TCCSĐT - Sáng 20-12-2017, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tới dự.

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế, gồm các bộ, ban, ngành, 63 tỉnh, thành phố; đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam...

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ Việt Nam thực hiện chủ động hội nhập quốc tế với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, để hội nhập kinh tế quốc tế thực sự là “động lực cho giai đoạn phát triển mới”, Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế phân tích, đánh giá sâu sắc về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai cam kết hội nhập kinh tế quốc tế...

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình này, Chính phủ Việt Nam kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập; tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn lần lượt thảo luận theo 3 phiên tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đề xuất kiến nghị các giải pháp để Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công: Tọa đàm thứ nhất: “Tổng quan tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Hành trình vươn ra biển lớn”; Tọa đàm thứ hai: “Việt Nam trước những xu thế trong kinh tế và thương mại quốc tế”; Tọa đàm thứ ba: “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay”.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, Ban Tổ chức Diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn. Nội dung của Thông điệp cùng kết quả các buổi thảo luận sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước sau khi kết thúc Diễn đàn./.