TCCSĐT - Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại Hội thảo “Đánh giá thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 tại khu vực phía Nam” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 06-3-2017. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì Hội thảo.

Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Phùng Quốc Hiển khẳng định: Trong thời gian qua và hiện nay, an toàn thực phẩm là vấn đề người dân rất quan tâm và được Quốc hội lựa chọn là nội dung cần phải giám sát chuyên đề tối cao đầu tiên của khóa XIV. Đồng chí Phùng Quốc Hiển cho biết, trên thực tế có ý kiến cho rằng, vấn đề quản lý về an toàn thực phẩm nhìn chung đã có những chuyển biến tiến bộ, nhưng ở một số địa phương hiện vấn đề này đang trong tình trạng báo động, có địa phương thậm chí ở mức báo động đỏ, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, ví dụ như vụ ngộ độc thực phẩm rượu ở Lai Châu hay ở Quảng Ninh vừa qua khiến dư luận thật sự rất hoang mang. Đồng chí Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, tại Hội thảo này sẽ cùng nhau đánh giá đúng về tình hình an toàn thực phẩm hiện nay, nhất là việc kiểm soát như thế nào, còn tồn tại gì, nguyên nhân yếu kém nằm ở đâu, ai chịu trách nhiệm, những giải pháp gì để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, trong đó cần phải sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật như thế nào cho phù hợp?

Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc. Nổi rõ là những hạn chế về nguồn lực quy hoạch, nông nghiệp sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ sản xuất nhỏ lẻ… nên tiềm ẩn nguy cơ nguồn thực phẩm không an toàn. Điều đáng nói nhất là, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dùng trong trồng trọt, kháng sinh trong chăn nuôi thủy sản còn sử dụng nhiều; nguyên liệu đầu vào dùng trong chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ… trong khi hiện nay cả nước còn 29.350 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhiều chợ đầu mối, dân sinh còn tồn tại việc bảo quản thực phẩm không an toàn, bên cạnh đó, việc kiểm tra, thanh tra chưa chặt chẽ, mức xử phạt chưa đủ mạnh.

Xuất phát từ thực tiễn, đồng chí Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra rằng: Tình trạng nguy cơ mất an toàn thực phẩm đã đến mức báo động và hàng ngày, hàng giờ đang tác động xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng, vì thế nếu không kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ thì chúng ta sẽ “mất kiểm soát”. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện truy xuất rõ nguồn gốc thực phẩm, bởi nếu không truy xuất được thì công tác hậu kiểm sẽ không giải quyết được vấn đề cũng như không xử phạt, xử lý tận gốc. Lấy số liệu để dẫn chứng, đồng chí Trương Quốc Cường cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2016, ngành y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%. Số lượt thanh tra, hậu kiểm đã tăng gấp 1,5 - 2 lần so với các năm trước. Riêng năm 2016 vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra đã thực hiện quyết liệt tại các địa phương, theo đó số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% năm 2015 lên 23,4% năm 2016; tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% năm 2015 lên 67% năm 2016; số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu đồng lên 3,73 triệu đồng năm 2016, cao hơn nhiều so với các năm trước đó.

Còn Vụ trưởng Nguyễn Phú Cường, Bộ Công Thương phân tích: Một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn là do thói quen của người tiêu dùng, một phần do cuộc sống của nhiều người còn khó khăn. Vì thế, mặc dù biết hàng hóa không bảo đảm chất lượng, biết miếng thịt ôi, con cá ươn khi chợ chiều nhưng với đồng lương ít ỏi của người lao động làm thuê, của công nhân đã không cho phép họ có quyền lựa chọn thực phẩm ngon, sạch, an toàn.

Về việc đề xuất kiến nghị và giải pháp, đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở nuôi, trồng tập trung như: Giá thuê đất, thuế, vốn; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết, sản xuất trong các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản; tập trung phát triển các hình thức hợp tác kinh tế phù hợp đối với các lĩnh vực thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông hộ và doanh nghiệp cũng như các đối tác khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp quản lý, đẩy nhanh tốc độ phát triển, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Đồng tình với đề xuất của đồng chí Nguyễn Thị Thu, nhiều đại biểu mong muốn Chính phủ nên thành lập một cơ quan từ trung ương đến địa phương để quản lý thực phẩm bẩn, chứ không thể chờ phối hợp giữa các bộ, ngành sẽ rất chậm và cũng chồng chéo, không xử lý được triệt để. Bên cạnh đó, cần có các chế tài xử lý nghiêm minh, quyết liệt những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cũng tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính mình, tẩy chay thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn và không rõ nguồn gốc

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp như Công ty Vissan, Công ty sữa Vinamilk, Công ty sữa TH True Milk… chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở doanh nghiệp mình. TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc cho biết: Hiện nay, những nhà sản xuất lớn, sản xuất công nghiệp có điều kiện đáp ứng về an toàn vệ sinh thực phẩm là đương nhiên. Song trên thực tế, hơn 50% người tiêu dùng hiện đang mua thực phẩm từ những chợ truyền thống, họ mua những thực phẩm không có bao bì, không truy xuất được nguồn gốc, được sản xuất từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, do vậy, không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở đây là cả vấn đề mang tính cấp bách. TS. Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh, chúng ta cần phải kiểm soát chặt chẽ tại các chợ đầu mối bán buôn vì đối với các chợ truyền thống, thực phẩm được lấy hầu hết từ chợ đầu mối về, vì thế chợ đầu mối bán buôn cần phải là khâu đầu tiên trong kiểm soát an toàn thực phẩm./.