Các thành viên AIPA cam kết làm hết sức mình nhằm ngăn chặn suy thoái, từ đó phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Ngày 5-8-2009, Đại hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á - AIPA 30 tổ chức tại Pát-tay-a (Thái Lan) tiếp tục ngày làm việc chính thức thứ hai với các phiên thảo luận tại các Ủy ban.

Đoàn Quốc hội Việt Nam tham dự tất cả các Ủy ban như Chính trị, Kinh tế, Xã hội, tổ chức đưa ra nhiều nội dung nghị quyết quan trọng, được đánh giá cao trước khi trình Đại hội đồng thông qua vào ngày mai.
 
Các thành viên AIPA cam kết làm hết sức mình nhằm ngăn chặn
 suy thoái, từ đó phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong khu vực

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Chính trị, các nước thành viên AIPA khẳng định tiếp tục tham gia tích cực thực hiện các mục tiêu của ASEAN, đưa Hiến chương ASEAN tới từng công dân của khu vực. Theo đó, AIPA đề nghị cần tổ chức các cuộc gặp không chính thức giữa lãnh đạo AIPA và ASEAN trong các Hội nghị cấp cao ASEAN, hỗ trợ ASEAN trong việc hài hòa hóa luật pháp, đại diện cấp cao ASEAN tham gia các Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA, kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa Tổng Thư ký ASEAN và AIPA và thường xuyên trao đổi báo cáo hai bên.

Cũng tại Ủy ban Chính trị, các thành viên còn thảo luận về tăng cường dân chủ và thúc đẩy nhân quyền. Mục tiêu của AIPA là đảm bảo ASEAN là một nền dân chủ vững bền, hiện thực và các nước thành viên ASEAN đều hưởng lợi từ nền dân chủ đó.

Về lĩnh vực kinh tế, đại diện các nước thành viên AIPA cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế Đông Nam Á. Chính vì vậy, Quốc hội các nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ thực hiện các biện pháp kinh tế bằng việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách pháp luật.

Đoàn Quốc hội Việt Nam tham gia Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần phải tiến hành các giải pháp đồng bộ, với các chính sách tài khóa linh hoạt và các giải pháp kích cầu, tránh áp dụng những biện pháp bảo hộ, kết hợp nỗ lực của từng nước với gia tăng hợp tác khu vực và quốc tế. Các thành viên APIA cam kết làm hết sức mình nhằm ngăn chặn suy thoái, từ đó phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong khu vực, chống chủ nghĩa bảo hộ, và thực hiện các chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương.

AIPA cũng kêu gọi các nghị viện thành viên đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực thông qua kênh nghị viện nhằm phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác lập pháp để khắc phục hậu quả của khủng hoảng và thu hẹp khoảng cách phát triển. Nội dung nghị quyết cũng nêu rõ: AIPA khuyến khích các chính phủ ASEAN xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh, đầu tư nhiều hơn cho khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; cải thiện quản trị kinh tế vĩ mô để sẵn sàng cho những bước phát triển nhanh hơn sau khủng hoảng... Các thành viên hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức hội nghị khu vực ASEAN để bàn về các biện pháp chống khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, qua đó phát huy vai trò của nghị viện các nước AIPA trong việc đối phó với khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Một số nội dung nghị quyết được nêu ra tại Ủy ban Các vấn đề xã hội là xây dựng bản sắc ASEAN và các vấn đề y tế, xã hội phát sinh do di dân, chống buôn bán ma tuý và buôn bán người. AIPA nêu rõ các thành viên AIPA cần chung sức và hợp tác chặt chẽ với ASEAN để xây dựng bản sắc ASEAN. AIPA sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề di dân, vấn đề thuộc mối quan tâm chung của khu vực và của các nước thành viên ASEAN; phối hợp giải quyết tốt các vấn đề xã hội và y tế liên quan đến vấn đề di dân. Đoàn Việt Nam được các nước đánh giá cao về những kinh nghiệm góp phần để khu vực ASEAN đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ. Các nội dung nghị quyết được các Ủy ban nhất trí sẽ trình Hội đồng liên nghị viện AIPA xem xét thông qua vào ngày 6-8-2009.

Cũng trong ngày làm việc hôm 5-8, các Ủy ban đã tham gia các cuộc đối thoại với các nước quan sát viên của AIPA.

** Nhân dịp tham dự Đại hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á AIPA-30 tại Thái Lan, ngày 5-8, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng
đã có các cuộc gặp song phương với Đoàn Trung Quốc và Ca-na-đa, hai nước quan sát viên của AIPA.

Thay mặt Đoàn Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc Tha Peixim chúc mừng Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 31 tại Hà Nội vào năm 2010; mong sớm được đón Đoàn đại biểu AIPA do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu thăm Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có quan hệ láng giềng hữu nghị và mối quan hệ truyền thống đó đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hai Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao vai trò quan sát viên AIPA của Trung Quốc; cho rằng AIPA có được vị trí như hôm nay là nhờ có sự đóng góp to lớn của các nước quan sát viên. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh các chuyến trao đổi Đoàn các Ủy ban Quốc hội Việt Nam và Trung Quốc để học hỏi lẫn nhau; khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ, làm hết sức mình góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nưóc.

Tại cuộc gặp song phương với Nghị sĩ Bryon Wilfert, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Hạ viện Ca-na-đa, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Ca-na-đa - Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ mà Ca-na-đa đã dành cho Việt Nam, nhất là về kinh tế và vấn đề nạn nhân chất độc da cam.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số 20 nước nhận viện trợ của Ca-na-đa. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ca-na-đa sẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong thương mại, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực… Ngài Bryon Wilert đánh giá cao vai trò của Việt nam trong AIPA cũng như những sáng kiến của Việt Nam tại Đại hội đồng 30. Quốc hội Ca-na-đa sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; tăng cường trao đổi các Đoàn để chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước./.