“Cơn bão” tài chính chưa từng có trong lịch sử đã đổ bộ xuống Phố Uôn của Mỹ đúng vào lúc mà cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống Mỹ  đang trong giai đoạn "nước rút". Các cuộc vận động tranh cử Tổng thống của nước Mỹ từ trước tới nay vẫn luôn coi vấn đề kinh tế là trung tâm. Lần này, những phản ứng trước khủng hoảng tài chính của hai ứng cử viên đã nhanh chóng thay đổi thế thượng phong vốn trước đó thuộc về ứng cử viên Đảng Cộng hòa, G. Mác-kên, đem lại "cơ hội" hiếm có cho ứng cử viên Đảng Dân chủ, B. Ô-ba-ma.

Cuộc “lội ngược dòng” của thượng nghị sỹ B. Ô-ba-ma xuất phát từ việc nắm rõ điểm yếu trong "chính sách kinh tế" của Đảng Cộng hòa. Ông B.Ô-ba-ma tập trung tấn công chính sách kinh tế của chính phủ G. Bu-sơ, đồng thời ra sức gắn đối thủ G.Mác-kên vào cỗ xe chiến tranh tốn kém này. Theo đó, ông Ô-ba-ma đưa ra lập luận rằng: nếu G.Mác-kên lên làm Tổng thống Mỹ, nước Mỹ sẽ chỉ là "thay đơn mà không đổi thuốc". Kết quả là nước Mỹ trong tương lai cũng chẳng khác gì một nước Mỹ hôm nay.

Ngay khi khủng hoảng tài chính đang chấn động nước Mỹ và thế giới, B. Ô-ba-ma tung ra đoạn quảng cáo "Chia sẻ với Phố Uôn". Đoạn quảng cáo của ông Ô-ba-ma mang tính chia sẻ khó khăn với người dân Mỹ có đoạn: “600.000 người Mỹ đã mất việc làm từ tháng 1-2008 tới nay. Các bạn phải trả nhiều hơn trong khi nhận được ít hơn trước. Nhưng đây không hẳn là vận đen. Các bạn đang phải chịu trách nhiệm bởi vì Oa-sinh-tơn thời gian qua đã không có trách nhiệm. Đó là lý do chúng ta cần phải có sự thay đổi".

Trước đó, ông Ô-ba-ma cũng chỉ trích phe Cộng hòa vì đã góp phần vào những khủng hoảng ngân hàng gần đây mà cao trào là những vụ phá sản của các đại gia ngân hàng của nước này. “Có quá nhiều bằng chứng từ những vụ việc gần đây cho thấy sai lầm của Oa-sinh-tơn và phố Uôn đã phơi bày rất rõ. Tám năm với những chính sách của phe Cộng hòa đã mang lại khủng hoảng tài chính - ngân hàng tồi tệ nhất kể từ thời đại suy thoái tới nay”. Tiếp đó, thượng nghị sĩ Ô-ba-ma cho rằng, chính Đảng Cộng hòa là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay song lại mập mờ về kế hoạch giải cứu nền kinh tế. “Làm thế nào ông G.Mác-kên có thể sửa chữa nền kinh tế của chúng ta trong khi ông ta không hiểu điều gì đã xảy ra?”, ứng cử viên Đảng Dân chủ đặt câu hỏi trong đoạn băng quảng cáo kết thúc bằng hình ảnh ông Mác-kên bên cạnh đương kim Tổng thống G.Bu-sơ.

Các kế hoạch khôi phục nền kinh tế Mỹ của ông Ô-ba-ma tập trung vào 4 đề xuất, bao gồm: Hỗ trợ một số ngân hàng với kế hoạch giải cứu của liên bang trị giá 700 tỉ USD; tạm thời đình chỉ việc tịch thu nhà cửa để thế nợ trong khoảng thời gian 90 ngày đối với chính chủ của những ngôi nhà đang nỗ lực thanh toán các khoản vay nợ thế chấp; tạm thời giảm 3.000 USD thuế cho mỗi việc làm mới do các công ty tạo ra ở Mỹ trong vòng 2 năm tới; cho phép các cử tri rút tiền khỏi quỹ tiết kiệm hưu trí đến cuối năm 2009 mà không bị phạt 10%, với mức rút tối đa là 10.000 USD; đề nghị Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính Mỹ thành lập một quỹ liên bang đặc biệt cung cấp tín dụng cho các chính quyền bang và thành phố do các hợp đồng kinh tế và tiền thu thuế địa phương đang giảm sút.

Các nhà phân tích ngân sách và kinh tế cho rằng, quy mô 4 đề xuất trên của ông Ô-ba-ma vẫn còn là chưa đủ so với quy mô của cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu hiện nay. Song ngay cả những người chỉ trích nhất kế hoạch giải cứu của ông Ô-ba-ma cũng không thể phủ nhận rằng: những phản ứng của ông Ô-ba-ma, dù chưa phải là tối ưu, song cũng còn hơn phản ứng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mác-kên, khi ông này chỉ chú trọng chỉ trích Tổng thống Bu-sơ.

Trước khẩu hiệu “những người cải cách thực sự” của ông G. Mác-kên -và người liên minh là bà X. Pa-lin, B. Ô-ba-ma đã thay đổi khẩu hiệu của mình, từ “sự thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng” thành “sự thay đổi mà chúng ta cần có”, theo đó, ông giải thích tình hình nước Mỹ hiện nay đã không còn là vấn đề "liệu có cần thiết thay đổi hay không" nữa, mà đã trở thành "tiến hành thay đổi như thế nào".

Khẩu hiệu này giúp ông Ô-ba-ma ngay lập tứ đảo ngược tình hình, vượt lên dẫn trước. Tỷ lệ dân chúng Mỹ ủng hộ ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Ô-ba-ma sau đó là 47%, còn con số này của ứng cử viên Đảng Cộng hòa, G. Mác-kên chỉ còn 45%.

Nhà tư vấn của phe Dân chủ Đ.Srô-en nói: “B. Ô-ba-ma có một chiến lược là đổ lỗi cho G.Bu-sơ về vấn đề hiện nay và đề nghị hỗ trợ tầng lớp trung lưu. G. Mác-kên dường như thay đổi chiến lược hàng ngày, hàng tuần. Lập luận của ông ta là gì? Tôi không hề thấy một chủ đề khái quát nào. Khi người dân còn lo lắng về các tài sản cầm cố của họ, tôi cho rằng họ sẽ chẳng để ý đến những đòn công kích cá nhân của ông Mác-kên".

Cơn khủng hoảng tài chính ngân hàng đang khiến lòng tin của người tiêu dùng nước này xuống tới mức thấp nhất kể từ 16 năm trở lại đây. Trong bối cảnh đó, ông Ô-ba-ma tỏ ra đặc biệt nhạy cảm khi tận dụng cơ hội này để vươn lên dẫn trước đối thủ Đảng Cộng hòa qua các cuộc thăm dò dư luận. Cứ 5 cử tri thì có 3 người nhận xét rằng: thượng nghị sỹ bang I-li-noi có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế tốt hơn ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Hơn một nửa số người được hỏi cho rằng, thượng nghị sỹ Mác-kên sẽ thực hiện chính sách kinh tế giống như Tổng thống Bu-sơ. Trong lĩnh vực thuế và các vấn đề cải cách hệ thống bảo hiểm, người Mỹ hiện nay đang ủng hộ các giải pháp do ông Ô-ba-ma đề ra. Thượng nghị sỹ Ô-ba-ma đề xuất tăng thuế đánh vào người giàu, xóa bỏ các chính sách giảm thuế do chính quyền của Tổng thống Bu-sơ đưa ra trước đây, vì nó chỉ có lợi cho tầng lớp có thu nhập cao, đồng thời nâng thuế giá trị gia tăng từ 15% hiện nay lên 28%. Trong khi đó, Mác-kên đề nghị tiếp tục giảm thuế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hạ thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 25%, tạm ngừng đánh thuế phụ thu liên bang đối với xăng dầu trong một thời gian để hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu đối phó với khủng hoảng giá nhiên liệu.

Bên ngoài những chính sách dân túy, thượng nghị sỹ Ô-ba-ma có lợi thế quyết định hơn thượng nghị sỹ Mác-kên khi Tổng thống Bu-sơ - người cùng đảng với ông Mác-kên, đã có một bản tổng kết thảm bại về kinh tế. Kể từ năm 2003 tới nay, khoản nợ quốc gia của Mỹ mỗi năm tăng thêm hơn 500 tỉ USD. Đến tháng 9-2008, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới 9.700 tỉ USD, chia bình quân mỗi người dân Mỹ phải “cõng” khoản nợ lên tới 31.700 USD/người.

Mới đây ,ông Ô-ba-ma lại có thêm sự ủng hộ từ một người có tên tuổi của phe Cộng hòa, Ngoại trưởng đầu tiên trong chính quyền Bu-sơ, Tướng C. Pô-uen, người công khai tuyên bố: “Ứng viên Cộng hòa Mác-kên chưa thực sự am hiểu những rắc rối trong nền kinh tế Mỹ, còn thượng nghị sỹ Ô-ba-ma sẽ giúp thay đổi tình hình kinh tế Mỹ nếu được bầu làm Tổng thống”. Sự hậu thuẫn của ông Pô-uen không đơn thuần là sự hậu thuẫn của một nhân vật cùng màu da mà nó còn thể hiện rằng, trước thực tế chao đảo hiện nay của nền kinh tế, vấn đề đảng phái đã không còn chi phối các chính trị gia hàng đầu ngay trong "bộ não" của Đảng Cộng hòa.

Giới quan sát nhận định, nếu ông Ô-ba-ma trúng cử Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, thì có phần không nhỏ do tranh thủ sự bất mãn của cử tri Mỹ trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Ba-rắc - tên ông Ô-ba-ma, theo tiếng Sa-hi-li, ngôn ngữ chính thức của Kê-ni-a - quê nội của thượng nghị sỹ bang I-li-noi này - có nghĩa là “Phước lành”. Cho đến nay, điều này có vẻ như đang đúng với ông Ô-ba-ma./.