Họp Quốc hội: Bàn về Luật Phòng chống tham nhũng
TCCSĐT - Sáng 25-10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
* Tại phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Cần thống nhất cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập
Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư và Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.
Ngay sau kỳ họp thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Hầu hết nội dung dự thảo Luật đã được thống nhất, riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, vẫn còn nhiều phương án và ý kiến khác nhau như giải quyết tại tòa án; thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính...
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về ưu, nhược điểm của từng phương án, cũng như các cơ sở pháp lý và thực tiễn để triển khai hiệu quả khi đưa vào Luật.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV lần này, bản Dự thảo mới nhất Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý là xem xét giải quyết tại tòa án và phương án đánh thuế.
Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến để thống nhất phương án cuối cùng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với tài sản do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có, thì Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rất cụ thể các biện pháp tịch thu sung công hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành và dự thảo Luật cũng đã quy định tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có. Riêng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp.
Nghị quyết của Đảng yêu cầu đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản trong phòng, chống tham nhũng, nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong minh bạch tài sản, thu nhập.
Thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc, nhưng cũng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản này.
Do đó, để tạo bước tiến mới và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, quy định trong dự thảo Luật việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
“Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án, vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đưa ra khuyến nghị về phương án này. Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kom Tum) cho rằng nếu phương án giải quyết tại Tòa án được thông qua thì có vấn đề cần phải được làm rõ để quy định được triển khai khả thi trên thực tế. Đó là vấn đề chứng minh tài sản hợp pháp hay không hợp pháp.
“Người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập, nhưng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cho rằng không hợp lý thì đưa ra Tòa. Vậy lúc này trách nhiệm chứng minh là trách nhiệm của tòa. Vậy liệu tòa có thực hiện được nhiệm vụ chứng minh điều này, có quá tải hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng nếu không giải quyết được các vấn đề thì nên tính các phương án khác.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu không đồng ý với phương án giải quyết tại tòa án. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) đề nghị Quốc hội phải xem xét kỹ lưỡng và không thể đồng tình với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua Tòa án.
“Khi cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra chưa chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có, thì không thể có chứng cứ, cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển tòa án để xét xử. Thực tế, nhiều vụ án phạm tội, nhận hối lộ, người ta khai đưa cho ông A, ông B, nhưng tòa không thể xét xử vì không có chứng cứ... Thực tế tài sản là của cá nhân, nếu cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh tài sản do phạm pháp mà có, nhưng lại giao cho Tòa để xử lý thu hồi thì không khả thi, vi phạm quyền sở hữu tài sản”, đại biểu Phương nói.
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) không đồng ý với cả 2 phương án giải quyết tại tòa và thu thuế thu nhập cá nhân do cả 2 phương án đều chưa đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn.
“Tài sản nghi ngờ do tham nhũng mà có thì hoàn toàn có thể đưa vào điều tra. Nếu điều tra chứng minh là tài sản tham nhũng thì thu hồi toàn bộ. Đạo luật này chủ yếu hướng đến phòng, chứ không phải xử lý các vấn đề về nghiệp vụ. Nếu xử lý về nghiệp vụ thì pháp luật hiện hành đã có biện pháp về hành chính, về tổ chức cán bộ, xử lý hình sự” - đại biểu Nhưỡng lý giải, đồng thời đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên quy định hiện hành.
Cần thống nhất về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập
Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật như: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập;...
Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình; ý kiến khác đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý trực tiếp người có nghĩa vụ kê khai tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất là cán bộ làm công tác tổ chức thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập, dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.
Để khắc phục những hạn chế này, việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi.
Nếu theo phương án giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập thì có thể gây quá tải, thiếu khả thi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan này, nhất là trong điều kiện dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai và giao thêm nhiều thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.
** Một số đại biểu cho rằng phạm vi áp dụng trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) này quá rộng nhưng lại chưa đề cập đến những doanh nghiệp “sân sau”. Đây là ý kiến được đưa ra trong phiên họp lấy ý kiến đại biểu Quốc hội cho dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sau đó.
Chống tham nhũng không chỉ ở khu vực Nhà nước
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật về mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Một số ý kiến không tán thành với việc mở rộng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26-12-2016, của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng bộ với Bộ luật Hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
Bà Lê Thị Nga cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội vì đây là các doanh nghiệp, tổ chức có huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hoặc có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
“Để việc thanh tra công tác phòng chống tham nhũng không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng: Bổ sung căn cứ ‘khi có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm…’ mới tiến hành thanh tra; trình tự, thủ được thực hiện theo pháp luật về thanh tra”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để tránh việc một doanh nghiệp, tổ chức xã hội bị thanh tra nhiều lần bởi nhiều cơ quan thanh tra khác nhau về cùng một nội dung, dự thảo Luật cũng đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Chưa đề cập đến doanh nghiệp “sân sau”
Đồng tình việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội không đồng tinh mở rộng với đối tượng doanh nghiệp tư như dự thảo vì doanh nghiệp đại chúng hiện nay có rất đông cổ đông kiểm soát nên khó có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, đối tượng doanh nghiệp khu vực tư đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu vực công thường là doanh nghiệp “sân sau”.
“Đấy là đối tượng chính mà luật cần kiểm soát, nhưng trong dự thảo luật không đề cập đến. Tôi đề nghị quy định đối tượng cần kiểm soát là doanh nghiệp tư mà có quan hệ kinh tế như cung cấp, mua bán tài sản, cung cấp dịch vụ cho khu vực công thì phải thực hiện kiểm soát tham nhũng bằng hình thức kiểm toán, công khai tài chính ba năm: năm trước, năm nảy sinh quan hệ mua bán, năm sau, như kiểm soát doanh nghiệp nhà nước”, ông Hoàng Văn Cường nói.
Dẫn chứng thế giới kiểm toán dòng tiền là theo đầu đến cuối chứ không chỉ dừng ở hoá đơn chứng từ của doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường đề nghị phải kiểm toán “truy” đến cùng đồng tiền bảo đảm có đúng vật tư, nguyên liệu, hàng hoá cung cấp có đúng không... chứ không căn cứ chỉ trên chứng từ.
Đánh giá cao ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đã đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp thu ý kiến để giải trình lý do chưa đề cập đến doanh nghiệp sân sau khi mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng với Quốc hội./.
Mong đợi quy định pháp lý tối ưu về xử lý tài sản, thu nhập bất minh  (25/10/2018)
Lấy phiếu tín nhiệm 48 người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn  (25/10/2018)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội thảo luận 2 dự án Luật  (25/10/2018)
Nâng cao hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính tại cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên  (25/10/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay