Kết quả kiểm nghiệm mẫu cá, ghẹ ở Hà Tĩnh

BTV (tổng hợp)
21:54, ngày 25-08-2016
TCCSĐT - Vừa qua, 9 mẫu cá các loại và ghẹ Hà Tĩnh gửi đi xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, kết quả cho thấy có 1 mẫu có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng cho phép, 5 mẫu nhiễm xyanua, 3 mẫu nhiễm phenol.

Những mẫu cá này được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh lấy ngày 05-8 tại Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), biển Kỳ Anh.

Ngày 22-8, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có báo cáo gửi Cục An toàn thực phẩm về kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu cá các loại và ghẹ nói trên.

Cụ thể, 5 mẫu nhiễm xyanua gồm cá mỏ neo 3,9mg/kg; cá đuối, ghẹ 3 mắt là 0,8mg/kg; cá nhồng 0,6mg/kg; cá man 0,5mg/kg. 3 mẫu phát hiện phenol là cá đuối 14mg/kg, cá man 8,3mg/kg, ghẹ ba mắt 10mg/kg.

Lượng phenol được phát hiện trong lần này cao hơn nhiều so với mức được phát hiện trong 30 tấn cá nục đông lạnh tại Quảng Trị thời điểm đầu tháng 6.

Trong khi đó, chiều 24-8, Cục An toàn thực phẩm đã công bố thông tin, kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian, cụ thể là tháng 7 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỷ lệ là 25,9%). Đến ngày 19-8, trước thời điểm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển an toàn, kết quả kiệm nghiệm cho thấy chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng - cadimi (chiếm 5,5%).

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, trên thế giới, cũng như trong nước từ trước đến nay chưa bao giờ giám sát phenol, xyanua trong hải sản vì thế nên không quy định ngưỡng các chất này trong thực phẩm. Sau sự cố môi trường, các chất này mới được đưa vào giám sát, kiểm nghiệm. Tuy nhiên có quy định ngưỡng dung nạp với phenol.

Một số nghiên cứu của Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu cho thấy lượng phenol ăn vào hằng ngày của cơ thể người qua thực phẩm ở 0,18mcg/kg thể trọng trên một ngày là an toàn.

Phenol là chất rắn không màu hoặc màu trắng có thể ở dạng dung dịch, được tổng hợp hoặc tạo thành trong tự nhiên. Phenol được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp. Phenol là chất độc nhưng không phải cứ có mặt trong thực phẩm là gây độc mà chỉ khi ở liều lượng nhất định. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy phenol gây ung thư.

Xyanua hay cyanide là tên gọi các hóa chất cực độc có ion, gồm một nguyên tử cacbon và một nguyên tử nitơ. Phần lớn lượng xyanua có trong nước và đều xuất phát từ quá trình công nghiệp. Nguồn thải chính của xyanua vào trong nước là nguồn thải từ quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất hữu cơ, những công việc liên quan sắt và thép...

Công bố kết quả xét nghiệm hải sản ở miền Trung vào cuối tháng 8

Trước đó, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, dựa trên kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản được lấy tại 4 tỉnh miền Trung, Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế sẽ đánh giá và vào cuối tháng 8 sẽ đưa ra câu trả lời chính xác liệu cá ở các tỉnh này đã an toàn và ăn được chưa.

Theo bà Nga, sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung từ đầu tháng 4 đến nay, ngành y tế đã lấy hơn 430 mẫu hải sản ở các chợ cá, cảng cá. Đây là những nơi tập trung tất cả các loại cá đánh bắt được tại vùng biển của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Kết quả cho thấy, số mẫu không bảo đảm an toàn thực phẩm giảm nhiều.

Tuy nhiên, để chắc chắn bảo đảm sức khỏe, ngành y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu cá ở cảng cá, chợ cá và sẽ lấy thêm ở các đầm nuôi để xét nghiệm. Từ đó, Hội đồng Khoa học của Bộ, gồm cả lãnh đạo các Viện khoa học sẽ đánh giá xem cá ở 4 tỉnh miền Trung đã an toàn hay chưa.

Sáng 22-8, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, đến nay có thể khẳng nươc biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế) đã an toàn để tắm, hoạt động thể thao và nuôi trồng thủy sản./.