Kinh tế - Xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2007
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng chính phủ chiều 6-6-2007 do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ chủ trì, các vấn đề được trình bày đều xoay quanh tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2007.
I. VỀ KẾT QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẠT ĐƯỢC TRONG THÁNG 5 - 2007
- Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5-2007 ước tăng 2,7% so với tháng 4 và tăng 17,1% so với tháng 5-2006.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5-2007 ước tăng 6,5% so với tháng 4.
- Ngành Bưu chính viễn thông đã có thêm 1,6 triệu thuê bao điện thoại. Ngày 27-4-2007, tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ đã được khởi công xây dựng. Tuyến cáp quang này được đánh giá là có khả năng bổ sung dung lượng mạng rất lớn cho Việt Nam.
- Kim ngạch xuất khẩu tháng 5-2007 ước đạt 3,9 tỉ USD, tăng 7,3% và kim ngạch nhập khẩu cũng ước đạt 4,6 tỉ tăng 3,5%, so với tháng trước.
- Nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao. Trong tháng 5 vừa qua, dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 938 triệu USD, trong đó vốn đăng ký mới là 827 triệu (USD). Vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 5 ước đạt 390 triệu USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo (5-2007), ở cả hai khu vực phía Bắc và phía Nam để lấy ý kiến của các nhà tài trợ cho dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 131/2006/NĐ-CP về quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức nhằm nhanh chóng đưa việc quản lý ODA vào nền nếp và hiệu quả.
- Hoạt động tiền tệ: Nguồn vốn huy động tháng 5-2007 ước tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 42,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn huy động bằng VND ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng như vậy, nguồn huy động bằng đồng ngoại tệ với tỷ lệ tăng tương ứng là 2,42% và 18,5%. Lãi suất cơ bản trong tháng 5 tiếp tục được giữ ổn định ở mức 0,6875%/ tháng, tương đương với 8,25%/năm.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2007 tăng 0,77%, cao hơn mức tăng của tháng trước (tháng trước tăng 0,49%) và cao hơn cùng kỳ năm 2006 (cùng kỳ tăng 0,6%).
- Giải quyết việc làm cho khoảng 16 vạn lao động, trong đó xuất khẩu trên 7.000 lao động.
- Hoạt động du lịch trong tháng 5 tiếp tục diễn ra sôi động cả ở thị trường trong nước và nước ngoài. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 305.000 lượt người, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cho công suất sử dụng phòng ở khách sạn nhất là khách sạn ở những vùng trọng điểm du lịch liên tục đạt ở mức cao, khoảng 80%, nhiều khách sạn cao cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang... đạt công suất 100%.
- Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung chuẩn bị tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp các cấp năm học 2006 – 2007 và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tất cả các tỉnh, thành đều tích cực triển khai cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, thực hiện đúng quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan, trung thực và nghiêm túc.
- Ngành y tế đã tích cực chỉ đạo các địa phương phòng chống dịch bệnh mùa hè như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết… nhất là tại các tỉnh phía Nam, đồng thời tiếp tục các hoạt động về kiểm tra giá thuốc, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương. Bộ cũng đã tuyên truyền đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường và vệ sinh nơi ở. Đặc biệt, sau khi dịch cúm gia cầm tái phát và lan rộng, ngành y tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp tăng cường giám sát, phòng chống cúm A H5N1 ở người.
- Các hoạt động văn hóa thông tin đã diễn ra sôi động. Các hoạt động tuyên truyền, cổ động và phổ biến thông tin về bầu cử Quốc hội khóa XII đã được đẩy mạnh qua hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ 32 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; cuộc thi sáng tác Tranh cổ động, các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế 1-5 và kỷ niệm 117 năm ngày sinh của Bác đã diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi.
II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2007
1. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2006. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,9%). Trong đó, khu vực ngoài nhà nước tăng 20,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,3%, riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 7,9% (trung ương tăng 10,8%, địa phương tăng 2,1%).
Các sản phẩm đạt được mức tăng trưởng cao so với 5 tháng đầu năm trước là: ôtô các loại tăng 40,8%; động cơ điện tăng 40,2%; xe máy các loại tăng 36,5%; gạch lát tăng 27,4%; thép cán tăng 20,9%; máy biến thế tăng 20,8%; đường mật các loại tăng 20,4%; bia tăng 20,2%.
Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn cao so với cùng kỳ năm trước như Vĩnh Phúc: tăng 55,7%, Bình Dương: 23%, Đồng Nai: 22,6%, Hà Nội: 20%, Hải Phòng: 18,5%, Hà Tây: 18%, Cần Thơ: 17,3%...
Về phát triển các khu công nghiệp. Hiện nay cả nước có 6 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và mở rộng. Tổng diện tích các khu công nghiệp mới thành lập và mở rộng là 836 ha. Tính đến cuối tháng 5-2007, cả nước có 148 khu công nghiệp, trong đó 90 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 58 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng. Tính hết tháng 5, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được phân bổ trên 48 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, riêng ở 3 vùng kinh tế trọng điểm, diện tích các khu công nghiệp chiếm 62% tổng diện tích các khu công nghiệp trong cả nước.
2. Sản xuất nông nghiệp. Đến ngày 15-5-2007, cả nước đã thu hoạch được hơn 1.926 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 95,2% so với vụ trước. Trong đó, các tỉnh phía Nam cơ bản thu hoạch xong với 1.805 nghìn ha và gieo cấy được hơn 1.031 nghìn ha lúa Hè Thu, bằng 34,8% kế hoạch. Các tỉnh Bắc Trung bộ cũng thu hoạch được hơn 116 nghìn ha, bằng 7,7 diện tích gieo cấy.
Trong tháng 5, do thời tiết nắng nóng, mưa lớn ở một số địa phương, cộng thêm sự ô nhiễm của nguồn nước nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 5 tháng đầu năm 2007 bằng 32,6% kế hoạch, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản khai thác 5 tháng đầu năm cũng tăng 1,6% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản 5 tháng đầu năm hiện bằng 36,8% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
3. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, với tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó du lịch tăng 33,7%, dịch vụ tăng 24,7%, thương nghiệp tăng 22,5%, khách sạn nhà hàng tăng 21,3%; lượng kinh doanh du lịch quốc tế trong 5 tháng đầu năm lên gần 1,77 triệu lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ; trong đó số khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt gần 1,1 triệu lượt người, tăng 17,3%.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách tăng khá, nhất là vận tải bằng đường hàng không. Trong 5 tháng đầu năm 2007, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước tăng 7,6% về tấn và 6,9% về TKm so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 8,3% về lượt hành khách và 10,4% về HKkm. Vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 16,9% về số lượt hành khách và tăng 17,1% về HKkm (tốc độ tăng tương ứng cùng kỳ năm 2006 là 11,8% và 17%).
Mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông, Internet trong nước, quốc tế, thông tin hàng hải và truyền báo hoạt động ổn định, tiếp tục nâng cao năng lực, mở rộng và phát triển. Tính đến hết tháng 5-2007, tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt 34,1 triệu máy, trong đó thuê bao di động chiếm 69,8%, đạt mật độ 40 máy/100dân.
Tổng số thuê bao Internet quy đổi phát triển từ đầu năm đến hết tháng 5-2007 đạt 320 nghìn máy. Tính chung tổng số thuê bao Internet qui đổi trên toàn mạng đạt 4,38 triệu máy với 15,76 triệu người sử dụng, chiếm gần 19% dân số.
4. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục phát triển, ước đạt 18,115 tỉ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2006, bằng 38,7 kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 7,085 tỷ USD, tăng 31%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm đạt 3,623 triệu USD/tháng, cao hơn so với mức bình quân cùng kỳ năm trước (cùng kỳ là 3,016 triệu USD/tháng).
Đến hết tháng 5 có 3 sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, tăng thêm một sản phẩm so với tháng trước, đó là: hàng giày dép đạt 1,49 tỉ USD, tăng 7,9%; thuỷ sản đạt 1,3 tỉ USD, tăng 16,2%; cà phê đạt 1,1 tỉ USD tăng 121,4% và có 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD: dầu thô đạt 3,1 tỉ USD; hàng dệt may đạt gần 2,7 tỉ USD, tăng 24,3%. Nhiều sơ đạt tốc đọ tăng trưởng cao trên 20% là: dầu mỡ động thực vật tăng 100%; sản phẩm nhựa tăng 52,2%; hạt tiêu tăng 26,2%; mỳ ăn liền tăng 23,6%; sản phẩm gỗ tăng 22,7%; gốm sứ tăng 22,5%; đá quý và kim loại quý tăng 21,1%; mây tre, cói, thảm tăng 20,1%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2007 ước đạt 21,370 tỉ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2007 (cùng kỳ tăng 7,3%), trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 7,827 tỉ USD, tăng 27%.
Mức nhập siêu 5 tháng đầu năm là 3,25 tỉ USD, chiếm 17,9% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2006 là 6%). Nguyên nhân nhập siêu cao, một mặt do tốc độ tăng xuất khẩu chậm hơn nhập khẩu; giá xuất khẩu dầu thô thấp hơn năm trước, mặt khác nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng cao như máy móc thiết bị cho đầu tư; nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu…
5. Nguồn vốn đầu tư đạt khá với số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 4,369 tỉ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 3,792 tỉ USD với 372 dự án được cấp giấy phép đầu tư, tăng 88% về vốn đăng ký và tăng 32,4% về số dự án so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số vốn cấp mới, có 30% (1,582 tỉ USD) trước thu hút vào các khu công nghiệp, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Một số nước có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam trong 5 tháng qua là: Xin-ga-po với tổng vốn đăng ký 776 triệu USD, chiếm 20,4% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc: 734 triệu USD, chiếm 19,3%; Ấn Độ: 527,2 triệu USD, chiếm 13,9%.
Các tỉnh có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn như: Bà Rịa Vũng Tàu chiếm 19% tổng vốn đăng ký; Thừa Thiên Huế: 14,5%; Hậu Giang 12%.
Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt khoảng 36,7% kế hoạch năm. Từ đầu năm đến ngày 10-5-2007, giá trị các hiệp định ODA được ký kết đạt 1,216 tỉ USD. Mức giải ngân nguồn vốn ODA 5 tháng ước đạt 709 triệu USD, bằng 37% kế hoạch giải ngân.
6. Thu chi ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 38,1% dự toán năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2006; trong đó thu nội địa đạt 40,3% dự toán năm (cùng kỳ đạt 39,7%), tăng 23,7%; thu từ dầu thô đạt 31,8% dự toán năm (cùng kỳ đạt 41,8%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 40,2% dự toán năm, tăng 39,2% so với cùng kỳ; thu viện trợ không hoàn lại đạt 43% dự toán năm, tăng 17,3%.
Tổng chi ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 37,6% dự toán năm (cùng kỳ năm trước đạt 37,5%), chi đầu tư phát triển ước đạt 34,2% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; chi trả nợ và viện trợ ước đạt 38,4% dự toán, tăng 29,7% so cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 41,7% dự toán, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước. Do có kết dư từ năm trước chuyển sang nên bội chi ngân sách nhà nước 5 tháng ước bằng 39,8% dự toán năm.
Chỉ số giá tăng 4,32%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2006 (cùng kỳ 2006 tăng 3,6%). Đáng chú ý là trong 5 tháng đầu năm, giá vàng tăng tới 7,12%; trong khi giá đô la Mỹ lại giảm 0,16%, chủ yếu do tăng nguồn ngoại tệ từ đầu tư của nước ngoài và lượng kiều hối về nhiều, dẫn đến thặng dư lớn trong cán cân thanh toán quốc tế.
Trong số các địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng giá cao nhất cả nước: 1,58%; Cần Thơ 1,01%; Hà Nội: 0,46%.
III. NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2007 nền kinh tế thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Có những khó khăn đã được đề cập trong báo cáo của các tháng trước, có khó khăn mới xuất hiện trong tháng 5-2007, cụ thể như sau:
1. Trong 5 tháng đầu năm 2007, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do hạn hán trên diện rộng, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá nhiều vật tư nông nghiệp tăng nên tác động xấu đến hiệu quả sản xuất của ngành.
- Năng suất lúa Đông Xuân, theo đánh giá ban đầu, ở các tỉnh phía Bắc đạt thấp do thời tiết diễn biến không thuận. Dự báo sản lượng lúa Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc giảm khoảng 600 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân trước; sản lượng thu hoạch lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía nam chỉ tăng khoảng 100 đến 150 nghìn tấn do ảnh hưởng của dịch rày nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá.
- Dịch cúm gia cầm tái phát ở 10 tỉnh (Nghệ An, Nam Định, Sơn La, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hải Phong, Bắc Giang, Ninh Bình, Bắc Ninh) và có nguy cơ lây lan sang nhiều địa phương khác. Số gia cầm mắc dịch chủ yếu là thuỷ cầm. Toàn bộ số gia cầm nhiễm bệnh đã được tiêu hủy. Nguyên nhân khiến dịch bùng phát là: điều kiện chăn nuôi manh mún; chưa chú trọng chỉ đạo tiêm phòng; người chăn nuôi chưa thực hiện tốt các quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm; việc kiểm soát vận chuyển gia cầm chưa hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các địa phương dập dịch, khoanh vùng dịch không để lây lan và đẩy mạnh công tác tiêm phòng.
- Giá phân bón trên thị trường trong nước tăng 400-600 đồng/kg so với đầu năm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, nhu cầu phân urê tiếp tục tăng, cần bảo đảm cung ứng đủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp.
2. Nhiều sản phẩm công nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, khả năng cạnh tranh thấp nên tốc độ tăng trưởng không cao, làm giảm mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
3. Nhập siêu tiếp tục xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước (3 tháng đầu năm 2007 nhập siêu bằng 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, 4 tháng 15,6%, 5 tháng 17,9%). Trong thời gian tới, khả năng xuất khẩu của một số mặt hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Một số mặt hàng có xu hướng giảm xuất khẩu là dầu thô, cà phê và phụ tùng xe đạp, trong khi nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng cao để đáp ứng nhu cầu đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu.
4. Trong 5 tháng đầu năm 2007, chỉ số giá tăng 4,3%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2006 (cùng kỳ tăng 3,6%). Giá của nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất kinh doanh (xăng dầu, xi măng, than, điện, thép, phân bón…) đang có xu hướng tăng. Nếu tốc độ tăng giá không được kiềm chế sẽ tác động xấu tới hiệu quả sản xuất kinh doanh và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
5. Nhìn chung khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư và nguồn vốn ODA đều chậm so với tiến độ đề ra; đặc biệt là các dự án khởi công mới, do vướng mắc trong việc di dân, giải phóng mặt bằng.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư chậm chủ yếu do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng làm tăng tổng mức đầu tư nên việc triển khai dự án khó khăn, nhất là đối với các dự án đã đấu thầu; việc chờ phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư, tổng dự toán rất chậm. Công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án vẫn chưa có giải pháp đẩy nhanh, sự kết hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ.
Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, còn có nguyên nhân việc phân cấp quản lý chưa có sự chuẩn bị chu đáo cả về tổ chức bộ máy và cán bộ nên đã ảnh hưởng làm chậm tiến độ của các công trình, dự án.
6. Tình hình tai nạn giao thông chưa có chuyển biến tích cực; số vụ tai nạn và số người chết còn cao.
Trong tháng 4-2007 đã xảy ra 1.242 vụ tai nạn giao thông làm chết 1.127 người và bị thương 883 người; so với tháng 4-2006, tăng 36 vụ (3%), tăng 361 người chết (6,7%). Tính chung cả 4 tháng đầu năm xảy ra 5.269 vụ tai nạn giao thông, làm 4.739 người chết và 4.105 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2006, tăng 159 vụ (3%), tăng 342 người chết (7,8%), và tăng 107 người bị thương (2,7%).
Để khắc phục các hạn chế, khó khăn, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 03/2007 ngày 19-1-2007 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết các vấn đề nổi lên hiện nay, đặc biệt là công văn số 645 TTg-NN gửi các bộ, địa phương yêu cầu tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch cúm ở người. Các Bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến của tình hình kinh tế, sớm phát hiện các vướng mắc khó khăn trong sản xuất kinh doanh để kịp thời có biện pháp xử lý. Đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại, giải quyết nhanh các thủ tục nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các tỉnh phía Bắc chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ mùa tới, phấn đấu nâng cao năng suất đề bù đắp sản lượng lúa thiếu hụt trong vụ trước.
Phê bình cho đúng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh  (08/06/2007)
Phê bình cho đúng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh  (08/06/2007)
Nhận diện những rủi ro trong đầu tư chứng khoán  (08/06/2007)
Phấn đấu tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm đạt 9%  (07/06/2007)
Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa  (07/06/2007)
Nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp - thực trạng và một số giải pháp  (07/06/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên