Chồng chéo quy định của luật đất đai trong xử lý dự án treo
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 05-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Vấn đề xử lý rác thải rắn; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đất đai tránh tình trạng hoang hóa, gây lãng phí ngân sách… là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.
Chưa có công nghệ xử lý rác thải phù hợp với Việt Nam
Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), khoảng trên 70% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, đa số là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu rõ mỗi năm Việt Nam có 12 triệu tấn rác thải, tăng bình quân 9%/năm; trong khi đó việc quản lý nhà máy, doanh nghiệp xử lý rác thải chưa hiệu quả. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ về quản lý nhà nước trong xử lý chất thải.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định là Bộ trưởng ngành Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề môi trường, đặc biệt là chất thải rắn.
Bộ có trách nhiệm tham mưu để ban hành chiến lược quy hoạch, kế hoạch xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, tiến hành thanh tra, kiểm tra. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong quản lý hạ tầng, phê duyệt thiết kế các nhà máy xử lý rác. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý.
Theo Bộ trưởng, một mình Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể đáp ứng được, không đủ năng lực mà cần cơ chế phối hợp; trong đó có những việc phân cấp cho địa phương.
“Chúng ta đang có khoảng trống là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp, bởi vì trong suốt thời gian qua, rác thải Việt Nam hoàn toàn khác rác thải thế giới,” Bộ trưởng chỉ rõ.
Theo đó, nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sang Việt Nam chạy 3 - 4 tháng không đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, công nghệ ở Việt Nam đang thí điểm và cũng chưa có công nghệ nào đáp ứng được yêu cầu trong vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, chỉ tiêu môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, 3 Bộ tập trung để trong thời gian sớm nhất ra được các mô hình công nghệ.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhiều nhà máy xử lý rác đưa vào đầu tư kinh phí lớn nhưng thực tế không vận hành được, không đáp ứng nên lãng phí nguồn lực xã hội.
“Vì thế, chúng ta thống nhất từ nay trở đi, khi ký hợp đồng với các công ty cung cấp các dịch vụ này, bên cạnh đảm bảo về giá, họ phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường. Trong trường hợp không đáp ứng được, sẽ đề nghị đóng cửa các doanh nghiệp này”, Bộ trưởng nêu.
Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng chưa làm hài lòng đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh). Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận: Doanh nghiệp trong nước có công nghệ xử lý rác tiên tiến không cần phân loại, không tốn công sức, thậm chí có thể sản xuất điện từ rác,... nhưng khi tiếp cận địa phương lại gặp khó khăn.
Đại biểu mong muốn Chính phủ, Bộ trưởng có những biện pháp, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, việc xử lý rác thải đang gặp vướng mắc. 60% rác thải ở địa phương là chất thải hữu cơ có thể xử lý trong khuôn viên hộ gia đình. Rơm rạ có thể xử lý thành phân bón cho đất.
Tuy nhiên, rác thải ở Việt Nam không chỉ là rác hữu cơ, còn có pin, thủy ngân... nên cần công nghệ xử lý phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các mô hình xử lý rác thải Việt Nam để sớm có công nghệ xử lý đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật.
Rà soát, kiểm tra việc chuyển nhượng đất đai
Theo đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), cử tri Hà Nội có ý kiến, sau khi thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án, nhiều dự án trong nhiều năm không thấy triển khai, hoặc triển khai kém hiệu quả gây bức xúc cho người dân.
Bên cạnh đó, một số đất dự án còn bị lấn chiếm, tái lấn chiếm, gây khó khăn cho địa phương trong quản lý đất đai cũng như giải quyết khiếu kiện kéo dài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, hiện tượng dự án treo ở các địa phương xảy ra từ trước khi có Luật Đất đai 2013, nguyên nhân là do năng lực nhà đầu tư, thiếu chế tài xử lý.
Hiện Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ chế tài, năng lực, cơ chế tài chính để ràng buộc nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn chưa được xử lý vì còn chồng chéo giữa các quy định pháp luật.
Theo quy định Luật Đất đai 2013, dự án không thực hiện đúng tiến độ sau 24 tháng sẽ bị thu hồi, và trường hợp nhất định có thể cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa.
Trong khi đó, thời hạn này quy định tại Luật Đầu tư là 12 tháng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nên thu hồi dự án treo, chậm tiến độ nếu sau 12 tháng doanh nghiệp không triển khai đầu tư, thực hiện.
“Cần xem xét điều chỉnh lại điểm vênh giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai 2013, làm rõ nội hàm quá thời hạn 12 tháng, thu hồi dự án treo ra sao”, Bộ trưởng nêu.
Ngoài ra, Luật Đất đai cho phép thu hồi song không yêu cầu nhà đầu tư phải bồi hoàn và đây là bất cập. Bởi thực tế, nhiều dự án đã được chủ đầu tư dùng để thế chấp đất, vay vốn ngân hàng nên khi thu hồi dự án treo này sẽ gặp vướng mắc.
“Đây là vấn đề pháp lý, phải xem xét sửa luật để tạo điều kiện cho ngân hàng coi đất thế chấp là tài sản và họ được bán đấu giá để thu hồi tài sản cho Nhà nước”, Bộ trưởng đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề cập tới bất cập trong đền bù, chuyển nhượng đất ở một số địa phương và đề nghị được biết trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường khi không làm tốt công tác dự báo.
Theo đó, quy định về đền bù, tái định cư đã được quy định rõ trong luật, tuy nhiên, ở đây có trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai luật; không làm tốt quy hoạch quỹ đất, đất tái định cư...
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra chuyển nhượng đất đai.
Cũng liên quan tới quản lý đất đai, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết: Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh được thẩm định và Chính phủ phê duyệt có danh mục kèm theo song theo Điều 58 Luật Đất đai, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10 ha trở lên và trên 20 ha đất rừng phòng hộ phải trình Thủ tướng để có văn bản chấp thuận làm phát sinh nhiều thủ tục và chậm tiến độ đầu tư, tạo ra cơ hội xin – cho, gây bức xúc cho nhà đầu tư.
Mặt khác, cũng theo quy định, kế hoạch sử dụng đất hàng năm được trình và phê duyệt vào cuối năm trước liền kề năm kế hoạch. Đại biểu đánh giá, việc quy định như vậy đã làm mất cơ hội cho những dự án phát sinh năm kế hoạch thay vì phải chờ đưa vào kế hoạch năm sau.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, có quy hoạch sử dụng đất đai toàn quốc, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.
Một trong những tồn tại của quy hoạch đất đai là chỉ tiêu đưa ra định lượng nhưng chưa đưa ra được vị trí, địa điểm cụ thể. Bất cập ở chỗ kế hoạch sử dụng đất chưa sát với thực tiễn, dẫn đến khó kiểm soát được.
Bộ trưởng cho rằng, đó là trách nhiệm của địa phương, nếu địa phương làm tốt, Chính phủ hoàn toàn có thể ủy quyền.
Nếu làm tốt, có thể không chỉ quy hoạch ở cấp chính phủ mà còn giúp cải cách thủ tục hành chính ở địa phương./.
Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý đất đai trên cả nước  (05/06/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc  (05/06/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 28-5 đến ngày 03-6-2018)  (04/06/2018)
Cử tri đánh giá cao cách thức Quốc hội chất vấn “hỏi nhanh-đáp gọn”  (04/06/2018)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn  (04/06/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc  (04/06/2018)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên