Hoạt động nổi bật của Chủ tịch Quốc hội tại Vương quốc Bỉ
TCCSĐT - Ngày 04-4, tại Thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiến hành hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani và hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Jacques Brotchi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu
Sáng 04-4 (theo giờ địa phương), tại Trụ sở Nghị viện châu Âu (EP) ở Vương quốc Bỉ, Chủ tịch EP Antonio Tajani đã chủ trì Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm làm việc với EP.
Ngay sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch EP Antonio Tajani đã tiến hành hội đàm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm làm việc với EP; cảm ơn những đóng góp tích cực của Chủ tịch EP Antonio Tajani vào việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), giữa Quốc hội Việt Nam và EP; bày tỏ tin tưởng, Chủ tịch Antonio Tajani sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa EP và Việt Nam trong thời gian tới.
Chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc với EP, Chủ tịch Antonio Tajani cho rằng EU và Việt Nam có mối quan hệ chính trị, kinh tế thuận lợi. Chủ tịch EP Antonio Tajani bày tỏ tự hào vì EU là đối tác lớn của Việt Nam. Hiện nay, quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam phát triển rất tích cực.
Theo Chủ tịch Antonio Tajani, hai bên cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này. EU đã hỗ trợ Việt Nam 400 triệu euro để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong những biểu hiện cho thấy sự nỗ lực của EU trong việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Chủ tịch EP Antonio Tajani cũng hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong việc giải quyết những khác biệt nội khối cũng như các vấn đề trong khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo với Chủ tịch EP về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; nhấn mạnh việc Việt Nam đã ký kết và thực thi 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), hiện đang đàm phán 4 FTA khác. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư (sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc), là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) và là nhà đầu tư lớn thứ 5 (sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan) của Việt Nam. Để nâng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư lên tầm cao mới, hai bên đã đàm phán xong và đang chuẩn bị ký kết, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ EVFTA và IPA sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho cả EU và Việt Nam. Trong thời gian qua, hai bên đã nỗ lực đàm phán để có EVFTA toàn diện, tiêu chuẩn cao. Từ tháng 10-2018, hồ sơ EVFTA đã được trình lên Hội đồng châu Âu để xem xét ký. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc rà soát pháp lý - ngôn ngữ và các thủ tục khác kéo dài hơn so với dự kiến. Việt Nam hiểu rằng thời gian qua EU bận rộn với Brexit và nhiều vấn đề khác; đồng thời cho rằng, việc sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội để hiện thực hóa các lợi ích mà hiệp định này sẽ mang lại cho cả Việt Nam và EU.
Với EVFTA, Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp mở cửa thị trường, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, cam kết bảo vệ quyền của người lao động, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường… Còn IPA là hiệp định bảo hộ đầu tư hiện đại với cấp độ bảo vệ cao cho các nhà đầu tư châu Âu, đồng thời sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo các cam kết quốc tế. Việt Nam mong muốn, EVFTA và IPA sớm được ký kết, phê chuẩn vì phù hợp với lợi ích thương mại, đầu tư với những lợi ích chiến lược mang lại cho cả hai bên.
Đối với Việt Nam, khi đi vào thực hiện EVFTA cùng với một số FTA thế hệ mới khẳng định Việt Nam mạnh mẽ thúc đẩy thương mại tự do, mở cửa thị trường, hội nhập sâu rộng. Và đối với EU, cùng với các FTA của EU với Nhật Bản và Singapore, EVFTA giúp nâng cao vị thế, vai trò của EU tại Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, tạo xung lực mới thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, EVFTA nếu sớm được triển khai có thể xem như một hình mẫu cho FTA giữa EU - ASEAN trong tương lai.
Thời gian qua, Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng với các cơ quan của EU về các vấn đề mà EU quan tâm và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Bộ luật Lao động ngay trong Kỳ họp tháng 5 tới; các cơ quan của Việt Nam đã có các phiên đối thoại với EU về vấn đề nhân quyền; triển khai hàng loạt biện pháp chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp…
Nhấn mạnh các nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, Chủ tịch EP Antonio Tajani ủng hộ để nội dung phê chuẩn EVFTA có thể được đưa vào chương trình phiên họp đầu tiên của EP trong nhiệm kì mới.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và châu Âu. Việt Nam chủ trương thực hiện đúng cam kết thương mại quốc tế và không phân biệt nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước. Thời gian tới Việt Nam sẵn sàng tiếp tục trao đổi, đối thoại với EU về những vấn đề hai bên cùng quan tâm nhằm đẩy nhanh tiến trình ký kết, phê chuẩn EVFTA và IPA.
Khẳng định EU rất coi trọng EVFTA và IPA, Chủ tịch EP Antonio Tajani cũng nêu rõ các hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với các bên; đồng thời cho biết, trong nhiệm kỳ của mình, với cương vị là Chủ tịch EP ông đã làm tất cả những gì có thể để việc ký kết, phê chuẩn được thực hiện.
Bày tỏ rất tiếc khi việc ký kết, phê chuẩn chưa được thực hiện sớm như mong muốn, Chủ tịch EP Antonio Tajani cho biết EP đang chuẩn bị bầu cử, ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, các vấn đề liên quan đến các hiệp định quan trọng này sẽ được xem xét.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch EP Antonio Tajani vui mừng nhận thấy, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và EP phát triển tốt đẹp. Hai bên đã trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và cử cán bộ sang thực tập tại EP…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi thông tin, đón các đoàn nghị sĩ EP thăm Việt Nam và tổ chức đối thoại với EP, nghị sĩ EP trên tinh thần hợp tác và xây dựng về những vấn đề cùng quan tâm, qua đó giúp EP hiểu rõ hơn về tình hình Việt Nam.
Chủ tịch EP Antonio Tajani nêu rõ EP cũng sẵn sàng chào đón các đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc với các cơ quan của EP.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hoạt động tích cực của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội/Nghị viện hai bên và cá nhân các Chủ tịch Nhóm đã và đang phát huy vai trò cầu nối tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa QH Việt Nam và EP nói riêng, giữa Việt Nam và EU nói chung; đề nghị, hai Nhóm nghị sĩ hữu nghị tiếp tục hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động.
Chủ tịch EP Antonio Tajani cảm ơn những chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhấn mạnh cuộc hội đàm có ý nghĩa rất quan trọng, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc hợp tác với EU, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà đầu tư châu Âu tìm kiếm cơ hội hợp tác và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Chủ tịch EP Antonio Tajani khẳng định trên cương vị của mình sẽ làm tất cả để hồ sơ của EVFTA và IPA được tiến hành theo trình tự ưu tiên nhất.
Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ
Trước đó, tại Trụ sở Thượng viện Bỉ, Thủ đô Brussels, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ, ngài Jacques Brotchi.
Chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, ngài Jacques Brotchi chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam khi ông tới thăm cách đây một năm rưỡi với tư cách là bác sỹ tham dự hội thảo về y tế.
Đánh giá mối quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, nhất là hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy đại học, kinh tế, Chủ tịch Thượng viện cho biết Bỉ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam do hai nước có mối quan hệ gắn bó, dễ tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề cùng quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Jacques Brotchi đã dành thời gian tiếp và cho biết chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Bỉ lần này nhằm duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Bỉ nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ một số nét về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam.
Với điều kiện phát triển còn nhiều khó khăn nhưng trong 30 năm qua, Việt Nam đã từng bước xây dựng đất nước theo hướng bền vững và năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), Việt Nam đã về đích trước thời hạn một số mục tiêu, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó có vấn đề bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục...
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (SDGs).
Là thành viên tích cực trong Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Việt Nam được chọn là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững này tới các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với nền chính trị, xã hội ổn định, các nhà đầu tư yên tâm khi tới đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách pháp luật để khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân nhằm khơi dậy nội lực, khát khao vươn lên cùng xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong 3 năm liên tục vừa qua Việt Nam đều xuất siêu.
Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Bỉ, là thị trường lớn của Việt Nam. Năm 2018, trong gần 56 tỷ USD kim ngạch thương mại Việt Nam - EU thì kim ngạch thương mại Việt Nam - Bỉ là 2,8 tỷ USD. Hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động của các công ty Bỉ tại Việt Nam không ngừng phát triển trong những năm qua.
Bày tỏ vui mừng về những thông tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ Chủ tịch Thượng viện Bỉ cho rằng Vương quốc Bỉ muốn củng cố những kết quả hợp tác mà hai nước đã đạt được và mở rộng hơn nữa, phát triển sang những lĩnh vực mới bởi vì điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho đất nước Bỉ. Hiện Bỉ muốn mở rộng hợp tác sang châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Bỉ đầu tư tại Việt Nam và muốn tiếp tục mở rộng đầu tư hơn nữa.
Đánh giá lĩnh vực y tế rất có nhiều tiềm năng hợp tác, Chủ tịch Thượng viện Bỉ nhấn mạnh trong cộng đồng Pháp ngữ, Bỉ đã tham gia cùng Pháp, Canada có chương trình đào tạo, hỗ trợ cho một số bệnh viện của Việt Nam; đồng thời cho biết muốn có hợp tác riêng giữa Bỉ và Việt Nam trong lĩnh vực này vì y tế là lĩnh vực Bỉ có thế mạnh.
Các bệnh viện vùng nói tiếng Hà Lan và tiếng Pháp của Bỉ có uy tín cũng như chất lượng chăm sóc bệnh nhân rất tốt. Vì vậy, Bỉ rất vui mừng khi được góp phần vào sự phát triển y tế tại Việt Nam.
Đánh giá cao đề xuất của Chủ tịch Thượng viện Jacques Brotchi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết khi về nước sẽ chuyển thông tin đến Bộ Y tế Việt Nam để kết nối và tăng cường hợp tác với Bỉ trong lĩnh vực này.
Tại hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Bỉ đã trao đổi về việc thúc đẩy ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Chủ tịch Quốc hội nêu một vấn đề liên quan đến lợi ích của cả hai bên trong việc thúc đẩy EVFTA; cảm ơn sự ủng hộ của Bỉ thời gian qua và đề nghị Chủ tịch Thượng viện ủng hộ, góp phần thúc đẩy để có thể ký và phê chuẩn Hiệp định này vào chương trình nghị sự đầu nhiệm kỳ tới của Nghị viện châu Âu, để hiện thực hóa các lợi ích do Hiệp định đem lại cho Việt Nam, Bỉ và EU.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã thông báo với Chủ tịch Thượng viện Bỉ về những vấn đề mà Việt Nam đã và đang thực hiện theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu, các bên đã có các cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn.
Chủ tịch Thượng viện Bỉ đánh giá cao những công việc mà Việt Nam đang triển khai thực hiện và cho rằng, điều này sẽ mang lại những lợi ích chung cho các bên.
Đối với EVFTA, Chủ tịch Thượng viện Bỉ khẳng định sự ủng hộ và cho biết sẽ góp phần thúc đẩy để có thể sớm ký và phê chuẩn hiệp định này.
Tại hội kiến, Chủ tịch Thượng viện Jacques Brotchi đã trân trọng cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Việt Nam trong thời gian thích hợp./.
Thủ tướng Vương quốc Hà Lan sẽ thăm chính thức Việt Nam  (06/04/2019)
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bỉ tiếp tục ủng hộ việc phê chuẩn EVFTA  (06/04/2019)
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên từ trần  (06/04/2019)
Hợp tác giáo dục - đào tạo: Điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Xin-ga-po  (06/04/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay