TCCSĐT - Chiều 26-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức “Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc” và công bố sáu dự án lớn của vùng Tây Nam Bộ mời gọi các nhà đầu tư.

 
 Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu các tỉnh đã giới thiệu thế mạnh, các sản phẩm nông sản và du lịch của địa phương, vùng, miền; cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách ưu đãi, các dự án thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch của các địa phương, từ đó mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh và thành phố, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển cả về kinh tế, thương mại và du lịch. Với hơn 3,8 triệu héc-ta đất nông nghiệp (chiếm 27,2% so với cả nước), đường bờ biển dài trên 700km, cùng hệ thống sông, ngòi thuận lợi cho việc phát triển du lịch đường thủy và nuôi trồng thủy sản,... đồng bằng Sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, những năm gần đây, nhiều sản phẩm thế mạnh của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, như gạo, hoa quả, thủy sản, hải sản, thực phẩm chế biến,… đã có mặt tại hệ thống phân phối hiện đại của doanh nghiệp Hà Nội. Đồng thời, nhiều sản phẩm công nghiệp, làng nghề có thế mạnh của Hà Nội về may mặc, thực phẩm, cơ khí,… đã có mặt tại thị trường các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm này đều được người dân địa phương ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, như các địa phương có ít doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân nên khi Hà Nội có nhu cầu lớn về hàng hóa, chất lượng bảo đảm, đồng nhất thì địa phương khó đáp ứng. Nhiều loại hàng hóa, nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển,… Vì vậy, việc hợp tác đầu tư giữa đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội sẽ mang lại lợi ích cho các địa phương.

Hội nghị đã đưa ra danh sách 6 dự án lớn của vùng Tây Nam Bộ nhằm mời gọi các nhà đầu tư, gồm Cảng biển Hòn Khoai; Khu kinh tế cửa khẩu Long An (quốc tế); Tuyến nối quốc lộ 91 với đường nam sông Hậu; Mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thuận Yên; Chế biến gạo xuất khẩu gắn với vùng lúa chất lượng cao. Ngoài ra, 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đưa ra danh mục dự án của mỗi tỉnh để kêu gọi đầu tư.

 
 Một số sản vật của các địa phương đồng bằng sông Cửu Long được giới thiệu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội - Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương trên cả nước, trong đó hợp tác với đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng. Hai bên đã ký 6 biên bản ghi nhớ quan trọng để tiêu thụ sản phẩm làng nghề của Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu, trao đổi hai chiều giữa Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long, đưa hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long vào tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long tham gia khảo sát, hội chợ, tổ chức tuần lễ du lịch xanh, kết nối tour, tuyến du lịch… Đồng chí Nguyễn Đức Chung cam kết: Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách, thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các công trình phúc lợi có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (đại diện cho 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long) và thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Theo đó, nội dung xúc tiến đầu tư là phối hợp, trao đổi danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, ban hành các nội dung thu hút đầu tư có tính khuyến khích vào thế mạnh và tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn cho vùng; đầu tư các dự án hạ tầng liên quan. Vận động các doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội xây dựng, khai thác các hạ tầng thương mại, như trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nông thôn,... Các bên tập trung ban hành cơ chế, cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng Việt…/.