G7 quan ngại tình hình căng thẳng gia tăng trên vùng biển châu Á

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
21:35, ngày 27-05-2016
TCCSĐT - Tuyên bố ngày 27-5 của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản đã lên án việc Triều Tiên thử hạt nhân và tiến hành các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo; đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở châu Á.

Lên án Triều Tiên và Nga

Tuyên bố yêu cầu Triều Tiên không tiến hành thêm những hành động khiêu khích hoặc gây bất ổn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc liên quan tới Triều Tiên. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng mạnh mẽ hối thúc Bình Nhưỡng giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế, trong đó có vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản.

Về vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 lên án việc Nga sáp nhập trái phép bán đảo Crimea, tái khẳng định chính sách trừng phạt chống Nga, đồng thời hối thúc tất cả các bên thực thi các cam kết liên quan theo thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.

Cũng trong tuyên bố này, các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ áp dụng những biện pháp mạnh mẽ và quyết đoán chống lại hành động ác ý lợi dụng không gian mạng của các thực thể chính phủ lẫn phi chính phủ, trong đó có các nhóm khủng bố.

G7 khẳng định sẽ lập nhóm công tác mới để tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác thiết thực nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định trong không gian mạng.

Cần giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông

Tuyên bố của G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở châu Á. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc xử lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp”. Tuy nhiên, bản tuyên bố không nêu đích danh một quốc gia cụ thể nào.

Trước đó, hãng tin DPA của Đức dẫn các nguồn ngoại giao cho biết Tuyên bố của G7 nhấn mạnh ý nghĩa của việc giải quyết một cách hoà bình tranh chấp trên Biển Đông. Tuyên bố này là sự tiếp nối quan điểm của các ngoại trưởng G7 đã được đưa ra từ tháng 4 vừa qua.

Báo die Welt của Đức dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel nêu rõ: “Chúng tôi có chung quan điểm là muốn giải quyết một cách hòa bình cuộc xung đột (ở Biển Đông)”. Theo nhà lãnh đạo Đức, G7 cũng nhất trí coi các thể chế quốc tế, như toà án ở La Hay (Hà Lan), là những nơi hợp pháp cho những tranh chấp như vậy. Dự kiến, toà án ở La Hay sẽ ra phán quyết về tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 6 tới, điều Bắc Kinh sẽ không chấp nhận.

Tuyên bố của bà Merkel được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng G7 nên quan tâm tới các vấn đề của mình thay vì can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Theo báo die Zeit của Đức, đây được cho là phản ứng của Bắc Kinh trước kế hoạch của G7 nêu quan điểm của mình về cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Báo này cũng cho biết, Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết vùng Biển Đông, đồng thời đã tiến hành xây các đảo nhân tạo, đường băng cũng như căn cứ quân sự để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của họ.

Trong khi đó, theo báo The Guardian, Bắc Kinh đang có kế hoạch lần đầu tiên đưa tàu ngầm nguyên tử ra Thái Bình Dương. Thông tin này được đưa ra dựa trên một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ và thông tin từ giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc.

Phối hợp ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Phát biểu với báo giới sau 2 ngày Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, nếu các nước phản ứng không thích hợp, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản cũng khẳng định các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thúc đẩy thực thi một cách phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu.

Ông cam kết Nhật Bản sẽ huy động mọi chính sách có thể để thúc đẩy mạnh mẽ chính sách “Abenomics” - một chính sách kinh tế kết hợp giữa nới lỏng tiền tệ quy mô lớn và chi tiêu tiền tệ linh hoạt.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã bày tỏ lo ngại về vấn đề nguồn cung dư thừa của Trung Quốc và một số chính sách của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước có nguy cơ “làm rối loạn thị trường”./.