TCCSĐT - Đó là chủ đề của Hội nghị trực tuyến đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29-4-2016. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh;… cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước.

Chính phủ luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại: “Bốn mươi mốt năm trước, đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thống nhất đất nước, thực hiện di nguyện của Bác Hồ kính yêu là thống nhất phải xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, trong đó chú ý quan tâm đến vai trò quan trọng đặc biệt của doanh nghiệp. Bởi vậy, việc tổ chức Hội nghị với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” tại Thành phố Hồ Chí Minh càng thêm ý nghĩa, vì đã có hàng triệu đồng bào, chiến sĩ hy sinh xương máu để chúng ta có ngày hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 30 năm qua thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta có bước tiến bộ nhiều mặt, trong đó phát triển được đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam như ngày nay. Thành công của công cuộc đổi mới có sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân ở mọi thành phần kinh tế. Chính vì lẽ đó, để cùng đồng hành trong phát triển nền kinh tế của đất nước, Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp sẽ luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Việc quan trọng trước hết, là phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng trên thực tế vẫn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, tại Hội nghị này, Chính phủ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ một cách hiệu quả nhất. Thủ tướng tin rằng, kết quả của Hội nghị sẽ tạo ra niềm tin mới để mọi người dân, để doanh nghiệp hăng hái sản xuất, kinh doanh, phát triển.

Nhiều tâm tư và hiến kế của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đồng chí Vũ Tiến Lộc cho biết, vừa qua, VCCI đã có báo cáo gần 200 trang về thực trạng và giải pháp kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành. Theo đó, đã đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi, phát triển doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cho rằng, có hai việc cần làm ngay là: Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro, chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn được cho doanh nghiệp. Thứ hai là, vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch VCCI đề xuất cùng với việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới thì cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng. Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối doanh nghiệp, trong đó khuyến khích kết nối doanh nghiệp trong nước với các FDI thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư FDI như hiện nay. Đồng thời, quan tâm thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư không đồng thời là cơ quan tổ chức các hoạt động xúc tiến; đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội và thị trường; nghiên cứu nên xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ, ngành và chính quyền địa phương với doanh nghiệp nhà nước, rà soát tổng thể các đơn vị sự nghiệp trong toàn quốc để tiến hành cải cách tương tự như doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmchamVietnam) đánh giá cao việc Việt Nam đã tham gia TPP. Đại diện AmchamVietnam bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục tiến trình cải cách hành chính để thực thi TPP trong thời gian tới. Cùng với việc chỉ ra vấn đề giao dịch tiền mặt và những phiền hà về thủ tục, giấy tờ là nguyên nhân dẫn tới tham nhũng, AmchamVietnam đề nghị hợp tác với Chính phủ để thúc đẩy tiến trình minh bạch hóa các thủ tục hành chính.

AmchamVietnam mong muốn Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, hiệp hội này cũng mong tiếp tục hợp tác với Chính phủ để cùng xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phần mềm, đưa đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin vào chương trình giáo dục phổ thông, và doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được hợp tác phát triển trong lĩnh vực này. Ngoài ra, nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với nhiều sản phẩm phong phú và sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường, thì chắc chắn doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển nông nghiệp. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước Việt Nam xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư, thời gian làm thêm giờ, quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, quy định về thông quan, xin phép cấp giấy chứng nhận đầu tư cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ 8 nội dung là: Triển khai xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiện toàn tổ chức chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng Luật về hội; xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia; tạo cơ chế khuyến khích các hiệp hội, nhà đầu tư xây dựng kho ngoại quan cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo hậu thuẫn bằng cơ chế: giảm thuế, lãi suất tái cấp vốn; có chương trình ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất; tạo cơ chế phát triển kênh phân phối; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp đủ cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công.

Với việc nhận định chủ đề Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” và sự có mặt của nhiều lãnh đạo Đảng, Chính phủ như một sự phấn khích tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà đề xuất: Về chính sách phải tuân thủ tinh thần Hiến pháp và các FTA; nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, không ban hành thông tư; có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi nhất là các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp; nhanh chóng ban hành Luật Phá sản; về thực thi Nghị quyết 19, phải có tiếng nói kiểm chứng từ doanh nghiệp. Nói về mong muốn sự quan tâm đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp, Chủ tịch BIDV ví von rằng, “nền kinh tế đất nước sẽ như một bản nhạc giao hưởng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước là nhạc công và doanh nghiệp là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc bất hủ về kinh tế đất nước”./.