TCCSĐT - Là một tỉnh anh hùng, nhiều phong trào thi đua và thành tích lẫy lừng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thanh Hóa còn là nơi có những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các cấp, các ngành, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện thành công toàn diện các phong trào thi đua yêu nước, gây dựng được tình cảm thiêng liêng, niềm tin sâu sắc của các dân tộc trong tỉnh với Đảng, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã chọn.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và được cụ thể hóa những chủ trương, biện pháp, triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 725/CT-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch 5 năm ( 2011 - 2015); Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng lần thứ XII, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và các ngày lễ lớn trong năm 2015. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,... Phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng trong toàn tỉnh, có sức lan tỏa lớn ra phạm vi ngoài địa phương.

Công tác tuyên truyền về thi đua, khen thưởng và gương điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng được quan tâm, chỉ đạo; đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về thi đua, khen thưởng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến được tiến hành thường xuyên, chọn điểm chỉ đạo một số mô hình và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng, có chất lượng, hiệu quả cao; huy động được đồng bộ nhiều nguồn lực, tạo được sức mạnh tổng hợp và đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,6%, vượt mục tiêu kế hoạch. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP chuyển dịch đúng hướng. GDP bình quân đầu người ước đạt 1.365USD, vượt mục tiêu kế hoạch. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 5,2% so với cùng kỳ, vượt mục tiêu kế hoạch (3,4%). Nhiều phong trào thi đua sôi nổi đã được phát động, tổ chức thực hiện có kết quả. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp cho hàng nghìn hộ nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Ngành công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện còn nhiều khó khăn, giá trị sản xuất ước đạt 30.489 tỷ đồng, bằng 99,5% kế hoạch, tăng 12,4% so với cùng kỳ; các ngành dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 52,474 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cung kỳ; các phong trào thi đua thường xuyên và chuyên đề được phát động liên tục trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất. Dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô và loại hình, thương mại nội địa phát triển nhanh, đa dạng theo hướng văn minh, hiện đại.

Các phong trào thi đua: “dạy tốt, học tốt”, “Hai không”, “trường học thân thiện, học sinh tích cực”,... được triển khai sâu rộng đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2014 tỉnh đã đạt 67 giải - xếp thứ sáu toàn đoàn. Quy mô giáo dục dần ổn định, quy hoạch mạng lưới các trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới gắn với nhu cầu xã hội. Các phong trào thi đua của ngành y tế phát triển cả diện rộng và chiều sâu. Rất nhiều các phong trào thi đua, như phong trào thi đua thực hiện lời dạy của Bác Hồ - “thầy thuốc như mẹ hiền” và thực hiện 12 điều y đức do Bộ trưởng Bộ Y tế phát động được đẩy mạnh, đã góp phần nâng cao công tác khám, chữa bệnh, tinh thần trách nhiệm, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong năm 2014, có thêm 62 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn lên 31,6%, vượt mục tiêu kế hoạch.

Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hoạt động thiết thực. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các cơ quan, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng; 100% xã, phường, thị trấn không còn nhà tranh tre tạm bợ; các chương trình giảm nghèo được lồng ghép và thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Các phong trào thi đua trong lực lượng vũ trang nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh, chất lượng, hiệu quả cao. Phong trào thi đua trong quân đội đã được coi trọng chỉ đạo, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, góp phần xây dựng thế trận an ninh, trật tự, thế trận lòng dân, giữ vững an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Qua các phong trào thi đua, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang được nâng cao về nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng, có nếp sống văn hóa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức hội quần chúng, phong trào thi đua mang lại hiệu quả, thực sự lôi cuốn và đã có tác động rõ nét, giúp các đơn vị, địa phương giải quyết được các công tác trọng tâm, trọng điểm, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với việc thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong các cộng đồng dân cư toàn tỉnh, đã vận động, quyên góp được trên 88 tỷ đồng, làm mới và sửa chữa được 59.365 nhà đại đoàn kết; huy động trên 6 tỷ đồng để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các đối tượng bị thiên tai, ốm đau, học sinh nghèo vượt khó. Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của Hội phụ nữ đã trở thành động lực động viên, cổ vũ nữ công nhân viên chức - người lao động vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ công tác. Phong trào thi đua trong khối công chức, viên chức đã mang lại hiệu quả cao trong cải cách hành chính, trong quan hệ công tác với nhân dân với đồng nghiệp, thực hiện tốt chức trách người cán bộ. Phong trào “Tuổi trẻ đất Lam Sơn tình nguyện xây dựng quê hương, lập thân, lập nghiệp và giữ nước” của Đoàn Thanh niên đã phát huy tinh thần xung kích, khát vọng, ý chí và sức mạnh của tuổi trẻ, không sợ hy sinh, gian khổ hăng hái lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành sinh hoạt chính trị rộng lớn trong hệ thống chính trị và trong nhân dân; được tổ chức thực hiện hiệu quả qua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện dân chủ, công tác quản lý cán bộ, đảng viên,…

Song song với các phong trào thi đua thường xuyên, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề lồng ghép các nội dung thi đua. Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã nhanh chóng triển khai và tổ chức thực hiện một cách có sáng tạo phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Đến tháng 12-2014, toàn tỉnh có 45 xã và 30 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến tháng 12-2015, toàn tỉnh có 41 xã và 33 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân đạt 11,8 tiêu chí, tăng 7,1 tiêu chí so với khi bắt đầu triển khai; nguồn vốn huy động đầu tư được 21.500 tỷ đồng.

Công tác khen thưởng, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tiếp tục được quan tâm, có tác dụng tích cực. Việc khen thưởng có sự đổi mới cả về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình khen thưởng. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, đơn vị; đã quan tâm hơn đến khen thưởng đột xuất, kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, hành động dũng cảm trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh, truy quét tội phạm,…Việc phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được triển khai kịp thời, tỉnh tặng thêm cho mỗi bà mẹ 01 suất quà trị giá 01 triệu đồng.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa có nhiều thành tích nổi bật, đạt được chất lượng và hiệu quả trong các phong trào thi đua yêu nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh do Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Có được những kết quả như trên là do các cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp làm tốt công tác tuyên truyền về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đến toàn thể đảng viên, cán bộ công nhân viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, chỉ đạo sâu sát của chính quyền, phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể có ý nghĩa quyết định sự thành công của các phong trào thi đua, công tác khen thưởng. Việc coi trọng xây dựng kế hạch tổ chức phong trào thi đua với mục tiêu, nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, gắn yêu cầu nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, trọng điểm, với lợi ích thiết thực của cơ quan, đơn vị; phương pháp và hình thức thi đua phải phù hợp, gắn liền với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị, địa phương vững mạnh, toàn diện. Lấy kết quả việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị là mục tiêu, động lực quan trọng để tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước thì phong trào thi đua mới duy trì được thường xuyên và thu hút được nhiều người tham gia. Công tác tôn vinh, khen thưởng được minh bạch, công khai, dân chủ, đúng người, đúng thành tích, đúng luật, kịp thời và phải được bình chọn từ cơ sở.

Năm 2015 là năm có rất nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, của nhân dân ta; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; cả nước tổ chức đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, năm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh, đó là:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên, nhân dân cần được chú ý thực hiện sâu, rộng và toàn diện nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ của dân tộc, của Đảng ta. Đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, nhân dân phù hợp điều kiện về thời gian, địa điểm, tình hình, đặc điểm mỗi vùng miền, bảo đảm chất lượng tốt, có hiệu quả cao.

Chú ý việc tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.

Thứ hai, việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước cần được coi trọng thực chất; xây dựng hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng miền,… hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Việc sơ kết, tổng kết, đánh giá sát thực, kịp thời; khen thưởng đúng đối tượng, đúng thành tích; chú ý đối tượng là công chức, viên chức, người lao động trực tiếp.

Thứ ba, công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến cần được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm hơn nữa; đặc biệt việc bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến để có hiệu quả cao hơn.

Thứ tư, các cơ quan nhà nước cần phối kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội khác trong việc phát động, tổ chức phong trào thi đua trong toàn tỉnh.

Thứ năm, tiếp tục quan tâm kiện toàn hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp bảo đảm hoạt động chất lượng, hiệu quả. Chú ý đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đủ về số lượng, có năng lực thực tiễn, có phẩm chất đạo đức để việc tham mưu, thực hiện có hiệu quả cao hơn.

Thứ sáu, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát về công tác thi đua, khen thưởng và việc tổ chức các phong trào thi đua trong toàn tỉnh; để việc đánh giá tập thể và cá nhân được sát thực hơn. Qua kiểm tra, giám sát giúp cho địa phương, đơn vị kịp thời phát hiện, sửa chữa khắc phục những hạn chế, thiếu sót, phát huy những ưu điểm, tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn./.