Vấn đề Brexit: Khởi đầu của chặng đường chông gai
Cuối cùng thì Thủ tướng Anh Theresa May đã có được sự đồng thuận từ Quốc hội đối với kế hoạch khởi động đàm phán đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu cho một loạt những thách thức trước mắt khi bà và Chính phủ Anh chính thức ngồi vào bàn đàm phán với từng chi tiết cụ thể cho một cuộc “chia tay êm thấm”.
Những trọng trách mà bà May cùng bộ máy điều hành đất nước sẽ phải vượt qua ngày càng chồng chất khi vẫn còn đó hàng loạt cảnh báo về hậu quả kinh tế và chính trị Anh sẽ hứng chịu, mà các nhà phân tích đưa ra hàng ngày, hay những “cái giá phải trả” cho việc rời “mái nhà chung” mà các nhà lãnh đạo EU liên tục “nhắc nhở”. Cho tới nay, bà T. May vẫn chưa cho biết thời gian chính xác khởi động tiến trình đàm phán cũng như cách thức mà chính phủ của bà sẽ tiếp cận “vùng trời” không còn đặc quyền sau khi chia tay EU. Bà cũng tiết lộ rất ít về chiến lược của mình, hầu hết là những mong muốn chung chung như một thỏa thuận tự do thương mại, duy trì hợp tác an ninh, lấy lại quyền kiểm soát nhập cư và quyền tự chủ đối với luật pháp của nước mình. Chính phủ của bà T. May sẽ phải vừa cật lực làm việc trên các bàn đàm phán nhằm đạt thỏa thuận về các điều kiện “chia tay” trong khi vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng định hình quan hệ giữa quốc gia này với liên minh EU trong tương lai. Một mặt gửi đi thông điệp về những lĩnh vực có thể hợp tác với EU trong tương lai, song mặt khác, Chính phủ Anh cũng chuẩn bị cho kịch bản rời khối mà không có một thỏa thuận hợp tác nào, một viễn cảnh mà các nhà lãnh đạo kinh tế ví như “ngã xuống vách núi”. Hồi tháng trước, một nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết đội ngũ trợ lý của bà T. May vẫn đang nghiên cứu báo cáo từ các bộ, ban, ngành, làm dấy lên nghi vấn liệu đội ngũ của bà đã sẵn sàng cho tiến trình đàm phán hay chưa.
Về đối nội, bà T. May sẽ phải hết sức khéo léo ngay trong những ngày đầu của tiến trình đàm phán dự kiến kéo dài hai năm hoặc có thể hơn với vô vàn “rủi ro” và “mối đe dọa tiềm tàng”, vốn được nhận định là “hóc búa nhất” kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngay cả khi ngày chính thức kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon để đưa Anh ra khỏi EU còn chưa được xác định cụ thể, chính trường Anh đã đầy u ám khi Scotland và đảng phái lớn nhất ở Bắc Ireland tiếp tục nỗ lực vận động tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Ngày 13-3 đánh dấu chiến thắng của Thủ tướng Anh Theresa May khi bà đã lần lượt vượt qua những đe dọa phản đối từ lưỡng viện để có được sự đồng thuận của các nghị sĩ, cho phép bà kích hoạt quá trình đàm phán Brexit bất kỳ lúc nào. Điều này cho thấy 8 tháng kể từ ngày nhậm chức thủ tướng, thay thế người tiền nhiệm David Cameron, bà T. May vẫn đang trải qua những ngày yên bình với sự ủng hộ tuyệt đối từ đảng Bảo thủ cầm quyền và những lợi thế có được từ một nền kinh tế không nhiều biến động như dự đoán, cùng với sự gia tăng tư tưởng phản đối EU. Tuy mọi dự đoán về một nền kinh tế bất ổn sau khi người Anh bỏ phiếu rời EU đã không thành hiện thực, nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi bao trùm “xứ sở sương mù” khi các cuộc đàm phán vẫn chưa chính thức diễn ra. Bà T. May lên kế hoạch hai năm đàm phán và đạt thỏa thuận thương mại mới, song vẫn có các ý kiến chuyên gia cho rằng, tiến trình đàm phán sẽ có thể kéo dài hơn hai năm. Những cam kết chi trả cho ngân sách EU với khoản tiền được các quan chức EU ước tính lên tới 60 tỷ euro theo dự kiến sẽ là điều khoản đàm phán đầu tiên và hóc búa nhất trong tiến trình thương lượng./.
Gặp mặt hơn 300 cựu binh Trường Sa nhân kỷ niệm hải chiến Gạc Ma  (14/03/2017)
Việt Nam - Angola đẩy mạnh hợp tác về viễn thông, công nghệ thông tin  (14/03/2017)
Kỳ họp thứ 10 Diễn đàn Giao thông bền vững vì môi trường tại châu Á  (14/03/2017)
Mỹ theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc  (14/03/2017)
Cần tập trung cao độ để lập lại trật tự đô thị, vỉa hè  (14/03/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên