Việt Nam mong muốn tiếp nhận thêm các dòng vốn đầu tư từ Slovakia
Nhân chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Slovakia trong hai ngày 20 và 21-9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì và có bài phát biểu tại cuộc tọa đàm với doanh nghiệp Slovakia. TCCSĐT trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu.
Thưa Quý vị,
Tôi rất vui mừng chủ trì Tọa đàm với doanh nghiệp Slovakia ngày hôm nay, nhân dịp này, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Slovakia những tình cảm hữu nghị và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tôi xin cảm ơn Cơ quan Phát triển đầu tư thương mại Slovakia (Sario) đã phối hợp với các cơ quan hữu quan Việt Nam tổ chức toạ đàm quan trọng này.
Thưa Quý vị!
Mặc dù cách xa về địa lý, Việt Nam và Slovakia có truyền thống hợp tác hữu nghị lâu đời và có nhiều điểm tương đồng. Đã có rất nhiều người con đất Việt đã và đang học tập, sinh sống tại Slovakia, trong đó có nhiều người đang có đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đây chính là giá trị và tài sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam và Slovakia có trách nhiệm chung tay gìn giữ và phát triển. Slovakia là đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, chúng tôi luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hợp tác hữu nghị bền vững với Slovakia.
Thưa Quý vị!
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam và Slovakia luôn được coi là hình mẫu thành công trong quá trình đổi mới, dựa trên sự ổn định về chính trị và cải cách về kinh tế. Việt Nam đã vươn lên từ một nước kém phát triển, bị chiến tranh tàn phá, đến nay đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu khu vực. Chúng tôi cũng rất vui mừng được biết Slovakia, sau khi được thành lập đã vượt qua rất nhiều khó khăn, để trở thành trung tâm sản xuất chiến lược của nhiều TNCs, và luôn giữ vị trí đứng đầu về tốc độ phát triển kinh tế trong các nước EU cũng như OECD. Trong chuyến thăm này, tôi rất ấn tượng và vui mừng được tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước các bạn.
Sau gần 30 năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, bình quân 6,5%/năm, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.100 USD. Trong đó, tầng lớp trung lưu được coi là phát triển nhanh của thế giới. Việt Nam đã thu hút được hơn 310 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới và từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp.
Không chỉ thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng đã đầu tư sang 72 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỷ USD trong những lĩnh vực có thế mạnh, như khai khoáng, viễn thông, nông nghiệp - lâm nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, dịch vụ với những đối tác chính là những quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống.
Việt Nam là nền kinh tế mở với quy mô thương mại lớn gấp hơn 1,6 lần GDP. Trong bối cảnh các nhân tố hướng nội, bảo hộ có xu hướng trỗi dậy hiện nay, Việt Nam kiên định và tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế, với 12 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Việt Nam còn là cửa ngõ để các đối tác tiếp cận thị trường ASEAN - khu vực được coi là phát triển năng động nhất thế giới hiện nay với quy mô dân số hơn 600 triệu dân.
Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 với GDP bình quân 6,5% - 7%/năm, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, ổn định, xanh và sạch với ba động lực chính là xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa và mở rộng đầu tư.
Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch hóa thủ tục phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thu hút mọi nguồn lực cùng tham gia phát triển kinh tế. Trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, trên cơ sở bổ trợ và hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm củng cố và nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng tôi có khoảng 330 khu công nghiệp, 16 khu kinh tế ven biển và sẽ hình thành ba Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá. Tất cả những lợi thế và nỗ lực trên sẽ giúp Việt Nam duy trị vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn mang tầm chiến lược đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Báo cáo đầu tư thế giới năm 2017 của UNCTAD, Việt Nam được xếp hạng trong top (đứng thứ 12) các địa điểm đầu tư có triển vọng đối với các tập đoàn đa quốc gia giai đoạn 2017 - 2019. Các tổ chức như Eurocham, Amcham, JETRO, Auscham đều đưa ra góc nhìn tích cực về môi trường kinh doanh và coi Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên trong ASEAN.
Thưa Quý vị!
Quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học - công nghệ, giao lưu nhân dân và nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam là đối tác phát triển ưu tiên của Slovakia trong nhiều thập niên. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 450 triệu USD, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015 và gấp 3,5 lần so với năm 2010. Về đầu tư FDI, đến nay đã có 8 dự án đầu tư của Slovakia tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 245 triệu USD, đứng thứ 35/122 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã có một dự án đầu tư sang Slovakia, với tổng vốn đăng ký 447.000 USD, dự án Công ty FPT tại Slovakia. Về hợp tác phát triển, Slovakia đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên nhận hỗ trợ từ năm 2010.
Những kết quả nêu trên còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng hấp thụ cũng như kỳ vọng của người dân hai nước. Còn rất nhiều dư địa, nhân tố thuận lợi để doanh nghiệp Slovakia tận dụng tốt hơn những cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, cũng như doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Slovakia.
Trong những năm qua, chúng ta tiếp tục duy trì ổn định các chuyến thăm, làm việc của chính quyền hai nước. Khuôn khổ hợp tác đã được thiết lập trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư (Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư). Trong bối cảnh đó, những thành tựu trên các lĩnh vực mà mỗi nước đã đạt được trong thời gian qua càng góp phần củng cố thêm nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác lâu dài.
Hiệp định thương mại tự do EVFTA dự kiến sớm được thông qua sẽ xóa bỏ hầu hết các rảo cản về thuế quan trong thương mại giữa hai nước, mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại. Ngoài ra, với tính bổ sung, bổ trợ cao trong cơ cấu nền kinh tế, hai nước chúng ta có thể tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, cùng hợp tác sản xuất, xuất khẩu hơn là đơn thuần xây dựng quan hệ thương mại hai chiều. Sloviakia là đối tác ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam tại châu Âu. Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà còn đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố, làm phong phú hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Slovakia.
Về đầu tư, Việt Nam hoan nghênh và mong muốn tiếp nhận thêm các dòng vốn đầu tư từ Slovakia, nhất là những lĩnh vực các bạn có thế mạnh như sản xuất ô tô và linh kiện ôtô, cơ khí, thiết bị công nghiệp, điện tử và phát triển hạ tầng. Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư tại Slovakia trong những lĩnh vực như công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng không chỉ tiếp cận thị trường Slovakia, mà Slovakia còn là cánh cửa để tiến vào thị trường các nước EU.
Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng liên tục nhưng giá trị còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của mỗi nước. Để nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 1 tỷ USD trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các sản phẩm nông - thủy - hải sản đã qua chế biến, điện tử, hàng tiêu dùng có chất lượng của Việt Nam sẽ làm phong phú hơn sự lựa chọn của 5,5 triệu khách hàng tiềm năng tại Slovakia. Đồng thời, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm công nghiệp, cơ khí, năng lượng, thực phẩm của Slovakia tiếp cận thị trường Việt Nam với sức mua ngày càng tăng.
Thưa Quý vị!
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Slovakia hợp tác, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, ổn định lâu dài gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Sự thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi.
Trên cơ sở tiềm năng, nhu cầu và lợi ích chiến lược của Việt Nam và Slovakia, tôi tin tưởng rằng quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước chúng ta tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian tới.
Chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!/.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên