"Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch phục vụ sinh hoạt và ăn uống"
TCCS - Trước thực trạng nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt ở nhiều nơi chưa bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Phóng viên (PV) Tạp chí Cộng sản có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ, bác sĩ Trương Đình Bắc, Trưởng phòng Sức khỏe môi trường, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế chung quanh vấn đề trên.
PV: Ông có thể đánh giá khái quát về chất lượng nước sinh hoạt và phục vụ ăn uống ở nước ta hiện nay?
Ông Trương Đình Bắc: Việt Nam đã có những bước tiến nhanh trong việc cải thiện tình hình cấp nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt của người dân trong những năm qua ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Nếu trước đây, khu vực nông thôn là nơi tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn còn thấp, thì đến năm 2009, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ này đã đạt 75%.
Nước cung cấp từ các nhà máy tới người tiêu dùng về cơ bản bảo đảm được các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát của các Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tại nhiều địa phương, kể cả thành phố lớn, chất lượng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt chưa ổn định. Còn có một số nhà máy, trạm cấp nước không bảo đảm tiêu chuẩn theo các chỉ tiêu lý hóa và vi sinh. Ví dụ, kết quả kiểm tra mẫu nước lấy từ 2 nhà máy nước Pháp Vân và Hạ Đình (Hà Nội) tháng 3-2009 cho thấy, chất lượng nước chưa đạt yêu cầu do có hàm lượng a-mô-ni cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 6-18 lần. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Công ty Kinh doanh nước sạch triển khai các biện pháp khắc phục nhằm cải thiện chất lượng nước cung cấp cho người dân ở khu vực này, như: Giảm công suất khai thác, thau rửa đường ống và hệ thống xử lý, kết hợp với cải tiến công nghệ...
Hiện nay, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh tác động bất lợi không ít tới môi trường và nguồn nước. Nhiều chất thải từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, bệnh viện... không xử lý triệt để được thải vào môi trường gây ô nhiễm, đặc biệt là nguồn nước bề mặt. Nguy hại hơn, đây lại là nguồn nước chính để cung cấp cho hầu hết các nhà máy nước. Tại một số sông lớn ở khu vực phía Nam như sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, các số liệu quan trắc cũng cho thấy, nhiều nơi chất lượng nước không đạt các chỉ tiêu an toàn do bị nhiễm dầu mỡ (hữu cơ), chất tẩy rửa, chất rắn lơ lửng và vi sinh vật như E.cô-li và Cô-li-phom gây nên các dịch bệnh đường ruột; hay tình trạng nước ngầm bị nhiễm thạch tín tại một số tỉnh lưu vực sông Hồng (Hà Nam, Hà Tây cũ...). Trong khi đó, năng lực cũng như công nghệ xử lý của hầu hết các nhà máy và trạm cấp nước còn chưa cao, khó có khả năng loại bỏ triệt để hóa chất độc hại và mầm bệnh.
Như vậy, ngoài việc bảo vệ nguồn nước, cải thiện các điều kiện công nghệ xử lý và hệ thống đường ống cấp nước, việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nước cấp cho ăn uống và sinh hoạt của người dân.
PV: Việc kiểm tra, giám sát nước sạch hiện nay được thực hiện như thế nào thưa ông?
Mới chỉ có 70% các nhà máy nước, cơ sở cấp nước lớn ở đô thị được kiểm tra hằng tháng (trong đó 60% đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định). ở tuyến huyện, việc kiểm tra, giám sát khó khăn, chủ yếu kiểm tra vệ sinh ngoại cảnh bên ngoài. Vùng nông thôn thì hầu như bỏ trống việc kiểm tra các công trình cấp nước.
Ông Trương Đình Bắc: Nhiệm vụ trên được thực hiện thông qua mạng lưới kiểm tra, giám sát chất lượng nước của ngành y tế được thiết lập từ Trung ương tới địa phương, trong đó Cục Y tế dự phòng và Môi trường là cơ quan đầu mối quản lý và chỉ đạo, Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh, huyện là cơ quan thực hiện với sự hỗ trợ chuyên môn của các Viện thuộc hệ y tế dự phòng như: Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Paster Nha Trang, Viện Vệ sinh Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh.
Mới đây nhất, ngày 17-6-2009, Bộ Y tế đã có 2 thông tư số 04 và 05/2009/ TT - BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt. Đây là những văn bản pháp quy có tính bắt buộc thực hiện và là cơ sở cho việc kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt của nhân dân.
Theo quy định mới, cơ sở cung cấp nước phải thực hiện xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu thuộc mức độ A,B,C (đối với nước ăn uống) hay mức độ A, B (đối với nước sinh hoạt), là mức độ giám sát các chỉ tiêu kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp trước khi đưa nguồn nước vào sử dụng, theo đó, định kỳ xét nghiệm chỉ tiêu thuộc mức độ A mỗi tuần một lần (đối với nước ăn uống), 3 tháng một lần (đối với nước sinh hoạt); cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra chỉ tiêu thuộc mức độ A mỗi tháng một lần (đối với nước ăn uống), 6 tháng một lần (đối với nước sinh hoạt)... Ngoài ra, còn tiến hành kiểm tra đột xuất khi xảy ra sự cố về môi trường, nguồn nước, hệ thống xử lý và đường ống phân phối. Như vậy, nếu thực hiện đúng theo quy định tại thông tư 04, 05 thì quy trình tự xét nghiệm kiểm tra, công bố chất lượng của cơ sở cung cấp nước và việc kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền là rất chặt chẽ và khoa học.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số nhà máy nước được kiểm tra và số lần kiểm tra còn thấp hơn nhiều so với quy định. Chỉ có khoảng 70% các nhà máy nước, cơ sở cấp nước lớn ở đô thị được kiểm tra hằng tháng, trong đó khoảng 60% đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định (trung bình mỗi nhà máy nước được kiểm tra 2,2 lượt/năm, chỉ bằng khoảng 1/6 so với quy định). ở tuyến quận, huyện, việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn, vì các xét nghiệm hầu như chưa thực hiện được do thiếu máy móc, phương tiện, hóa chất, kinh phí và năng lực cán bộ, chủ yếu mới chỉ dừng ở kiểm tra vệ sinh ngoại cảnh nhà máy nước. Đối với vùng nông thôn, phần lớn các công trình cung cấp nước sạch sau đầu tư được giao cho chính quyền xã và cộng đồng tự quản nên việc kiểm tra rất khó khăn, nhiều nơi không thực hiện được. Thực tiễn trên cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước hiện nay còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới việc đánh giá đúng, định kỳ chất lượng nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay các dịch bệnh liên quan đến nước đang diễn ra hết sức phức tạp ở nhiều địa phương.
PV: Xin ông cho biết cụ thể những vướng mắc, khó khăn trong quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng nước?
Ông Trương Đình Bắc: Việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt gặp không ít khó khăn. Nhiệm vụ quản lý chất lượng nước, vệ sinh môi trường hiện nay được phân khúc nhỏ, phân tán, ví dụ như ngành y tế có chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt; ngành xây dựng bảo đảm cấp nước cho khu vực đô thị; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bảo đảm cấp nước khu vực nông thôn... Sự phân khúc này trong điều kiện hiện nay tỏ ra bất cập vì thiếu một cơ quan đầu mối thống nhất, chồng chéo nhiệm vụ trên cùng một địa bàn và sự phối hợp giữa các ngành liên quan ở nhiều cấp chưa chặt chẽ.
Năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng nước của tuyến cơ sở còn hạn chế do thiếu trang thiết bị, cán bộ và kinh phí. Các trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường chỉ xét nghiệm được khoảng từ 10 đến 15 chỉ tiêu giám sát nhóm A tại các nhà máy nước và trạm cấp nước tập trung có công suất lớn. Tuyến huyện có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chất lượng nước của các trạm quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn, tuy nhiên việc này mới chỉ dừng ở kiểm tra vệ sinh chung và một số chỉ tiêu cảm quan, đặc biệt là chưa kiểm tra được các chỉ tiêu vi sinh, trong khi ô nhiễm vi sinh nguồn nước tại Việt Nam rất lớn và là nguồn chính phát sinh dịch bệnh. Việc tiến hành giám sát bằng các test định tính ngay tại chỗ cũng khó thực hiện bởi các trung tâm y tế dự phòng huyện và trạm y tế xã chưa được trang bị các bộ kít xét nghiệm này, phải nhập từ nước ngoài với giá thành cao và trong nước chưa sản xuất được.
Kinh phí cho công tác kiểm tra, giám sát thiếu, nhiều Trung tâm Y tế dự phòng không được phân bổ kinh phí cho hoạt động này hoặc có thì không đủ cho việc giám sát theo quy định. Đa số các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện công việc trên thông qua các hợp đồng với nhà máy nước, kinh phí giám sát, xét nghiệm do nhà máy nước chi trả. Điều này dẫn tới hệ quả là cơ sở sản xuất nước khi có kinh phí thì kiểm tra, không có thì xao lãng, làm hình thức, thưa thớt, kết quả kiểm tra phần nào thiếu khách quan.
Chế tài xử phạt những sai phạm về chất lượng nước đã có nhưng thiếu, hơn nữa, ngành y tế có chức năng kiểm tra, giám sát, nhưng khi phát hiện sai phạm của các bên có liên quan thì lại không có quyền xử phạt, chỉ đề xuất kiến nghị với chính quyền và cơ quan chức năng. Việc thiếu gắn kết giữa chức năng kiểm tra và xử phạt đã làm giảm hiệu quả của công tác kiểm tra.
Về kỹ thuật, hệ thống xử lý và phân phối nước tới các hộ gia đình của các nhà máy nước và cơ sở cung cấp nước phần lớn đã cũ kỹ, hao mòn. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước đã lên đến 40,5%, mỗi ngày mất hơn 500.000 m3 nước sạch, tương đương 3,5 tỉ đồng. Hệ thống đường ống phân phối cũ dẫn tới hiện tượng, có nơi tại nhà máy nước kiểm tra đạt chất lượng, nhưng khi tới hộ tiêu dùng thì nước lại bị tái ô nhiễm trở lại.
PV: Trước những khó khăn trên, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch ra sao để người dân thực sự yên tâm với nguồn nước đang sử dụng?
Có sự chồng chéo về nhiệm vụ giám sát, đánh giá lĩnh vực chất lượng nước và vệ sinh giữa các ngành chức năng. Bởi vậy, việc thành lập một cơ quan chủ trì, thống nhất trong lĩnh vực trên là rất cần thiết, qua đó nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, góp phần bảo đảm chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt cho nhân dân.
Ông Trương Đình Bắc: Theo tôi, cần thiết phải thiết lập một cơ quan chủ trì và phối hợp trong quá trình giám sát, đánh giá lĩnh vực chất lượng nước và vệ sinh, thông qua việc thành lập một nhóm công tác liên ngành để chỉ đạo. Cơ quan này sẽ giúp việc quản lý về nước được tập hợp trong một guồng máy thống nhất, từ đó nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, xử phạt; có khả năng nhanh chóng xử lý, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, cũng như nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, ăn uống...
Hiện nay, ngành y tế đang tập trung tăng cường năng lực cho hệ thống các viện, Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh, huyện thông qua đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đi đôi với việc đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, trong đó có lĩnh vực kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Bắt đầu từ năm 2008, các Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện về cơ bản đã ổn định tổ chức, đang được đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, bởi đây là tuyến quan trọng, trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên, ngành y tế dự phòng cũng rất cần được Nhà nước đầu tư tương xứng về chính sách, kinh phí để có đủ năng lực và chủ động trong công việc của mình.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan và tuyến cơ sở có căn cứ pháp lý để thực hiện. Đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, WB, DANIDA và các nhà tài trợ khác để tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, triển khai áp dụng các mô hình quản lý, giám sát chất lượng nước có tính ứng dụng cao trong cộng đồng để phổ biến nhân rộng./.
Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân  (30/11/2009)
Giới thiệu chính sách mới số 190  (30/11/2009)
Binh chủng Tăng - Thiết giáp: Sơ kết 1 năm thực hiện bước 2 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (29/11/2009)
Thấy gì qua các vụ đình công của công nhân trong những năm gần đây  (27/11/2009)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên