm bảo an toàn cho việc đi lại và huấn luyện chiến đấu của lực lượng hải quân Nga trên biển.
Trong khi đó, NATO tiến hành cuộc diễn tập hải quân thường niên "Sea Shield 2019" (Lá chắn trên biển) ở Biển Đen với sự tham gia của 5 tàu chiến. Cuộc diễn tập do Romania dẫn đầu, bắt đầu từ ngày 05-4 và kết thúc ngày 13-4 vừa qua. Đáp lại, Nga triển khai 4 tàu hải quân và một tàu ngầm diễn tập ở Biển Đen.
Theo ông Grushko, NATO đã "đi quá xa" trong việc đẩy mạnh đối đầu với Nga. Nga đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước việc các lực lượng của NATO được tăng cường tại châu Âu. Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Nga không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ nước nào, tuy nhiên không làm ngơ trước những hành động tiềm ẩn nguy cơ đối với các lợi ích quốc gia của Nga.
Có thể thấy, tất cả những động thái của NATO, từ mở rộng sang phía Đông, thiết lập các cơ sở của Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại các nước Đông Âu, tăng cường hiện diện quân sự tại Baltic… đều bị Moskva coi là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia dù NATO khẳng định các động thái này không hề có ý định nhằm vào Nga mà chỉ để nâng cao khả năng phòng thủ của khối này. Để đáp trả, Nga đã triển khai hàng loạt vũ khí chiến lược đến vùng lãnh thổ Kaliningrad ngay sát biên giới một số nước như Ba Lan, Lithuania nhằm “nắn gân” NATO cũng như cho ra mắt một loạt vũ khí tấn công thế hệ mới.
Nguy cơ đối đầu quân sự
Rõ ràng, NATO và Nga luôn trong tình trạng hoài nghi và dè chừng nhau, và thực sự hai bên đã bước vào cuộc đối đầu mới thời “hậu Chiến tranh Lạnh”. Căng thẳng hai bên đặt an ninh toàn cầu trước nhiều rủi ro, và mọi toan tính sai lầm hay nóng vội đều có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự.
Để phòng ngừa nguy cơ xung đột hạt nhân, trong bối cảnh Mỹ đã ngừng thực hiện các cam kết trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kể từ tháng 02-2019, Nga đã đề xuất với Mỹ ký thỏa thuận tránh chiến tranh hạt nhân. Báo “Thương gia” của Nga ngày 19-4 dẫn nguồn tin riêng cho biết Nga đã đưa ra đề xuất với Mỹ ký thỏa thuận không để xảy ra chiến tranh hạt nhân, nhưng sáng kiến của Moskva chưa nhận được câu trả lời từ phía Washington.
Moskva đã chuyển dự thảo thỏa thuận cho Washington vào tháng 10-2018. Trong văn kiện này nhấn mạnh rằng trong “chiến tranh hạt nhân không thể có người chiến thắng, và cuộc chiến tranh này không bao giờ được phép nổ ra.” Ngoài ra, trong dự thảo thỏa thuận còn đề xuất đưa ra những biện pháp cần thiết để ngăn chặn vô tình hay trái phép sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong bối cảnh cục diện thế giới có nhiều biến động, an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương trở nên phức tạp và khó lường trước những thách thức như chủ nghĩa khủng bố cực đoan hay tình trạng di cư từ Trung Đông-Bắc Phi, các nước NATO lại bộc lộ quan điểm khác nhau về cái gọi là "mối đe dọa Nga". Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo một số nước Trung Âu luôn mô tả Nga là "đối thủ tiềm năng chính" trong chính sách an ninh của NATO, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Nga không phải kẻ thù của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có động thái "xích lại gần Nga". Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lại đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn khác: phòng thủ dựa trên sự răn đe và cởi mở đối thoại với Nga.
Tình trạng đối đầu căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và NATO cho thấy đây là mối bất hòa khó có thể giải quyết. Điều này đạt an ninh toàn cầu trước nhiều rủi ro, và mọi toan tính sai lầm hay nóng vội đều có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự./.
Về tinh giản biên chế của các cơ quan Trung ương hiện nay  (20/04/2019)
Người nghèo có thể ấm no trên “cánh đồng hội nhập”?  (20/04/2019)
Thủ tướng tiếp Đoàn các hãng thông tấn dự Hội nghị Ban Chấp hành OANA  (19/04/2019)
Bế mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (19/04/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên