Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số: Xây dựng xã hội thích ứng với già hóa dân số
Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% dân số (năm 1989) lên 10,5% (năm 2013). Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn 6 năm so với dự báo. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Chỉ 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số. Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số, nghĩa là cứ 3 người trong độ tuổi lao động lại có 1 người cao tuổi. Giải thích về sự chuyển dịch cơ cấu dân số này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: Đây là một thành tựu do Việt Nam đã thực hiện thành công kế hoạch hóa gia đình. Số trẻ em sinh ra giảm đi rất nhanh làm tỷ trọng người cao tuổi tăng lên. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tân cũng nhấn mạnh: Khi số người cao tuổi tăng lên, về phương diện kinh tế - xã hội có rất nhiều việc cần làm. Đầu tiên là phải bảo đảm an toàn, ổn định của các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm y tế... Với số lượng người hưởng thụ tăng lên như vậy, việc bảo đảm an toàn cho các quỹ này không phải là chuyện dễ. Nếu chúng ta không có giải pháp kỹ lưỡng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số diễn ra đồng thời với quá trình hạt nhân hóa gia đình. Do vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện rất cao, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Hơn nữa, có những người cao tuổi không thể tự chăm lo cho cuộc sống khi về già, đòi hỏi Việt Nam phải có cơ chế, mô hình phù hợp chăm sóc người cao tuổi. Đây cũng là một thách thức lớn. Mặt khác, khi người cao tuổi tăng lên thì nhu cầu và mô hình bệnh tật cũng thay đổi do tỷ trọng những người cao tuổi có bệnh cao hơn so với trung niên và thanh niên. Ngoài ra, người cao tuổi thường gặp tình trạng mắc bệnh tật kép (một người cùng lúc mắc nhiều bệnh), đặc biệt là các bệnh mãn tính, đòi hỏi chữa trị lâu dài và theo dõi thường xuyên.
Theo Kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, chỉ có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị bệnh dẫn đến không điều trị. Đây là điều khiến cuộc sống của người cao tuổi gặp khó khăn nếu Việt Nam không có những chính sách để cải thiện tình trạng trên.
Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Để giải quyết những thách thức và tận dụng cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, bảo đảm đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình, chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Cộng đồng cần tích cực khuyến khích, tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng đất nước phù hợp với điều kiện sức khỏe và kinh nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Quốc hội và Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích xã hội hóa chăm sóc sức khỏe y tế. Khuôn khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn đã có, đã quan tâm đến người cao tuổi, nhưng thực tế triển khai có những điểm còn hạn chế, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng chưa nhiều. Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong đề án tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã đưa nội dung này vào, trong đó tích hợp mô hình bác sỹ gia đình để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và khuyến khích các mô hình khác nhau.
Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sóc ban đầu, tăng cường các hướng tiếp cận chăm sóc thân thiện chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch. Bộ Y tế cũng đặc biệt tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng chống bệnh ung thư. Theo các chuyên gia về dân số, để giữ vững, ổn định quy mô dân số, thích ứng với già hóa dân số, cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”. Các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp với các chuyển đổi về cơ cấu dân số nước ta, góp phần phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số./.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hội đàm Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov  (16/12/2015)
Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Quốc hội Campuchia về đào tạo nhân lực  (16/12/2015)
Pháp ủng hộ và hợp tác với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông  (16/12/2015)
Giai đoạn 2016-2020 triển khai nhiều can thiệp thiết yếu để chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em  (16/12/2015)
Việt Nam chuẩn bị toàn diện và đầy đủ cho Năm APEC 2017  (16/12/2015)
Đổi mới giáo dục  (16/12/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên