Giám sát chuyên đề về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài
TCCSĐT - Tiếp tục Phiên họp thứ 26, ngày 09-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016” và cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.
* Sáng 09-8, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt
Chỉnh sửa phạm vi điều chỉnh
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa và thể hiện lại phạm vi điều chỉnh của Luật; thiết kế lại để thể hiện rõ hơn hoạt động trồng trọt là một chuỗi từ khâu tạo giống, phân bón, canh tác đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng; bổ sung quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động trồng trọt.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ ngoài cây nông nghiệp, dự thảo Luật còn điều chỉnh đối với những loại cây trồng nào khác.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết quản lý giống cây thủy sinh, giống cây lâm nghiệp có đặc thù riêng, khác với giống cây nông nghiệp như về yêu cầu vật liệu nhân giống, về kiểm soát chất lượng giống, quy trình kỹ thuật nhân giống, đặc tính sinh học và chu kỳ sinh trưởng của cây.
Hiện tại, các Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp cũng đã có quy định điều chỉnh đối với giống thủy sản, giống cây lâm nghiệp. Do vậy, Luật Trồng trọt không điều chỉnh đối với các giống cây này.
Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng về giống cây trồng, không cần thiết có quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng chính bởi giống cây tốt hay không, sản phẩm tiêu thụ như thế nào là do thị trường quyết định. Nếu ban hành quyết định thì những sản phẩm đang có thương hiệu và tiêu thụ tốt trên thị trường lại phải đi đăng ký, gây phiền hà cho người dân.
Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ việc cấp quyết định công nhận giống cây trồng chính với việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, về bản chất, quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đối với cây trồng chính là để giống cây trồng đó được lưu hành trên thị trường, còn cấp bằng bảo hộ là để bảo hộ quyền tác giả và quyền của chủ bằng bảo hộ đối với giống cây trồng đó.
Tuy nhiên, điều kiện cấp 2 văn bản trên đều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện và có nhiều nội dung trùng nhau như yêu cầu về tên gọi, về kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định...
Vì vậy, trong dự thảo Luật quy định, việc cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đồng thời với cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng chính nếu tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị để giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính.
Quy định rõ ràng, minh bạch để người dân dễ hiểu
Cho rằng dự thảo luật đã hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuy nhiên các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn băn khoăn về nhiều quy định có phát sinh giấy phép con.
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, nếu quy định như trong dự thảo luật là “Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học” thì sẽ rất khó khả thi. Bởi lẽ, phân bón hiện nay được người dân bán khá phổ biến ở các cửa hàng tạp hóa và ở các chợ. Bên cạnh đó, không phải người dân nào cũng có điều kiện đi học bồi dưỡng chuyên môn hay khảo nghiệm về phân bón.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần tiếp tục rà soát lại dự án Luật theo hướng quy định cụ thể hơn, vì trong dự thảo Luật có tới 21 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, 8 điều giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là dự án Luật rất quan trọng bởi Việt Nam có đến 70% dân số làm nông nghiệp và đang hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, khai thác thế mạnh của trồng trọt. Việt Nam có nhiều giống cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu và có thương hiệu trên thị trường thế giới. Luật này ra đời phải phát huy lợi thế, giải phóng những vấn đề gây ách tắc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp và đời sống nông dân.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại các quy định trong dự thảo luật để bảo đảm tính chặt chẽ, không để có quá nhiều giấy phép con, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trồng trọt là ngành kinh tế kỹ thuật, có tác động lớn đến đời sống của người dân nước ta, vì vậy, mọi quy định trong luật phải dễ hiểu, minh bạch, rõ ràng.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng định nghĩa về giống cây trồng được quy định là “quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác cùng loài thông qua sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng được di truyền cho đời sau; đồng nhất về hình thái; ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng”. Định nghĩa này đúng theo ngôn ngữ khoa học, nhưng khó hiểu với người dân.
Vì thế, theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải, khi Luật ra đời nên ban hành cuốn cẩm nang hướng dẫn thi hành luật với ngôn ngữ đơn giản, mộc mạc hơn để người dân tiếp cận tốt hơn.
Tại phiên họp sáng 09-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng cục Thuế sang Tổng cục Hải quan); việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộ, ngành giai đoạn 2016 - 2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.
** Chiều cùng ngày, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016".
Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2011 - 2016, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ đồng), trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA là 23,2 tỷ USD chiếm 82,3% tổng giá trị giải ngân, vốn vay ưu đãi là 3,2 tỷ USD, vay thương mại là 1,7 tỷ USD.
Việc bố trí vốn đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông là hơn 31.000 tỷ đồng; đối với các địa phương, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án ODA của địa phương đã tập trung ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với những đánh giá của đoàn giám sát về tình hình ban hành các chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016; đồng thời cho rằng việc ban hành các chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA cho thấy hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, phù hợp với đường lối chính sách của đảng và nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng vốn ODA.
Tuy nhiên, hệ thống luật pháp của Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như: một số điểm tính thống nhất chưa cao, chưa phù hợp. Trong điều kiện nguồn thu của ngân sách hạn hẹp, yêu cầu đầu tư phát triển lớn. Do vậy, việc tiếp tục vay vốn ODA là cần thiết.
Cho rằng nguồn vốn ODA đã giúp thay đổi mặt bằng đời sống xã hội của nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ý băn khoăn về công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016 có thất thoát, lãng phí; việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, có đáp ứng yêu cầu của thực tế không.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần đẩy mạnh việc giám sát của các cơ quan dân cử. Ở địa phương là Hội đồng nhân dân và Quốc hội có giám sát.
“Đề nghị các Ủy ban của Quốc hội nắm cho được các dự án ODA thuộc lĩnh vực của mình và phải giám sát các dự án ODA này một cách nghiêm túc. Bên cạnh dó, Chính phủ cũng cần xác định rõ đối tượng chịu trách nhiệm theo dõi các dự án ODA”, đồng chí Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần triển khai các nguồn vốn ODA hiệu quả hơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị địa phương triển khai nguồn vốn ODA hiệu quả.
Với nguồn ODA viện trợ không hoàn lại, cần ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo bền vững, các lĩnh vực xã hội (y tế, giáo dục,…), phát triển thể chế, nguồn nhân lực, khoa học, kỹ thuật, chuyển giao kiến thức và công nghệ...
Đối với vốn vay ODA, cần tập trung cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.
Đối với vốn vay ưu đãi, cần tập trung lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn đã trả nợ trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu: “Cần thực hiện nghiêm quy định không vay để chi thường xuyên. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài... Cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng ủa một số địa phương để có biện pháp nhắc nhở trước việc sử dụng vốn ODA nhằm cảnh tỉnh các bộ ngành, địa phương khi thực hiện các dự án vốn ODA phải có trách nhiệm cao. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, có nhận thức đầy đủ hơn về vốn vay ODA...”.
Cũng trong phiên họp chiều nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len cho Chương trình 135.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về mặt nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ dự án; đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công./.
Trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ nhiệm kỳ 2018 - 2021  (09/08/2018)
“Trên nóng, dưới lạnh” đến bao giờ?  (09/08/2018)
Bộ đội Biên phòng tích cực vận động nhân dân giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới  (09/08/2018)
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Lan  (09/08/2018)
Nguyên nhân giảm tốc kinh tế Trung Quốc và những thách thức  (09/08/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay