TCCSĐT - Sáng 10-6-2017, tại Khách sạn Mường Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề: “Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự Diễn đàn có gần 200 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; lãnh đạo một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội du lịch; các doanh nghiệp du lịch, hàng không, đường sắt, các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước….

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đánh giá cao những đóng góp tích cực của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, sự phát triển sôi động của du lịch miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian qua, đã đưa lại những kết quả đáng ghi nhận về lượng khách, doanh thu và giải quyết việc làm cho xã hội.

Các địa phương trong khu vực đã nỗ lực, chủ động hợp tác, liên kết để phát huy tiềm năng du lịch, nâng cao sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của các điểm đến trong từng địa phương và trong toàn khu vực. Nhiều thương hiệu nổi bật trong khu vực như: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt… tiếp tục được khẳng định, cùng nhiều thương hiệu điểm đến đang nổi lên như Thanh Hóa, Quảng Bình, Lý Sơn, Quy Nhơn, Phú Yên. Nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều điểm đến du lịch tiếp tục được vinh danh tầm thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả này, Du lịch miền Trung - Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và kỳ vọng, chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp nổi bật mang tầm quốc tế. Mặc dù tốc độ tăng trưởng bình quân năm của các vùng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn đạt trên 2 con số song vẫn còn những chênh lệch lớn. Sự phát triển không đồng đều giữa nhiều địa phương trong các vùng và giữa các vùng.

Thay mặt Chính phủ, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương ở miền Trung- Tây Nguyên trong phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư tại địa phương.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để du lịch miền Trung - Tây Nguyên thực sự phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và là ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp uỷ, chính quyền trong khu vực phải vào cuộc mạnh hơn nữa. Trước hết, phải khắc phục tính bắt chước trong phát triển du lịch, từng địa phương trong khu vực phải tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng và độc đáo. Tiếp đến, phải liên kết với các doanh nghiệp du lịch lớn trong phát triển du lịch. Sau nữa, phải phát triển du lịch cộng đồng, phát huy vai trò của nhân dân trong việc làm du lịch. Cuối cùng, phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, nên kết hợp các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch trong đào tạo nhân lực du lịch,…

Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải có vai trò của Hiệp hội du lịch trong phát triển du lịch nói chung, phát triển nguồn nhân lực nói riêng và mong Hiệp hội du lịch phát huy hơn nữa vai trò của mình trong phát triển du lịch để du lịch trở thành mũi nhọn. Đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, việc phát triển du lịch cần tiến hành hài hòa và cụ thể. Nếu các địa phương trong khu vực phối kết hợp tốt thì du lịch sẽ phát triển…

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề cấp thiết trong phát triển du lịch ở miền Trung - Tây Nguyên như: Yêu cầu phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên trong thời kỳ mới; Những chính sách đột phá trong phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên; Quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện; Vai trò động lực tạo đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên; Thu hút thương hiệu mạnh quốc tế tạo đẳng cấp du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn tham gia trao đổi, thảo luận khá sôi nổi về các nội dung: Hợp tác, liên kết phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư…

Theo Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết quả của Diễn đàn lần này là bước khởi đầu tốt đẹp tạo ra sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, góp phần phát triển thương hiệu đẳng cấp cho du lịch miền Trung- Tây Nguyên nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung và hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị./.