TCCSĐT - Đầu tháng 3-2017, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker công bố “Sách Trắng” về tương lai châu Âu, gồm 32 trang với 5 kịch bản. Văn kiện được đưa ra nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức tại Rome (Italia) vào ngày 25-3 tới.

Năm kịch bản cho tương lai châu Âu

 
 Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: TTXVN

Trước toàn thể Nghị viện châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã trình bày nội dung cơ bản của “Sách Trắng” với các đường hướng cải tổ để EU có thể mở ra “một chương mới” cho lịch sử châu Âu sau khi nước Anh rời khỏi khối này, đồng thời kêu gọi 27 nước thành viên chứng tỏ sự thống nhất và vai trò lãnh đạo.

Ông Jean-Claude Juncker mong muốn Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Rome, nhân kỷ niệm 60 năm Hiệp ước thành lập EU, phải là một sự kiện đánh dấu một chương phát triển mới cho châu Âu, đồng thời nhấn mạnh, một EU thống nhất với 27 nước phải tự quyết định vận mệnh và xây dựng một tầm nhìn mới vì tương lai của chính mình.

Trong “Sách Trắng”, Chủ tịch EC liệt kê 5 kịch bản cho châu Âu, tương đương với các mức độ hòa nhập khác nhau, và kêu gọi các lãnh đạo châu Âu phải có lập trường rõ ràng. Một trong những kịch bản là châu Âu sẽ tái tập trung vào thị trường chung khi tính đến việc 27 nước thành viên không có khả năng tìm thấy tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực. Ngược lại, một con đường khác là các nước EU phải làm việc chung với nhau nhiều hơn nữa thông qua việc mở rộng khả năng chia sẻ các năng lực của 27 nước và đẩy nhanh tiến độ ra quyết định của EU. Giữa hai kịch bản trên là phương án trung gian được vạch ra với một châu Âu “đa tốc độ”, ở đó những người muốn hợp tác cùng nhau nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng hay quản trị Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không bị cản trở bởi những bên vốn còn đang lưỡng lự.

Đức và Pháp thể hiện sự ủng hộ đối với lựa chọn xây dựng một EU “đa tốc” mà ông C. Juncker đưa ra khi cho rằng, kế hoạch này sẽ cho phép các quốc gia thành viên mạnh dạn thực hiện các dự án như tăng cường hợp tác quốc phòng mà không phải chờ đợi sự đồng thuận từ các quốc gia “ít mặn mà” khác. Trong một phát biểu chung, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, EU cần phải có những phương án mới, trong đó nguyện vọng của mỗi quốc gia thành viên được chú trọng hơn để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân trong toàn khối. Hai thành viên cốt cán này của EU đều ủng hộ chủ trương củng cố EU và cho rằng, vào thời điểm gia tăng các nguy cơ trong khối, cũng như ngoài khối thì một EU mạnh sẽ là cơ sở để xây dựng tương lai. Tuy nhiên, một số quốc gia nhỏ hơn hoặc các thành viên mới ở Đông Âu, như Ba Lan, lại tỏ ra lo ngại trước những kế hoạch này bởi họ sẽ ở thế bị động hơn so với các thành viên lâu năm như Đức và Pháp đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới nhập cư.

Vào thời điểm này, EC lựa chọn phương án không chi tiết hết từng kịch bản, với mong muốn có các cuộc thảo luận trong thời gian đầu và sẽ đi đến lựa chọn cuối cùng trước các cuộc bầu cử các thể chế châu Âu diễn ra vào tháng 6-2019. Ngày 25-3 tới, “Sách trắng” sẽ được đặt trên bàn của các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh ở Rome (Italia) để lãnh đạo các quốc gia EU lựa chọn phương thức mà theo đó, châu Âu sẽ tự xây dựng tương lai của chính mình.

Thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ

 
 Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) R. Azevedo. Ảnh: TTXVN

Ngày 28-02, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) R. Azevedo thừa nhận, tổ chức toàn cầu này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ đang hướng tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi chính thức tái nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, Tổng Giám đốc R. Azevedo khẳng định, WTO đã phát triển mạnh hơn so với khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất năm 2013; đồng thời, ông cho rằng, trong nhiệm kỳ sắp tới, hệ thống thương mại đa phương mà WTO xây dựng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh chính sách bảo hộ sản xuất nội địa mà bộ máy điều hành đất nước của Tổng thống Mỹ D. Trump theo đuổi đang gây ra nhiều quan ngại đe dọa tiến trình phát triển của WTO.

Nhiệm kỳ mới của quan chức người Brazil này đánh dấu quãng thời gian khó khăn chưa từng có trong lịch sử hình thành tổ chức khi Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, thậm chí còn đe dọa rút tư cách thành viên WTO. Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 01 vừa qua, Tổng thống Mỹ D. Trump đã không tuân thủ một số cam kết liên quan tới thương mại mà ông đã đưa ra trước đó. Mỹ cũng đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đã đạt được thỏa thuận dưới thời cựu Tổng thống B. Obama. Giới phân tích cho rằng, việc các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ là do nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ, và các chính sách có xu hướng bảo hộ có thể giúp kích thích tăng trưởng tốt hơn. Nhưng một thực tế là, chủ nghĩa bảo hộ đã không trỗi dậy kể cả khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng năm 2008. Đã không có nền kinh tế lớn nào đưa ra các chính sách bảo hộ kinh tế sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, thậm chí các nhà lãnh đạo của G20 đã thống nhất tiếp tục các biện pháp tự do thương mại để kích thích kinh tế thế giới hồi phục. Tuy nhiên, một yếu tố không thể bỏ qua, đó là Mỹ - quốc gia vốn luôn cổ xúy cho xu hướng tự do thương mại toàn cầu - lại đang là nền kinh tế có các biểu hiện quay về chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ nhất trong thời gian vừa qua.

ECO 13: “Kết nối vì sự thịnh vượng khu vực”

 
 Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Kinh tế (ECO) lần thứ 13. Ảnh: TTXVN

Ngày 01-3, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Kinh tế (ECO) lần thứ 13 khai mạc tại thủ đô Islamabad (Pakistan) với chủ đề thảo luận chính là kết nối khu vực trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải và thương mại. Đại diện 10 nước thành viên ECO (gồm Pakistan, Afghanistan, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Iran, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan và Uzbekistan) cùng đại diện đặc biệt của Trung Quốc đã tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Pakistan N. Sharif kêu gọi tăng cường hợp tác để khai thác tiềm năng to lớn của ECO nhằm mang lại sự tiến bộ, hòa bình và thịnh vượng cho khu vực. Nhà lãnh đạo Pakistan cho biết, Hội nghị cho thấy tầm nhìn chung của các nước trong việc xây dựng ECO thành một cộng đồng phát triển thịnh vượng thông qua việc hội nhập kinh tế, tiếp xúc chặt chẽ. Theo đó, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Islamabad và Tầm nhìn ECO 2025, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, năng lượng, cơ sở hạ tầng và du lịch.

Tuyên bố nêu rõ, các nước thành viên sẽ cân nhắc thiết lập thị trường điện khu vực với việc liên kết mạng lưới điện nội khối rộng nhất có thể. Tuyên bố cũng hối thúc tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực năng lượng thông qua việc tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng, trong đó có đường ống dẫn dầu và khí đốt, thương mại năng lượng trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực điện. Theo tuyên bố, việc tăng cường thương mại trong khu vực sẽ đạt được thông qua việc thực thi Thỏa thuận thương mại ECO, tận dụng các thỏa thuận thương mại liên quan của ECO và loại bỏ các rào cản thương mại. Các nhà lãnh đạo ECO cho biết họ quyết định phát triển, vận hành và thương mại hóa mạng lưới trung chuyển trong ECO, cũng như các hành lang nối khu vực ECO với những khu vực khác, song song với các kế hoạch phát triển đường sắt và đường bộ của ECO. Về mặt chính trị, tuyên bố ghi nhận tầm quan trọng của Afghanistan đối với khu vực ECO; tái khẳng định cam kết đầy đủ của các nước thành viên đối với những nỗ lực quốc gia, khu vực và quốc tế vì sự phát triển và hòa bình tại đất nước này. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đã quyết định phát triển một chương trình toàn diện cho hội nghị đặc biệt ECO tại Afghanistan.

Thế giới quyết tâm loại bỏ vũ khí hạt nhân

 
 Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Ảnh: genk.vn

Ngày 05-3-2017 kỷ niệm 47 năm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) bắt đầu có hiệu lực. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, vấn đề hạt nhân chưa bao giờ mất đi tính thời sự.

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa thể quên hình ảnh hai quả bom nguyên tử bị Mỹ ném xuống Nhật Bản, làm hơn 210.000 người chết. Không những thế, hàng nghìn người vẫn tiếp tục thiệt mạng sau đó vì tác hại của phóng xạ. Trong suốt một thời gian dài, nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới phải sống trong sợ hãi và lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Và sức phá hủy ghê gớm của bom nguyên tử hay các loại vũ khí hạt nhân nói chung đã làm dấy lên sự quan ngại trên phạm vi toàn cầu. Trước thực trạng này, những nỗ lực nhằm giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng đã liên tục được tiến hành và triển khai ngay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đến năm 1968, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, Liên hợp quốc đã xây dựng được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, làm cơ sở cho việc thực hiện không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân. Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05-3-1970 và đã có 191 quốc gia tham gia. Kể từ khi có hiệu lực, không thể phủ nhận Hiệp ước đã thể hiện vai trò tích cực nhất định, như kìm hãm sự gia tăng số lượng những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như đóng vai trò cho quá trình giải giáp hay giải trừ vũ khí hạt nhân để nhân loại không còn canh cánh nỗi lo về sự tồn tại ở nhiều nơi trên Trái đất các kho vũ khí khổng lồ chứa những quả bom diệt chủng. Tuy nhiên, các hạn chế của NPT cũng rất lớn. Đó là bản hiệp ước này không đưa được một thời gian biểu cụ thể nào cho việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đã tiếp tục theo đuổi một hiệp ước về cấm thử nghiệm hạt nhân. Ngày 10-9-1996, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) nhằm mục tiêu loại trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. CTBT đã được hầu hết các quốc gia tham gia ký và phê chuẩn ngay trong ngày đầu tiên. Theo Hiệp ước, tất cả các nước trên thế giới cam kết không tiến hành hoặc cho phép bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở nơi thuộc quyền kiểm soát và tài phán của mình; không khuyến khích hoặc tham gia dưới bất cứ hình thức nào vào bất cứ vụ nổ hạt nhân nào.

Mới đây, trong thông điệp nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân 29-8-2016, Liên hợp quốc đã tiếp tục kêu gọi các quốc gia ký kết và phê chuẩn CTBT. Thông điệp này kêu gọi các quốc gia nằm trong Phụ lục 2 của Hiệp ước CTBT sớm ký kết Hiệp ước để mở đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Cho tới nay, đã có 183 quốc gia ký kết CTBT, trong đó có 164 quốc gia đã phê chuẩn. Nhưng để Hiệp ước có hiệu lực thì cần có sự phê chuẩn của “các quốc gia nằm trong Phụ lục 2”. Hiện vẫn còn 8 quốc gia trong Phụ lục 2 chưa phê chuẩn hiệp ước. Ngoài ra, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các hoạt động thử nghiệm hạt nhân, ngày 27-10-2016, Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân. Nội dung nghị quyết này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với con người. Với văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này, từ tháng 5-2017, các nước sẽ có thể bắt đầu tiến hành đàm phán một hiệp ước mới. Dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân trên đã mang một ý nghĩa lịch sử lớn trong cuộc chiến kéo dài nhiều thế kỷ qua vì một thế giới không hạt nhân.

Kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự lớn nhất trong lịch sử

 
 Tổng thống Mỹ D. Trump phát biểu trên tàu sân bay Gerald R. Ford tại Newport News (Virginia). Ảnh: AP

Ngày 27-02, Tổng thống Mỹ D. Trump đã đưa ra cam kết sẽ tăng mạnh ngân sách quốc phòng.

Phát biểu trong buổi tiếp thống đốc các bang tại Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump nêu rõ, khoản tăng ngân sách quốc phòng này là một trong những bước đi hiện thực hóa cam kết của ông về bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ. Cam kết này bao gồm chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống D. Trump có kế hoạch dành thêm 54 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, tương đương mức tăng 10%.

Cam kết trên của Tổng thống D. Trump được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo này tuyên bố sẽ yêu cầu chi ngân sách khổng lồ cho “một trong những động thái tăng cường quân sự lớn nhất lịch sử nước Mỹ”. Theo vị chủ nhân Nhà Trắng, ông sẽ hướng tới việc củng cố năng lực phòng thủ và tấn công của quân đội Mỹ, với một đề xuất chi tiêu sẽ khiến cho nền quốc phòng của nước này trở nên “lớn hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Tổng thống D. Trump cũng nhấn mạnh rằng, “đó sẽ là sự tăng cường quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng, kế hoạch chi tiết về tăng ngân sách quốc phòng sẽ được công bố vào giữa tháng 3 tới và được đưa ra xem xét tại Quốc hội Mỹ.

Cam kết tăng mạnh ngân sách quốc phòng của Tổng thống D. Trump đặt trong bối cảnh nhiều quan chức quốc phòng Mỹ thời gian qua không ngớt than phiền về sự thiếu hụt cả về mặt nhân lực và thiết bị, đồng thời cho rằng, sự thiếu hụt đó đã gây ra mối đe dọa đối với tinh thần của các binh sĩ Mỹ.

Trên thực tế, hồi tháng 01 vừa qua, Tổng thống D. Trump đã ký sắc lệnh tái thiết quân đội, khởi động quá trình mà ông đánh giá là “tái thiết vĩ đại” các lực lượng vũ trang. Theo sắc lệnh này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ được cấp ngân sách để mua sắm các máy bay, tàu hải quân mới và các nguồn lực khác. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trong nhiều thập niên qua, quân đội Mỹ vẫn sở hữu lực lượng quân sự mạnh mẽ và tốn kém nhất thế giới. Hiện nay, quân đội Mỹ có khoảng 1,3 triệu binh sỹ, đồng thời duy trì gần 1.000 căn cứ quân sự trên toàn thế giới với ngân sách quốc phòng hằng năm lên tới hơn 600 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ cam kết sẽ cắt giảm thuế cho người dân, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, việc tăng chi tiêu quốc phòng, đầu tư mạnh hơn cho quân đội của Tổng thống D. Trump sẽ khiến ngân sách của Mỹ gặp khó khăn./.