Việt Nam tái khẳng định lập trường về Biển Đông
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam làm Trưởng đoàn đã tham dự cuộc họp.
Ra đời năm 1994 với 17 thành viên ban đầu, ARF ngày càng phát triển, chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị SOM ARF lần này tập trung đánh giá triển khai các hoạt động hợp tác trong năm giữa kỳ 2015-2016, chuẩn bị các hoạt động hợp tác cho năm giữa kỳ tiếp theo và bàn cách thức tăng cường và định hướng tương lai ARF, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế. Dịp này, cuộc họp cũng bàn công tác chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF lần thứ 23 sẽ diễn ra tại Lào vào cuối tháng 7-2016.
Cuộc họp ghi nhận các hoạt động hợp tác đã được triển khai trong năm qua trong các lĩnh vực ưu tiên như an ninh hàng hải, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị; đồng thời thông qua danh mục các hoạt động ARF về xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong giai đoạn 2016-2017 để trình lên các Bộ trưởng thông qua.
Về định hướng tương lai của ARF, các nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy ARF chuyển sang giai đoạn ngoại giao phòng ngừa, trong khi tiếp tục các biện pháp xây dựng lòng tin để đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp; đồng thời nâng cao hiệu quả của ARF để tiếp tục đóng góp thực chất vào việc xử lý các thách thức an ninh ngày càng phức tạp ở khu vực, đồng thời tăng cường phối hợp và bổ trợ giữa ARF với các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF).
Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF, các nước đã trao đổi về các dự thảo Tuyên bố ARF, trong đó có dự thảo Tuyên bố do Việt Nam đề xuất về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong ARF. Đây là đề xuất dự thảo Tuyên bố đầu tiên của Việt Nam trong ARF nhằm khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong ARF, qua đó giúp tăng cường lòng tin, giảm thiểu rủi ro va chạm do hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm trong khi thực thi nhiệm vụ trên biển.
Dự thảo do Việt Nam đề xuất đã nhận được phản hồi và đóng góp tích cực của nhiều nước, trong đó EU và Australia đã nhận đồng bảo trợ. Cuộc họp cũng xem xét một số dự thảo Tuyên bố ARF khác như về tăng cường hợp tác quản lý tội phạm di chuyển xuyên biên giới do Trung Quốc và Thái Lan đề xuất; Tuyên bố về ngăn ngừa, phòng chống và xóa bỏ đánh bắt cá trái phép, không báo cáo, không theo quy định do Indonesia, Mỹ và Timor Leste đồng bảo trợ.
Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình Bắc Triều Tiên, Biển Đông, Ukraine, di cư, chống khủng bố.
Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); một số nước cũng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng trọng tài quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp như giữa Ấn Độ và Bangladesh, Australia và Timor Leste.
Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, tại Hội nghị SOM ARF lần này nổi lên nhiều vấn đề thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như tình hình Biển Đông, Bắc Triều Tiên, khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, di cư, thiên tai, dịch bệnh...
Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về các nguy cơ đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không quân sự hóa, không đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cũng như các tiến trình pháp lý, ngoại giao; thực hiện hiệu quả DOC và thúc đẩy sớm COC.
Việt Nam nhấn mạnh trách nhiệm và lợi ích chung của các nước và cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, và đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc(UNCLOS), giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; nỗ lực thực hiện hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông./.
Tổng thống Nga V.Putin: Ngày Chiến thắng là biểu tượng của lòng dũng cảm và đoàn kết  (08/05/2016)
Lãnh đạo Triều Tiên đưa ra chiến lược phát triển kinh tế đến 2020  (08/05/2016)
Lào Cai cần chú trọng phát huy mũi nhọn du lịch  (08/05/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sinh viên phải luôn có tinh thần khởi nghiệp  (08/05/2016)
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang  (08/05/2016)
Triều Tiên sẽ ra tuyên bố “đặc biệt quan trọng” trong chiều 08-5  (08/05/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên