TCCSĐT - Sáng 08-8, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 26.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 26 để cho ý kiến về 8 dự án luật, trong đó có 7 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 gồm: dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Chăn nuôi; dự án Luật Trồng trọt; dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và một dự án luật trình Quốc hội lần đầu là dự án Luật Kiến trúc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 theo Tờ trình của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng cục Thuế sang Tổng cục Hải quan); giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của các bộ, ngành giai đoạn 2016 - 2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư thuộc dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho Chương trình 135.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia; thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét quyết định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Quốc phòng.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016”; đồng thời tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nội dung này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp).

** Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về thời điểm đặc xá; đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; các trường hợp không đề nghị đặc xá…

Nhiều ý kiến nhất trí quy định về ba thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh (02-9) hoặc ngày Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4).

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả ba thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá.

Từ đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ ba thời điểm đặc xá như dự thảo Luật của Chính phủ trình; không quy định thời điểm, tần suất cụ thể thực hiện đặc xá mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước (Điều 11 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, chỉ quy định hai đối tượng được đề nghị đặc xá gồm: người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù và người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống hình phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù. Quy định này chưa thật sự công bằng đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì theo quy định của Bộ luật Hình sự, người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là người đang chấp hành án nhưng vì các lý do như: sức khỏe, mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi... nên được tạm đình chỉ chấp hành. Do vậy, nếu họ có đủ điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt và các điều kiện khác để xét đặc xá mà lại không thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá là chưa phù hợp.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài hai đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật, bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).

Về ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù, người đang thi hành án treo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, theo quy định của Bộ luật Hình sự, người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù là người chưa thi hành án. Người đang chấp hành án treo thực chất là được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Như vậy, những đối tượng này đều ở ngoài xã hội và chưa phải vào trại giam để chấp hành án phạt tù. Nếu quy định người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá sẽ không đáp ứng các điều kiện về thời gian đã chấp hành án, về ý thức cải tạo và không bảo đảm công bằng với các đối tượng khác.

Bên cạnh đó, với người đang chấp hành án treo, Bộ luật Hình sự đã có quy định giao Tòa án quyết định rút ngắn thời gian thử thách ngoài xã hội đối với họ nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người đang được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù và người đang thi hành án treo.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải và một số ý kiến khác đề nghị cần có các công cụ, quy định cụ thể hơn về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đặc xá; giải quyết khiếu nại tố cáo trong công tác đặc xá; việc phát huy vai trò của tổ chức Mặt trận trong giám sát đặc xá…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giao Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật là Bộ Công an tiếp thu ý kiến tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện dự án luật, sau đó gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến đóng góp trước khi trình xin ý kiến Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 tới.

** Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Cân nhắc, thận trọng

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trên cơ sở xin ý kiến các đại biểu, Quốc hội đã thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tại phiên họp, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Luật Giáo dục hiện hành quy định học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết hiện có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ.

Loại ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ ý kiến thứ nhất.

Nhấn mạnh Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia vừa qua để lại nhiều dư âm đang phải xử lý, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, cần thận trọng, xin thêm ý kiến của cử tri, chuyên gia...

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị lùi dự án Luật thêm kỳ họp nữa, đến Kỳ họp thứ 7 mới quyết thì “chín” hơn và cũng để cử tri thấy Quốc hội thận trọng tìm giải pháp trước tình hình vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ từ thực tiễn xảy ra thời gian qua cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, nghiên cứu lấy thêm ý kiến nhân dân để chọn ra giải pháp thi cử ổn định. “Đây là dự án luật quan trọng, tác động lớn đến mọi đối tượng và toàn xã hội, được nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, cũng là thách thức với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những vấn đề lớn, chính sách cụ thể cần thêm thời gian phân tích, đưa ra giải pháp khả thi trong điều kiện bối cảnh kinh tế xã hội nước ta,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp, tiếp tục trình Quốc hội xin ý kiến tại Kỳ họp 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ từ dự án luật sửa đổi một số điều thành dự án luật sửa đổi toàn diện nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó tổng hợp, hoàn thiện trình Quốc hội. Sau khi xảy ra tiêu cực thi cử tại một số tỉnh thời gian qua thì nhân dân rất quan tâm luật này, không thể không lấy ý kiến rộng rãi vì vấn đề này “đụng” tới từng nhà”.

Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học

Tại phiên họp chiều 08-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu, lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định, có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Liên quan đến trách nhiệm giải trình, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định chi tiết các nội dung mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu phí dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động.

Về tự chủ đại học, các đại biểu đề nghị quy định rõ nội dung, mức độ, lộ trình, thời gian, các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở giáo dục đại học ở từng loại hình, khu vực, gắn với việc đổi mới, quản trị đại học. Bên cạnh đó, đề nghị tăng cường kiểm định, công khai chất lượng đào tạo; làm rõ các yêu cầu, nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

Một số ý kiến tại phiên họp đề nghị quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ của các trường đại học, tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản trị của cơ sở giáo dục đại học; xem xét xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với trường đại học; tái cấu trúc mạng lưới theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quy định rõ về xếp hạng đại học theo thông lệ quốc tế, có cơ chế cho chuyển đổi mục đích hoạt động của các loại hình trường./.