TCCSĐT - Chỉ còn chưa đầy nửa tháng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức. Tuy nhiên, từ nay đến đó, ông D. Trump đã đưa ra một loạt quyết định thay đổi trước khi là chủ nhân Nhà Trắng.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump: Những việc quyết làm ngay

 
 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN

Có thể thấy trước thời điểm nhậm chức, Tổng thống đắc cử D. Trump chú trọng đến các vấn đề trong nước. Trước tiên là việc tiếp tục kiện toàn nội các. Ngày 04-01, Tổng thống đắc cử D. Trump đã đề cử ông Jay Clayton, luật sư chuyên tư vấn pháp luật tại Phố Wall, vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC). Theo Tổng thống đắc cử D. Trump, ông J. Clayton là một chuyên gia tài năng trong nhiều lĩnh vực tài chính và luật pháp. Nếu trở thành người đứng đầu SEC, ông J. Clayton sẽ giúp bảo đảm các thể chế tài chính có thể phát triển lớn mạnh và tạo thêm nhiều việc làm trong khi vẫn tuân thủ các quy định. Tổng thống đắc cử D. Trump cũng nhấn mạnh, nước Mỹ cần dỡ bỏ những quy định vốn kiềm chế hoạt động đầu tư tại các doanh nghiệp Mỹ, khôi phục lại việc giám sát ngành tài chính theo cách không gây tổn hại đến người lao động trong nước. Đây được xem là tín hiệu cho thấy, chính phủ mới sẽ nỗ lực nới lỏng các quy định vốn bị coi là trở ngại cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp Mỹ.

Cùng ngày, Tổng thống đắc cử D. Trump cũng bổ nhiệm ba Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng nhằm đảm nhiệm phụ trách công việc chung, phụ trách quan hệ với Quốc hội và các cơ quan trong chính quyền; và phụ trách hoạt động của Nhà Trắng.

Xóa bỏ đạo luật Obamacare. Ngày 04-01, các thành viên đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông báo kế hoạch trình Tổng thống đắc cử D. Trump một dự luật nhằm xóa bỏ đạo luật Obamacare được Tổng thống B. Obama triển khai từ năm 2010. Hạ nghị sĩ Cộng hòa M. Mullin cho hay, Phó Tổng thống đắc cử M. Pence khẳng định, chính quyền của Tổng thống đắc cử D. Trump đang chuẩn bị sẵn các hành động hành pháp nhằm loại bỏ chương trình Obamacare ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20-01. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ C. Collins cho biết thêm một trong những quyết định hành pháp đầu tiên của Tổng thống D. Trump sau khi ông tiếp quản Nhà Trắng là liên quan tới Obamacare.

Chủ trương xóa bỏ Obamacare của phe Cộng hòa và Tổng thống đắc cử D. Trump là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong chiến dịch bầu cử vừa qua tại Mỹ. Các chuyên gia y tế và giới quan sát cảnh báo với việc hơn 30 triệu người Mỹ đang được bảo hiểm y tế giá rẻ nhờ Obamacare, việc hủy bỏ chương trình này sẽ dẫn tới việc các công ty bảo hiểm rút khỏi thị trường và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội rất lớn.

Ủng hộ cộng đồng tình báo. Ngày 05-01, Tổng thống đắc cử D. Trump khẳng định, ông ủng hộ các cơ quan tình báo nước này bất chấp nghi ngờ kết luận của họ rằng, Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Trên mạng xã hội Twitter, ông D. Trump nhấn mạnh giới truyền thông đã thiếu trung thực khi dựng lên hình ảnh một Tổng thống đắc cử D. Trump đối đầu với lực lượng tình báo, trong khi trên thực tế ông “là một người ủng hộ lớn”.

Trong diễn biến liên quan, các phương tiện truyền thông tại Mỹ dẫn nguồn tin từ nhóm phụ trách tiếp quản quyền lực cho biết, Tổng thống đắc cử D. Trump sẽ chỉ định cựu Thượng nghị sĩ Dan Coats làm Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI). Thông tin về lựa chọn này được đưa ra trong bối cảnh phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng, ông D. Trump đang cân nhắc cải tổ cộng đồng tình báo Mỹ. Tuy nhiên, người phát ngôn S. Spicer của Tổng thống đắc cử D. Trump đã lên tiếng bác bỏ thông tin này là “sai sự thật 100%”.

Đối với các vấn đề đối ngoại, việc đầu tiên Tổng thống đắc cử D. Trump thực thi, đó là yêu cầu hàng loạt đại sứ rời nhiệm sở. Ngày 06-01, đại sứ Mỹ tại nhiều nước cho biết, nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử D. Trump đã có chỉ thị chung yêu cầu các chính trị gia được Tổng thống B. Obama bổ nhiệm đại sứ phải rời nhiệm sở trước ngày 20-01 - thời điểm ông D. Trump tuyên thệ nhậm chức.

Dẫn lời một số quan chức ngoại giao cho biết, chỉ thị này là “không có ngoại lệ” và được gửi qua đường điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23-12. Tuy nhiên, chỉ thị này không bao gồm các đại sứ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, mà chỉ áp dụng với các đại sứ được bổ nhiệm chính trị, tức là do tổng thống, phó tổng thống hay người đứng đầu các cơ quan ban ngành đích thân đề cử. Trong vài thập niên qua, khoảng 30% đại sứ Mỹ là những người được “bổ nhiệm chính trị”, trong khi 70% là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Đây là thủ tục phổ biến đối với các nhà ngoại giao được bổ nhiệm chính trị khi có sự chuyển giao chính quyền. Chỉ thị trên chỉ đơn giản nhằm bảo đảm các đặc phái viên của Chính quyền Tổng thống B. Obama rời nhiệm sở đúng thời hạn, tương tự như hàng nghìn trợ lý đang phục vụ tại Nhà Trắng và các cơ quan liên bang. Tuy nhiên, động thái trên có nguy cơ khiến Mỹ không có đại diện trong nhiều tháng tại một số quốc gia quan trọng như Đức, Canada, Anh.

Buộc Mexico chi trả cho bức tường biên giới. Ngày 07-01, tái khẳng định yêu cầu Mexico chi trả cho bức tường biên giới, Tổng thống đắc cử D. Trump cho biết, chính quyền Washington sẽ thanh toán trước khoản chi phí xây dựng bức tường biên giới với Mexico, song sẽ buộc quốc gia láng giềng này phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho kế hoạch trên.

Trong một phỏng vấn với tờ New York Times, Tổng thống đắc cử Mỹ còn nói thêm sẽ tìm cách buộc Mexico phải thực hiện điều này thông qua các cuộc tái thương lượng về Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với sự tham gia của 3 nước là Mỹ, Mexico và Canada. Ông D. Trump đưa ra tuyên bố trên là nhằm làm rõ thông tin mà truyền thông Mỹ đưa ra rằng, nhóm chuyển giao quyền lực của ông đã đề nghị các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa trình lên Quốc hội đề xuất thanh toán chi phí xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico bằng ngân sách liên bang và kiến nghị cấp ngân sách cho dự án này sớm nhất vào tháng 4 tới.

Khủng hoảng chính trị tại Venezuela tiếp tục bế tắc

 
 Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: panampost/TTXVN

Ngày 03-01, phe đối lập ở Venezuela đã tuyên bố sẽ không nối lại đàm phán với Chính phủ của Tổng thống N. Maduro. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Henry Ramos Allup, người của đảng Hành động Dân chủ trong liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD), đã nhấn mạnh đảng của ông sẽ không tham gia đối thoại với chính phủ của ông N. Maduro, bất chấp việc chính phủ Venezuela đã phóng thích 7 thành viên là người của phe này nhân dịp Năm mới.

Chính phủ Venezuela và các thủ lĩnh phe đối lập đã khởi động vòng đối thoại đầu tiên (ngày 30-10-2016) và vòng đối thoại thứ hai (ngày 12-11-2016) nhằm tìm giải pháp cho tình hình căng thẳng tại nước này. Trong quá trình đàm phán, phe đối lập đã đặt điều kiện phải tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm Tổng thống N. Maduro hoặc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, trả tự do cho các nhân vật đối lập, tôn trọng quyền của cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, Tổng thống N. Maduro đã nhiều lần bác bỏ mọi yêu cầu liên quan tới tổ chức trưng cầu ý dân hay một cuộc tổng tuyển cử sớm, khẳng định rằng vấn đề này không được Hiến pháp quy định. Chính vì vậy, tiến trình đàm phán giải quyết khủng hoảng luôn bị hủy bỏ. Theo dự kiến, ngày 13-01, Chính phủ và phe đối lập Venezuela sẽ bước vào vòng đàm phán thứ ba. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, MUD tuyên bố sẽ không tiếp tục đối thoại vì cho rằng, chính phủ đã không thực hiện cam kết trong các lần đối thoại trước. Hiện phe đối lập Venezuela cũng đang rất chia rẽ trong việc thương lượng với chính phủ của Tổng thống N. Maduro.

Trước việc phe đối lập Venezuela tuyên bố không tiếp tục đối thoại với Chính phủ, ngày 04-01, Tổng thống N. Maduro đã chỉ định ông Tareck El Aissami, 42 tuổi, làm Phó Tổng thống mới. Ông El Aissami có thể sẽ kế nhiệm ông N. Maduro trong trường hợp nhà lãnh đạo này buộc phải rời nhiệm sở trong năm 2017 theo yêu cầu của phe đối lập. Theo quy định của hiến pháp Venezuela, nếu ông N. Maduro thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, ông có thể chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống do mình lựa chọn.

Các cuộc đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập vốn được coi là cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt gần một năm qua tại nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nếu các bên liên quan không đạt được lịch trình đàm phán thì đất nước Venezuela sẽ tiếp tục rơi vào bất ổn. Nhất là khi tình hình nội bộ trong nước càng trở nên rối ren khi ngày 05-01, Quốc hội Venezuela do phe đối lập chiếm đa số ghế đã bổ nhiệm ông Julio Borges, 49 tuổi, làm Chủ tịch thay ông Henry Ramos Allup, cùng hai Phó Chủ tịch mới. Cả ông J. Borges và hai tân Phó Chủ tịch đơn viện Quốc hội đều là người của MUD. Trước động thái trên, nghị sĩ Héctor Rodríguez, người đứng đầu phe cầm quyền ở Quốc hội Venezuela, tuyên bố việc bổ nhiệm nói trên là bất hợp pháp và vi hiến, bởi Tòa án Án tối cao (TSJ) từ nhiều tháng nay đã ra phán quyết mọi hoạt động của cơ quan lập pháp “không có giá trị bởi tội bất kính”. Trước đó, Tổng thống N. Maduro tuyên bố Quốc hội nước này đang trên đường đi tới việc “tự giải thể” với việc kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm, không được hiến pháp quy định.

Năm 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử

 
 Năm 2016 phá kỷ lục, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Ảnh: TTXVN

Những số liệu mới nhất vừa được công bố chính thức xác nhận các dự đoán trước đó về việc năm 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử, với mức tăng nhiệt độ xấp xỉ mục tiêu giới hạn được gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đặt ra nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.

Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) ngày 05-01 cho biết, năm 2016 đã vượt qua năm 2015 để thiết lập kỷ lục là năm nóng nhất kể từ khi nhân loại bắt đầu lưu giữ các hồ sơ đáng tin cậy về nền nhiệt trên Trái đất. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái đất năm 2016 cao hơn năm 2015 khoảng 0,2 độ C, ở mức 14,8 độ C, tức là cao hơn 1,3 độ C so với giai đoạn trước cuộc cách mạng công nghiệp - đánh dấu bằng việc sử dụng rộng rãi các loại nhiên liệu hóa thạch vốn được xem là nguyên nhân thúc đẩy hiện tượng Trái đất nóng lên. So với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được tại Paris năm 2015 với đề xuất hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp thì con số 1,3 độ C được xem là đã “sát ngưỡng nguy hiểm”. Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus, ngoài nguyên nhân từ các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xả vào bầu khí quyển do hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ Trái đất năm 2016 cũng chịu tác động của hiện tượng thời tiết El Nino tại Thái Bình Dương. Bắc Cực là khu vực chứng kiến sự tăng nhiệt độ rõ nét nhất trong năm 2016, trong khi nhiều khu vực khác trên Trái đất, như các vùng thuộc châu Phi và châu Á, cũng hứng chịu nền nhiệt cao bất thường. Trong khi một số vùng thuộc Nam Mỹ và Nam Cực lại có nhiệt độ thấp hơn giai đoạn trước đó. Chỉ riêng trong tháng 02-2016, nhiệt độ Trái đất đã tăng 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Nhiệt độ tăng cao trong năm qua được cho là nguyên nhân gây ra cháy rừng, nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus cho biết, cơ quan này có thể đưa ra những dữ liệu sớm nhất về nhiệt độ năm 2016 bằng cách tổng hợp kết quả quan sát từ các trạm theo dõi nhiệt độ và dữ liệu vệ tinh vốn được dùng để dự báo thời tiết. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc, cơ quan phụ trách chính về theo dõi nhiệt độ toàn cầu, thường công bố kết quả nghiên cứu chậm hơn vài tuần vì phải tổng hợp số liệu đo đạc từ các nguồn khác như tàu, phao và khí cầu khí tượng. Kết quả nghiên cứu của hai cơ quan này được dự báo là “khá tương đồng” mặc dù có thời điểm công bố khác nhau.

Đất nước Campuchia ngày càng phát triển

 
 Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Ngày 07-01, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 38 năm Ngày chiến thắng lịch sử (07-01-1979 - 07-01-2017) - ngày lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - tại trụ sở trung ương CPP ở Phnom Penh, với sự tham dự của khoảng 10.000 người, gồm đại diện các cấp của đảng và các tầng lớp nhân dân thủ đô và các tỉnh lân cận.

Kể từ chiến thắng lịch sử ngày 07-01-1979 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), dân tộc và nhân dân Campuchia đã hồi sinh và làm hết sức mình để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự trở thành một quốc gia hòa bình, phát triển ổn định, có quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Gần 4 thập niên qua, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân Campuchia và với sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, đất nước Chùa Tháp ngày càng phát triển ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mọi thành quả xã hội. Trong giai đoạn 2001 - 2010, tăng trưởng kinh tế bình quân của Campuchia đạt 7,7% mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47% năm 1993 xuống còn 29% trong năm 2010. Với những thành tích trên, Campuchia đã lọt vào danh sách 10 nước có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm cao nhất của thế giới, trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, Campuchia đã đạt mức tăng trưởng 7%/năm, đưa thu nhập bình quân đầu người lên gần 1.000 USD, an ninh lương thực được bảo đảm và trở thành một trong các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Phó Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, V. Kwakwa cho biết, kinh tế Campuchia có khả năng tăng trưởng khoảng 7,1% trong năm 2016, với tỷ lệ lạm phát ước tính ở mức dưới 1,9%. Tỷ lệ hộ nghèo tại Campuchia đã giảm dần mỗi năm và hiện chỉ còn 14% so với mức 53,2% trong năm 2004. Chất lượng cuộc sống của người dân được thay đổi căn bản và từng bước nâng cao. Theo Liên hợp quốc, Campuchia đã đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của tổ chức này, đáng chú ý nhất là sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm số trẻ sơ sinh tử vong và xóa nạn mù chữ…

Trong lĩnh vực đối ngoại, với chính sách trung lập, không liên kết vĩnh viễn, chú trọng tăng cường quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và khu vực, Campuchia đã tiến hành thành công công cuộc hội nhập ở cả khu vực và quốc tế. Vai trò và vị thế của Campuchia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Năm 1999, Campuchia đã gia nhập ASEAN. Năm 2004, Campuchia trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2012, Campuchia đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN.

Hiện nay, Vương quốc Campuchia được quốc tế nhìn nhận là một đất nước hòa bình, ổn định, an ninh vững chắc, đề cao dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và kinh tế phát triển mạnh./.