Xứng đáng là trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của Việt Nam và Liên bang Nga
Ngày 07-3, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập (07-3-1988 - 07-3-2018) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Ba. Dự Lễ kỷ niệm có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam K. Vnukov; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan chức năng của Việt Nam và Liên bang Nga.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng trao Huân chương Quân công hạng Ba cho Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; Huân chương Hữu nghị cho ông Andrey Kuznetsov, Tổng Giám đốc phía Nga của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng và đánh giá cao Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã khẳng định vị trí, vai trò là cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành về nhiệt đới quan trọng tại Việt Nam và Liên bang Nga, đóng góp tích cực vào việc phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở mỗi nước, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga ngày càng lớn mạnh về mọi mặt; luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, vượt lên khó khăn, thử thách, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, viện nghiên cứu khoa học của Việt Nam, Liên bang Nga và một số nước trên thế giới; tập trung nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và chuyển giao khoa học - công nghệ có hiệu quả trên cả ba hướng: Độ bền nhiệt đới, Sinh thái nhiệt đới, Y sinh nhiệt đới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nhiệm vụ của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga rất nặng nề, đòi hỏi cần phải quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối đối ngoại và phát triển khoa học - công nghệ của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, bám sát sự chỉ đạo Ủy ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, thực hiện nghiêm túc Hiệp định về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cần tiếp tục phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, phục vụ thiết thực nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước, phấn đấu xây dựng Trung tâm thành cơ sở khoa học - công nghệ uy tín, có một số lĩnh vực đạt trình độ khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phải kết hợp hài hòa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thích ứng và chuyển giao công nghệ phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế; đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; tăng cường hợp tác nghiên cứu, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ. Trung tâm cần chủ động xây dựng tiềm lực mọi mặt, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì và cán bộ khoa học có trình độ cao làm cơ sở để hợp tác có hiệu quả với các viện nghiên cứu khoa học, các cơ quan hữu quan của Liên bang Nga cùng xây dựng Trung tâm phát triển bền vững. Cùng với đó, Trung tâm tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và năng lực quản lý, chỉ huy của đội ngũ cán bộ chỉ huy; giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ rộng rãi, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, chủ động sáng tạo, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga ngày càng phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước và Quân đội tin cậy giao phó. Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác tốt hơn nữa của Nhà nước, các bộ, ngành hữu quan của Liên bang Nga trong thời gian tới để giúp Trung tâm đạt được nhiều kết quả, thành tích to lớn hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ tin tưởng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Hợp tác, sáng tạo, hiệu quả, thực chất”, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả, thành tích to lớn, xứng đáng là trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của Việt Nam và Liên bang Nga.
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện nghiên cứu khoa học trên 3 hướng: Độ bền nhiệt đới, Sinh thái nhiệt đới và Y sinh nhiệt đới; phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ giữa các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và Liên bang Nga; ứng dụng chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học, kỹ thuật và đào tạo cán bộ khoa học.
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách lớn liên quan đến sự tan rã của Liên Xô, tình hình phức tạp ở Liên bang Nga, cùng những khó khăn về kinh tế - xã hội ở hai nước những năm cuối của thế kỷ 20. Được sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, các cơ quan bộ, ngành của hai nước, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hàng năm, trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ do Ủy ban phối hợp phê duyệt, Trung tâm thực hiện trên 20 đề tài nghiên cứu hỗn hợp Việt - Nga. Kết quả đạt được có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có giá trị đối với Việt Nam, Nga và thế giới. Từ kết quả nghiên cứu khoa học, các cán bộ khoa học của Trung tâm đã công bố gần 3.000 công trình, trên 40 sách chuyên khảo, nhiều luận án Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ…
Hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học kỹ thuật của Trung tâm đã có những đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm khai thác, sử dụng, bảo quản trang thiết bị khí tài quân sự phục vụ huấn luyện và bảo đảm sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, nhất là các đơn vị kỹ thuật của Quân đội; đóng góp vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều sản phẩm là kết quả nghiên cứu, sản xuất của Trung tâm đã được tiêu chuẩn hóa, được Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng trong toàn quân với khối lượng lớn và nhận được sự đánh giá tốt từ các đơn vị sử dụng.
Hoạt động phối hợp là một trong các chức năng quan trọng của Trung tâm đã luôn được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ ngày thành lập đã có hơn 4.000 lượt cán bộ khoa học Nga sang làm việc tại Trung tâm, trong đó có nhiều Viện sỹ, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, các chuyên gia hàng đầu của nền khoa học Liên Xô và Liên bang Nga. Sự hợp tác với các đối tác là tổ chức của nước thứ ba (Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản...) được thiết lập và bước đầu triển khai có hiệu quả.
Trong công tác đào tạo, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Trung tâm đã có hàng chục cán bộ Nga bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ khoa học và Tiến sỹ, gần 100 cán bộ Việt Nam hoàn thành chương trình Tiến sỹ, Thạc sỹ, hơn 50 cán bộ Việt Nam được học tập, thực tập nâng cao trình độ chuyên môn tại Liên bang Nga.
Bước vào thập niên thứ 4, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga xác định cần tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, phấn đấu đưa Trung tâm trở thành tổ chức khoa học - công nghệ uy tín đạt trình độ thế giới, có khả năng tham gia hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ của Việt Nam, Nga và quốc tế, là địa chỉ tin cậy trong hợp tác và phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ giữa các tổ chức của Việt Nam, Nga và các nước khác. Kết hợp hài hòa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; thích ứng và triển khai thực tế các giải pháp sáng tạo, phát huy lợi thế hợp tác trực tiếp và vai trò cầu nối giữa các tổ chức của Việt Nam và Nga; xây dựng tổ chức, cơ sở vật chất, kỹ thuật và lực lượng cán bộ khoa học của Trung tâm phù hợp yêu cầu của khoa học và công nghệ hiện đại; từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ nhiệt đới./.
“Nguy cơ” chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác  (07/03/2018)
Quan hệ Anh - EU27 thời hậu Brexit  (07/03/2018)
Phát triển toàn diện trẻ em  (07/03/2018)
Ấn Độ và Bangladesh cùng nhất trí cao với Việt Nam về nhiều vấn đề  (06/03/2018)
Hai nữ phó giáo sư giành giải thưởng Kovalevskaia 2017  (06/03/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên