Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lên đường dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ…
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ thảo luận về kinh tế-thương mại và chính trị-an ninh
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần này có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là Hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên trong năm 2016 của ASEAN và là Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng.
Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ được tổ chức tại Hoa Kỳ. Hội nghị thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ và sẽ bàn về phương hướng và biện pháp triển khai quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ, đưa hợp tác đi vào thực chất và cụ thể hơn, đồng thời sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ có các phiên thảo luận gồm: Thảo luận về kinh tế-thương mại (chiều 15-02) với chủ đề Thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN theo hướng sáng tạo và kinh doanh; phiên thảo luận về chính trị-an ninh (sáng 16-02) với chủ đề Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, tập trung vào an ninh hàng hải, chống khủng bố và các thách thức xuyên quốc gia; phiên ăn tối làm việc về chủ đề Viễn cảnh chiến lược ở khu vực (tối 15-02).
Nhân dịp này, Hội đồng kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ cũng tổ chức Hội nghị về Cộng đồng Kinh tế ASEAN tại San Francisco, California vào ngày 17-02. Dự kiến hai bên có thể sẽ ra một Tuyên bố chung (hoặc Tuyên bố báo chí chung), nêu ngắn gọn các vấn đề thảo luận và những kết quả đạt được tại Hội nghị.
Quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ chính thức bắt đầu năm 1977. Hai bên thiết lập quan hệ đối tác tăng cường năm 2005. Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) vào tháng 7-2009, đề xuất và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ-4 nước Hạ nguồn Mekong (CLTV) lần đầu tiên vào tháng 7-2009, là một trong những nước đối thoại đầu tiên chính thức lập Phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN và cử Đại sứ Hoa Kỳ thường trú bên cạnh ASEAN năm 2010.
Quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đã được nâng lên tầm cao mới khi hai bên chính thức xác lập đối tác chiến lược tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 3 (Kuala Lumpur, 11-2015).
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần này nhằm triển khai đường lối đối ngoại, đề cao các thành tựu phát triển đất nước, tiếp tục sự nghiệp đổi mới; thể hiện vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN sau Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đồng thời, Việt Nam cũng khẳng định nỗ lực góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ đi vào thực chất, hiệu quả, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực ASEAN và Việt Nam có lợi ích như liên kết kinh tế, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác và xử lý các thách thức xuyên quốc gia; thúc đẩy cam kết và hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với ASEAN trong việc nâng cao năng lực, mở rộng quan hệ với các đối tác và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực cũng như trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực.
Tăng cường quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hoa Kỳ ngày 21-11-2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Thời gian qua quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những bước phát triển tích cực, theo cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng thực chất và mang tính chiến lược hơn.
Về quan hệ chính trị-ngoại giao, kể từ sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2013) với việc xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ hai nước đạt những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực; sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trong chuyến thăm Hoa Kỳ lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây, hai bên ký “Tuyên bố tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ”, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện, định hướng quan hệ phát triển ổn định, thực chất hơn trong thời gian tới.
Kinh tế là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong những năm gần đây, đạt 36,6 tỉ USD năm 2014, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Tính đến hết tháng 10-2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt trên 37,34 tỉ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ 2014, Việt Nam xuất siêu trên 26 tỉ USD vào thị trường Hoa Kỳ. Đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến tháng 02-2015 đạt 11,035 tỉ USD, xếp thứ 7 trong nhiều năm qua. Đàm phán TPP giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và các bên liên quan đã chính thức kết thúc, đang chờ thông qua tại Quốc hội các nước thành viên.
Quan hệ về an ninh-quốc phòng, hợp tác về giáo dục, du lịch giữa hai nước cũng đang trên đà phát triển và đạt được những kết quả tích cực, hứa hẹn những tiềm năng hợp tác mới. Hợp tác trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, y tế, môi trường, nhân đạo… giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong các vấn đề khu vực và đa phương, hai bên tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực như APEC, ARF, ADMM+, LMI, EAS; trong đó có vấn đề an ninh hàng hải, Biển Đông, củng cố đoàn kết ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN...
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ lần này bên cạnh khẳng định vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN cũng như khẳng định nỗ lực của Việt Nam góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ đi vào thực chất, hiệu quả, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực ASEAN và Việt Nam có lợi ích; về mặt song phương, chuyến đi của đoàn nhằm tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có hợp tác an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, triển khai các thỏa thuận thương mại tự do, trong đó có TPP./.
Nghỉ Tết 9 ngày, du lịch năm mới Bính Thân “bội thu” khách  (13/02/2016)
Lãnh đạo thăm và chúc Tết tại tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh  (13/02/2016)
Khoảng 5 vạn khách trẩy hội chùa Hương ngày khai hội  (13/02/2016)
Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng  (13/02/2016)
Bảo đảm tối đa nhu cầu đi lại cho nhân dân  (12/02/2016)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên