Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 24-10, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với đồng chí Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với đồng chí Phan Văn Sáu; thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).
* Trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do yêu cầu công tác, Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đồng ý cho đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ thôi giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để điều hành của Chính phủ thuận lợi, sau một thời gian chuẩn bị, các cơ quan thẩm quyền đã khẩn trương tiến hành các thủ tục giới thiệu nhân sự để trình Quốc hội xem xét, miễn nhiệm, phê chuẩn theo đúng quy trình công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. “Với yêu cầu đặt ra phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy trách nhiệm dân chủ trong hoạt động Quốc hội, đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ Tờ trình và tài liệu kèm theo về nhân sự”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đọc Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Ngay sau đó, các đại biểu thảo luận ở Đoàn về nội dung này.
Theo dự kiến, chiều 25-10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy sẽ báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với đồng chí Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với đồng chí Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín.
* Làm rõ quản lý Nhà nước đối với lực lượng Kiểm lâm
Tại phiên họp chiều 24-10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận là về lực lượng Kiểm lâm. Theo đó, dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ của kiểm lâm, tổ chức kiểm lâm tại các Điều 109, 110, 111 và 112.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá, lực lượng Kiểm lâm đã được quy định rõ tại Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng (năm 1972), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 1991, 2004). Đến nay, tổ chức kiểm lâm đã được kiện toàn về tổ chức và hoàn thiện các quy định về chức năng nhiệm vụ. Tuy nhiên, tổ chức kiểm lâm vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, chưa thống nhất cao ở các địa phương. Trước tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra thì cần thiết phải có tổ chức kiểm lâm đủ mạnh, thống nhất trên toàn quốc để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư. Do vậy, tổ chức này cần được quy định cụ thể trong Luật để làm căn cứ cho Chính phủ triển khai, tổ chức thực hiện.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phân tích, Điều 108 dự thảo Luật quy định cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Kiểm lâm là cơ quan giúp Ủy ban Nhân dân quản lý việc bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo Điều 109 và Điểm b Khoản 1 Điều 110 của Dự thảo Luật thì Kiểm lâm lại có nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Như vậy, lực lượng Kiểm lâm vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước để bảo vệ rừng trong đó có thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ rừng; vừa trực tiếp bảo vệ rừng. “Không ít ý kiến cử tri cho rằng cơ chế này thể hiện nhiều bất cập, lực lượng Kiểm lâm cùng lúc làm hai chức năng, thực tế có những trường hợp lực lượng Kiểm lâm thoái hóa, biến chất lại chính là lực lượng tiếp tay cho lâm tặc, trực tiếp phá hủy rừng nhưng lại không có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh và đề nghị, dự thảo Luật cần xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát khoa học, tránh lạm dụng quyền lực, không đồng thời giao hai chức năng quản lý trực tiếp và thanh tra, kiểm tra cho lực lượng Kiểm lâm.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, dự thảo Luật chưa có sự phân định rõ ràng về quản lý nhà nước đối với lực lượng Kiểm lâm. Theo đại biểu Nguyễn Sơn, để khẳng định vai trò, trách nhiệm về bảo vệ rừng của lực lượng Kiểm lâm, dự thảo Luật cần dành chương riêng hoặc một mục trong chương chứ không lẫn vào Chương Quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu vấn đề về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng quy định tại Điều 89, Điều 90 dự thảo Luật. Theo đại biểu Tô Văn Tám, vốn để trồng rừng với người dân khá khó khăn. Qua thực tế về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho thấy, phần lớn các hộ được giao đất lâm nghiệp hay được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng đều không có vốn để trồng; vì thế đất rừng đã được giao khá lâu nhưng vẫn còn để trống. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần có cơ chế để hộ gia đình, cá nhân được liên kết với cá nhân và tổ chức nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam định cư ở nước ngoài để tranh thủ nguồn lực tài chính cho việc trồng rừng. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 89, Điều 90 quyền và nghĩa vụ của gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng quyền hợp tác với cá nhân, tổ chức nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong hoạt động trồng rừng.
Tại phiên họp, các nội dung về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; về giao rừng, cho thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên; về chính sách phát triển lâm nghiệp và bảo đảm ổn định đời sống người làm nghề rừng... cũng được các đại biểu phân tích và cho ý kiến cụ thể./.
Tuần lễ cấp cao APEC là cơ hội “vàng” quảng bá du lịch Việt Nam  (24/10/2017)
Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Litva  (24/10/2017)
Thay đổi mô hình tăng trưởng, không dựa vào khai thác tài nguyên  (24/10/2017)
Giám đốc Ban Thư ký APEC: Việt Nam góp phần dẫn dắt tương lai Diễn đàn  (24/10/2017)
Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực  (24/10/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone  (24/10/2017)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay