TCCSĐT - Ngày 27-6, bên lề Hội nghị GEF6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo WB, ADB, Chủ tịch Tập đoàn Unilever, Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

* Tại buổi tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng vui mừng gặp lại bà Victoria Kwakwa, người bạn của nhân dân Việt Nam. Thủ tướng cho biết tốc độ giải ngân do Ngân hàng thế giới tài trợ rất tốt, nhất là giai đoạn 2012 - 2016 và Chính phủ đang thúc đẩy các địa phương, cơ quan đẩy nhanh triển khai hiệu quả các dự án. Vào tháng 9-2018, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF - ASEAN), Thủ tướng mong muốn WB tham dự sự kiện quan trọng này.

Bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Victoria Kwakwa cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp và nhấn mạnh với việc Việt Nam tổ chức GEF 6 và nhiều hội nghị quốc tế lớn gần đây đã khẳng định vai trò và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa chúc mừng Chính phủ Việt Nam về tăng trưởng kinh tế cao, trong đó quý 1/2018 tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm trở lại đây, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm. Để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài, bà Victoria Kwakwa cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, trong đó có cải cách về tài chính.

Nhắc lại đề xuất của Thủ tướng đề nghị WB giúp đỡ Việt Nam phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho biết WB mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tiềm năng này.

Tán thành với đề xuất của bà Victoria Kwakwa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kỳ họp GEF 6 đang diễn ra bàn về nhiều biện pháp bảo vệ môi trường và Việt Nam mong muốn thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Với việc mới đây WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam lên 6,8% so với mức 6,5% cuối 2017, Thủ tướng cho rằng,các đánh giá tích cực này sẽ là những tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư tin tưởng vào kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho Việt Nam, có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi tốt nghiệp IDA ( dừng các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế ) hiệu quả, bảo đảm duy trì bền vững những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo đã đạt được.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao. Tại buổi tiếp, chào mừng Ngài Chủ tịch ADB Takehiko Nakao dự Hội nghị GEF 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ADB và cá nhân Ngài Chủ tịch luôn dành ưu tiên cao cho Việt Nam, đồng thời khẳng định ADB là đối tác quan trọng của Việt Nam, một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Hoan nghênh ADB ủng hộ những thành quả phát triển và triển vọng kinh tế xã hội của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát trần nợ công dưới 65%, phát triển thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu và bảo đảm an sinh xã hội...

Thủ tướng cho biết Việt Nam cam kết sử dụng hết 613 triệu USD nguồn vốn ADF (là nguồn vốn của Quỹ phát triển châu Á - có kỳ hạn khá dài và lãi suất ưu đãi) còn lại trong năm 2018 trước khi tốt nghiệp ADF từ năm 2019. Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất năm dự án, chương trình thuộc danh mục năm 2018 trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, du lịch và giao thông; tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển ngành tài chính-ngân hàng, tài chính toàn diện; Chương trình Kỹ năng và Tri thức cho Tăng trưởng kinh tế toàn diện.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và tư vấn chính sách; phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và các nhà tài trợ khác nhằm huy động nguồn vốn viện trợ hỗ trợ chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị ADB huy động thêm nguồn vốn viện trợ để giảm lãi suất vay hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, giáo dục, y tế và giảm nghèo tại Việt Nam.

Ngài Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp lần thứ hai trong năm nay, đồng thời cho biết khi đến dự Hội nghị GEF6, đã ấn tượng với khẩu hiệu của Thành phố Đà Nẵng là xanh, hiện đại, tri thức và có bản sắc.

Ngài Chủ tịch đánh giá cao kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều khởi sắc thời gian qua, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công/GDP đã giảm xuống. Hiện Việt Nam đã tiếp cận được nhiều nguồn vốn quốc tế và ADB vui mừng được cung cấp các khoản vay cho Việt Nam. Ngài Chủ tịch đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt năm dự án, chương trình thuộc danh mục năm 2018. ADB mong muốn hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy tiến độ các dự án.

Ngài Chủ tịch nhắc lại tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 3-2018 vừa rồi đã cam kết xem xét việc Việt Nam không phải trả nợ nhanh nguồn vốn ADF. Sau khi xem xét, ADB đã quyết định Việt Nam chưa phải trả nợ nhanh nguồn vốn này, ít nhất là đến tháng 01-2023. Vào năm 2022 ADB sẽ lại xem xét lại và quyết định xem Việt Nam có phải bắt đầu trả nợ từ năm 2023 hay không.

Ngài Chủ tịch cũng cho biết, ADB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy việc sử dụng các nguồn vay của ADB hiệu quả, trong đó có các dự án về nguồn nước và cải cách về tài chính. Hiện ADB đã nhận được đề nghị của Thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ các dự án chống sạt lở bờ biển, phát triển một số cơ sở hạ tầng Thành phố.

* Cũng trong ngày 27-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Paul Polman, Chủ tịch Tập đoàn Unilever (Vương quốc Anh) đến Việt Nam dự Hội nghị Môi trường toàn cầu GEF.

Unilever là tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh, nhất là các sản phẩm chất tẩy rửa (xà phòng, dầu gội đầu, bột giặt... có 400 loại sản phẩm, 2,5 tỷ người tiêu dùng). Tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, đầu tư hơn 300 triệu USD.

Thủ tướng hoan nghênh Unilever đã đến Việt Nam từ năm 1995 và cho rằng, đây là một ví dụ điển hình về đầu tư FDI tại Việt Nam, mong muốn Unilever tiếp tục phát triển, quan tâm bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Bày tỏ tự hào có mặt ở Việt Nam trong 24 năm qua, ông Paul Polman cam kết phát triển bền vững, gia tăng xuất khẩu từ Việt Nam, hiện nay đạt con số 100 triệu euro/năm cũng như phát triển các ngành phụ trợ khác. Ông khẳng định cam kết tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

* Trong buổi tiếp ông Achim Steiner - Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Giám đốc UNDP đã cùng thảo luận về các nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc trong thời gian gần đây theo hướng nâng cao tính minh bạch, đại diện và dân chủ của các tổ chức Liên hợp quốc, nhằm hỗ trợ các nước tốt hơn trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong triển khai Sáng kiến Thống nhất Hành động (DaO) cho việc cải tổ Hệ thống phát triển Liên hợp quốc; ủng hộ tăng cường vai trò lãnh đạo của Điều phối viên Liên hợp quốc.

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam tự hào là một trong những nước đi đầu trong Sáng kiến Thống nhất hành động và nơi có Ngôi nhà xanh chung Liên hợp quốc thân thiện với môi trường đầu tiên trên thế giới. Đây là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc cũng như quyết tâm tăng cường tính gắn kết hệ thống và hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc.

Hai bên nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc nói chung và Việt Nam - UNDP nói riêng. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao quan hệ 40 năm qua giữa Việt Nam - Liên hợp quốc, nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và là đối tác quan trọng hàng đầu và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào cả 3 trụ cột chính của Liên hợp quốc là hòa bình, phát triển và thúc đẩy quyền con người...

Nhân 40 năm (1978 - 2018) hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và UNDP, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của UNDP đối với Việt Nam ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước, giúp tái thiết sau chiến tranh, gần đây là trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước đây và nay là Mục tiêu Phát triển bền vững, tư vấn chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động.

Ông Achim Steiner bày tỏ ấn tượng về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là tấm gương thành công về phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Ông bày tỏ tự hào về quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy với Việt Nam và cho biết, trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành chức năng của Việt Nam ngày hôm qua, ông đã nắm được các trọng tâm phát triển của Việt Nam thời gian tới, trong đó có việc thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.

Cho rằng tinh thần đổi mới sáng tao của Việt Nam truyền cảm hứng cho các quốc gia khác, ông khẳng định UNDP sẽ sát cánh với Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.

* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), ông Li Yong.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tổng Giám đốc UNIDO sang Việt Nam dự GEF đúng dịp 40 năm quan hệ Việt Nam - UNIDO (1978-2018).

Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu hai bên đã đạt được thời gian qua, trong đó có hợp tác phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nông thôn để xóa đói giảm nghèo trên cơ sở tạo thu nhập và việc làm.

Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của UNIDO về hiệu quả tư vấn chính sách, điển hình là Dự án hỗ trợ xây dựng khu công nghiệp ở 5 thành phố lớn, tư vấn về hiệu suất sử dụng năng lượng và xử lý chất thải; dự án đổi mới đăng ký doanh nghiệp, tư vấn quản lý tài nguyên, môi trường, đánh giá hệ thống đào tạo kỹ năng chế tạo, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Công nghiệp mới...

Nhắc đến nhận định của UNIDO cho rằng, Việt Nam có thể được coi là một trong các hình mẫu về hỗ trợ của UNIDO, Thủ tướng đề nghị UNIDO tăng cường các dự án cụ thể theo hướng giúp Việt Nam phát triển chuỗi công nghiệp phụ trợ ôtô, may mặc; phát triển công nghiệp theo hướng các-bon thấp và bền vững; xây dựng năng lực tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sử dụng năng lượng có hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác với UNIDO trong triển khai chiến lược năng lượng xanh; kêu gọi UNIDO hỗ trợ các dự án hạ tầng công nghiệp kết nối Trung Quốc với ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng, Thủ tướng nêu rõ.

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, Tổng Giám đốc Li Yong cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ các hoạt động của UNIDO thời gian qua. Điểm lại những thành tựu hợp tác giữa UNIDO với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong suốt 40 năm qua, trong đó có dự án phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển giao công nghệ tại Đà Nẵng, ông Li Yong cũng cho UNIDO sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới hướng đến phát triển bền vững để triển khai tại Việt Nam.

Đánh giá cao các đề nghị hợp tác mà Thủ tướng nêu ra, ông Li Yong nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam cho UNIDO đã góp phần vào sự thành công và phát triển chung của tổ chức.

Khẳng định hợp tác giữa Việt Nam với UNIDO đang ngày càng phát triển, Tổng Giám đốc Li Yong hy vọng hai bên tiếp tục hợp tác chẽ hơn trong thời gian tới./.