Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn Quốc hội
Báo cáo đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, để phát triển hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn của nhà nước, vốn vay, theo Nghị quyết 13 của Trung ương, Nghị định 18 của Chính phủ, từ năm 2009 đến nay đã đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT.
Chủ trương phát triển BOT là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện nay vì ngân sách của chúng ta rất hạn chế, nợ công đang ở mức cao. Việc triển khai rất quyết liệt, những dự án BOT đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, tạo nền tảng cho hệ thống giao thông hoàn chỉnh, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập. Việc quản lý, đấu thầu, tổ chức khai thác các trạm BOT, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước cùng với doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều bất cập và được xã hội rất quan tâm.
Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị liên quan đã chỉ đạo rà soát, đang trình Chính phủ để đổi tên từ Trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với Luật và yêu cầu của bên liên quan.
Dự án BOT chưa giải quyết 3 lợi ích căn bản của nhà đầu tư, người dân và Nhà nước
Chất vấn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về sự chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán mà Kiểm toán Nhà nước đã công bố. Việc thu phí BOT trên cơ sở nâng cấp đường quốc lộ 1 sắp tới khắc phục như thế nào?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án BOT được duyệt bao gồm nhiều phần dự phòng như dự phòng trượt giá, dự phòng khối lượng, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng và những vấn đề có thể phát sinh kinh phí, do đó dự án có giá trị lớn. Căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án duyệt. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ đã kiến nghị Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán trước khi quyết toán. Thời gian qua, đã có 50/56 trạm BOT được Kiểm toán nhà nước đã tham gia kiểm toán, còn 6 dự án đang triển khai.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có một điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.
Việc Kiểm toán nhà nước phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra.
Số liệu của Kiểm toán nhà nước và số lượng quyết toán của Bộ Giao thông Vận tải luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, số lượng quyết toán của Bộ Giao thông Vận tải trong nhiều dự án còn thấp hơn cả số liệu của Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng cho hay.
Về thu phí BOT, trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao, Bộ đã rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2- 3 lần, từ 35 nghìn đồng/xe con xuống chỉ còn 15 nghìn đồng.
Quan tâm đến những bất cập trong thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung và BOT nói riêng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng có vấn đề do thể chế chưa hoàn chỉnh, quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua có nhiều sai phạm, lợi dụng chính sách dẫn đến bất cập, tranh chấp, bức xúc của người dân, chưa giải quyết 3 lợi ích căn bản của nhà đầu tư, người dân và Nhà nước.
“Theo một cách giản dị là chúng ta vẫn còn ăn đong trong lĩnh vực này”, đại biểu nói và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.
Thừa nhận chưa hoàn thiện thể chế về BOT, các luật, nhất là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, sai phạm trong thực hiện các dự án BOT đã được thanh tra, kiểm tra, Bộ đang tiếp thu, khắc phục triệt để. Đảng, Nhà nước sẽ giao cho các ngành chức năng như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc quyết liệt để xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương làm ảnh hưởng đến người dân. “Bộ Giao thông Vận tải quán triệt trong ngành làm nghiêm túc với cái tâm để phục vụ tốt cho Đảng, Nhà nước. Nếu có trường hợp chỉ rõ sai phạm thì với trách nhiệm của mình tôi sẽ cương quyết xử lý cán bộ thuộc quyền một cách nghiêm túc nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Bộ trưởng cũng cho biết, để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Bộ sẽ quan tâm đặc biệt tới các dự án BOT. Bộ đã dừng 4 trạm thu phí BOT đã ký hợp đồng nhưng triển khai chậm, 10 dự án đã được phê duyệt, chưa ký hợp đồng cũng dừng lại, như vậy có 14 dự án không triển khai BOT trên đường hiện hữu.
“Sắp tới chúng tôi sẽ chỉ tổ chức trên đường song hành, đường mới hoàn toàn để đảm bảo có được hạ tầng, người dân có sự chọn lựa và hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người dân”, Bộ trưởng nói.
Chưa thỏa mãn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận lại với lời đề nghị Bộ trưởng trả lời cụ thể về việc hoàn thiện thể chế, không phải tiếp tục chắp vá dẫn tới thiếu căn cơ. Đại biểu cho rằng trả lời của Bộ trưởng chưa được căn cơ.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kịm Ngân cho rằng giải pháp thể chế không trả lời ngay được. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu trả lời về các giải pháp căn cơ để giải quyết tồn tại.
Không đồng tình với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận: “Bộ trưởng có nói phương án xử lý dựa trên lợi ích của người dân. Sau khi nghe Bộ trưởng trả lời, tôi không thấy như thế”.
Đại biểu chỉ rõ bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án đặt trạm thu phí BOT sai vị trí, 3 dự án dân không đi phải trả tiền, 6 dự án làm trên đường cao tốc và đường chính. “Đặt ở đường chính và thu cả cao tốc, tức là không đi cao tốc phải trả tiền, 6 dự án không đi đường tránh phải trả tiền. Tại sao dân không đi phải trả tiền, đã vì lợi ích của dân chưa, ngày làm 17 dự án BOT này hầu hết là chỉ định thầu”, đại biểu Hàm chất vấn.
Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thì 3 dự án “dân không đi phải trả tiền” mà đại biểu đề cập là do lịch sử để lại. Với các dự án trước đây, khi dự án được duyệt thì đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, bộ, ngành và thời điểm phê duyệt dự án, các bên có liên quan, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải xem như trạm thu nằm chỗ đó là hợp lý, do đó nó nằm trong dự án. Hiện nay, nếu chúng ta di dời trạm đó phải tham mưu Chính phủ, Quốc hội có khoản kinh phí để thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư BOT”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, một số dự án lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, là dự án trọng điểm kết nối cảng Hải Phòng và một số khu vực phía Bắc, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vì đầu tư rất lớn, thời điểm đó, Chính phủ đã nhiều lần họp, thống nhất chủ trương để mở thêm trạm thu phí bên Quốc lộ 5.
Bộ trưởng khẳng định, những việc này thực hiện đúng theo trình tự thủ tục của pháp luật, có sự cộng đồng trách nhiệm không chỉ Bộ Giao thông Vận tải mà cả các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, khó có thể bố trí được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ các dự án này vì điều kiện ngân sách khó khăn, nguồn vốn đã bố trí trung hạn. Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo đại biểu Quốc hội, khi Quốc hội biểu quyết có khả năng cân đối các nguồn vốn thì Bộ sẵn sàng mua lại toàn bộ các dự án.
“Chúng tôi cũng mong đại biểu Quốc hội và người dân thông cảm. Trách nhiệm của mình, để đảm bảo hài hòa, chúng tôi cố gắng giảm các chi phí của người dân đi qua các trạm này một cách tốt nhất, giảm toàn bộ các xe và giảm cho bà con sống trong khu vực của các dự án BOT, cụ thể là các dự án khả thi, chúng tôi mở rộng trong vòng 10 km từ trạm ra, đều miễn giảm theo các chính sách”, Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể còn giải đáp nhiều vấn đề đại biểu quan tâm về thất thoát trong một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, khoảng cách đặt trạm thu phí BOT không hợp lý, chênh lệch cốt nền nhà dân và hè đường, việc đặt trạm thu phí quá dày, về tình trạng xe quá khổ, quá tải, vấn đề tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tình trạng tai nạn giao thông gia tăng, về sự yếu kém của ngành đường sắt và hướng phát triển đối với phương tiện giao thông đặc thù này,…
Giải trình về việc chuyển vốn vay thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình thêm ý kiến của đại biểu về việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chuyển vốn vay 22.000 tỷ đồng đầu tư cho các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đã quy định về việc không chuyển nguồn vốn vay lại bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp ngân sách. Luật Quản lý nợ công đã thể chế nguyên tắc trên và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2018. Đối với dự án của VEC có 5 dự án được triển khai từ năm 2008, vay ODA Chính phủ vay theo cơ chế vay về cho vay lại.
Trong quá trình triển khai từ 2008 - 2016 đến nay, các khoản giải ngân đã ghi tăng vào nợ công. Đến năm 2013, Thủ tướng đã có Quyết định số 2072 cho phép chuyển từ cơ chế vay về cho vay lại sang cơ chế Nhà nước đầu tư trực tiếp, vì khó khăn trong quá trình hoàn vốn. Trong kế hoạch đầu tư công 2016 - 2020, Quốc hội đã bố trí dự toán cho 5 dự án này là 22.000 tỷ đồng. Thực tế từ giai đoạn 2008 - 2016 đã giải ngân 26.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Chính phủ với Quốc hội đã đề cập vấn đề này và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có đánh giá tổng thể về triển khai 5 dự án cũng như cơ chế quản lý vốn vay thành vốn cấp phát. Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này trước khi báo cáo Quốc hội. Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp để báo cáo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang chuẩn bị báo cáo này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết./.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo thăm chính thức Việt Nam  (04/06/2018)
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được vinh danh Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện” năm 2018  (04/06/2018)
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn  (04/06/2018)
Đoàn đại biểu Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Lào  (04/06/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên