TCCSĐT - Ngày 26-5-2017, Hội thảo khởi động “Chương trình Phát triển công trình xanh tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội. Đây là diễn đàn để trao đổi những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm hữu ích trong lĩnh vực phát triển công trình xanh, thông qua đó, “Chương trình phát triển công trình xanh và bền vững” được truyền thông rộng rãi, đề cao trách nhiệm của người dân và chủ đầu tư với môi trường, với sự phát triển bền vững hướng tới cuộc sống xanh.

Từ cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, thế giới chịu cuộc khủng hoảng lớn về sinh thái và môi trường, thể hiện rõ rệt qua những tác động của biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc và các quốc gia trên thế giới đã có nhiều hành động ứng phó, điển hình là “Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”. Kinh nghiệm thế giới đã chứng minh, việc xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả tối đa và tiến tới cân bằng về năng lượng (net zero energy - công trình tự sản xuất ra năng lượng bằng với mức năng lượng tiêu thụ từ lưới điện mỗi năm) là hiện thực. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt ở mọi quốc gia, việc phát triển các công trình xanh là giải pháp tối ưu để đối mặt với các thách thức này.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, điển hình là việc ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác. Để cụ thể hóa chủ trương này, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ ở những bước đi đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Có thể thấy rằng, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản.

Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam giai đoạn 5 năm đầu (2017 - 2022) tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng điểm như: tổ chức nghiên cứu, xây dựng các góp ý, kiến nghị với chính phủ và các bộ, ngành trung ương nhằm góp phần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, bộ tiêu chí - tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thiết thực, hiệu quả, khoa học để thúc đẩy phong trào phát triển công trình xanh tại Việt Nam nhanh và bền vững. Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức và nhận thức về công trình xanh cho các nhà phát triển bất động sản…; tôn vinh, động viên các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động này. Triển khai, phối hợp triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về công trình xanh, từ đó tăng cường lựa chọn và sử dụng các sản phẩm bất động sản xanh.

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận cùng làm rõ khái niệm Công trình xanh (trong điều kiện Việt Nam); ý nghĩa và giá trị của việc phát triển công trình xanh đối với thị trường bất động sản ở Việt Nam; đánh giá tiềm năng, cơ hội, nhu cầu phát triển của thị trường bất động sản xanh, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, thực tế phát triển công trình xanh tại Việt Nam thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế về phát triển công trình xanh có nhiều khả năng ứng dụng cho Việt Nam…

Tại Hội thảo đã diễn ra Lễ ký giao ước hưởng ứng Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022./.