TCCSĐT - Ngày 20-6-2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc phòng, chống thiên tai_Ảnh: VGP

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, 577 các huyện, quận, 664 xã, với tổng số đại biểu là 28.571 người. Hội nghị diễn ra trước thềm mùa mưa bão, thường bắt đầu vào tháng 7, với dự báo có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông từ tháng 7 đến tháng 12-2019.

Những thay đổi ngày càng bất thường, khó dự báo, cảnh báo của thời tiết

Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường trình bày, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thiệt hại về người và tài sản có giảm, song vẫn còn rất nặng nề với 224 người chết và mất tích năm 2018 (giảm 30% so với năm 2017 là 386 người), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỷ đồng).

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỉ đồng. Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai có diễn biến bất thường, cực đoan hơn cả về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật; nhiều nơi có mưa cục bộ cường độ lớn, mưa trái mùa đến sớm, bão đổ bộ vào khu vực trước đây ít xuất hiện, lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long, dông lốc, sét thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho hầu hết các khu vực trên cả nước, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Thực tế ngay từ những tháng đầu năm 2019, thiên tai bất thường, cực đoan tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Ở nước ta, ngay từ đầu năm, bão số 1 đã xuất hiện, đi vào Nam Biển Đông và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng mưa đá, giông lốc xảy ra tại các khu vực trên cả nước và mưa lớn, lũ, lũ quét tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã gây nhiều thiệt hại  về người và tài sản. Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất hiện vẫn đang diễn ra ngày một trầm trọng hơn, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2019, bão hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm. Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn so với trung bình nhiều năm. Về lũ và hạn hán, ở Bắc Bộ, từ tháng 7 đến tháng 10-2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn báo động 1 từ 1-2m. Ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 - báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.

Về công tác phòng, chống thiên tai thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ xây dựng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia vào cuối năm 2019. Xây dựng Đề án tổng thể phòng, chống thiên tai các khu vực: Miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành việc lắp đặt thí điểm cảnh báo lũ quét sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi.

Cần chủ động, kịp thời trong công tác cảnh báo, phòng, chống thiên tai

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần của hội nghị lần này là chủ động hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn, để ổn định, bảo vệ phát triển sản xuất, không để người dân nào rơi vào cảnh màn trời chiếu đất do thiên tai, không để ai bị bỏ lại phía sau. Quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa là trước mắt, vừa là lâu dài. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền cần chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Theo Thủ tướng thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, vận dụng linh hoạt "phương châm 4 tại chỗ”. Chúng ta đã huy động trên 362.000 lượt người với gần 10.000 phương tiện tham gia hỗ trợ ứng phó khắc phục, ứng cứu hàng nghìn vụ, cứu được gần 7.000 người; hướng dẫn trên 4 triệu lượt người với 900.000 lượt phương tiện trên biển di chuyển, tránh trú bão, áp tháp nhiệt đới; tổ chức nhiều đợt di dời dân với trên 680.000 người đến nơi an toàn.

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai bước đầu đã được quan tâm (trên 1.000 trạm đo mưa tự động, 51 trạm cảnh báo đa thiên tai; 78 vị trí giám sát camera theo dõi trọng điểm đê điều và nhiều hồ chứa nước lớn đã được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn).... Việt Nam cũng đã sẵn sàng, làm tốt việc ứng cứu thành công, hỗ trợ các nước trong thiên tai, như sự cố vỡ đập Attapeu của Lào, lực lượng Quân khu 5 đã tham gia cứu nhiều người dân nước bạn, hay việc cứu 22 ngư dân Philippines trên biển gần đây (phát biểu trước Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã bày tỏ “đời đời biết ơn Việt Nam”); hay vụ cứu tàu hàng lớn của Singapore mới đây...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng cần khắc phục một số tồn tại như: Thiệt hại do thiên tai còn rất lớn. Năm nào, cũng có nhiều người chết do sạt lở đất và sau lũ. Khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng, nhất là công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế (đê biển mới được thiết kế chống gió bão cấp 9, cấp 10, trong khi bão cấp 10, cấp 12 thường xuyên xuất hiện; nhiều khu vực dân cư nhà ở chưa bảo đảm an toàn; đê điều, hồ đập xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời, khu neo đậu tàu thuyền còn thiếu; hệ thống tiêu thoát nước đô thị không đáp ứng được yêu cầu nên hàng loạt đô thị bị úng ngập nghiêm trọng khi mưa lớn; hệ thống giao thông thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng khi có mưa, lũ lớn,…). Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù đã rất cố gắng, có nhiều tiến bộ nhưng năng lực quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức quan trọng trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như: Quá trình phát triển kinh tế - xã hội chưa tính đủ tác động của thiên tai đối với một số ngành, lĩnh vực, địa phương nên đã làm gia tăng rủi ro thiên tai, giảm tính bền vững (nhiều công trình hạ tầng khi thiết kế, xây dựng chưa được tính toán đầy đủ yếu tố thiên tai; khai thác cát quá mức, xây dựng công trình nhà cửa ven sông, ven biển gây sạt lở; việc khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm ở đồng bằng sông Cửu Long đã đến mức báo động). Dân số, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá,… đặt ra những thách thức, đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn. Một số bộ, ngành, địa phương có ý thức phòng, chống thiên tai còn kém khi mà bất cứ vùng nào cũng có thể có thiên tai trong thời tiết biến đổi cực đoan như hiện nay.

Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng cho biết, nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại lớn xảy ra 1-2 tháng vẫn chưa được trình xem xét hỗ trợ gây bức xúc cho địa phương. Có địa phương phân bổ nguồn lực được hỗ trợ không kịp thời, để 6 tháng đến gần một năm mới phân bổ hết… Mặt khác, chúng ta cũng chưa phát huy được vai trò của cộng đồng địa phương trong việc giúp người dân nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai.

9 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian tới

Nêu rõ quan điểm chỉ đạo đối với công tác phòng, chống thiên tai là cần “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai”, theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính, Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.

Thứ nhất, khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để ban chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

Thứ hai, rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra.

Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống với thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để bảo đảm kịp thời hơn, chính xác hơn. Bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn.

Thứ năm, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng: Đê điều, hồ đập, công trình kết cấu hạ tầng khác.

Thứ sáu, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó có việc đầu tư nâng cấp công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu, hỗ trợ ra quyết định phòng, chống thiên tai được kịp thời, chính xác, xây dựng trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia.

Thứ bảy, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp, chủ động.

Thứ tám, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển,…

Thứ chín, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai.

Ban Chỉ đạo Trung ương cần có kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai cấp quốc gia, nhất là ứng phó bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất… Ban hành và triển khai bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Sớm hoàn thành kết nối trực tuyến giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương với ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp cảnh báo, phòng, chống thiên tai

Để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, làm cơ sở tổ chức triển khai, thực thi đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: sửa đổi các luật phòng, chống thiên tai, đê điều; nghị định về khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai; quỹ phòng, chống thiên tai... Cùng với đó là kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai; rà soát các quy định, đề xuất hướng dẫn quy trình tổ chức thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tránh kéo dài như hiện nay. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, ưu tiên các hộ dân phải di dời nhưng chưa có nhà ở hoặc vùng có nguy cơ cao, không bảo đảm an toàn; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ các chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa,… xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ biển đã được bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương 2018. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy điện và các công trình thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, trong đó có 371 hồ chứa, nhất là hồ lớn, hồ liên vùng, quy trình phải rõ ràng, trách nhiệm phải cụ thể. Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát quy hoạch thoát nước, khắc phục tình trạng úng ngập tại các đô thị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo đáp ứng yêu cầu, nhất là trong dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; hợp tác chia sẻ thông tin với các nước trong khu vực và quốc tế, nhất là phía thượng nguồn về tình huống xả lũ khẩn cấp, về bão mạnh, siêu bão với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên biển; nghiên cứu xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về mật độ trạm quan trắc khí tượng thủy văn.

Nhấn mạnh vai trò trọng tâm của các địa phương trong phòng, chống thiên tai, Thủ tướng nêu rõ, các địa phương chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và trước nhân dân. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề cập đến việc xác định rõ thông tin, truyền thông là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.